Nâng cao năng lực của Cảnh sát biển Việt Nam trong thực thi pháp luật về cướp biển và cướp có vũ trang đối với tàu thuyền

07/06/2017 11:24:00 AM

(Canhsatbien.vn) - 

Khái niệm cướp biển và cướp có vũ trang đối với tàu thuyền
Theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, cướp biển là hành động trái phép đi kèm với nó là bạo lực, bắt giữ, chống lại người trên tàu hoặc cướp tài sản, của cải trên tàu, được thực hiện thông qua hai tàu và phải diễn ra ở khu vực biển cả.
Nhận thức được nhiều vụ cướp biển tấn công xảy ra tại vùng biển thuộc chủ quyền và quyền chủ quyền của quốc gia, tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) đã xây dựng một định nghĩa thiết thực hơn để trấn áp nạn cướp biển với việc bổ sung thêm khái niệm “cướp có vũ trang đối với tàu thuyền là bất kỳ hành động bạo lực, lưu giữ bất hợp pháp, cướp bóc hoặc đe dọa cướp bóc nhằm vào tàu, không phải là hành động cướp biển, xảy ra trong khu vực thuộc phạm vi quyền hạn của một quốc gia”.
Pháp luật về cướp biển/ cướp có vũ trang đối với tàu thuyền
Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982
Công ước Luật Biển năm 1982 đã dành 9 điều quy định về hành vi cướp biển, quyền tài phán quốc gia, nghĩa vụ hợp tác của quốc gia trong đấu tranh chống cướp biển. Đồng thời cũng trao thẩm quyền khám xét, bắt giữ tàu cướp biển cho bất cứ một quốc gia nào và tòa án quốc gia đã tiến hành việc bắt đó có thể xét xử, công bố các hình phạt đối với cướp biển theo quy định pháp luật của quốc gia.
Hiệp định Hợp tác khu vực về chống nạn cướp biển và cướp có vũ trang đối với tàu thuyền ở châu Á (ReCaap) năm 2004
Hiệp định ReCaap quy định nghĩa vụ hợp tác của các quốc gia thành viên trên các lĩnh vực chia sẻ thông tin, hợp tác tư pháp và hợp tác xây dựng năng lực (bao gồm cả huấn luyện, đào tạo, diễn tập chung). Trung tâm Hợp tác chia sẻ thông tin (ISC) trong khuôn khổ Hiệp định ReCaap được thành lập có trụ sở tại Singapore - là đầu mối đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt giữa các đầu mối đã được chỉ định của Trung tâm với các quốc gia, các trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn và các tổ chức phi chính phủ khác.
Công ước an toàn sinh mạng người trên biển và Bộ luật quốc tế về an ninh tàu biển và bến cảng
Năm 2002, Tổ chức Hàng hải quốc tế tiến hành bổ sung chương XI-2 (các biện pháp đặc biệt tăng cường an ninh hàng hải) vào Công ước SOLAS-1974 và thông qua Bộ luật quốc tế về an ninh tàu biển và bến cảng. Đây là hai văn bản pháp lý quan trọng đưa ra các biện pháp tăng cường an ninh đặc biệt hữu ích nhằm ứng phó với các hiểm họa đe dọa an ninh hàng hải, trong đó có hiểm họa cướp biển và cướp có vũ trang đối với tàu thuyền.
Một số hướng dẫn của IMO
Thông tri MSC/Circ.623/Rev.3 năm 2002 “Hướng dẫn chủ tàu, nhà khai thác tàu, thuyền trưởng, thuyền viên ngăn ngừa trấn áp hành động của cướp biển và cướp có vũ trang đối với tàu thuyền” và “Những tác nghiệp quản lý tốt nhất để ngăn ngừa hải tặc ngoài khơi Somalia và trong vùng biển Ả rập” (MP4) là những hướng dẫn vô cùng hữu ích của IMO cho hoạt động đấu tranh chống cướp biển, trong đó xác định những khu vực có nguy cơ rủi ro cao và các biện pháp tăng cường an ninh tàu trước hiểm họa cướp biển và cướp có vũ trang đối với tàu thuyền. IMO cũng ban hành Thông tri MSC.1/Circ.1406 với tiêu đề: Hướng dẫn cho chủ tàu, người khai thác tàu và thuyền trưởng về việc sử dụng lực lượng an ninh vũ trang tư nhân trên tàu khi đi qua những khu vực có rủi ro cao, nhằm hướng dẫn các chủ tàu việc sử dụng dịch vụ an ninh của các công ty an ninh hàng hải tư nhân.
