RECAAP và yêu cầu hoàn thiện các quy định về hợp tác chống cướp biển, cướp có vũ trang chống lại tàu thuyền tại châu Á

26/11/2016 09:52:00 AM

(Canhsatbien.vn) - 

Là một loại tội phạm có tính chất quốc tế, cướp biển trực tiếp de dọa đến tính mạng và cuộc sống của người đi biển, tác động mạnh mẽ hoạt động hàng hải cũng như sự phát triển kinh tế. Thiệt hại do cướp biển gây ra trên toàn cầu ước tính khoảng 6,6 đến 6,9 tỷ USD thông qua gian lận thương mại, mất tàu hàng hay chậm chễ hành trình. Thậm chí cướp biển có thể gây ra mất ổn định chính trị do liên quan đến tình trạng tham nhũng của quan chức nhà nước.
Theo thống kê, 90% hoạt động thương mại trên thế giới được thực hiện thông qua vận chuyển bằng đường biển. Trong khi đó, số liệu cho thấy từ năm 2007 đến tháng 9/2012 có 2.083 vụ (tương đương 30 vụ/tháng, 370 vụ/năm). Tuy nhiên, số liệu thực tế còn cao hơn vì nhiều vụ tấn công không được báo cáo. Những khu vực “điểm nóng” của nạn cướp biển nằm ở Somali, Vịnh Aden, và khu vực Đông Nam Á…. (Theo “Global Maritime threats: An overview/Dr. Peter Chalk/ Center for Civil – Military Relations Naval Postgreduate School,Montery,CA)
Tại khu vực Đông Nam Á, theo báo cáo của Trung tâm Chia sẻ thông tin (ISC) thuộc ReCaap, năm 2009 có 46 vụ, năm 2010 là 70 vụ, năm 2011 đã có 80 vụ cướp biển, cướp vũ trang. Như vậy, số vụ cướp biển ở các khu vực đều có xu hướng gia tăng. (Trung tâm trao đổi thông tin ReCaap, Báo cáo thường niên từ 01/2011- 12/2012 về tàu thuyền bị cướp biển và cướp có vũ trang, Tr 1-7).
Có thể nói, yêu cầu đấu tranh chống cướp biển là mối quan tâm của bất cứ quốc gia nào.
Một trong những cơ chế hữu hiệu và có tính truyền thống để xử lý vấn đề cướp biển đó là những quy định trong Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển quốc tế năm 1982 (Unclos). Theo Unclos, một hành vi được coi là cướp biển khi thỏa mãn những điều kiện sau: Thứ nhất, đó là hành vi của thủy thủ đoàn hoặc khách đi tàu của tàu khách hoặc tàu cá nhân hoặc phương tiện bay cá nhân. Thứ hai, đó là hành vi mang mục đích cá nhân. Thứ ba, đó là hành vi được thực hiện ở vùng biển quốc tế hoặc vùng biển không thuộc quyền tài phán của quốc gia nào. Thứ tư, đó là hành vi hướng tới người hoặc tài sản đang ở trên tàu thuyền hoặc phương tiện bay khác.
Quy định của Unclos về cướp biển có những hạn chế nhất định.Tiêu biểu là việc xác định cướp biển là hành vi được thực hiện ở vùng biển quốc tế hoặc vùng biển không thuộc quyền tài phán của quốc gia nào. Trong khi đó, cướp biển hiện đại thường thực hiện ở những vùng biển không thuộc vùng biển quốc tế như lãnh hải hay vùng tiếp giáp lãnh hải của một quốc gia. Nhất là tại khu vực Đông Nam Á, nơi mà phần lớn vùng biển ở khu vực này là lãnh hải của quốc gia ven biển hoặc có đặc tính địa lý là vùng biển có chủ quyền chồng lấn giữa nhiều quốc gia. Điều đó có nghĩa rằng, khó có thể áp dụng Unclos để chống các hành vi cướp biển ở khu vực này. Có nhiều giải pháp đã được đưa ra và giải pháp hữu hiệu nhất là sự ra đời của Hiệp định hợp tác khu vực chống cướp biển và cướp có vũ trang chống lại tàu thuyền ở châu Á (ReCaap) năm 2004.
ReCaap được thông qua với sự tham gia của các nước Đông Nam Á, các nước Đông Á như Ấn Độ, một số nước khác như Trung Quốc, Hàn Quốc.
Bên cạnh quy định về cướp biển trên cơ sở Unclos, ReCaap đã bổ sung khái niệm Cướp có vũ trang. Theo đó, cướp có vũ trang là hành vi bạo lực được thực hiện ở nơi các nước ký kết có quyền tài phán về loại tội này, bao gồm cả lãnh hải và nội thủy. Khái niệm này đã khắc phục được bất cập trong quy định của Unclos về cướp biển đồng thời đảm bảo tính khả thi khi áp dụng trong khu vực biển Đông Nam Á. Hiệp định đồng thời quy định nghĩa vụ nội luật hóa của các quốc gia nhằm nâng cao hiệu quả trong việc phòng chống cướp biển.
