08/06/2017 10:31:00 AM
(Canhsatbien.vn) -
Biển, đảo là một bộ phận lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc, có vị trí đặc biệt quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước. Bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc là điều kiện, nội dung giữ vững độc lập dân tộc, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, duy trì hòa bình, ổn định và phát triển bền vững.
Trước tình hình có nước lớn muốn độc quyền kiểm soát Biển Đông, đẩy mạnh các hoạt động xây dựng, cải tạo bồi đắp đảo trái phép, đưa tàu chiến, phương tiện, vũ khí quân sự ra Hoàng Sa, Trường Sa; tổ chức diễn tập trên Biển Đông đã và đang làm phức tạp tình hình, đe dọa đến độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Quán triệt, thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng: “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ vững chắc biên giới và chủ quyền biển, đảo, vùng trời của Tổ quốc; đồng thời giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển bền vững đất nước” đòi hỏi chúng ta phải có những giải pháp đấu tranh đồng bộ cả trên thực địa, cả trong lĩnh vực chính trị, pháp lý, ngoại giao để tránh xung đột vũ trang hoặc chiến tranh. Đấu tranh trên lĩnh vực chính trị là một nhiệm vụ vô cùng quan trọng nhưng cũng không kém phần khó khăn, phức tạp. Để tiếp tục đấu tranh chính trị có hiệu quả thiết thực, xin đề xuất một số giải pháp về chính trị góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo trong tình hình hiện nay:
Một là, tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao nhận thức trách nhiệm cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân về nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo.
Đây là giải pháp có vị trí quan trọng hàng đầu, bởi vì nó định hướng nhận thức, tư tưởng, trau dồi tình cảm của cán bộ, đảng viên, nhân dân và toàn bộ hệ thống chính trị về vị trí, vai trò, sức mạnh của biển, ý thức trách nhiệm của các tổ chức, các lực lượng trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Thực hiện giải pháp này sẽ làm cho mọi người nhận thức rõ biển đảo là một bộ phận lãnh thổ thiêng liêng, bất khả xâm phạm của Tổ quốc, có vai trò quan trọng trong quá trình phát triển của dân tộc. Mặt khác, thời gian qua, vấn đề nhận thức về vị trí, tầm quan trọng của biển, đảo và hành động của một bộ phận nhân dân chưa thống nhất, thậm chí sai lệch, bị lợi dụng, kích động. Vì vậy, phải tăng cường giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho các cấp, các ngành, lực lượng vũ trang và toàn dân. Đây cũng là từng bước xây dựng thế trận lòng dân bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Trước hết cần lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất, chặt chẽ từ Trung ương tới các địa phương và phối hợp đồng bộ giữa các bộ, ban, ngành, các địa phương trong nước cũng như quốc tế để tiến hành. Tập trung giáo dục chủ trương, quan điểm của Đảng về Chiến lược Biển, Chiến lược Bảo vệ Tổ quốc, Luật Biển; các chính sách, pháp luật của Nhà nước về biển, đảo, đi sâu chính sách trong đấu tranh xử lý vấn đề Biển Đông sau khi Tòa Trọng tài quốc tế (PCA) có phán quyết về “đường 9 đoạn”. Quán triệt và thực hiện tốt phương châm, tư tưởng chỉ đạo “4 Tránh”, “3 Không” và “9 K”. Chỉ đạo các đài phát thanh, truyền hình TW, địa phương và sử dụng các trang mạng mở nhiều chuyên mục về biển, đảo, tăng thời lượng phát sóng chuyên đề biển đảo quê hương. Tổ chức, xây dựng lực lượng đấu tranh chuyên sâu trên lĩnh vực chính trị, pháp lý. Tổ chức các hội thảo, diễn đàn, mít tinh, tuần hành… hướng về biển, đảo. Trên cơ sở nâng cao nhận thức cho toàn dân, chú trọng tuyên truyền cho nhân dân ven biển, các ngư dân, lực lượng làm nhiệm vụ quản lý, thực thi pháp luật, bảo vệ chủ quyền và khai thác kinh tế biển, đảo để họ nhận thức sâu sắc quan điểm của Đảng, Nhà nước về sự nghiệp bảo vệ biển, đảo.