Việt Nam là thành viên của tổ chức IMO, gia nhập và tham gia phê chuẩn nhiều văn bản pháp lý quốc tế về hàng hải trong đó có Công ước quốc tế về Luật Biển 1982, Công ước Solas 1974, Bộ luật ISPS code, Hiệp định Recaap, đồng thời ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để nội luật hóa và thực thi các quy định của pháp luật quốc tế vào hệ thống pháp luật quốc gia. Đặc biệt, Bộ luật Hình sự năm 2015 đã bổ sung thêm tội danh cướp biển vào Điều 302 trong đó quy định về hành vi cướp biển và các khung hình phạt với mức cao nhất là chung thân. Việc bổ sung thêm tội danh cướp biển vào Bộ luật Hình sự đã tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động điều tra, truy tố, xét xử loại tội phạm có tính chất quốc tế này.
Vai trò của Cảnh sát biển Việt Nam trong thực thi pháp luật về cướp biển và cướp có vũ trang đối với tàu thuyền
Được thành lập từ năm 1998, CSB Việt Nam là lực lượng chuyên trách có chức năng quản lý về an toàn, an ninh hàng hải và thực thi pháp luật trên biển của nước CHXHCN Việt Nam. Trong 19 năm xây dựng, phát triển và trưởng thành, LL CSB Việt Nam đã đóng góp vai trò quan trọng trong tăng cường bảo đảm an ninh hàng hải trên các vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền của Việt Nam, đặc biệt trong đấu tranh chống cướp biển và cướp có vũ trang đối với tàu thuyền. Vai trò ấy thể hiện cụ thể như sau:
Thứ nhất: Thực thi các quy định của pháp luật quốc tế về cướp biển, cướp có vũ trang đối với tàu thuyền.
CSB Việt Nam là lực lượng chấp pháp trên biển, được trao thẩm quyền thực thi các quy định của Công ước Luật Biển 1982 với quyền hạn được khám xét, bắt giữ tàu cướp biển. BTL CSB cũng được trao quyền hạn thông báo cấp độ an ninh, thay đổi cấp độ an ninh hàng hải, xử lý các thông tin an ninh hàng hải nhận được từ Trung tâm Thông tin an ninh hàng hải và kịp thời thông báo cho Trung tâm các biện pháp an ninh phù hợp cần áp dụng trên tàu biển, cảng biển để Trung tâm truyền phát những thông tin đó đến doanh nghiệp tàu biển, doanh nghiệp cảng biển và các tổ chức, cá nhân khác, cũng như các cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài có liên quan.
Thứ hai: Bảo đảm an ninh hàng hải trên các vùng biển thuộc chủ quyền và quyền chủ quyền quốc gia, tuần tra trên biển, trực tiếp đấu tranh chống cướp biển và cướp có vũ trang đối với tàu thuyền.
Trong thời gian qua, cướp biển Đông Nam Á trở thành điểm nóng với 178 vụ trên tổng số 246 vụ cướp biển xảy ra trên toàn thế giới năm 2015 và 85 vụ trên tổng số 191 vụ cướp biển xảy ra trên toàn thế giới năm 2016. Tuy nhiên, với nỗ lực tổ chức trên 1.837 lượt tàu, xuồng làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát của CSB Việt Nam, tình hình an ninh hàng hải trên các vùng biển thuộc chủ quyền và quyền chủ quyền Việt Nam luôn được bảo đảm. Trên vùng biển Việt Nam, chưa ghi nhận các vụ cướp biển và cướp có vũ trang đối với tàu thuyền có quy mô lớn, tính chất nguy hiểm, tinh vi như các vụ cướp đã xảy ra trên các vùng biển Indonesia, Philippines hay eo biển Malacca. Mặc dù có xảy ra các vụ trộm cướp vặt tại các khu neo đậu cảng, nhưng các vụ trộm cướp vặt đã giảm từ 27 vụ năm 2015 xuống còn 9 vụ năm 2016 (chủ yếu là trộm cướp vặt ở cảng Vũng Tàu).
