Chủ động đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học quân sự Cảnh sát biển trong tình hình mới

31/12/2016 09:38:00 AM

(Canhsatbien.vn) - 

Ngày nay, hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế chung của mỗi quốc gia. Tuy nhiên, tình hình quốc tế và khu vực, đặc biệt là khu vực Biển Đông đang có những diễn biến hết sức phức tạp và khó lường. Sự tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng khoa học, công nghệ, những thành tựu khoa học nhanh chóng được ứng dụng trong tất cả các lĩnh vực, khiến cho các hoạt động trên các vùng biển ngày càng đa dạng, phức tạp và tinh vi hơn. Nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo đang đặt ra cho Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển (BTL CSB) những yêu cầu nhiệm vụ mới ngày càng cao. Cùng với sự phát triển của toàn lực lượng, Ngành Khoa học quân sự (KHQS) CSB phải chủ động, sáng tạo tập trung nghiên cứu giải quyết những vấn đề có tính thực tiễn trên cơ sở đúc kết, phát huy những kinh nghiệm truyền thống để đẩy nhanh quá trình phát triển lực lượng, cần nỗ lực phấn đấu, khắc phục mọi khó khăn; tích cực đầu tư xây dựng tiềm lực Khoa học CSB (KHCSB) toàn diện cả về đội ngũ cán bộ làm công tác khoa học và cơ sở vật chất, trang thiết bị đồng bộ ngang tầm nhiệm vụ; tiếp tục nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động công tác nghiên cứu KHQS để góp phần xây dựng LL CSB “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”, có tính chuyên nghiệp cao, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Quang cảnh buổi hội thảo đóng góp ý kiến vào đề cương chi tiết đề tài khoa học tại BTL Cảnh sát biển.

