Kết quả thực hiện nhiệm vụ huấn luyện sau 3 năm thực hiện Nghị quyết 397 của Đảng ủy Cảnh sát biển

27/12/2016 08:25:00 AM

(Canhsatbien.vn) - 

Huấn luyện là nhiệm vụ trọng tâm thường xuyên, là thời cơ để phát triển lý luận quân sự Cảnh sát biển, bổ sung kế hoạch cho nhiệm vụ tác chiến, bảo vệ chủ quyền biển đảo, duy trì và thực thi pháp luật trên biển.

 

Huấn luyện nâng, hạ xuồng trên Tàu CSB 8002. (Ảnh: Anh Tuấn)

Trên cơ sở quán triệt sâu sắc Nghị quyết 765-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương, năm 2013, Đảng ủy Cảnh sát biển đã ban hành Nghị quyết 397-NQ/ĐU về “Nâng cao chất lượng huấn luyện giai đoạn 2013-2020 và những năm tiếp theo”, trong đó xác định giai đoạn 2013-2016 phải tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng huấn luyện theo phương châm “đổi mới toàn diện, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, lấy đổi mới nội dung chương trình, tổ chức phương pháp huấn luyện làm khâu đột phá; nâng cao chất lượng huấn luyện cán bộ là then chốt”.

Căn cứ vào nội dung, yêu cầu của Nghị quyết, các tổ chức Đảng trong toàn lực lượng đã ra Nghị quyết chuyên đề về lãnh đạo đổi mới, nâng cao chất lượng huấn luyện. Trong đó, cấp ủy các cấp trực tiếp chỉ đạo, thông qua nội dung, chương trình huấn luyện, các văn bản hướng dẫn, kế hoạch huấn luyện chiến đấu và phân công cấp ủy viên phụ trách kiểm tra, đôn đốc. Đẩy mạnh thực hiện quy chế dân chủ, phát huy vai trò của các tổ chức trong công tác huấn luyện. Từng bước khắc phục biểu hiện chủ quan, khoán trắng cho cấp dưới hoặc bớt xén nội dung, chương trình huấn luyện, hạ thấp yêu cầu và giảm “bệnh thành tích”. Cơ quan chính trị các cấp đã vào cuộc, tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động CTĐ, CTCT trong huấn luyện; coi trọng giáo dục, nâng cao nhận thức cho các đối tượng về chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng; niềm tin vào vũ khí, trang bị và nghệ thuật quân sự Việt Nam, đẩy mạnh phong trào thi đua “Xây dựng đơn vị huấn luyện giỏi”, góp phần nâng cao chất lượng huấn luyện.

Với phương châm “thiết thực, cơ bản, vững chắc”, coi trọng huấn luyện đồng bộ, chuyên sâu, sát đối tượng, yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới và lấy nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, duy trì, thực thi pháp luật trên biển làm mục tiêu, yêu cầu xuyên suốt trong quá trình huấn luyện của toàn lực lượng. Cấp ủy, chỉ huy các đơn vị đã cụ thể hóa cho từng chuyên ngành để có biện pháp nâng cao chất lượng huấn luyện, làm chủ vũ khí, trang bị kỹ thuật hiện có. Tăng cường huấn luyện thực hành, huấn luyện đêm, huấn luyện trong điều kiện thời tiết phức tạp. Tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng huấn luyện, luyện tập chiến thuật vòng tổng hợp nhất là đổi mới nội dung, chương trình và tổ chức phương pháp huấn luyện; coi trọng rèn luyện năng lực chỉ huy độc lập của Hải đội trưởng, Biên đội trưởng, Thuyền trưởng và hiệp đồng với các lực lượng trong thực hiện nhiệm vụ. Tích cực ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý, huấn luyện, dạy học và diễn tập. Bên cạnh việc tổ chức huấn luyện theo chương trình, cấp ủy, chỉ huy các đơn vị đã chỉ đạo tổ chức huấn luyện kết hợp trong quá trình làm nhiệm vụ, huấn luyện tại các nhà máy khi tàu đi sửa chữa để nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật, khả năng thao tác thực tế cho cán bộ, chiến sĩ. Hàng năm, Bộ Tư lệnh các Vùng CSB đều tổ chức hội thi tàu, xe tốt, hội thao huấn luyện giỏi; qua đó đẩy mạnh phong trào tích cực nghiên cứu, học tập, bảo quản, giữ tốt dùng bền VKTB, nâng cao chất lượng tàu thuyền, VKTBKT.

