Thống nhất nhận thức về vai trò chủ trì thực thi pháp luật trên biển của Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam

22/11/2017 03:16:00 PM

(Canhsatbien.vn) - 

Trước yêu cầu xây dựng, phát triển Lực lượng Cảnh sát biển, đã và đang đặt ra vấn đề cấp thiết cần thống nhất nhận thức về vị trí, vai trò của Lực lượng Cảnh sát biển trong thực thi pháp luật trên biển. Bài viết giới thiệu quan điểm cá nhân của tác giả về nội dung trên, với mong muốn đóng góp một phần vào việc xây dựng lý luận về lực lượng, qua đó tác động đến định hướng tổ chức, xây dựng lực lượng cũng như tổ chức thực hiện nhiệm vụ Cảnh sát biển trong tình hình mới. 

Quang cảnh Phiên họp thứ nhất Ban soạn thảo, Tổ biên tập Dự án Luật Cảnh sát biển Việt Nam.
Ảnh: Đức Hạnh

Với diện tích vùng biển rộng, đường bờ biển dài, giữ vị trí huyết mạch trong giao thông hàng hải quốc tế và khu vực, biển Việt Nam có nhiều lợi thế để phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn như: dầu khí, khai thác thủy sản, du lịch, hàng hải... Vùng biển Việt Nam cũng đồng thời có vị trí chiến lược về quốc phòng, an ninh. Đảng, Nhà nước ta đã sớm nhận thức được tầm quan trọng của việc quản lý, bảo vệ vùng biển quốc gia; thể hiện rõ quan điểm về chủ quyền vùng biển và gia nhập các điều ước quốc tế liên quan đến quản lý, bảo vệ vùng biển, trong đó có Công ước quốc tế của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982.
Trước yêu cầu công tác quản lý, bảo vệ vùng biển, bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia; việc đảm bảo thực thi pháp luật trên biển nói chung, tổ chức thực hiện quy định của các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên, trong đó có Công ước Luật Biển năm 1982 nói riêng cho phù hợp với điều kiện tiềm lực kinh tế của đất nước còn hạn chế, không thể đảm bảo cho tất cả các ngành xây dựng lực lượng riêng để kiểm tra, kiểm soát, bảo đảm chấp hành, thực thi pháp luật của ngành mình trên biển, đã đặt ra yêu cầu cấp thiết cho việc xây dựng lực lượng chuyên trách của Nhà nước, chủ trì thực thi pháp luật trên biển. Pháp lệnh Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam năm 1998 được ban hành và Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam được thành lập để đáp ứng nhu cầu trên.
Hoạt động thực thi pháp luật hay bảo đảm chấp hành pháp luật trên biển của Lực lượng Cảnh sát biển được thể hiện cụ thể qua các nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra, kiểm soát; xử lý vi phạm hành chính; tiến hành một số hoạt động điều tra; bảo vệ an ninh quốc gia; đấu tranh phòng, chống cướp biển, cướp có vũ trang chống lại tàu thuyền; hợp tác quốc tế; thu thập, cung cấp thông tin…
Hệ thống pháp luật hiện hành thể hiện rõ vai trò chủ trì thực thi pháp luật trên biển của Lực lượng Cảnh sát biển. Cụ thể như sau:
Trước hết, địa vị pháp lý chủ trì trong thực thi pháp luật trên biển của Cảnh sát biển thể hiện ở quy định về chức năng, nhiệm vụ Cảnh sát biển.
Pháp lệnh Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam quy định: “Cảnh sát biển là lực lượng chuyên trách của Nhà nước, thực hiện chức năng quản lý an ninh, trật tự, an toàn và bảo đảm chấp hành pháp luật Việt Nam, các điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên trên các vùng biển và thềm lục địa Việt Nam”.