Thứ ba: Góp phần xây dựng và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về đấu tranh chống cướp biển và cướp có vũ trang đối với tàu thuyền.
Ngay sau khi tàu Royal 16 của Việt Nam chở hàng cùng 19 thuyền viên bị cướp tấn công, bắt cóc 6 người ở vùng biển Philippines ngày 11/11/2016, BTL CSB Việt Nam đã ban hành Công văn số 4613/BTL-TM, ngày 8/12/2016 về việc khuyến cáo đối với doanh nghiệp vận tải biển và thuyền trưởng tàu biển Việt Nam trong đấu tranh phòng, chống cướp biển, cướp vũ trang chống lại tàu thuyền. BTL CSB Việt Nam cũng cam kết sẽ cùng các bộ, ban, ngành liên quan nỗ lực, cố gắng trong việc nâng cao hiệu quả phòng, chống cướp biển và cướp có vũ trang đối với tàu biển, góp phần hỗ trợ người đi biển, chủ tàu yên tâm hơn, giảm tối đa các thiệt hại về người và tài sản khi tàu gặp cướp biển.
Thứ tư: Phối hợp hành động cùng các cơ quan chức năng trong bảo đảm an ninh hàng hải, đấu tranh chống cướp biển và cướp có vũ trang đối với tàu thuyền.
CSB Việt Nam luôn làm tốt vai trò phối hợp cùng các cơ quan, đơn vị Hải quân, Hải quan, Cảng vụ, Cục Hàng hải, Bộ đội Biên phòng trong công tác bảo đảm an ninh hàng hải, đấu tranh chống các tội phạm trên biển trong đó có cướp biển và cướp có vũ trang đối với tàu thuyền. Đặc biệt, trong thời gian qua, nhằm thực hiện Quy chế Phối hợp số 1723/QC-BĐBP - CSB, ngày 16/6/2014 giữa BTL Bộ đội Biên phòng và BTL CSB trong thực thi nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền, giữ gìn an ninh, trật tự trên các vùng biển, LL CSB và Bộ đội Biên phòng đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, tích cực, chủ động trong công tác nắm tình hình, cung cấp thông tin và giúp đỡ, hỗ trợ lẫn nhau trên tất cả các mặt hoạt động, công tác để cùng hoàn thành tốt chức năng nhiệm vụ được giao. Qua vụ bắt giữ 8 tên cướp có vũ trang người nước ngoài cướp tàu chở dầu Orkim Harmony của Malaysia tại đảo Thổ Chu (Kiên Giang) ngày 19/6/2015 cho thấy, công tác phối hợp giữa Bộ đội Biên phòng và CSB trong đấu tranh với tội phạm có yếu tố nước ngoài ngày càng chặt chẽ, đảm bảo xử lý vụ việc nhanh chóng, hiệu quả.
Thứ năm: Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đấu tranh chống cướp biển và cướp có vũ trang đối với tàu thuyền.