Đảng ủy CSB xác định đổi mới, nâng cao chất lượng tập huấn, bồi dưỡng cán bộ là khâu then chốt, có ý nghĩa quyết định chất lượng huấn luyện tại các đơn vị. Do đặc thù tổ chức, biên chế của Lực lượng CSB, đối tượng huấn luyện đa dạng, vì vậy trong tập huấn, bồi dưỡng cán bộ, các đơn vị đã tập trung thực hiện tốt cho từng đối tượng, đã chú trọng huấn luyện nâng cao trình độ kỹ thuật, chiến thuật tàu CSB, huấn luyện chuyên môn kỹ thuật và huấn luyện pháp luật, nghiệp vụ; bồi dưỡng về công tác tham mưu tác chiến, tham mưu huấn luyện theo chức trách. Đặc biệt đã coi trọng bồi dưỡng về tổ chức và phương pháp huấn luyện cho đội ngũ cán bộ cấp hải đội, tàu, cụm, đội, nhất là sĩ quan mới ra trường. Đổi mới công tác luyện tập, diễn tập cho cán bộ chỉ huy, cơ quan nắm chắc các kiến thức cơ bản về khái niệm, đặc điểm, âm mưu, thủ đoạn và khả năng sử dụng vũ khí công nghệ cao, phương thức tác chiến của địch; thủ đoạn, phương thức, hoạt động của các đối tượng vi phạm pháp luật. Công tác diễn tập được chú trọng và từng bước được đổi mới hoàn chỉnh, phù hợp với đặc thù của từng đơn vị, vũ khí, phương tiện, trang bị hiện có, sát với tình hình, điều kiện thực tiễn. Tổ chức huấn luyện, luyện tập xử lý tình hình huống trên hải đồ tại SCH các cấp, qua luyện tập, diễn tập trình độ của chỉ huy, cơ quan ngày càng được nâng cao.

Đảng ủy, Thủ trưởng BTL Cảnh sát biển đã thực hiện công tác quản lý, chỉ đạo, bảo đảm huấn luyện theo hướng tập trung thống nhất, đồng bộ, thông qua mệnh lệnh huấn luyện chiến đấu và kế hoạch huấn luyện hằng năm. Các đơn vị đã thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý, chỉ đạo bảo đảm cho nhiệm vụ huấn luyện. Tập trung đầu tư có trọng điểm cho xây dựng, củng cố phòng học, thao trường, bãi tập, mô hình học cụ huấn luyện theo hướng cơ bản, chính quy, thống nhất, đảm bảo phù hợp với nhiệm vụ, công tác và sinh hoạt chính quy của bộ đội, tạo điều kiện thuận lợi cho việc quản lý con người, VKTB. Cơ sở vật chất và các điều kiện bảo đảm cho việc thực hiện các chế độ sinh hoạt chính quy tuy từng bước được cũng cố. Ngoài chỉ tiêu phân bổ ngân sách của trên, các đơn vị luôn chủ động tự tạo nguồn kinh phí, vật chất để bảo đảm cho công tác huấn luyện chiến đấu, GDCT đạt kết quả cao nhất; đây là yếu tố nội lực của các đơn vị cần được phát huy nhiều hơn nữa ở các cấp, các ngành trong toàn lực lượng.

Để hoàn thành tốt nhiệm vụ, trong từng năm, Đảng ủy, Thủ trưởng BTL đã triển khai các khâu đột phá trong xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện, thực hiện nền nếp chính quy, xây dựng phong cách, tác phong công tác cho cán bộ chiến sĩ. Cấp ủy, chỉ huy các cấp đã quán triệt, giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ nắm chắc các chỉ thị của trên về xây dựng nền nếp chính quy, chấp hành kỷ luật, an toàn trong tham gia giao thông, an toàn trong huấn luyện, thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 113/CT-BTL, Quyết định 115/QĐ-BTL của Tư lệnh CSB. Tích cực củng cố hệ thống biển, bảng chính quy, trật tự nội vụ của cơ quan, đơn vị, lễ tiết tác phong quân nhân, xưng hô, chào hỏi.

