31/08/2022 01:35:00 AM
(Canhsatbien.vn) -
Công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung, pháp luật về biển đảo nói riêng có vai trò rất quan trọng, là cầu nối để đưa chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với người dân, nhằm nâng cao nhận thức, ý thức tự giác chấp hành pháp luật về biển đảo của các cấp, các ngành, mọi tầng lớp nhân dân; góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ toàn vẹn chủ quyền quốc gia dân tộc, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn các vùng biển đảo của Tổ quốc.
Lực lượng Cảnh sát biển tuyên truyền phổ biến pháp luật, tặng quà cho ngư dân. (Ảnh: Mạnh Thường)
Tư duy về quản lý, bảo vệ chủ quyền biển đảo hiện nay đã có bước phát triển mới. Quản lý, bảo vệ chủ quyền biển đảo không chỉ được tiến hành bằng sức mạnh quân sự mà phải bằng sức mạnh tổng hợp trên tất cả các mặt: kinh tế, chính trị, quân sự, ngoại giao, văn hóa, pháp luật, với sự đồng thuận, đoàn kết toàn dân tộc và sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế. Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (TT, PB, GDPL) về biển đảo trở thành một trong những phương thức quan trọng để tạo nên sức mạnh công lý, sức mạnh tổng hợp từ sự thống nhất, đồng thuận, đoàn kết toàn dân để quản lý, bảo vệ chủ quyền biển đảo trong tình hình mới.
Với tư duy và nhận thức sâu sắc đó, thời gian qua, công tác TT, PB, GDPL về biển đảo luôn được Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, cấp ủy, chỉ huy các cấp trong Lực lượng quan tâm coi trọng và lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, chặt chẽ, hiệu quả; bám sát nội dung theo quy định của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, đồng thời bổ sung nội dung theo chức năng, nhiệm vụ của Cảnh sát biển với hình thức phong phú, phương pháp sáng tạo. Qua đó, góp phần trực tiếp nâng cao nhận thức, xây dựng ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, chiến sĩ trong Lực lượng và nhân dân, ngư dân trên các vùng biển, đảo cũng như địa bàn liên quan.
Trên cơ sở kế hoạch hằng năm của Hội đồng Phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật cấp trên, các cơ quan, đơn vị trong Lực lượng đã cụ thể hóa sát với đặc điểm tình hình hình, nhiệm vụ của đơn vị; phân công, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng cá nhân, nhất là các tuyên truyền viên, báo cáo viên pháp luật ở cấp mình; tổ chức triển khai thực hiện đúng, đủ nội dung, bảo đảm tiến độ thời gian cho từng đối tượng. Đối với công tác TT, PB, GDPL cho nhân dân và ngư dân các vùng biển đảo, đã được các cơ quan, đơn vị đưa vào nội dung kế hoạch thực hiện Đề án “Phát huy vai trò của lực lượng Quân đội nhân dân tham gia công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, vận động nhân dân chấp hành pháp luật tại cơ sở giai đoạn 2021 - 2027”, Đề án "Tuyên truyền, phổ biến Luật Cảnh sát biển Việt Nam giai đoạn 2019 - 2023"; lồng ghép trong kế hoạch thực hiện chương trình công tác dân vận "Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân", "Cảnh sát biển với đồng bào dân tộc, tôn giáo". Hằng tháng, hằng quý, 6 tháng, các đơn vị thực hiện tốt việc đánh giá kết quả, tìm ra nguyên nhân hạn chế và khâu yếu trong công tác chỉ đạo, điều hành, phối hợp thực hiện nhiệm vụ TT, PB, GDPL giữa đơn vị và địa phương để kịp thời rút kinh nghiệm, điều chỉnh kế hoạch. Nhờ vậy, công tác TT, PB, GDPL luôn bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, hiệu quả.
Cùng với đó, các cơ quan, đơn vị đã thường xuyên chú trọng xây dựng, kiện toàn đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyên viên pháp luật. Khối Cơ quan Bộ Tư lệnh, các Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển, Đoàn Đặc nhiệm PCTP ma túy, Đoàn Trinh sát, Trung tâm Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ Cảnh sát biển đã thành lập các tổ TT, PB, GDPL do thủ trưởng Cục Chính trị, chính ủy, chính trị viên làm tổ trưởng. Bên cạnh việc tham gia nghiêm túc các lớp tập huấn, bồi dưỡng của trên, các cơ quan, đơn vị đã quan tâm bồi dưỡng, truyền thụ kinh nghiệm, nâng cao trình độ, kỹ năng, phương pháp công tác tuyên truyền miệng cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật; chủ động rà soát, phát hiện, bồi dưỡng các đồng chí sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp trẻ, mới ra trường, có năng khiếu trong công tác tuyên truyền miệng để bổ sung, tăng cường lực lượng. Đồng thời, mạnh dạn huy động cán bộ tham mưu, nghiệp vụ am hiểu về pháp luật để tham gia giới thiệu các chuyên đề pháp luật. Đối với công tác TT, PB, GDPL cho nhân dân và ngư dân, đã lựa chọn các đồng chí báo cáo viên, cán bộ có năng lực, có quan hệ tốt với chính quyền địa phương, am hiểu địa bàn, phong tục tập quán của địa phương để thành lập các tổ đội tuyên truyền. Qua thực tiễn, chất lượng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên ngày một nâng cao; số lượng ngày càng đông, hoạt động hiệu quả, đáp ứng tốt yêu cầu TT, PB, GDPL cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân.