Trên cơ sở tư tưởng chỉ đạo, phương hướng nhiệm vụ xây dựng CSB Việt Nam mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ X và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ CSB lần thứ IV đã xác định, xuất phát từ thực tiễn và xu hướng phát triển của LL CSB. Từ đó, công tác nghiên cứu khoa học CSB trong thời gian tới, cần chú trọng một số vấn đề cơ bản sau:
Thứ nhất: Nhận thức và quan tâm đúng mức đến vai trò công tác nghiên cứu khoa học, công nghệ
Xuất phát từ vị trí, tầm quan trọng của công tác nghiên cứu KHCN, đòi hỏi lãnh đạo, chỉ huy các cấp phải đặc biệt coi trọng. Bởi vì, công tác nghiên cứu khoa học, công nghệ và môi trường CSB là toàn bộ các hoạt động sáng tạo có tổ chức nhằm phát triển khoa học, công nghệ và giải quyết các vấn đề về môi trường biển, ứng dụng những kết quả nghiên cứu vào việc xây dựng LL CSB, nâng cao hiệu quả quản lý và bảo vệ các Vùng biển Việt Nam, là phương hướng cơ bản của công tác nghiên cứu khoa học CSB, đồng thời nghiên cứu và vận dụng sáng tạo lý luận vào thực tiễn nhằm nâng cao sức mạnh tổng hợp của LL CSB, ứng dụng những kết quả nghiên cứu vào thực tế các nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, huấn luyện, giáo dục bộ đội, công tác quản lý, bảo quản, kiểm sửa các phương tiện tàu thuyền, trang bị kĩ thuật, công tác nghiệp vụ CSB và xử lí môi trường biển. Đưa ra những yêu cầu mới đối với việc nghiên cứu đề tài khoa học và đẩy mạnh sáng kiến cải tiến kỹ thuật mang tính ứng dụng cao, đồng thời cần tích cực tiếp thu và áp dụng những phương thức nghiên cứu khoa học mới mà đặt trọng điểm của công tác nghiên cứu khoa học CSB vào những đề tài khoa học có sản phẩm mang tính đột phá nhằm nghiên cứu phát triển khoa học nghệ thuật CSB, không ngừng nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ vùng biển của LL CSB trong tình hình mới.
Thứ hai: Phát huy dân chủ, thực sự cầu thị trong nghiên cứu khoa học quân sự
Đây chính là tinh túy của chủ nghĩa Mác-Lênin đối với phương pháp tiếp cận nghiên cứu khoa học, cũng là linh hồn để lý luận quân sự nói chung và khoa học CSB nói riêng không ngừng phát triển, sáng tạo cái mới.
Căn cứ vào yêu cầu nhiệm vụ thực tiễn của CSB Việt Nam, để nhanh chóng tiếp cận đối tượng phục vụ, làm sao cho những kiến thức tích lũy được luôn ở trong trạng thái sẵn sàng được ứng dụng; bảo đảm trong những thời điểm quyết định, những vấn đề mấu chốt có được kết quả nghiên cứu làm thoả mãn yêu cầu nhiệm vụ đặt ra. Trong nghiên cứu cần dựa vào những nhân tài, những cán bộ đầu ngành chuyên sâu để định hướng công tác nghiên cứu khoa học. Có chính sách ưu đãi hợp lý với người tài, kiên quyết loại bỏ những cá nhân yếu kém, làm cho đội ngũ nghiên cứu khoa học trong LL CSB luôn phải tích cực học tập phấn đấu nâng cao trình độ đáp ứng yêu cầu nhiêm vụ nghiên cứu khoa học. Cần loại bỏ tư tưởng được chăng hay chớ. Nghiên cứu phải luôn bám sát vào sự phát triển của nhiệm vụ CSB, theo xu hướng đi tắt đón đầu. Những thành tích và kết quả nghiên cứu khoa học đáp ứng nhu cầu của việc xây dựng LL CSB. Cần loại bỏ tác phong nghiên cứu bảo thủ, trì trệ, lý thuyết, mà phải dám đưa ra những quan điểm mới, suy nghĩ mới, kiến nghị mới, không ngừng tìm tòi lý luận mới. Luôn bám sát thực tiễn, vì thực tiễn là cơ sở lý luận, là nguồn gốc của sự phát triển khoa học CSB. Mạnh dạn loại bỏ tư duy nghiên cứu lý luận không gắn với thực tiễn.
Thứ ba: Có cơ chế, chính sách thông thoáng trong quản lý nghiên cứu khoa học
Nghiên cứu khoa học CSB cần phải căn cứ vào yêu cầu của sự phát triển tình hình để đặt ra nhiệm vụ, mục tiêu nghiên cứu. Không ngừng hoàn thiện chế độ quản lý nghiên cứu khoa học CSB, vận dụng phương thức đặt hàng nghiên cứu đối với đề tài khoa học cấp Nhà nước, cấp Bộ Quốc phòng và giao nhiệm vụ trực tiếp đối với đề tài nghiên cứu cấp cơ sở, đồng thời cải cách và hoàn thiện qui chế hoạt động khoa học công nghệ của BTL CSB, đổi mới chế độ xây dựng kế hoạch đề tài, kết hợp bổ sung giữa kế hoạch với tự chọn đề tài, xác lập hình thức tổ chức nghiên cứu khoa học, thực hiện biện pháp “kinh phí đi cùng đề tài”, cải tiến công tác thanh toán, quyết toán tài chính một cách linh hoạt cho các đề tài, dự án trên cơ sở kinh phí được duyệt và chất lượng của sản phẩm được nghiên cứu... Có cơ chế hợp tác trao đổi giữa các đơn vị, học viện nhà trường, các cơ quan, viện nghiên cứu trong và ngoài BTL CSB. Tăng cường giao lưu học hỏi giữa các đơn vị nghiên cứu KHQS với các ngành, các cơ quan nghiên cứu khoa học hữu quan của Nhà nước và các địa phương. Đồng thời cần đẩy mạnh giao lưu đối ngoại có chọn lọc với các đơn vị nghiên cứu khoa học, với các tổ chức nghiên cứu khoa học ở nước ngoài; tổ chức hoặc tham gia các cuộc hội thảo khoa học trong nước và quốc tế. Phải được xem xét trong điều kiện mới, nhằm xác định những vấn đề có tính nguyên tắc, cần giữ vững, phát huy và xác định những vấn đề cần bổ sung, phát triển để đổi mới tư duy trong cách nghĩ và cách làm công tác nghiên cứu khoa học trong BTL CSB. Luôn tự ý thức được nhu cầu đổi mới và có phương pháp luận nghiên cứu khoa học phù hợp, luôn chủ động, sáng tạo trong nghiên cứu khoa học.
