Thông điệp của Nga và Trung Quốc từ cuộc tập trận Hải quân “JOINT SEA 2016”

29/11/2016 09:57:00 AM

(Canhsatbien.vn) - 

Từ ngày 12/9 đến ngày 19/9/2016, cuộc tập trận hải quân chung giữa Hải quân Quân giải phóng nhân dân Trung Hoa và Hải quân Liên bang Nga mang tên “Joint Sea 2016” (tạm dịch: “Hành động phối hợp trên biển 2016”) diễn ra ngoài khơi tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc). Trong thời gian gần đây, Trung Quốc và Nga đã từng tổ chức nhiều cuộc tập trận chung nhưng có thể thấy chưa có cuộc tập trận nào thu hút sự chú ý và quan tâm đặc biệt của dư luận trong và ngoài khu vực như sự kiện “Joint Sea 2016” bởi nó diễn ra trong một bối cảnh rất đặc biệt và thông điệp mà mỗi bên tham gia muốn gửi tới các nước trong và ngoài khu vực có những sắc thái khác nhau xuất phát từ những toan tính của mỗi bên tham gia cuộc tập trận này, cũng như từ tính chất rất phức tạp của quan hệ Trung Quốc - Nga và mối quan hệ của hai nước này với các quốc gia khác trên thế giới.