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác TT, PB, GDPL, các cơ quan, đơn vị đã có nhiều đổi mới về nội dung, hình thức, biện pháp tuyên truyền, mang lại hiệu quả thiết thực. Đối với cán bộ, chiến sĩ, bên cạnh thực hiện nghiêm giáo dục các chuyên đề pháp luật theo quy định, đã phát huy hiệu quả hoạt động “tủ sách pháp luật”, học tập “Sổ tay pháp luật Cảnh sát biển” gắn với quy định "Mỗi ngày học một điều luật”, "Mỗi tuần một tình huống pháp luật", thông qua sân khấu hóa, tổ chức thi "Rung chuông vàng"… qua đó đã "mềm hóa" công tác TT, PB, GDPL. Đối với nhân dân, đã kết hợp tốt giữa thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, duy trì thực thi pháp luật trên biển với tuyên truyền các văn bản quy phạm pháp luật bằng hình thức tiếp cận cấp phát tờ rơi, tuyên truyền trên kênh nghề cá, kênh hàng hải, phát loa tuyên truyền.
Ngoài ra, các cơ quan, đơn vị còn chủ động phối hợp với chính quyền địa phương, các đơn vị bạn để tổ chức TT, PB, GDPL cho nhân dân, ngư dân với nhiều hình thức phong phú như: tổ chức giao lưu văn nghệ kết hợp tuyên truyền pháp luật, trình chiếu video clip, phóng sự, phim tư liệu về biển đảo và pháp luật; lồng ghép TT, PB, GDPL trong chương trình công tác dân vận "Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân”, “Cảnh sát biển với đồng bào dân tộc, tôn giáo", cuộc thi “Em yêu biển đảo quê hương", kết hợp tuyên truyền tập trung với trực tiếp xuống từng tàu, thuyền, đến từng nhà dân để phát tài liệu, tờ rơi, tờ gấp tuyên truyền; tích cực sử dụng các hình thức ứng dụng công nghệ thông tin để tuyên truyền pháp luật như tổ chức thi trực tuyến tìm hiểu Luật Quốc phòng, Luật Cảnh sát biển Việt Nam; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan báo, đài Trung ương và địa phương để tuyên truyền pháp luật thông qua các chuyên mục, phóng sự chuyên đề, tiểu phẩm...
Với những biện pháp đồng bộ, quyết liệt, công tác TT, PB, GDPL về biển đảo của Lực lượng Cảnh sát biển thời gian qua đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, kỷ luật của cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang và các tầng lớp nhân dân. Đặc biệt, ngư dân trên các vùng biển đảo đã có ý thức hơn trong việc tuân thủ các quy định của pháp luật liên quan đến biển đảo như Luật Biển Việt Nam, Luật Cảnh sát biển Việt Nam, Luật Tài nguyên môi trường và hải đảo… Từ đó, tình hình vi phạm pháp luật trên biển của ngư dân, nhất là vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại, xuất nhập cảnh trái phép, tội phạm ma túy trên biển từng bước được giảm thiểu. Ý thức trách nhiệm của ngư dân trong bảo vệ và khai thác hiệu quả, bền vững nguồn lợi thủy sản, bảo vệ môi trường biển, chấp hành các quy định về khai thác IUU ngày càng được nâng cao.
Những kết quả đạt được từ công tác TT, PB GDPL về biển đảo đã góp phần quan trọng vào kết quả đấu tranh, phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật trên biển; động viên được ngư dân hăng hái vươn khơi, bám biển, tích cực hỗ trợ, giúp đỡ các lực lượng chức năng trong thực thi pháp luật trên biển; góp phần xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân trên biển vững chắc và đấu tranh, phản bác có hiệu quả các quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, phần tử cơ hội chính trị về biển, đảo Việt Nam; tạo sự đồng thuận trong xã hội về quản lý, bảo vệ chủ quyền, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn trên các vùng biển, đảo của Tổ quốc.