Với đặc thù quản lý vùng biển, khi thẩm quyền quốc gia ven biển phụ thuộc vào quy chế pháp lý các vùng biển, trong đó có những vùng biển quốc gia ven biển không có chủ quyền hoàn toàn và tuyệt đối như trên đất liền, các quốc gia khác vẫn có thẩm quyền nhất định trong sử dụng biển, nhất là quyền tự do hàng hải; đường biên giới trên biển, ranh giới các vùng biển không hiện hữu như trên đất liền; tác động của luật pháp quốc tế và yêu cầu sự tuân thủ của quốc gia ven biển, đòi hỏi xây dựng lực lượng đảm nhiệm vai trò chủ trì thực thi pháp luật trên biển là tất yếu. Quy định trên, một mặt khẳng định vị trí, chức năng của Cảnh sát biển, mặt khác khẳng định quan điểm của Nhà nước về lực lượng chuyên trách bảo đảm thực thi pháp luật trên biển.
Vai trò chủ trì thực thi pháp luật trên biển của Lực lượng Cảnh sát biển đồng thời được cụ thể hóa tại các văn bản pháp luật liên quan đến thẩm quyền của Cảnh sát biển.
Đối với pháp luật quốc tế.
Tiêu biểu là Hiệp định Chống cướp biển, cướp có vũ trang chống lại tàu thuyền tại châu Á (ReCAAP) mà Việt Nam là quốc gia thành viên. Theo quy định của Hiệp định, mỗi quốc gia thành viên có trách nhiệm cử cơ quan đầu mối chịu trách nhiệm với Trung tâm chia sẻ thông tin (do Hiệp định thiết lập, đặt trụ sở tại Singapore) về việc trao đổi nhanh chóng, đấu tranh có hiệu quả với những hành vi cướp biển, cướp có vũ trang chống lại tàu thuyền tại châu Á. Theo đó, “Cục Cảnh sát biển Việt Nam (nay là Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển) là cơ quan thường trực, đại diện của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tham gia thực hiện Hiệp định, đồng thời là cơ quan đầu mối trong việc hợp tác với Trung tâm Chia sẻ thông tin trong khuôn khổ Hiệp định, có nhiệm vụ thu thập, phân tích và đánh giá thông tin do các bên ký kết chuyển tới, kể cả các thông tin khác (nếu có) liên quan đến cướp biển và cướp có vũ trang chống lại tàu, thuyền; quản lý và duy trì việc lưu chuyển nhanh chóng các thông tin liên quan đến các vụ cướp biển và cướp có vũ trang chống lại tàu, thuyền giữa các bên ký kết; cung cấp các cảnh báo cho hoạt động vận tải biển, tàu đánh cá Việt Nam và các bên ký kết nếu có cơ sở pháp lý về các khu vực có nguy cơ xảy ra cướp biển, cướp có vũ trang chống lại tàu, thuyền tại châu Á”.
Liên quan đến Hiệp định Hợp tác nghề cá vịnh Bắc bộ giữa Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và nước CHND Trung Hoa, Cảnh sát biển Việt Nam cùng với Thanh tra bảo vệ nguồn lợi thủy sản, Hải quân, Bộ đội Biên phòng là “Cơ quan giám sát” chịu trách nhiệm giám sát, kiểm tra các hoạt động nghề cá trong vùng đánh cá chung và tiến hành xử lý các hoạt động đánh bắt trái phép theo quy định của Hiệp định. Trong đó, Cảnh sát biển là đầu mối phối hợp liên lạc của phía Việt Nam.
Thực tế, trong những năm qua, Cảnh sát biển đã thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ đấu tranh chống cướp biển, cướp có vũ trang chống lại tàu thuyền; đầu mối phối hợp thực hiện Hiệp định Hợp tác nghề cá giữa Việt Nam và Trung Quốc, trực tiếp thể hiện trách nhiệm của quốc gia thành viên trong thực hiện các Hiệp định, được các quốc gia thành viên ReCAAP và thế giới đánh giá cao và góp phần quan trọng vào việc duy trì ổn định, hòa bình vùng biển, thiết thực bảo đảm thực hiện phát triển kinh tế biển kết hợp với thực hiện nhiệm vụ quốc phòng – an ninh trên hướng biển.
Đối với pháp luật trong nước, vai trò chủ trì thực thi pháp luật trên biển của Cảnh sát biển cũng được thể hiện rõ.