Bối cảnh đặc biệt của cuộc tập trận “Joint Sea 2016”
Cuộc tập trận “Joint Sea 2016” diễn ra trong một bối cảnh rất khác thường. Đó là, căng thẳng từ cuộc tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông đang leo thang liên quan tới phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực (PCA) về vụ Philippines kiện Trung Quốc liên quan tới tuyên bố của Bắc Kinh đối với chủ quyền ở Biển Đông. Phán quyết của PCA đã hoàn toàn bác bỏ yêu sách của Trung Quốc về vùng biển rộng lớn được gọi là “khu vực đường 9 đoạn”. Nhiều quốc gia trong và ngoài khu vực lên tiếng yêu cầu Trung Quốc chấp hành phán quyết của PCA. Trong khi đó, tại Hội nghị thượng đỉnh G-20 vừa kết thúc ở Hàng Châu (Trung Quốc) vào ngày 6/9/2016, xuất phát từ quan điểm về thủ tục tố tụng thuần túy khi xem xét vụ kiện này chứ không phải là quan điểm chính trị, Tổng thống Nga V.Putin ủng hộ quan điểm của Trung Quốc không công nhận phán quyết của PCA.
Ngoài ra, Trung Quốc nhiều lần đổ lỗi cho Mỹ là bên đã làm gia tăng căng thẳng trong khu vực vì tổ chức nhiều cuộc tuần tra quân sự trên Biển Đông và diễn tập quân sự với các đồng minh mà Bắc Kinh cho rằng nhằm chống Trung Quốc. Trong quan hệ Nga-Mỹ, Washington đang ráo riết lôi kéo các nước đồng minh thực hiện cấm vận Nga, thậm chí là chống Nga một cách “điên cuồng” như đã từng được thể hiện trong chiến dịch tranh cử của hai ứng cử viên trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng cuối năm 2016 cũng như trong cách thức hóa giải cuộc khủng hoảng Ukraine và cuộc chiến ở Syria.
Như vậy, trên bình diện quốc tế đang hình thành 2 chiến tuyến rõ ràng đối đầu nhau: một bên là Mỹ và các đồng minh, còn bên kia là Nga và Trung Quốc. Do đó, lần đầu tiên tại Hội nghị thượng đỉnh G-20 ở Hàng Châu, Tổng thống Nga V.Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố hai nước sẽ “cùng hợp tác để bảo vệ chủ quyền của nhau”. Tuyên bố này được giới phân tích nhìn nhận như là tín hiệu cho thấy Trung Quốc và Nga có thể hình thành liên minh quân sự.
Lực lượng tham gia và nội dung tập trận “Joint Sea 2016”
Tham gia cuộc tập trận “Joint Sea 2016” có tổng cộng 13 tàu nổi, 2 tàu ngầm, 11 máy bay, 10 trực thăng, một số thiết bị đổ bộ cùng 256 lính thủy đánh bộ. Trong đó, Trung Quốc điều 10 tàu (có 2 tàu ngầm), phần lớn thuộc Hạm đội Nam Hải. 2 tàu ngầm của Trung Quốc được sử dụng trong chiến thuật chống ngầm. Phía Nga tham gia có 3 tàu chiến, hai tàu hậu cần, hai trực thăng và 96 thủy quân lục chiến cùng với một số xe bọc thép chở quân lội nước.
Về nội dung tập trận, theo Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc CCTV, “Joint Sea 2016” bao gồm các bài tập chống tàu ngầm; đổ bộ chiếm đảo và bãi đá từ trên không lẫn trên biển, trong đó các tàu chiến bắn đạn thật trên biển vào các mục tiêu mô phỏng là một tàu nổi và một tàu ngầm của đối phương giả định. Theo Phó Tư lệnh Hạm đội Nam Hải của Trung Quốc Chu Mãn Giang, lần đầu tiên hệ thống thông tin chỉ huy chung đã được áp dụng để giúp giải quyết vấn đề bất đồng ngôn ngữ. Cuộc tập trận kết thúc bằng phần diễn tập chiếm đảo với sự tham gia của nhiều tàu chiến, trực thăng, thủy quân lục chiến và xe bọc thép đổ bộ của hai bên.
Thông điệp từ cuộc tập trận “Joint Sea 2016”
Tuy “Joint Sea 2016” là cuộc tập trận chung giữa Trung Quốc và Nga nhưng thông điệp mà mỗi bên phát đi, ngoài những điểm chung, vẫn có những điều khác biệt.
Về thông điệp chung của Trung Quốc và Nga, phát biểu tại lễ bế mạc cuộc tập trận “Joint Sea 2016”, Phó Tư lệnh Hải quân Trung Quốc Vương Hải nhấn mạnh, cuộc tập trận này đã thành công và đạt được mục tiêu đề ra và hai bên Trung Quốc và Nga sẽ tăng cường mở rộng hợp tác thực tế. Còn Phó Tư lệnh Hải quân Nga Alexander Fedotenkov nhấn mạnh, Nga và Trung Quốc sẽ duy trì hợp tác chặt chẽ trên biển, ứng phó những thách thức và mối đe dọa mới, cùng nhau bảo vệ hòa bình và ổn định khu vực. Hải quân hai bên còn tuyên bố cuộc tập trận chung như trên sẽ diễn ra đều đặn trong tương lai. Cả Trung Quốc và Nga đều khẳng định cuộc tập trận chung lần này “không nhằm vào bên thứ ba nào”. Tuy nhiên, có thể thấy, xuất phát từ mối quan hệ Nga-Mỹ và Trung Quốc-Mỹ, các cuộc tập trận phối hợp quy mô lớn trên Biển Đông của Hải quân Trung Quốc và Nga là một phần trong những nỗ lực của cả hai nước nhằm đối phó với chiến lược “xoay trục” của Mỹ tới châu Á.
Thông điệp từ phía Trung Quốc: Giới chuyên gia ở Bắc Kinh lợi dụng cuộc tập trận “Joint Sea 2016” để ra sức cổ súy cho “sự phối hợp chiến lược” giữa Trung Quốc và Nga. Trong bài bình luận đăng trên “Thời báo Hoàn Cầu”, Giáo sư La Anh Kiệt thuộc Đại học Quan hệ quốc tế (Trung Quốc) tuyên bố cuộc tập trận “cho thế giới thấy Nga đứng về phía Trung Quốc”. Còn giáo sư Lý Hưng thuộc Đại học Sư phạm Bắc Kinh thì bình luận: “Cuộc tập trận chung chứng minh Trung Quốc có khả năng lẫn quyết tâm bảo vệ những lợi ích cốt lõi và sẽ không bao giờ trao đổi chủ quyền với nước khác. Trung Quốc và Nga có thể hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau trong những vấn đề liên quan đến lợi ích cốt lõi. Nga đang đối mặt trừng phạt kinh tế từ phương Tây và chỉ có Trung Quốc mới có thể giảm gánh nặng của Matxcơva. Trung Quốc thì bị Mỹ và Nhật kiềm chế ở Nam Hải và Đông Hải, trong đó chỉ có Nga mới đủ mạnh để giảm bớt áp lực cho Bắc Kinh”.
