Bản lĩnh và sự gương mẫu của những người làm công tác pháp luật

14/08/2013 04:41:00 PM

(Canhsatbien.vn) - 

Trong quá trình phát triển của lực lượng cảnh sát biển Việt Nam, cũng như trong thời điểm hiện nay thì bản lĩnh và sự gương mẫu của những người làm công tác pháp luật, đặc biệt là người lãnh đạo, chỉ huy quản lý có ảnh hưởng sâu sắc và to lớn đến sức mạnh của toàn lực lượng, góp phần trực tiếp quyết định hiệu quả hoạt động thực thi pháp luật trên biển. Cán bộ cấp càng cao thì sự ảnh hưởng càng lớn. Bản lĩnh và sự gương mẫu của người đứng đầu cơ quan pháp luật có ảnh hưởng trực tiếp đến đội ngũ trực tiếp thực hiện nhiệm vụ trên biển, đặc biệt là lực lượng trực tiếp tham gia xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trên biển. Đây chính là một vấn đề hệ trọng, nhạy cảm có ảnh hưởng lớn đến toàn lực lượng.

Bản lĩnh và sự gương mẫu của những người làm công tác pháp luật là tổng hợp những phẩm chất, nhân cách đã phát triển chín muồi, đạt đến trình độ tự giác cao, tạo nên năng lực làm chủ hoàn cảnh và làm chủ bản thân, thể hiện ở trách nhiệm cá nhân cao nhất với tính chủ động tích cực và năng lực lãnh đạo trong thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao và trong “hoàn thiện mình”. Bản lĩnh của người làm công tác pháp luật phải được thể hiện sâu sắc ở sự tiên phong gương mẫu “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau” nhất là người đứng đầu thật sự phải gương mẫu để cấp dưới noi theo. Người làm công tác pháp luật phải hết sức giữ mình để không bị tha hóa, phải có sức “đề kháng” mạnh mẽ để làm thất bại, đồng thời ngăn chặn những hiện tượng tiêu cực xảy ra trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, đặc biệt là trong quá trình thực thi pháp luật trên biển. Không để bị cuốn hút vào vòng xoáy, cạm bẫy của chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, thực dụng. Nếu những người làm công tác pháp luật không gương mẫu, không giữ được mình thì coi như đã đánh mất bản lĩnh và do đó không thể thực hiện được chức trách, nhiệm vụ của mình, sớm muộn cũng sẽ bị đào thải theo quy luật của cuộc sống, để lại dấu ấn đau buồn trong toàn lực lượng.

Bản lĩnh và sự gương mẫu của người làm công tác pháp luật phải được thể hiện trước hết ở cái tâm trong sáng “Chí công vô tư”. Đây là điều cốt lõi trong tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, là cái đức góp phần tạo nên sự trưởng thành của cán bộ, đảng viên và những người làm công tác pháp luật cần phải tuân thủ thực hiện. Đây cũng là vấn đề cấp thiết nhất trong đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên. Trong đó có những người làm công tác pháp luật.

Bản lĩnh và sự gương mẫu của người làm công tác pháp luật phải được thể hiện ở tính Đảng cao: Sự giữ gìn đạo đức và lối sống trong sạch lành mạnh. Xã hội Việt Nam chúng ta từ trước tới nay đều rất coi trọng vai trò đạo đức. Sự gương mẫu về đạo đức, lối sống của người làm công tác pháp luật là một vấn đề trọng yếu trong thực hiện nhiệm vụ, có trong sạch , lành mạnh mới có sức cảm hóa, thuyết phục, không lạm dụng quyền lực, không lạm dụng quyền hạn trong thi hành nhiệm vụ. Khi người làm công tác pháp luật không giữ được mình sẽ bị sức hút của vật chất, tiền bạc lôi kéo, sẽ dẫn đến tha hóa về đạo đức, lối sống, do đó những kẻ cơ hội, thực dụng sẽ lợi dụng để thao túng, để làm lợi cho chúng và sẽ làm hại cho nhân dân, đất nước.

Năng lực, trình độ của người làm công tác pháp luật được thể hiện rõ nét ở việc xử lý các tình huống, nhất là các tình huống kiểm tra, kiểm soát trên biển. Xử lý tình huống là một trong những nội dung quan trọng và thường diễn ra trong hoạt động tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật trên biển. Đây là một vấn đề hệ trọng và nhạy cảm, tác động trực tiếp mạnh mẽ đến tư tưởng hành động của người thực thi nhiệm vụ. Nếu như kém tôi luyện, thiếu bản lĩnh, không gương mẫu thì dễ bị tha hóa, lu mờ bản chất. Người làm công tác pháp luật phải luôn chủ động xử lý các tình huống nảy sinh trong quá trình làm việc. Phải dựa trên cơ sở tiêu chí cái gì có lợi cho tập thể, có lợi cho nhân dân thì làm, cái gì hại cho dân, cho đất nước, trái với thuần phong mỹ tục, trái chân lý thì không được làm. Nếu như kém bản lĩnh sẽ bị động, lúng túng, không xử lý được tình huống, nhất là khi đối tượng sử dụng tiền, bạc hoặc vật chất lôi kéo, che dấu hành vi vi phạm của họ, hoặc làm những việc có lợi cho các đối tượng đó.

Bởi vậy những người làm công tác pháp luật hơn lúc nào hết phải cảm nhận sâu sắc và thực sự trân trọng bản lĩnh và trí lực, bằng chính tâm huyết và trí tuệ của mình trong hoạt động thực hiện nhiệm vụ, phải thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật, hợp lòng dân, hiệu quả thiết thực cao trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, để từ đó rèn luyện mình có đủ bản lĩnh chính trị, đủ uy tín trong thực hiện nhiệm vụ, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của đơn vị.

Lê Khả Hiệu - Trưởng Phòng Pháp luật - Vùng Cảnh sát biển 3
Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục gửi về banbientapcsb@gmail.com