Khoản 2 Điều 14 Nghị định số 86/2010/NĐ-CP ngày 19/10/2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều Pháp lệnh Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam quy định trách nhiệm của các lực lượng, cá nhân, tổ chức hoạt động trên các vùng biển và thềm lục địa Việt Nam “phải chịu sự kiểm tra, kiểm soát của Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam trong việc bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn và chấp hành pháp luật của Việt Nam và các điều ước quốc tế có liên quan mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên”.
Nghị định số 66/2010/NĐ-CP ngày 14/6/2010 của Chính phủ ban hành Quy chế phối hợp thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động của Lực lượng Cảnh sát biển và việc phối hợp hoạt động giữa các lực lượng trên các vùng biển và thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định như sau:
Đối với các bộ, ngành, căn cứ vào lĩnh vực quản lý nhà nước, các bộ, ngành có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị trực thuộc phối hợp với Lực lượng Cảnh sát biển trong các hoạt động thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của bộ, ngành có liên quan trực tiếp đến hoạt động thực thi pháp luật trên biển mà Lực lượng Cảnh sát biển có chức năng bảo đảm (Điều 2 Nghị định 66/2010/NĐ-CP). Cụ thể, phân thành các nhóm như sau:
+ Cung cấp thông tin, tài liệu thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của bộ, ngành. Tiêu biểu như, Bộ Ngoại giao có trách nhiệm cung cấp thông tin, tài liệu về chủ trương, chính sách của Nhà nước trong hoạt động đối ngoại có liên quan đến hoạt động của Lực lượng Cảnh sát biển; Bộ Giao thông vận tải cung cấp thông tin liên quan đến việc thông báo những thay đổi về hệ thống báo hiệu hàng hải; việc ban hành mới các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật liên quan đến hoạt động của tàu thuyền trên biển; Bộ Tài chính có trách nhiệm trao đổi, cung cấp thông tin, tài liệu cần thiết về lĩnh vực thuế, hải quan, các loại mẫu hóa đơn, chứng từ và giấy tờ cần thiết khi vận chuyển hàng hóa trên biển….
+ Hỗ trợ Lực lượng Cảnh sát biển trong các hoạt động nghiệp vụ chuyên ngành để xác định hành vi vi phạm pháp luật trên biển thuộc lĩnh vực quản lý của các bộ, ngành. Xuất phát từ thực tế, việc xác định các vi phạm pháp luật trong các ngành, lĩnh vực đòi hỏi phải có nghiệp vụ chuyên ngành. Do đó, theo quy định của Nghị định 66/2010/NĐ-CP, các bộ, ngành có trách nhiệm hỗ trợ Lực lượng Cảnh sát biển trong các hoạt động nghiệp vụ chuyên ngành để đảm bảo công tác thực thi pháp luật trên biển. Thực tế này cho thấy, một trong những đặc điểm của Cảnh sát biển là: Cảnh sát biển là một lực lượng đa chức năng. Hiện nay, với hơn 40 nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước hầu hết đã ghi nhận thẩm quyền xử phạt của Lực lượng Cảnh sát biển. Qua đó, một mặt đảm bảo thể hiện rõ hơn vai trò chủ trì thực thi pháp luật trên biển của Cảnh sát biển đồng thời đảm bảo việc nhanh chóng phát hiện, xử lý vi phạm, tội phạm trên biển theo quy định của pháp luật, đảm bảo giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn trên các vùng biển, đảo và thềm lục địa Việt Nam.
+ Hỗ trợ bồi dưỡng kiến thức nghiệp vụ chuyên ngành cho CB, CS Cảnh sát biển. Nếu việc hỗ trợ trong các nghiệp vụ chuyên ngành thể hiện rõ vai trò chủ trì của Cảnh sát biển trong các hoạt động xử lý vụ việc cụ thể trên biển thì trách nhiệm hỗ trợ bồi dưỡng kiến thức nghiệp vụ chuyên ngành cho CB, CS Cảnh sát biển lại thể hiện quan điểm, chủ trương của Nhà nước về xây dựng Lực lượng Cảnh sát biển theo xu hướng là lực lượng đa chức năng với đội ngũ cán bộ chính quy, chuyên nghiệp, đủ sức chủ trì thực thi pháp luật trên các vùng biển và thềm lục địa.
