16/09/2020 09:26:00 AM
(Canhsatbien.vn) -
Nhìn chung, hệ thống pháp luật Việt Nam đã có tương đối đầy đủ quy định về việc sử dụng biện pháp vũ trang khi thực thi công vụ trên biển. Trong đó Luật Cảnh sát biển Việt Nam năm 2018 đã quy định biện pháp vũ trang là một trong 7 biện pháp chính thức của Lực lượng Cảnh sát biển khi thực thi pháp luật trên biển. Luật Cảnh sát biển Việt Nam cũng quy định các loại vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ mà Cảnh sát biển Việt Nam được trang bị cũng như các trường hợp được nổ súng trên biển…
Khi áp dụng biện pháp vũ trang để thi hành nhiệm vụ, cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam được sử dụng các loại vũ khí quân dụng, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và được nổ súng quân dụng theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
Đặc trưng cơ bản của biện pháp vũ trang là việc sử dụng sức mạnh tổng hợp của các lực lượng, vũ khí, công cụ, phương tiện… Sức mạnh tổng hợp này được xác định bằng những yếu tố cơ bản như: số lượng, trạng thái tinh thần và trình độ huấn luyện của cán bộ, chiến sĩ; số lượng, chất lượng vũ khí, trang bị kỹ thuật và các phương tiện vật chất khác; trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ chỉ huy trong chỉ đạo, điều phối các lực lượng, phương tiện…
Biện pháp vũ trang là một trong 7 biện pháp công tác được các lực lượng vũ trang nói chung, Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam nói riêng sử dụng để thực thi công vụ. Theo khoản 1 Điều 12 Luật Cảnh sát biển Việt Nam năm 2018, Cảnh sát biển Việt Nam được thực hiện các biện pháp công tác gồm: vận động quần chúng, pháp luật, ngoại giao, kinh tế, khoa học - kỹ thuật, nghiệp vụ, vũ trang để bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn trên biển theo quy định của pháp luật.
Khi áp dụng biện pháp vũ trang để thi hành nhiệm vụ, cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam được sử dụng các loại vũ khí quân dụng, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và được nổ súng quân dụng theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (theo Điều 14, Luật Cảnh sát biển Việt Nam).
Luật Cảnh sát biển Việt Nam cũng quy định, ngoài các trường hợp nổ súng quân dụng theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, khi thi hành nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn, cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam cũng được nổ súng vào tàu thuyền trên biển, trừ tàu thuyền của cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự nước ngoài, cơ quan đại diện tổ chức quốc tế, tàu thuyền có chở người hoặc có con tin, để dừng tàu thuyền, thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Đối tượng điều khiển tàu thuyền đó tấn công hoặc đe dọa trực tiếp đến tính mạng người thi hành công vụ hoặc người khác;
b) Khi biết rõ tàu thuyền do đối tượng phạm tội điều khiển cố tình chạy trốn;
c) Khi biết rõ tàu thuyền chở đối tượng phạm tội hoặc chở vũ khí, vật liệu nổ trái phép, tài liệu phản động, bí mật nhà nước, ma tuý, bảo vật quốc gia cố tình chạy trốn;
d) Khi tàu thuyền có đối tượng đã thực hiện hành vi cướp biển, cướp có vũ trang theo quy định của điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, quy định của pháp luật về hình sự cố tình chạy trốn.
Trường hợp nổ súng theo quy định tại khoản 2 Điều 14 Luật Cảnh sát biển Việt Nam 2018, cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam phải cảnh báo bằng hành động, mệnh lệnh, lời nói hoặc bắn chỉ thiên trước khi nổ súng vào tàu thuyền; phải tuân theo mệnh lệnh của người có thẩm quyền khi thực hiện nhiệm vụ có tổ chức.
Mặc dù về cơ bản đã có hành lang pháp lý, nhưng việc áp dụng biện pháp vũ trang trong thực thi pháp luật trên biển vấp phải không ít trở ngại, điển hình như: phạm vi hoạt động và sự khó khăn đặc thù của không gian biển…
Pháp luật hiện hành chưa quy định phạm vi hoạt động của Cảnh sát biển Việt Nam trên vùng biển nằm ngoài quyền tài phán quốc gia, cụ thể là hoạt động trên vùng biển quốc tế là vùng biển của quốc gia khác, được xác định phù hợp với luật pháp quốc tế. Theo đó, thực tiễn việc áp dụng quyền truy đuổi tội phạm của lực lượng này ở các vùng biển nằm ngoài quyền tài phán của Việt Nam vẫn còn bị vướng mắc.
Bên cạnh đó, môi trường đặc thù của không gian biển cũng tạo ra những trở ngại khi áp dụng biện pháp vũ trang. Nếu như trên đất liền, các chiến sĩ công an còn có tâm lý e dè trước việc cưỡng chế tội phạm vì những rủi ro gây thương tích và thiệt hại cho người phạm tội, thì ở không gian biển, nguy cơ sát thương của các biện pháp vũ trang cao hơn rất nhiều nếu đối tượng kiên quyết chống trả. Do đó, thiết nghĩ pháp luật cần bổ sung thêm quy trình sử dụng biện pháp vũ trang trên biển, theo đó vừa đảm bảo không bỏ lọt tội phạm vừa bảo vệ chiến sĩ Cảnh sát biển trước những rủi ro khi áp dụng biện pháp vũ trang./.
Trần Trung