Mặt khác, kiên quyết đấu tranh với những phần tử cơ hội chính trị lợi dụng vấn đề Biển Đông để kích động, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xuyên tạc chính sách của Đảng và Nhà nước; gây rối an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đồng thời chia rẽ Cộng đồng ASEAN và 3 nước Đông Dương. Quản lý chặt chẽ các trang mạng xã hội, định hướng tư tưởng cho nhân dân không vì yêu nước mà bị lợi dụng, lôi kéo vào hoạt động chống đối như biểu tình bất hợp pháp, đập phá nhà máy, công ty của người nước ngoài làm ăn, kinh doanh tại Việt Nam. Phát huy các cơ quan thông tin đối ngoại, đại diện của Việt Nam ở nước ngoài… kiên quyết đấu tranh phản bác những thông tin, luận điệu phản động, vu cáo, bịa đặt của các thế lực thù địch và xuyên tạc, cực đoan trên báo chí Trung Quốc và một số tờ báo nước ngoài.
Lực lượng Cảnh sát biển và Bộ đội Biên phòng tuyên truyền phổ biến pháp luật cho ngư dân. (Ảnh: Mạnh Thường)
Hai là, phát huy vai trò, trách nhiệm của hệ thống chính trị nhằm huy động sức mạnh toàn dân cho sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo.
Hệ thống chính trị nước ta có vai trò ảnh hưởng to lớn đối với cách mạng nước ta. Sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của cả hệ thống chính trị. Để thực hiện giải pháp này, trước hết cần tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng đối với sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Đảng là người lãnh đạo sự nghiệp QPAN, do đó Đảng cần có chủ trương sát, đúng cho công cuộc bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Trước hết phải có thái độ dứt khoát, kiên quyết, kiên trì mục tiêu bảo vệ lợi ích dân tộc, chủ quyền quốc gia. Đảng phải luôn giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc, quyền tự quyết của một quốc gia có chủ quyền và vì lợi ích, nguyện vọng tha thiết ngàn đời của dân tộc để xây dựng quan điểm, hoạch định chủ trương đấu tranh khôn khéo nhằm bảo vệ bằng được chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với LLVT, thực hiện nghiêm nguyên tắc Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với Quân đội nhân dân và Công an nhân dân. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” và cơ chế thực hiện nhiệm vụ QPAN, quân sự: “Đảng lãnh đạo, chính quyền quản lý, điều hành, cơ quan quân sự, công an và các cơ quan ban ngành làm tham mưu; người chỉ huy quân sự chỉ huy thống nhất các LLVT thuộc quyền” đối với các hoạt động khu vực phòng thủ, đặc biệt trên hướng biển, đảo. Để phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng đòi hỏi mọi tổ chức đảng, từ chi bộ đến BCHTW, từ Tổng Bí thư đến từng cán bộ, đảng viên phải là những người trung thành, tận tụy, “lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”, luôn tin dân, trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân, dựa vào dân, có trách nhiệm với dân, xứng đáng vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ của nhân dân; biết hướng dân tộc vào những vấn đề trọng đại. Đảng phải luôn xác định và làm tốt vai trò người “cầm lái” con thuyền cách mạng Việt Nam, do đó phải luôn giữ vững bản lĩnh cách mạng, thường xuyên củng cố tổ chức, bộ máy vững mạnh; tích cực, kiên quyết đấu tranh phòng chống tham nhũng lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm; tăng cường đoàn kết, nâng cao trí tuệ, năng lực lãnh đạo ngang tầm đòi hỏi của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhất là trong bối cảnh việc đấu tranh xử lý vấn đề Biển Đông đang phức tạp như hiện nay.