Như vậy, xuất phát từ cơ sở pháp lý về chức năng, nhiệm vụ, phạm vi hoạt động Cảnh sát biển như đã phân tích ở trên và thực tế điều kiện đảm bảo về trang bị, phương tiện và con người để phát huy vai trò chủ trì thực thi pháp luật trên biển cũng như yêu cầu xác định vai trò chủ trì, vai trò phối hợp để đảm bảo xác định trách nhiệm của các lực lượng trong công tác phối hợp. Qua đó, đảm bảo đạt được mục đích của công tác phối hợp cho thấy vai trò chủ trì thực thi pháp luật trên biển của Cảnh sát biển mang tính tất yếu.
Nghiên cứu lịch sử hình thành và phát triển của Lực lượng Cảnh sát biển cho thấy, thời kỳ mới thành lập, theo quy định của Pháp lệnh Lực lượng Cảnh sát biển năm 1998, Cảnh sát biển thực hiện công tác quản lý an ninh, trật tự, an toàn và bảo đảm việc chấp hành pháp luật từ ranh giới lãnh hải trở ra. Theo đó, Nghị định số 41/2001/NĐ-CP ngày 24/7/2001 của Chính phủ ban hành Quy chế phối hợp thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động của Lực lượng Cảnh sát biển và việc phối hợp hoạt động giữa các lực lượng trên các vùng biển và thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định vai trò chủ trì của Cảnh sát biển trong thực thi pháp luật trên biển trong phạm vi địa bàn vùng biển từ lãnh hải trở ra.
Kế thừa quy định của Pháp lệnh 1998, Nghị định số 41/2001/NĐ-CP và để đáp ứng tính liên tục trong quản lý các vùng biển; phù hợp với sự phát triển của Lực lượng Cảnh sát biển và thực tiễn tổ chức, quản lý lực lượng thực thi pháp luật trên biển của các nước trên thế giới và trong khu vực, năm 2008, Pháp lệnh Lực lượng Cảnh sát biển đã được sửa đổi, thay thế. Một trong những nội dung sửa đổi quan trọng của Pháp lệnh Lực lượng Cảnh sát biển năm 2008 là về phạm vi hoạt động của Cảnh sát biển. Theo đó, Cảnh sát biển hoạt động trên các vùng biển và thềm lục địa Việt Nam. Và các văn bản hướng dẫn thi hành đồng thời quy định vai trò chủ trì của Cảnh sát biển trong thực thi pháp luật trên các vùng biển và thềm lục địa. Địa vị pháp lý chủ trì của Cảnh sát biển tiếp tục được thể hiện ở Nghị định số 66/2010/NĐ-CP (thay thế Nghị định 41/2001/NĐ-CP). Theo đó, “các bộ, cơ quan ngang bộ và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, lực lượng thuộc quyền phối hợp với Lực lượng Cảnh sát biển trong các hoạt động thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ, ngành có liên quan trực tiếp đến hoạt động thực thi pháp luật trên biển mà Lực lượng Cảnh sát biển có chức năng bảo đảm như đã phân tích ở trên.
Với phạm vi hoạt động trên các vùng biển và thềm lục địa; chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm mà pháp luật đã quy định, cần thống nhất về nhận thức vai trò chủ trì thực thi pháp luật trên biển của Cảnh sát biển Việt Nam. Tuy nhiên, để đảm bảo hiệu quả hoạt động, trong điều kiện Cảnh sát biển còn non trẻ, đội ngũ cán bộ còn thiếu so với yêu cầu nhiệm vụ và thực tiễn mô hình tổ chức các lực lượng quản lý, bảo vệ biển của Việt Nam hiện nay, công tác phối hợp giữa Cảnh sát biển và các lực lượng chức năng là tất yếu. Và rõ ràng, với chức năng quản lý ngành, lĩnh vực, các lực lượng chức năng chuyên ngành sẽ đảm bảo việc xác minh, xử lý vi phạm nhanh chóng. Do vậy, trong công tác phối hợp, bên cạnh việc khẳng định vai trò chủ trì của Cảnh sát biển trong thực thi pháp luật trên biển thì cần xác định vai trò chủ trì của lực lượng chuyên ngành trong từng vụ việc cụ thể.