CSB Việt Nam luôn thực hiện tốt vai trò hợp tác quốc tế với các quốc gia trong khu vực trên các lĩnh vực chia sẻ thông tin, phối hợp tác chiến, trao đổi học tập kinh nghiệm. Trong các chiến công của CSB Việt Nam trên mặt trận đấu tranh chống cướp biển, phải đặc biệt kể đến vụ bắt 11 tên cướp mang quốc tịch Indonesia ngày 21/11/2012 sau khi chúng thực hiện hành vi cướp tàu chở dầu Zafirah của Malaysia và chạy trốn vào vùng biển Việt Nam. Đây là lần đầu tiên CSB Việt Nam đối diện trực tiếp với cướp biển và cũng là lần đầu tiên phải nổ súng thẳng vào cabin để trấn áp tội phạm. Chiến công này có tầm ảnh hưởng quốc tế bởi dù cướp biển ngoan cố chống trả, LL CSB vẫn bắt gọn được 11 tên cướp. Góp mặt vào thành công của cuộc chiến chính là sự phối hợp, kết nối, thường xuyên cập nhật, chia sẻ thông tin với Trung tâm Thông báo cướp biển của Cục Hàng hải quốc tế tại Kuala Lumpur, Malaysia, Trung tâm Chia sẻ thông tin chống cướp biển (ReCAAP - ISC) của liên chính phủ tại Singapore, Trung tâm Phân tích tổng hợp của Hải quân Singapore nhằm giúp CSB Việt Nam xác định danh tính, nhận dạng, tình trạng cũng như các yếu tố vận động của tàu bị cướp biển và đề ra phương án tìm kiếm, phát hiện, xác minh tàu bị cướp.
Lực lượng CSB Việt Nam cũng thường xuyên tập huấn, trao đổi kinh nghiệm với Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật bản, Cục CSB Hoàng gia Campuchia, Lực lượng Phòng vệ bờ biển Philippines, ký Bản Ghi nhớ với Lực lượng Phòng vệ bờ biển Hàn Quốc và đặc biệt là phối hợp với Lực lượng Phòng vệ biển Hoa Kỳ tổ chức 5 khóa huấn luyện, bồi dưỡng chuyên ngành cho cán bộ CSB Việt Nam.
Một số kiến nghị nâng cao năng lực thực thi pháp luật về cướp biển và cướp có vũ trang đối với tàu thuyền của Cảnh sát biển Việt Nam
Trong thời gian qua, tình hình an ninh hàng hải Việt Nam diễn biến ngày càng phức tạp, bởi sự gia tăng căng thẳng các tranh chấp chủ quyền và quyền chủ quyền của các quốc gia ven biển, sự lớn mạnh không ngừng của các tổ chức tội phạm quốc tế với các hoạt động cướp biển, khủng bố hàng hải, buôn lậu vũ khí, buôn lậu người, vận chuyển trái phép chất ma túy bằng đường biển diễn ra ngày càng tinh vi về thủ đoạn, nguy hiểm về tính chất, hành vi. Nhằm mục đích phát triển LL CSB cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại và có tính chuyên nghiệp cao, đáp ứng yêu cầu mới, cần có một số giải pháp nâng cao năng lực thực thi pháp luật nói chung, năng lực thực thi pháp luật về cướp biển và cướp có vũ trang đối với tàu thuyền nói riêng:
Thứ nhất: Đẩy mạnh giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, chiến sĩ CSB
Giải pháp này có ý nghĩa quan trọng, giúp cán bộ, chiến sĩ CSB nhận thức đúng và vận dụng sáng tạo quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn trên các vùng biển, đảo của Việt Nam. Trong cuộc chiến đấu tranh chống cướp biển/ cướp có vũ trang đối với tàu thuyền, LL CSB thường xuyên phải tiếp xúc với các đối tượng phạm tội với nhiều âm mưu, thủ đoạn nguy hiểm, có thể dùng vũ khí đe dọa, tấn công, hoặc dùng tiền mua chuộc. Vì vậy, việc nâng cao ý thức kiên định, lập trường tư tưởng, bản lĩnh chính trị vững vàng cho các cán bộ, chiến sĩ CSB là vô cùng quan trọng và cần thiết.
Thứ hai: Tiếp tục bổ sung và hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về LL CSB Việt Nam.