Cùng với đó, cần nâng cao vai trò và hiệu lực quản lý của Nhà nước đối với công cuộc bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Nhà nước là trụ cột của hệ thống chính trị, là công cụ tổ chức thực hiện ý chí và quyền lực của nhân dân, thay mặt nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân để quản lý toàn bộ hoạt động của đời sống xã hội. Nhà nước cần chỉ đạo các địa phương phối hợp chặt chẽ với các lực lượng trên biển, bảo vệ độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc trên biển. Xây dựng và phát triển kinh tế biển, đảo phải gắn chặt với đảm bảo QPAN. Thực hiện dân sự hoá trên biển, khuyến khích nhân dân ra định cư trên các đảo, bộ đội hết nghĩa vụ đăng ký sinh sống lâu dài trên đảo. Cần nghiên cứu, tổ chức thí điểm một số khu kinh tế, quốc phòng trên biển. Có đầu tư thích đáng về cơ sở vật chất, tài chính cho việc đóng mới, nâng cấp tàu, thuyền, các trang bị cần thiết cho lực lượng chuyên trách bảo vệ chủ quyền biển đảo. Hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về biển, đảo. Mặt khác tiếp tục triển khai có hiệu quả các chiến lược, quy hoạch, đề án, nghị định, chỉ thị của Chính phủ về phát triển hỗ trợ cho ngư dân vay vốn đóng tàu hiện đại, sản xuất đánh bắt hải sản xa bờ; xây dựng các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ, đội đánh bắt khai thác hải sản vững mạnh, để vừa phát triển kinh tế biển, vừa góp phần tạo ra sức mạnh giữ vững chủ quyền biển, đảo. Quan tâm phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật trên các đảo như điện, đường, trường, trạm, thông tin liên lạc, văn hóa nhằm cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân và cán bộ chiến sĩ làm nhiệm vụ trên biển, đảo. Tăng cường liên kết, hợp tác với các nước lớn để thăm dò khai thác các tài nguyên trên biển, phát triển du lịch biển, thực hiện việc đan cài lợi ích giữa các nước lớn với Việt Nam, từ đó lôi kéo, tạo sự ủng hộ của các nước lớn trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo của nước ta.
Ngoài ra, cũng cần phát huy tốt chức năng, nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQ) và các tổ chức chính trị, đoàn thể xã hội; huy động sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc hướng về sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Hiện nay, trước âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch đang ra sức tuyên truyền, xuyên tạc, kích động nhân dân, biểu tình, tạo sự mất ổn định trong nước, phá hoại mối quan hệ nội bộ và giữa các nước tuyên bố có tranh chấp, chồng lấn biển, đảo với nước ta… Trước tình hình đó, đòi hỏi, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân phải không ngừng tăng cường công tác giáo dục hội viên, đoàn viên, thành viên của từng tổ chức nâng cao trách nhiệm công dân, động viên con em tích cực tham gia các hoạt động bảo vệ chủ quyền biển, đảo; tăng cường đoàn kết dân tộc, tôn giáo, miền xuôi cũng như miền ngược… làm cho đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với mọi tầng lớp nhân dân, biến những chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước thành hiện thực, tạo trận địa tư tưởng vững chắc, tạo sức mạnh của cả dân tộc bảo vệ chủ quyền trên biển, đảo của Tổ quốc. Khi nhân dân được giác ngộ, thế hệ trẻ thấu suốt mục tiêu, nhiệm vụ và trách nhiệm bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ biển, đảo; ý thức về biển, đảo của cả dân tộc được thức tỉnh, nuôi dưỡng, bồi đắp, phát huy, nhân rộng sẽ tạo thành sức mạnh vô địch trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc nhất là bảo vệ chủ quyền biển, đảo hiện nay.
Ba là, xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh, làm nòng cốt trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo.
Lực lượng vũ trang (LLVT) có vai trò to lớn trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, là công cụ bạo lực của Đảng, Nhà nước để bảo vệ độc lập, chủ quyền lãnh thổ, giữ vững an ninh quốc gia, trật tư an toàn xã hội. Xây dựng LLVT vững mạnh có ý nghĩa quan trọng để củng cố sức mạnh tổng hợp, kết hợp đấu tranh chính trị với răn đe quân sự, sẵn sàng đập tan mọi âm mưu và hành động chống phá của kẻ thù, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc. Xây dựng LLVT vững mạnh, cần làm tốt một số nội dung sau:
Cần đặt lên hàng đầu việc xây dựng sự tinh nhuệ vững mạnh về chính trị cho LLVT; coi trọng xây dựng đội ngũ cán bộ chủ trì và cơ quan, nhất là cơ quan tham mưu chiến lược. Đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả của CTĐ, CTCT, mở rộng dân chủ, chăm lo xây dựng môi trường văn hóa, đáp ứng yêu cầu đấu tranh trên lĩnh vực chính trị, tư tưởng, văn hoá, phù hợp trong thời bình cũng như khi có chiến sự. Thường xuyên giáo dục nâng cao nhận thức, làm cho toàn dân và LLVT nắm chắc, nhất trí cao với chủ trương “4 tránh”, “3 không” và “9K” của Đảng, không nôn nóng, giao động trong cuộc đấu tranh biển, đảo. Đồng thời làm cho LLVT nắm chắc âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch muốn độc chiếm Biển Đông, lợi dụng vấn đề Biển Đông và “Diễn biến hòa bình” để kích động, chia rẽ đoàn kết trong nước, đoàn kết quốc tế, phân hóa nội bộ ASEAN… từ đó giúp LLVT xây dựng niềm tin, động cơ, thái độ trách nhiệm, rèn luyện ý chí vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, yên tâm bám đảo, bám biển, gắn bó với đơn vị, trên tinh thần “đơn vị là nhà, biển đảo là quê hương”, chắc tay súng bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển.