Căn cứ vào hiệp định, Trung tâm trao đổi thông tin (ISC) đã được thành lập, trụ sở đặt tại Singapore. Trung tâm có chức năng thu thập, xử lý, phân tích …thông tin liên quan đến cướp biển, cướp có vũ trang của các nước thành viên và đưa ra những cảnh bảo cần thiết đến các quốc gia ký kết. Các nước ký kết, trực tiếp hoặc thông qua ISC có thể kêu gọi hợp tác trong việc phát hiện tàu thuyền bị nạn, bắt giữ người thực hiện hành vi hoặc tịch thu tàu thuyền, trợ giúp người bị nạn. Những nước thành viên được yêu cầu phải nỗ lực hết sức để thực hiện yêu cầu đó.
ReCaap cũng đã có quy định liên quan đến việc dẫn độ hoặc hỗ trợ pháp lý chung. Theo đó, quốc gia thành viên phải cố gắng, tùy theo luật quốc gia, dẫn độ tội phạm cướp biển, cướp có vũ trang tới quốc gia có thẩm quyền nếu quốc gia đó có yêu cầu. Tuy nhiên, điều này không buộc bất cứ quốc gia thành viên nào phải dẫn độ hoặc xét xử. Tại Điều 13 của Hiệp định cũng khuyến khích các quốc gia thành viên, theo yêu cầu của nước thành viên khác cung cấp việc hỗ trợ pháp lý chung đối với quốc gia thành viên khác trong hợp tác chống cướp biển, cướp có vũ trang trong khu vực.
Có thể nói, Recaap là Hiệp ước quốc tế cụ thể đầu tiên liên quan đến việc ngăn chặn và trấn áp cướp biển. Trong điều kiện khái niệm hành vi Cướp biển của Công ước quốc tế về Luật Biển năm 1982 (Unclos) có nhiều hạn chế khi áp dụng thực tiễn do những thay đổi về việc xác định vùng biển thuộc lãnh hải quốc gia được mở rộng cũng như đặc điểm hoạt động cướp biển hiện đại thì việc xây dựng khái niệm “cướp có vũ trang chống lại tàu thuyền” tại Hiệp định nhằm hướng tới việc xử lý hành vi cướp có vũ trang trên biển trong lãnh hải, nội thủy, tại khu vực có ý nghĩa lý luận và thực tiễn quan trọng.
Trước yêu cầu của việc chống cướp biển khi số lượng vụ cướp xảy ra càng nhiều, tổ chức, mức độ nguy hiểm ngày càng tăng thì việc hoàn thiện các văn kiện pháp lý quốc tế liên quan đến chống cướp biển cũng như các văn bản quy phạm quốc gia là đòi hỏi cấp thiết.
Mặc dù ReCaap đã tạo nên bước đột phá, được coi là một trong những cách ứng phó hiệu quả chống lại nạn cướp biển khu vực Châu Á. Tuy nhiên, trên phương diện pháp lý, quy định của ReCaap vẫn cần được hoàn thiện. Cụ thể là:
Thứ nhất, cần thiết phải quy định nghĩa vụ cụ thể của các quốc gia thành viên trong hợp tác chống cướp biển, cướp có vũ trang chống lại tàu thuyền.
Thực tế, nhiều quy định tại ReCaap mang tính tuyên bố hay những lời kêu gọi mà không quy định nghĩa vụ cụ thể của các quốc gia thành viên.
Ví dụ tại Điều 3 Hiệp định quy định về các nghĩa vụ chung của quốc gia thành viên:
“1. Phù hợp với pháp luật và các quy định quốc gia cũng như các quy tắc có thể áp dụng của pháp luật quốc tế, mỗi Bên ký kết sẽ nỗ lực thực hiện các biện pháp có hiệu quả để:
a) Ngăn ngừa và trừng trị cướp biển và cướp có vũ trang chống lại tàu thuyền;
b) Bắt giữ những kẻ cướp biển và những người đã thực hiện cướp có vũ trang chống lại tàu thuyền;”…
Hay tại Điều 2 Hiệp định, là điều luật có tính nguyên tắc áp dụng, tại Khoản 1 quy định: “Căn cứ vào pháp luật và các quy định quốc gia và phù hợp với khả năng hoặc nguồn lực hiện có của mình, các Bên ký kết sẽ thực hiện Hiệp định này trong phạm vi khả năng cao nhất có thể được, kể cả ngăn ngừa và trấn áp cướp biển và cướp có vũ trang chống lại tàu thuyền”
Để ràng buộc nghĩa vụ của các quốc gia thành viên, đảm bảo đấu tranh phòng, chống cướp biển, cướp có vũ trang một cách hiệu quả thì cần thiết phải có các quy định về trách nhiệm, nghĩa vụ của các quốc gia thành viên một cách cụ thể.
Thứ hai, cần thiết phải thiết lập cơ chế thực hiện việc dẫn độ hoặc trợ giúp pháp lý chung.
Điều 12 và Điều 13 của Hiệp định quy định về dẫn độ và tương trợ tư pháp. Tuy nhiên, với những quy định mang tính chung chung, ReCaap chưa thực sự tạo nên một cơ chế thuận lợi cho việc hợp tác chống cướp biển, cướp có vũ trang trong khu vực.
