Công tác bảo đảm hậu cần những năm qua - yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới

30/08/2013 02:54:00 AM

(Canhsatbien.vn) - 

Ngày 28 tháng 8 năm 1998 đánh dấu mốc son cho sự ra đời và phát triển của lực lượng Cảnh sát biển (CSB); với 34 chiến sỹ ngày đó cơ sở vất chất trang bị, doanh trại cơ bản nằm trong Quân chủng Hải Quân bảo đảm.

Qua 15 năm phát triển và trưởng thành dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Đảng uỷ, chỉ huy Cục qua các thời kỳ, với sự cố gắng nỗ lực, phát huy nội lực, chủ động nắm bắt tình hình, nghiên cứu đề xuất chỉ đạo, triển khai toàn diện các mặt công tác hậu cần, nhờ đó năng lực bảo đảm của ngành không ngừng được nâng cao, lực lượng, trang bị ngày càng được kiện toàn và phát triển phục vụ kịp thời cho nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ), thực thi pháp luật trên biển bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo và những nhiệm vụ đột xuất khác; các mặt đời sống của bộ đội đã được cải thiện đó là: cơ sở doanh trại đã và từng bước được xây dựng khang trang, xạch đẹp, đã bớt đi những khó khăn gian khổ cho các Vùng, Cụm trực thuộc và các Hải đội. Khi còn đóng quân nhờ các đơn vị Hải Quân, công tác tăng gia sản xuất (TGSX) từng bước đi vào ổn định và phát triển, tuy còn nhiều khó khăn về địa hình, thời tiết, khí hậu, thuỷ văn… nhưng với sự quan tâm sâu sắc của Đảng uỷ, chỉ huy các cấp, các đơn vị trong toàn Cục CSB đã có nhiều cố gắng đưa vào bữa ăn bộ đội từ 500 đến 1000đ/người/ngày theo đúng Nghị quyết của Đảng uỷ Cục năm 2013. Công tác bảo đảm điện, nước, xăng dầu, quân y, vận tải, nề nếp công tác hậu cần từng bước đi vào ổn định.

Tăng­ gia­ sản ­xuất ­cải ­thiện­ đời­ sống­ bộ­ đội.

Tuy nhiên, trước yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới, nhất là tình hình biển Đông ngày càng diễn biến phức tạp, tranh chấp giữa các nước trong khu vực, tội phạm trên biển cũng như trong đất liền ngày càng tinh vi, yêu cầu, nhiệm vụ đối với lực lượng CSB ngày càng nặng nề, biên chế, tổ chức Cục CSB đang trong giai đoạn phát triển, trưởng thành.

Tuy nhiên ngành Hậu cần bên cạnh những nét cơ bản đã đạt được vẫn còn bộc lộ một số hạn chế bất cập đó là:

- Đời sống của bộ đội còn gặp nhiều khó khăn, cơ sở vật chất doanh trại chưa đáp ứng kịp thời, nơi ăn ở của một số đơn vị chưa được xây dựng, còn ở nhờ các đơn vị của Hải Quân. Quy hoạch xây dựng doanh trại diện tích, quy mô nhỏ hẹp, đất đóng quân cơ bản là ven biển nhiễm mặn. Các bước triển khai xây dựng cơ bản gặp nhiều khó khăn do thủ tục xin đất, nguồn vốn xây dựng...

- Cán bộ ngành Hậu cần tuy đã được củng cố và kiện toàn nhưng vẫn còn thiếu, nhất đội ngũ quân y và trợ lý hậu cần cấp Hải đội. Nhận thức không đồng đều, một số vị trí nhân viên hậu cần không đúng ngành nghề, kiêm nghiệm.

 - Công tác nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ vào hoạt động hậu cần chưa nhiều.

- Phương thức bảo đảm hậu cần có khâu bảo đảm chưa phù hợp.

- Trang thiết bị hậu cần chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của lực lượng. Kiến thức về hậu cần chưa thực sự đồng hành với yêu cầu chiến tranh hiện đại.

Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình mới, ngành Hậu cần phải tập trung giải quyết tốt những giải pháp cơ bản sau:

Một là, bám sát nghị quyết lãnh đạo của Đảng uỷ, ý định của chỉ huy Cục về định hướng phát triển lực lượng từ nay đến năm 2020 và những năm tiếp theo. Quán triệt sâu sắc tới mọi cán bộ, chiến sỹ làm công tác hậu cần trong toàn lực lượng về Nghị quyết số 623/NQ-QUTƯ của Quân uỷ Trung ương về lãnh đạo công tác hậu cần trong Quân đội đến năm 2020, từ đó tham mưu cho Đảng uỷ, chỉ huy các cấp về công tác bảo đảm hậu cần góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị.

Hai là, củng cố, kiện toàn đội ngũ cán bộ, nhân viên làm công tác hậu cần đáp ứng với sự phát triển, yêu cầu nhiệm vụ của lực lượng. Tích cực huấn luyện, trau dồi phẩm chất đạo đức, lối sống, tác phong công tác, kiến thức thực tiễn, áp dụng khoa học kỹ thuật hậu cần vào thực tế của lực lượng CSB.

Ba là, đề xuất kiện toàn trang thiết bị kỹ thuật và lượng vật chất hậu cần SSCĐ theo quy định của Bộ, phân cấp cho các đơn vị đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, tính chất công việc của từng đơn vị.

Bốn là, tích cực chủ động trong công tác xây dựng cơ bản, từng bước đáp ứng nhu cầu nơi làm việc, ăn, ngủ nghỉ của bộ đội và mở rộng quy mô kho tàng, trạm xưởng phải phù hợp với sự phát triển của lực lượng; đẩy mạnh TGSX cải thiện đời sống bộ đội.

Năm là, phải tham mưu cho Đảng uỷ, chỉ huy các cấp về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng, vai trò của người chỉ huy đơn vị đới với công tác hậu cần. Gắn chỉ tiêu công tác hậu cần với phong trào thi đua "Ngành Hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy" với phong trào thi đua quyết thắng và các phong trào thi đua khác của các ngành.

Sáu là, phát huy tối đa vị trí vai trò tham mưu nòng cốt tổ chức thực hiện của ngưòi chỉ huy và cơ quan hậu cần các cấp; huy động tất cả các nguồn lực, phối hợp chặt chẽ với hậu cần khu vực phòng thủ (hậu cần các đơn vị bạn, địa phương nơi đóng quân…). Trong các chương trình quân dân y kết hợp, huy động lực lượng phương tiện… nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của đơn vị.

Với sức trẻ của tuổi 15, cán bộ, chiến sỹ ngành Hậu cần đã hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao, góp phần tô thắm thêm truyền thống “Bộ dội Cụ Hồ - Người chiến sỹ Cảnh sát biển”, quyết tâm xây dựng ngành Hậu cần lực lượng CSB vững mạnh toàn diện, xây dựng đơn vị an toàn gắn với địa bàn đóng quân an toàn. Đó cũng là thành tích của cán bộ, chiến sỹ ngành Hậu cần chào mừng ngày truyền thống của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam.

                                                                                                                      Đại tá Phạm Đức Thuận Chủ nhiệm Hậu cần/Cục Cảnh sát biển

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục gửi về banbientapcsb@gmail.com