23/03/2021 08:13:00 AM
(Canhsatbien.vn) -
Nhằm tiếp tục khơi dậy niềm tự hào dân tộc, tình yêu quê hương đất nước và lưu giữ những truyền thống lịch sử quý báu của cha ông cho thế hệ trẻ, nhân kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, ngày 22/3, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 1 tổ chức Đoàn tham quan kết hợp giáo dục truyền thống cho 30 đồng chí cán bộ, đoàn viên thanh niên, hội viên phụ nữ tại công trình Nhà tưởng niệm đồng chí Nguyễn Đức Cảnh và khu di tích Bãi cọc Cao Quỳ.
Tại Nhà tưởng niệm đồng chí Nguyễn Đức Cảnh ở xã An Đồng, huyện An Dương, thành phố Hải Phòng, tuổi trẻ Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 1 được nghe giới thiệu về thân thế, sự nghiệp, quá trình tìm kiếm hài cốt và xây dựng Nhà tưởng niệm đồng chí.
Các đại biểu xem các hình ảnh tư liệu tại Nhà tưởng niệm đồng chí Nguyễn Đức Cảnh.
Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh là học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam, nguyên Bí thư xứ ủy Bắc Kỳ, sáng lập Tổng Công hội Đỏ (nay là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), Bí thư đầu tiên của Đảng bộ Hải Phòng. Đồng chí là hiện thân của tinh thần yêu nước chân chính, là tấm gương sáng về đạo đức cao quý của người cộng sản, đã cống hiến trọn đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Sau 75 năm đồng chí Nguyễn Đức Cảnh bị giặc Pháp xử chém cùng với đồng chí Hồ Ngọc Lân, đến tháng 9/2007, di hài của hai đồng chí được tìm thấy tại khuôn viên Công ty cổ phần Giày Thống Nhất thuộc xã An Đồng, huyện An Dương. Ngay sau khi tìm được hài cốt, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Thành ủy, UBND thành phố Hải Phòng đã chỉ đạo vận động nguồn lực xã hội hóa, xây dựng Nhà tưởng niệm đồng chí Nguyễn Đức Cảnh và liệt sĩ Hồ Ngọc Lân tại khuôn viên Công ty cổ phần Giày Thống Nhất. Có thể nói, Nhà tưởng niệm đồng chí Nguyễn Đức Cảnh là nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho quân và dân thành phố Hải Phòng nói riêng và cả nước nói chung.
Di tích Bãi cọc Cao Quỳ tại xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng nằm sát dòng sông Bạch Đằng lịch sử. Trên dòng sông này, vào thế kỷ thứ X và thế kỷ thứ XIII, đã diễn ra 3 trận thủy chiến ác liệt nhất trong lịch sử cổ trung đại Việt Nam mà chiến thắng vĩ đại đều thuộc về dân tộc Việt Nam. Năm 938, Đức Vương Ngô Quyền đánh tan quân xâm lược Nam Hán bằng một trận chiến chỉ trong một ngày trên dòng sông Bạch Đằng, kết thúc 1.000 năm Bắc thuộc, khẳng định độc lập chủ quyền của đất nước. Năm 981, Hoàng đế Lê Đại Hành đã chọn sông Bạch Đằng để tổ chức trận chiến mang tính quyết định, đánh bại quân xâm lược Tống, bảo vệ nền độc lập của quốc gia Đại Cồ Việt. Năm 1288, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đã tổ chức một trận địa cọc hùng vĩ trên toàn bộ dòng sông Bạch Đằng, tiêu diệt, bắt sống đạo binh thuyền hùng mạnh của quân xâm lược Nguyên Mông, với gần 600 chiến thuyền, 40.000 quân do Ô Mã Nhi chỉ huy, kết thúc cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ 3 của dân tộc.
Các đại biểu tham quan khu di tích Bãi cọc Cao Quỳ.
Việc phát hiện bãi cọc Cao Quỳ trong quần thể di tích Bạch Đằng Giang năm 2019 có giá trị to lớn về mặt khoa học quân sự và văn hóa lịch sử, qua đó góp phần giáo dục truyền thống anh hùng cũng như gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa lịch sử hào hùng của dân tộc cho các thế hệ người dân Việt Nam trong đó có tuổi trẻ Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 1.
Lam Giang