Trước diễn biến phức tạp của tình hình vùng biển, sự phát triển kinh tế biển và xu hướng gia tăng vi phạm, tội phạm trên biển, trong đó có những vi phạm an ninh phi truyền thống, vi phạm có yếu tố nước ngoài, đòi hỏi thống nhất nhận thức về vai trò chủ trì thực thi pháp luật trên biển của Lực lượng Cảnh sát biển mà hệ thống pháp luật trong nước, điều ước quốc tế đã ghi nhận. Qua đó, đảm bảo:
- Tập trung đầu tư xây dựng Lực lượng Cảnh sát biển là lực lượng nòng cốt, chuyên trách thực thi pháp luật trên biển đủ mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, đồng thời đảm bảo việc đầu tư của Nhà nước không dàn trải, lãng phí.
- Định hướng trong việc xây dựng, ký kết các văn bản phối hợp giữa Cảnh sát biển và các lực lượng chức năng. Theo đó, công tác phối hợp trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của lực lượng đã được pháp luật quy định; phát huy sức mạnh tổng hợp trong thực hiện nhiệm vụ; không gây cản trở cho các hoạt động hợp pháp trên biển; đảm bảo vai trò chủ trì của Cảnh sát biển trong thực thi pháp luật trên biển và việc xác định vai trò chủ trì, phối hợp .
- Định hướng việc xây dựng, phát triển Lực lượng Cảnh sát biển theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại như Nghị quyết của Đảng đã xác định trong đó tập trung phát triển mạnh, xây dựng biên chế đủ đối với ngành nghiệp vụ, pháp luật.
Trên cơ sở thống nhất nhận thức như trên, một số kiến nghị BTL Cảnh sát biển cần triển khai trong thời gian tới như sau:
Một là, đẩy mạnh việc xây dựng lực lượng, lấy phát huy năng lực nội tại làm trụ cột, nòng cốt, khẳng định khả năng kiểm soát biển; vai trò chủ trì thực thi pháp luật trên biển của Lực lượng Cảnh sát biển. Đây là yêu cầu quan trọng và có tính quyết định đảm bảo thực hiện đúng vai trò chủ trì thực thi pháp luật trên biển của Lực lượng Cảnh sát biển. Suy cho cùng, nếu pháp luật quy định chủ trì nhưng Cảnh sát biển không thực sự đảm nhiệm được vai trò đó trên thực tế thì cũng không đáp ứng được và theo quy luật quản lý ngành, lĩnh vực, các Bộ, ngành sẽ phát triển lực lượng, vươn ra biển, tự đảm bảo việc thi hành pháp luật trong lĩnh vực quản lý của mình.
Hai là, tăng cường chỉ đạo công tác phối hợp lực lượng trong đó chú trọng vào thực chất các hoạt động phối hợp thực thi pháp luật trên biển. Tránh hình thức, khoa trương. Đặc biệt quan tâm đến công tác phối hợp xây dựng lực lượng, đảm bảo tăng cường năng lực cán bộ thực thi pháp luật của Cảnh sát biển.
Ba là, triển khai việc xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ thực thi pháp luật trên biển đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Phát huy vai trò chủ động của các cơ quan tham mưu của Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển trong tham mưu chiến lược triển khai nhiệm vụ thực thi pháp luật trên biển.
Bốn là, trong xây dựng các quy chế phối hợp giữa Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển với các lực lượng chức năng liên quan, một mặt đảm bảo nguyên tắc quản lý ngành, lĩnh vực theo quy định của pháp luật, mặt khác cần đảm bảo vai trò chủ trì của Cảnh sát biển trong thực thi pháp luật trên biển. Theo đó, vai trò chủ trì của các lực lượng chức năng trong phối hợp với Lực lượng Cảnh sát biển sẽ được thể hiện trong những vụ việc cụ thể./.

Đại úy, ThS. Phạm Thanh Hương - Cục Nghiệp vụ và Pháp luật/BTL Cảnh sát biển

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục gửi về banbientapcsb@gmail.com