Thứ tư: Chú trọng xây dựng con người, chăm lo bồi dưỡng và đào tạo đội ngũ nghiên cứu khoa học CSB
Yếu tố con người vẫn luôn đứng ở vị trí trung tâm, là nhân tố quyết định thắng lợi của mọi công việc. Yếu tố con người trong nghiên cứu khoa học được hiểu là những con người giác ngộ chính trị, có tri thức cao, luôn biết đồng tâm hiệp lực, dám nghĩ, dám làm. Điều này cho thấy, trong nghiên cứu KHQS, trước hết cần kết hợp chặt chẽ giữa khoa học tự nhiên quân sự với khoa học xã hội nhân văn quân sự nhằm tìm tòi, phát hiện qui luật hoạt động, từ đó giải quyết tốt mối quan hệ giữa xây dựng nghệ thuật tác chiến với xây dựng yếu tố chính trị tinh thần, làm cho con người đam mê nghiên cứu khoa học và cầu thị, luôn trau dồi tri thức về lĩnh vực quân sự hiện đại.
Trong nghiên cứu KHQS, phải chú trọng nghiên cứu tìm ra mục tiêu nghiên cứu và xây dựng được khái niệm, đồng thời đề xuất được các giải pháp, biện pháp để giải quyết vấn đề cần nghiên cứu. Những vấn đề đó đều phụ thuộc vào con người, do đó người làm công tác khoa học phải luôn toàn tâm, toàn ý và nhận thức rõ trách nhiệm chính trị, luôn cảnh giác với kẻ thù và sự nhạy cảm chính trị trước những diễn biến tình hình, không bảo thủ nhưng không năng động vô nguyên tắc.
Bồi dưỡng, đào tạo cán bộ nghiên cứu đầu ngành, có phẩm chất chính trị, nghiệp vụ giỏi, trình độ chuyên sâu là hạt nhân để chủ trì, tập hợp đội ngũ cán bộ nghiên cứu KHQS theo chuyên ngành, nhiệm vụ nghiên cứu. Mạnh dạn giao trọng trách cho cán bộ đầu ngành trẻ để họ có cơ hội phát huy khả năng và tự tin trong công tác nghiên cứu. Cần phát huy tối đa khả năng nghiên cứu và ứng dụng các kết quả nghiên cứu KHQS, biến những kết quả ấy thành sức mạnh tổng hợp trong toàn lực lượng. Tăng cường bồi dưỡng, đào tạo cán bộ nghiên cứu, lấy bồi dưỡng tại chức làm chính cùng nhiều hình thức bồi dưỡng, đào tạo khác để nâng cao trình độ cán bộ nghiên cứu, nghiên cứu viên… Tăng cường kiểm tra xem xét thành tích nghiệp vụ chuyên môn của cán bộ nghiên cứu, đi sâu cải cách chế độ tuyển chọn, đề bạt, miễn chức của cán bộ nghiên cứu.
Thứ năm: Chủ động tích cực đi tắt, đón đầu trong nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ cao
Lực lượng CSB Việt Nam là một trong sáu lực lượng trong toàn quân được Quân uỷ TW – Bộ Quốc phòng xác định là lực lượng tiến thẳng lên hiện đại. Để CSB Việt Nam phát triển nhanh chóng và bền vững cần xác định bước đi đúng hướng và cách thức phát triển phù hợp. Trong giải quyết các vấn đề thuộc lĩnh vực KHQS, chúng ta có những thời cơ, có thể khai thác thành quả khoa học - công nghệ thế giới để đi tắt đón đầu cả trong nghiên cứu và ứng dụng. Hiện nay, để có những bước phát triển rõ rệt, cần tập trung nghiên cứu và ứng dụng các công nghệ mũi nhọn: công nghệ thông tin, tự động hóa, công nghệ vật liệu mới, công nghệ mô phỏng, phục vụ cho việc đóng mới tàu, thuyền, cung cấp trang thiết bị trinh sát, quan sát, tuần tra, kiểm soát, tuần thám, cứu hộ cứu nạn trên biển; trong đó công nghệ thông tin và tự động hóa sẽ trực tiếp góp phần giải phóng sức mạnh vật chất, trí tuệ và tinh thần của bộ đội, đáp ứng phương hướng xây dựng CSB Việt Nam “cách mạng, chính qui, tinh nhuệ, hiện đại” và có tính chuyên nghiệp cao.
Từ những vấn đề trên có thể nói, công tác nghiên cứu KHQS CSB có vị trí rất quan trọng và có phạm vi nghiên cứu rất rộng, để lý luận KHQS CSB tiếp cận, dự báo sát đúng với mọi tình huống xảy ra trên các vùng biển, đòi hỏi công tác nghiên cứu KHQS CSB phải được đẩy mạnh và được đầu tư nghiên cứu một cách thường xuyên liên tục. Kết quả nghiên cứu KHQS CSB với những dự báo các tình huống trên các vùng biển một cách khoa học sát đúng sẽ là cơ cở khoa học để giúp Thủ trưởng BTL CSB làm tốt công tác tham mưu cho Đảng, Nhà nước và Quân uỷ Trung ương - Bộ Quốc phòng đề ra các quyết sách khoa học đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc trong tình hình mới./.

Thượng tá Đoàn Hồng Hải - Phó Trưởng phòng KHQS/ BTM Cảnh sát biển

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục gửi về banbientapcsb@gmail.com