Không ngừng nâng cao chất lượng huấn luyện bộ đội, công an, dân quân tự vệ, dự bị động viên. Tập trung nâng cao chất lượng huấn luyện Hải quân, Cảnh sát biển, Biên phòng, Phòng không, Không quân, Pháo binh… trên biển, các hạm đội tàu ngầm và máy bay săn ngầm, dân quân tự vệ các địa phương ven biển và trên các đảo; coi trọng huấn luyện bay biển, đi biển, di chuyển lực lượng, phương tiện trong mọi điều kiện thời tiết, môi trường địch sử dụng vũ khí công nghệ cao... Tăng cường kết hợp giữa huấn luyện với rèn luyện thể lực, nâng cao sức khỏe cho bộ đội, đủ điều kiện hoạt động dài ngày trên biển.
Tiếp tục xây dựng quân đội nhân dân, công an nhân dân theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Củng cố tổ chức lực lượng thường trực theo hướng “tinh, gọn, mạnh, linh hoạt”; lực lượng dự bị động viên hùng hậu; dân quân tự vệ rộng khắp, đủ sức là lực lượng nòng cốt cùng toàn dân bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu, phát triển nghệ thuật quân sự, an ninh; ứng dụng KHCN tiên tiến, xây dựng nền CNQP vững mạnh, từng bước đáp ứng nhu cầu nội địa về sản xuất vũ khí, trang bị kỹ thuật cho quân đội, công an và một số lực lượng tham gia hoạt động trên biển. Tổ chức các doanh nghiệp quân đội, công an tham gia phát triển sản xuất, kinh doanh trên hướng biển, đảo, góp phần xây dựng nền QPTD trên biển.
Tăng cường diễn tập, tuần tra chung của LLVT trong nước và quốc tế với nhiều quy mô, hình thức khác nhau, theo hướng sát phương án, nhiệm vụ và thực tế diễn biến trên biển; phù hợp với vũ khí, trang bị hiện có và nghệ thuật quân sự Việt Nam, cũng như cam kết trong Cộng đồng ASEAN và các hiệp định mà Việt Nam đã ký. Tăng cường giao lưu, diễn tập Hải quân, Cảnh sát biển, Biên phòng… giữa các nước trong khu vực để tăng thêm hiểu biết, chia sẻ kinh nghiệm, thắt chặt đoàn kết, tạo môi trường hòa bình trong khu vực.
Bốn là, tăng cường đấu tranh ngoại giao và pháp lý để góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo.
Đây là giải pháp giữ vị trí, vai trò chủ yếu, là một mặt trận quan trọng góp phần tạo ra môi trường quốc tế thuận lợi cho sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo. Đây cũng là giải pháp kết hợp sức mạnh bên trong với sức mạnh bên ngoài để bảo vệ Tổ quốc. Thực tiễn lịch sử cha ông ta đều đã sử dụng giải pháp này như một công cụ để giữ vững môi trường hòa bình, liên kết bang giao hữu hảo bảo vệ chủ quyền quốc gia. Đảng ta cũng luôn quan tâm kế thừa, phát huy truyền thống, thực hiện tốt chủ trương vừa hợp tác, vừa đấu tranh, nhằm phát huy nội và ngoại lực bảo vệ chủ quyền biển, đảo.