Điều 12. Dẫn độ
“Một bên ký kết trên cơ sở pháp luật và quy định quốc gia của mình sẽ cố gắng dẫn độ người phạm tội cướp biển hoặc người phạm tội cướp có vũ trang chống lại tàu thuyền có mặt trên lãnh thổ quốc gia mình đến Bên ký kết có quyền tài phán đối với những người này theo yêu cầu của Bên ký kết đó.
Điều 13. Tương trợ tư pháp
Theo yêu cầu cầu một Bên ký kết khác, một Bên ký kết trên cơ sở pháp luật và quy định quốc gia của mình sẽ nỗ lực dành cho Bên ký kết đó tương trợ pháp lý về tố tụng hình sự, kể cả việc cung cấp bằng chứng liên quan đến cướp biển và cướp có vũ trang chống lại tàu thuyền.
Với quy định như trên, ReCaap không buộc bất cứ quốc gia thành viên nào phải dẫn độ hoặc xét xử. Đây đơn thuần là mục đích và lời kêu gọi các quốc gia thành viên thực hiện. Để các quy định này được thực hiện trên thực tế đòi hỏi sự chủ động của mỗi quốc gia thành viên trong việc xây dựng quy định của pháp luật quốc gia về việc dẫn độ cũng như tương trợ tư pháp giữa các quốc gia thành viên trong hợp tác chống cướp biển, cướp có vũ trang tại khu vực.
Thứ ba, vấn đề nội luật hóa các quy định của ReCaap.
Như đã phân tích ở trên, các quy định của ReCaap đòi hỏi sự chủ động của các quốc gia thành viên trong việc xây dựng pháp luật để đảm bảo thực hiện có hiệu quả việc hợp tác chống cướp biển, cướp có vũ trang chống lại tàu thuyền. Tất nhiên, việc nội luật hóa các quy định cũng phải xem xét đến khía cạnh luật pháp của các quốc gia thành viên khác. Tuy nhiên, nội luật hóa là cần thiết. Để thực hiện tốt nội dung này, có thể xem kinh nghiệm từ Nhật Bản.
Nhật Bản ban hành Luật xử phạt hành vi cướp biển và cách xử lý đối với hành vi cướp biển năm 2009. Lý do ban hành, trước hết xuất phát từ tình hình thiệt hại do cướp biển gây ra cho quốc gia này ngày càng gia tăng. Bên cạnh đó, để đảm bảo hoạt động vận tải đường biển của Nhật Bản cũng như thể hiện vai trò tích cực của Nhật bản trong việc bảo đảm an toàn trên biển.
Theo quy định của Luật này, hành vi cướp biển được định nghĩa là hành vi mà thủy thủ đoàn hoặc hành khách trên tàu (trừ tàu chiến và tàu của Nhà nước) với mục đích cá nhân, thực hiện hành vi cướp, khống chế tàu khác trong quá trình di chuyển trên biển hoặc cướp tài sản của các tàu khác trên vùng biển quốc tế (gồm các vùng đặc quyền kinh tế) hoặc trong lãnh hải, nội thủy của Nhật Bản. Luật cũng quy định cơ quan xử lý cướp biển là Cục an toàn đường biển Nhật Bản. Trong những trường hợp cần thiết, lực lượng phòng vệ cũng được tham gia xử lý. Với việc ban hành Luật trên, Nhật Bản đã không chỉ thể hiện vai trò tích cực của một quốc gia thành viên ReCaap mà còn tạo cơ sở pháp lý để lực lượng chuyên trách xử lý hành vi cướp biển có hiệu quả.
Có thể nói, trong những năm gần đây, số vụ cướp biển xảy ra ngày càng nhiều, tính chất, mức độ nguy hiểm ngày càng gia tăng, diễn biến phức tạp. Trong điều kiện như vậy, quy định của Unclos bộc lộ những hạn chế đối với việc xử lý hành vi này. Những cách làm mới đã được đề xuất nhằm đấu tranh với nạn cướp biển mà ReCaap là một trong những cách làm sáng tạo, nhận được sự hưởng ứng của nhiều quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, để đảm bảo nâng cao hơn nữa hiệu quả thực hiện mục tiêu mà ReCaap đặt ra: “tăng cường hợp tác và điều phối khu vực giữa các quốc gia bị ảnh hưởng trong khu vực Châu Á để ngăn ngừa và trấn áp một cách hiệu quả nạn cướp biển và cướp có vũ trang chống lại tàu thuyền tại châu Á” thì đòi hỏi phải có sự nỗ lực hơn nữa của mỗi quốc gia thành viên trong việc góp phần hoàn thiện ReCaap cũng như nội luật hóa các quy định của Hiệp định./.

Đại úy, ThS. Phạm Thanh Hương
Cục Nghiệp vụ và Pháp luật/ BTL Cảnh sát biển

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục gửi về banbientapcsb@gmail.com