Tư lệnh Cảnh sát biển phát biểu góp ý về Luật Phòng thủ dân sự tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV

02/11/2022 05:22:00 PM

(Canhsatbien.vn) - 

Chiều 01/11, tại Chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, trong phiên thảo luận tại tổ về dự án Luật Phòng thủ dân sự, Thiếu tướng Lê Quang Đạo - Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam, đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn Đại biểu tỉnh Phú Yên đã có bài phát biểu đóng góp ý kiến về sự cần thiết phải ban hành Luật Phòng thủ dân sự.

Trước đó, trong phiên thảo luận chiều 26/10, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang đã trình bày Tờ trình dự thảo Luật Phòng thủ dân sự trước Quốc hội. Bộ trưởng Phan Văn Giang cho biết, phòng thủ dân sự có phạm vi rộng, bao gồm tổng thể các hoạt động chuẩn bị từ thời bình và khi có chiến tranh, thảm hoạ, sự cố xảy ra để chủ động bảo đảm an toàn, khắc phục thiệt hại về người, tài sản của Nhà nước, của nhân dân. Các quy định về phòng thủ dân sự liên quan đến quyền con người, quyền công dân và cần phải được quy định bằng văn bản luật để bảo đảm nguyên tắc hiến định tại khoản 2 Điều 14 Hiến pháp 2013 “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”.

Bộ trưởng Phan Văn Giang cũng nhấn mạnh, việc xây dựng Luật Phòng thủ dân sự nhằm tạo khung pháp lý chung nhất cho việc phòng, chống, khắc phục hậu quả chiến tranh; phòng, chống, khắc phục thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh, nhằm bảo vệ cao nhất tính mạng, sức khỏe, tài sản của Nhân dân, nâng cao hiệu quả pháp lý của hệ thống pháp luật về phòng thủ dân sự. Đồng thời, tăng cường các biện pháp phòng ngừa và bảo đảm tính chủ động trong công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh. Nâng cao năng lực về phòng thủ dân sự; đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước gắn với củng cố quốc phòng, an ninh và từng bước hội nhập quốc tế trong tình hình mới.

Đồng chí Lê Quang Đạo - Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên phát biểu tại phiên thảo luận.

Đồng tình với quan điểm của đồng chí Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Thiếu tướng Lê Quang Đạo - Tư lệnh Cảnh sát biển, đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên cho rằng: Phòng thủ dân sự là bộ phận phòng thủ đất nước, bao gồm các biện pháp phòng, chống, thiên tai; phòng chống, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố, thiên tai; dịch bệnh; bảo vệ nhân dân, cơ quan, tổ chức và nền kinh tế quốc dân. “Đối chiếu với thực tiễn cho thấy, công tác phòng thủ dân sự những năm qua luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm chỉ đạo, tổ chức hoạt động ứng phó sự cố, thảm họa đạt được nhiều kết quả đáp ứng một phần yêu cầu công tác phòng thủ dân sự và phòng thủ quốc gia. Tuy nhiên hoạt động phòng thủ dân sự thời gian qua còn tồn tại không ít hạn chế, yếu kém từ cơ chế, chính sách, pháp luật; sự lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức phối hợp công tác giữa các bộ, ngành, địa phương; hoạch định kế hoạch, biện pháp tổ chức thực tiễn ứng phó với sự cố, thảm họa,… làm hạn chế đến hiệu quả công tác phòng thủ dân sự” - Thiếu tướng Lê Quang Đạo nêu ý kiến.

Sau khi đưa ra cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn để luận giải, đồng chí Tư lệnh Cảnh sát biển một lần nữa nhấn mạnh sự cần thiết phải ban hành Luật Phòng thủ dân sự: trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực và trong nước có nhiều diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ổn định, bao hàm trong đó có vấn đề thuộc phòng thủ dân sự; Việc đất nước đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa sẽ làm tăng nguy cơ xảy ra thảm họa, sự cố nhiều hơn, cấp độ cao hơn; Nước ta hiện đang nằm trong một số nước bị ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu… Tình hình đó đặt ra yêu cầu ngày càng cao hơn đối với công tác phòng thủ dân sự, đòi hỏi phải hoàn thiện cơ sở pháp lý để tích cực, chủ động phòng, chống, ứng phó hiệu quả với sự cố, thảm họa xảy ra, góp phần bảo đảm an ninh, an toàn cho đất nước.

Thực tiễn những năm qua, công tác phòng thủ dân sự đã góp phần to lớn vào việc bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản của nhân dân, tạo môi trường ổn định phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, pháp luật hiện hành chưa quy định rõ các biện pháp ứng phó theo cấp độ phòng thủ dân sự dẫn đến khó khăn trong triển khai thực hiện. Tại kỳ họp lần này, nhiều đại biểu đề nghị tiếp tục rà soát, quy định hoàn chỉnh các khái niệm; Làm rõ hơn tiêu chí đánh giá mức độ nguy hiểm và tính chất đánh giá mức độ rủi ro của thảm họa, sự cố; Rà soát, làm rõ cơ sở để xây dựng các nội dung về cấp độ phòng thủ dân sự.

Các ý kiến đóng góp của đại biểu Quốc hội nói chung, trong đó có ý kiến của đồng chí Tư lệnh Cảnh sát biển, Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên đã góp phần luận giải những vấn đề từ cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn nhằm xây dựng hoàn thiện và ban hành Luật Phòng thủ dân sự, đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chỉ nghĩa Việt Nam, đáp ứng yêu cầu thực tiễn phòng thủ đất nước, góp phần bảo đảm vững chắc phòng thủ quốc gia, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới./.

P.V (Theo baotintuc.vn)

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục gửi về banbientapcsb@gmail.com

Các tin liên quan