Để hiện thực giải pháp này, cần quán triệt sâu sắc đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa dạng hóa, đa phương hóa trong quan hệ đối ngoại. Thực hiện phương châm vừa hợp tác vừa đấu tranh, lấy hợp tác là chủ yếu, không để đối đầu với các nước, nhất là nước lớn, không để bị cô lập; tích cực, chủ động tham gia các cơ chế hợp tác khu vực và thế giới. Đẩy mạnh công tác thông tin đối ngoại, đấu tranh thông qua các phương tiện truyền thông, mặt trận báo chí, lý luận; đa dạng hóa, coi trọng công tác thông tin bằng tiếng Trung, tiếng Anh làm cho nhân dân thế giới hiểu rõ, chính xác, đầy đủ hơn về đất nước, con người Việt Nam và những bằng chứng lịch sử, cơ sở pháp lý về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
Tăng cường công tác đối ngoại quốc phòng, tham gia có hiệu quả các cơ chế hợp tác trong khuôn khổ diễn đàn ARF, ADMM, ADMM+, đối thoại cấp cao Đông Á (EAS)… nhằm tăng cường xây dựng lòng tin chiến lược, sự tin cậy về chính trị, hạn chế xung đột nhằm tạo ra môi trường hòa bình trong khu vực. Chú trọng quan hệ hợp tác quốc phòng song phương, đa phương với các nước đối tác, đặc biệt là với các nước láng giềng, các nước bạn bè truyền thống, Cộng đồng ASEAN, các nước lớn, các nước có tiềm lực kinh tế, có nền khoa học công nghệ quốc phòng mạnh, trên tinh thần giữ vững quan điểm, đường lối, nguyên tắc chiến lược, nhưng cần linh hoạt, sáng tạo, mềm dẻo trong sách lược.
Tích cực, chủ động tìm kiếm, sưu tầm tài liệu, chứng cứ pháp lý, lịch sử; hoàn thiện hệ thống luật pháp về biển, đảo, nhất là sau khi có phán quyết của Tòa trong tài quốc tế (PCA), tạo điều kiện để đấu tranh pháp lý thuận lợi. Tổ chức và tham gia các cuộc hội thảo khoa học; diễn đàn, điều tra, khảo sát khoa học chung về biển, đảo với các nước trong khu vực và quốc tế… tranh thủ sự ủng hộ của dư luận, của các nhà khoa học, lịch sử, địa lý và các nước trong khu vực như Cộng đồng ASEAN, cộng đồng quốc tế để lên tiếng ủng hộ ta về tính pháp lý, lịch sử của quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, chống sự áp đặt của nước lớn.
Giữ vững khối đoàn kết toàn dân, người Việt Nam ở trong và ngoài nước, đẩy mạnh hoạt động giao lưu văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao và các hoạt động từ thiện, bảo trợ, du lịch… phát huy các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài như tham tán, tùy viên quân sự, quốc phòng, thương mại… và các cơ quan, tổ chức kinh tế, doanh nghiệp, văn hóa, khoa học kỹ thuật nước ngoài tại Việt Nam trong việc đấu tranh bảo vệ biển, đảo của nước ta. Tiếp tục tổ chức cho các nhà báo, lực lượng chính trị của một số nước, tổ chức quốc tế đến tham quan tại Hoàng Sa, Trường Sa của ta, giúp họ hiểu thực trạng tình hình và thiện chí hòa bình của Việt Nam, làm cơ sở đưa tin chính xác, khách quan trên diễn đàn quốc tế. Đây cũng là kết hợp sức mạnh trong nước với sức mạnh quốc tế để bảo vệ chủ quyền biển, đảo.
Tiếp tục chủ động đàm phán, ký kết hiệp định với các nước có liên quan nhằm giải quyết những vấn đề mâu thuẫn, những vùng biển chồng lấn, tranh chấp chủ quyền, tạo môi trường, cơ sở pháp lý trong đấu tranh, đồng thời không để phát sinh các điểm nóng. Đàm phán với các nước láng giềng, các nước có tranh chấp thềm lục địa, vùng chồng lấn với quan điểm những vấn đề còn bất đồng, tranh chấp song phương thì đàm phán theo hướng song phương; những vấn đề tranh chấp liên quan đến nhiều bên thì giải quyết đa phương và phải công khai, minh bạch giữa các nước liên quan. Nếu các bên không giải quyết được bằng cơ chế đàm phán thì giải quyết theo phương thức khác như trung gian, hòa giải bằng cơ chế tài phán quốc tế như Tòa án Công lý quốc tế, Toà án quốc tế về Luật Biển và các toà trọng tài./.
Đại tá Lê văn Hưởng - Viện Chiến lược Quốc phòng