Bên cạnh những mặt mạnh đã đạt được, công tác huấn luyện trong những năm qua còn một số hạn chế như: Sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của một số cấp ủy, người chỉ huy chưa cao, chưa thể hiện rõ tinh thần của Nghị quyết “Huấn luyện là nhiệm vụ trọng tâm trong thời bình”; Còn có hiện tượng “giao khoán cho cơ quan quân huấn, cho cấp dưới”; Sự phối kết hợp, trao đổi công tác giữa các cơ quan còn thiếu đồng bộ, nhịp nhàng. Thực hiện chưa triệt để các chế độ công tác của người chỉ huy, chưa kịp thời phát hiện, ngăn ngừa, uốn nắn những sai phạm của đơn vị.

Mặt khác, việc vận dụng, thực hiện phương châm “Thiết thực, cơ bản, vững chắc” ở một số đơn vị chưa đầy đủ, chưa thực sự sáng tạo, còn bị động, máy móc. Công tác tham mưu, đề xuất của cơ quan về xây dựng nội dung huấn luyện chuyên ngành, nhất là huấn luyện pháp luật, huấn luyện nghiệp vụ còn thiếu chủ động. Công tác huấn luyện cán bộ chưa thực sự được chú trọng, còn mang tính hình thức, kết quả huấn luyện chưa thực chất, chưa phản ánh thực tế kết quả hoạt động của cán bộ trong tổ chức, điều hành chỉ huy đơn vị thuộc quyền. Việc lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng nền nếp chính quy, duy trì chế độ, lễ tiết tác phong quân nhân có chuyển biến tiến bộ, song chưa vững chắc, một số ít cán bộ, chiến sĩ chưa tự giác rèn luyện, giữ gìn tư cách, phẩm chất; phương pháp công tác chậm đổi mới. Tình hình vi phạm kỷ luật, mất an toàn hàng hải trong thực hiện nhiệm vụ, mất an toàn khi tham gia giao thông vẫn còn, gây hậu quả nghiêm trọng. Việc phát hiện, báo cáo và xử lý kỷ luật chưa kịp thời, chưa thực sự có tác dụng toàn diện để giáo dục, rèn luyện, răn đe.

Một số bài học kinh nghiệm rút ra:

Một là: cấp ủy, chỉ huy, chính ủy, chính trị viên các cấp phải thường xuyên quán triệt sâu sắc về phương hướng, mục tiêu, tư tưởng chỉ đạo và các nội dung giải pháp về công tác huấn luyện mà Nghị quyết 397 đã đề ra.

Hai là: phát huy vai trò của cấp ủy, người chỉ huy, chính ủy, chính trị viên, hội đồng quân nhân, các tổ chức quần chúng trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, gắn huấn luyện chiến đấu với xây dựng nền nếp chính quy, quản lý kỷ luật, xây dựng đơn vị VMTD, tổ chức đảng TSVM.

Ba là: bám sát nhiệm vụ, phương tiện, VKTBKT của đơn vị, lấy nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, thực thi pháp luật và xây dựng Cảnh sát biển hiện đại làm mục tiêu huấn luyện.

Bốn là: tăng cường công tác kiểm tra của lãnh đạo, chỉ huy các cấp tập trung vào các nội dung nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác huấn luyện cán bộ, nhân viên chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ và pháp luật. Kết hợp giữa kiểm tra định kỳ và kiểm tra đột xuất; đổi mới, nâng cao chất lượng trong tổ chức Hội thi, Hội thao huấn luyện.

Năm là: làm tốt công tác sơ, tổng kết, rút kinh nghiệm huấn luyện, phát động phong trào thi đua trong huấn luyện, động viên, khích lệ biểu dương khen thưởng kịp thời, nhất là với tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác huấn luyện. Kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện thiếu trách nhiệm, sai trái, không đúng quy trình, quy định trong huấn luyện, xem xét xử lý kỷ luật kịp thời, nghiêm minh, đúng người, đúng việc, đồng thời thông báo rút kinh nghiệm đến các đơn vị trong toàn lực lượng.

Thực hiện tốt nhiệm vụ huấn luyện là góp phần xây dựng LL CSB theo hướng “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại và có tính chuyên nghiệp cao” bảo vệ an ninh chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa X) của Đảng về “Chiến lược biển Việt Nam đến 2020” và làm sáng thêm phẩm chất “Anh Bộ đội Cụ Hồ - Người chiến sĩ Cảnh sát biển”, góp phần tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ đổi mới.

Thượng tá Trương Đức Tuệ - Trưởng phòng Quân huấn, Nhà trường/BTM
Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục gửi về banbientapcsb@gmail.com