Chuyên gia quân sự Trung Quốc Lý Kiệt nhận định, trong cuộc diễn tập lần này, thu hoạch lớn nhất của Trung Quốc là ý nghĩa chiến lược bởi việc Nga tập trận chung với Trung Quốc tại Biển Đông phần nào phát huy khả năng răn đe đối với Mỹ và các nước đồng minh. Ngoài ra, Hải quân Trung Quốc cũng học tập được nhiều kinh nghiệm của Hải quân Nga, nhất là về chiến thuật chống ngầm và phản chống ngầm. Cũng theo nhận định của chuyên gia Lý Kiệt, thời gian tới, Biển Đông sẽ là khu vực có sự cạnh tranh quyết liệt giữa lực lượng các bên như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia. Do đó Trung Quốc cần tăng cường đầu tư cho Hải quân, nâng cao năng lực chống ngầm, đồng thời bố trí tàu ngầm cả động cơ thường và cả tàu ngầm tấn công hạt nhân tại khu vực để đối phó với cục diện này.
Thông điệp từ phía Nga: Bằng cuộc tập trận “Joint Sea 2016”, Nga muốn “răn đe” Mỹ rằng Matxcơva cùng với Bắc Kinh không chấp nhận những toan tính của Washington mượn cớ những căng thẳng trong tranh chấp chủ quyền của các nước ở Biển Đông để thực hiện mục tiêu chiến lược toàn cầu của Washington ở châu Á - Thái Bình Dương nói chung và ở Đông Nam Á nói riêng như đã từng được Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố công khai sau khi Hiệp định Đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) vừa hoàn tất đàm phán rằng, với TPP Mỹ “sẽ viết luật chơi cho châu Á” chứ không phải là Nga hay Trung Quốc.
Khi Matxcơva tuyên bố “phản đối sự can thiệp của bên thứ ba trong tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông” chính là nhằm phản đối Mỹ lợi dụng sự tranh chấp này để “đục nước béo cò”. Vì thế, Nga vừa tham gia hoạt động quân sự chung với Trung Quốc ở Biển Đông, vừa điều động máy bay ném bom chiến lược tiến hành các chuyến bay trên không phận quốc tế ở châu Á-Thái Bình Dương chỉ là nhằm “răn đe” các toan tính của Mỹ ở khu vực này.
Dư luận quốc tế về cuộc tập trận “Joint Sea 2016”
Báo “Washington Free Beacon” nhận định: “Bằng cách phô trương sức mạnh trong khu vực cùng với Hải quân Nga, Trung Quốc đang nỗ lực chống lại sự cô lập của họ trước sự phản đối của các nước trong khu vực đối với những tuyên bố về chủ quyền trên biển của Bắc Kinh”. Cũng theo “Washington Free Beacon”, việc Trung Quốc tiến hành cuộc tập trận “Joint Sea 2016” với Nga sau phán quyết của PCA chính là nhằm mục đích phá thế bị cô lập này của Bắc Kinh.
Trong giới phân tích chính trị trên thế giới có nhiều ý kiến cho rằng quan hệ Nga - Trung khó có thể đạt được mức tốt đẹp như các chuyên gia Trung Quốc ca ngợi, vì vẫn còn thiếu lòng tin lẫn nhau và tồn tại những cơn sóng ngầm. Tờ “Chosun Ilbo” ngày 20/9/2016 dẫn lời nhà nghiên cứu Ashley Townshend thuộc Đại học Sydney (Australia) nhận định: “Có nhiều khả năng Trung Quốc cố lôi kéo Nga đi chung đường với mình trong vấn đề Biển Đông trong thời điểm này, nhưng điều đó không có nghĩa họ cùng chí hướng”.
Sự hợp tác của Nga và Trung Quốc hiện nay được cho là xuất phát từ nhu cầu chiến lược mang tính chất tình thế hơn là lâu dài khi cả hai nước đều đang ở trong trạng thái căng thẳng với Mỹ. Tuy nhiên, giữa hai nước vẫn tồn tại cạnh tranh chiến lược tại khu vực Trung Á và châu Á-Thái Bình Dương, trong đó Nga chưa khi nào hết lo ngại khi Trung Quốc tăng cường hiện diện ở các quốc gia Trung Á thuộc Liên Xô trước đây cũng như khu vực Siberia. Mặt khác, Nga cũng có quan hệ hợp tác thân thiết với nhiều đối tác quan trọng ở Đông Nam Á như các quốc gia thành viên ASEAN, trước hết là Việt Nam, nên Matxcơva vẫn rất thận trọng trong việc tỏ thái độ liên quan trực tiếp đến tranh chấp trên Biển Đông. Theo giới chuyên gia, đó là lý do khu vực tập trận vừa qua chỉ giới hạn trong khu vực ngoài khơi tỉnh Quảng Đông, không thuộc vùng tranh chấp giữa Trung Quốc với các nước ASEAN, còn Nga chỉ huy động một số tàu chiến cũ từ thời Liên Xô tham gia tập trận và đương nhiên không có tàu ngầm.
Còn báo “South China Morning Post” dẫn lời nhà phân tích Antony Wong ở Macau cho rằng hệ thống thông tin chung mà hai bên sử dụng trong tập trận chỉ giới hạn ở việc trao đổi dữ liệu trinh sát ra-đa và trinh sát thủy âm (sonar). So với hệ thống kết nối dữ liệu mà Mỹ chia sẻ với các đồng minh NATO, có thể thấy gần như không có sự tin tưởng giữa Trung Quốc và Nga. Hơn nữa, Nga cũng không thể chia sẻ hết bí mật công nghệ quân sự của họ cho một đối tác mà niềm tin chiến lược chưa thể nói được là đáng tin cậy./.

Đại tá Lê Thế Mẫu - Viện Chiến lược Quốc phòng

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục gửi về banbientapcsb@gmail.com