Tuy nhiên, so với yêu cầu đề ra, công tác TT, PB, GDPL về biển đảo thời gian qua vẫn còn một số hạn chế: việc quán triệt vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác TT, PB, GDPL tại một số cơ quan, đơn vị chưa thường xuyên, chưa được quan tâm đúng mức, nên nhận thức của cán bộ, chiến sĩ còn hạn chế, chưa phát huy hết vai trò của các tổ chức quần chúng và hội đồng quân nhân trong tham gia. Phương pháp giáo dục tuyên truyền về pháp luật biển đảo còn cứng nhắc, chưa đúng không gian, thời gian, chưa tạo được sự hứng thú của người tiếp nhận nên chưa thực sự hiệu quả; một bộ phận lớn ngư dân vẫn còn nhận thức về pháp luật, về chủ quyền biển đảo có mặt chưa đầy đủ hoặc phiến diện, còn vi phạm chủ quyền hợp pháp, pháp luật của các quốc gia trong khu vực, đánh bắt hải sản trái phép, không báo cáo và không theo quy định…
Từ những kết quả đạt được và thực trạng công tác TT, PB, GDPL của Lực lượng thời gian qua, có thể rút ra một số kinh nghiệm sau:
Một là, tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng; sự quản lý, điều hành của chính quyền các cấp; kịp thời huy động sức mạnh tổng hợp và sự phối hợp của các cấp, các ngành, các tổ chức, đoàn thể chính trị, xã hội, nhất là hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật, cơ quan chính trị, cơ quan pháp luật và phát huy vai trò xung kích của các tổ chức quần chúng (đoàn thanh niên, hội phụ nữ), hội đồng quân nhân trong thực hiện TT, PB, GDPL.
Hai là, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phối hợp tuyên truyền; chủ động phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền, các cơ quan ban ngành, địa phương và đơn vị bạn để nghiên cứu, lựa chọn nội dung phù hợp với từng địa bàn, từng đối tượng và đặc điểm, điều kiện cụ thể, từ đó xây dựng, triển khai kế hoạch và tổ chức TT, PB, GDPL đạt hiệu quả. Quan tâm đúng mức đối với việc đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật ở các địa phương ven biển, với các đối tượng nhân dân và ngư dân thường xuyên làm ăn kinh tế trên biển, đảo.
Ba là, quá trình thực hiện TT, PB, GDPL phải gắn với các cuộc vận động, các đề án, chương trình, mô hình của Lực lượng Cảnh sát biển, của các địa phương nơi tiến hành công tác TT, PB, GDPL; coi trọng củng cố, kiện toàn, xây dựng, bồi dưỡng, tập huấn cho lực lượng làm công tác tuyên truyền pháp luật ở cơ sở, gắn với phát huy vai trò nêu gương, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao của đội ngũ cán bộ, đảng viên, báo cáo viên pháp luật các cấp trong công tác tuyên truyền, chấp hành pháp luật, kỷ luật.
Bốn là, thường xuyên đổi mới hình thức, phương pháp TT, PB, GDPL; tăng cường đầu tư và phát huy hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa, trang thiết bị nghe, nhìn hiện có ở các cơ quan, đơn vị trong Lực lượng và địa phương, phục vụ cho công tác TT, PB, GDPL. Bên cạnh các hình thức, biện pháp TT, PB, GDPL truyền thống, cần vận dụng linh hoạt nhiều hình thức tuyên truyền; đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số trong TT, PB, GDPL, vận hành có hiệu quả các trang/cổng thông tin điện tử, khai thác triệt để các ứng dụng, phần mềm có tính năng trực tuyến, tương tác và ứng dụng trí tuệ nhân tạo, mạng xã hội để TT, PB, GDPL.
Năm là, duy trì nghiêm nền nếp, chế độ kiểm tra, theo dõi, đôn đốc các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện TT, PB, GDPL. Kịp thời biểu dương, tôn vinh các tập thể, cá nhân có thành tích và nhân rộng những mô hình mới, cách làm hay, sáng tạo để các cơ quan, đơn vị, địa phương học tập, làm theo. Kiên quyết đấu tranh với những tư tưởng, nhận thức lệch lạc, biểu hiện đơn giản, chủ quan, coi nhẹ công tác TT, PB, GDPL. Quan tâm bảo đảm ngân sách kinh phí, các phương tiện và bồi dưỡng đội ngũ tuyên truyền viên, báo cáo viên pháp luật trong triển khai thực hiện nhiệm vụ TT, PB, GDPL.
Với đặc thù là một quốc gia biển, trong xu thế chung của quốc tế là giải quyết các bất đồng, các vấn đề an ninh, chủ quyền biển đảo bằng biện pháp pháp luật, việc tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác TT, PB, GDPL về biển đảo cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân, ngư dân luôn là vấn đề cấp thiết. Đây là trách nhiệm chính trị, là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài không chỉ của Lực lượng Cảnh sát biển mà còn liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều lực lượng. Do vậy, cần bám sát, nắm chắc đặc điểm tình hình, yêu cầu nhiệm vụ chung của công tác TT, PB, GDPL và đặc thù nhiệm vụ TT, PB, GDPL về biển đảo cho nhân dân và ngư dân vùng biển, từ đó tích cực, chủ động, kiên trì đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục sâu rộng, có hệ thống, nhằm không ngừng nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ chiến sĩ và mọi tầng lớp nhân dân, ngư dân, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ toàn vẹn chủ quyền quốc gia dân tộc, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn trên các vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc trong giai đoạn mới./.
Đại tá Lê Huy
Phó Chủ nhiệm Chính trị Cảnh sát biển