Cần sớm hoàn thiện dự thảo để ban hành Luật CSB Việt Nam thay cho Pháp lệnh LL CSB Việt Nam năm 2008. Luật CSB Việt Nam cần khắc phục những quy định chưa cụ thể của pháp luật hiện hành như cần phân định rõ vị trí, chức năng, nhiệm vụ, hoạt động của CSB, bổ sung nhiệm vụ công bố, thay đổi cấp độ an ninh hàng hải và hướng dẫn các biện pháp đảm bảo an ninh hàng hải vào trong Luật; luật hóa các quy định về hoàn thiện mô hình tổ chức CSB theo hệ thống tổ chức ngành dọc, quy định cơ sở đào tạo CSB, quy định cụ thể, thống nhất trong Luật vai trò quản lý nhà nước của Bộ trưởng BQP đối với LL CSB; bổ sung quy định về trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương, đoàn thể xã hội trong việc xây dựng LL CSB Việt Nam; luật hóa các quy định hiện hành về đảm bảo ngân sách hoạt động của CSB; chế độ, chính sách áp dụng như đối với Quân đội nhân dân đồng thời quy định những nội dung phù hợp với yêu cầu thực hiện chức năng, nhiệm vụ CSB.
Thứ ba: Tăng cường đầu tư hiện đại hóa hơn nữa trang thiết bị cho LL CSB Việt Nam.
Hiện nay, CSB Việt Nam đã được trang bị các loại tàu hiện đại và theo Đề án Xây dựng LL CSB Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2014, đến năm 2020, LL CSB sẽ được đầu tư đóng mới thêm hàng chục tàu thuyền các loại, trong đó có nhiều tàu lớn, hiện đại đa năng. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, các tổ chức khủng bố quốc tế đang có xu hướng tài trợ cho hoạt động cướp biển, khiến cho hoạt động này càng trở nên nguy hiểm với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi và trang bị vũ khí hiện đại. Để đáp ứng yêu cầu đấu tranh chống cướp biển, cướp có vũ trang đối với tàu thuyền và các tội phạm trên biển trong tình hình mới, đòi hỏi đẩy mạnh hơn nữa việc hiện đại hóa trang thiết bị cho CSB.
Thứ tư: Phối hợp hoạt động với các lực lượng chức năng liên quan.
Cần đẩy mạnh phối hợp hiệu quả với các lực lượng liên quan như Hải quan, Bộ đội Biên phòng, Cảng vụ, Kiểm ngư trên các lĩnh vực trao đổi thông tin, tham mưu xây dựng văn bản pháp luật; trao đổi kinh nghiệm, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, phối hợp trong tuần tra, kiểm soát đấu tranh chống cướp biển và các tội phạm trên biển. Đặc biệt, cần tăng cường phối hợp với Bộ đội Biên phòng để ngăn chặn, loại bỏ các vụ trộm cướp nhỏ xảy ra tại các vùng nước trong cảng, đảm bảo an toàn, an ninh cho tàu thuyền khi neo đậu tại cảng biển Việt Nam.
Thứ năm: Tăng cường hợp tác quốc tế trong đấu tranh chống cướp biển/cướp có vũ trang với tàu thuyền.
Cần hợp tác sâu rộng trong lĩnh vực chia sẻ thông tin, trao đổi kinh nghiệm, đào tạo chuyên môn nghiệp vụ, tổ chức diễn tập… Từ đó góp phần nâng cao năng lực của lực lượng chấp pháp, giữ gìn an ninh trật tự, đấu tranh chống tội phạm trên biển, đặc biệt là cướp biển/cướp có vũ trang đối với tàu thuyền.
Góp phần to lớn trong công tác ngăn chặn và giảm thiểu các vụ cướp biển/cướp có vũ trang đối với tàu thuyền trên các vùng biển Việt Nam trong thời gian qua có công sức không nhỏ của LL CSB. Tin tưởng rằng, thực hiện các giải pháp trên, LL CSB sẽ phát huy tốt hơn nữa vai trò của cơ quan chuyên trách thực thi pháp luật trên biển, bảo đảm an ninh hàng hải, đấu tranh có hiệu quả chống cướp biển/cướp có vũ trang đối với tàu thuyền./.

TS. Nguyễn Thành Lê - ThS. Lương Thị Kim Dung

Bộ môn Luật Hàng hải, Khoa Hàng hải, Trường Đại học Hàng hải Việt Nam

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục gửi về banbientapcsb@gmail.com