Cảnh sát biển Việt Nam khi tại ngũ được hưởng nhiều chế độ, chính sách ưu đãi theo quy định của Chính phủ

12/03/2021 01:45:00 AM

(Canhsatbien.vn) - 

Do đặc thù hoạt động trên biển của Cảnh sát biển Việt Nam trong môi trường khó khăn, khắc nghiệt của biển, thường xuyên phải xa nhà, đối mặt với nhiều rủi ro, nguy hiểm, có trường hợp hy sinh cả tính mạng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ trên biển, vì vậy, bên cạnh việc được hưởng chế độ chính sách, quyền lợi theo quy định của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, Cảnh sát biển Việt Nam còn được hưởng một số chế độ đặc biệt khác…

Các quy định về chế độ, chính sách của cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam đã được thực hiện ổn định, lâu dài, theo các điều, khoản quy định tại nhiều văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, Bộ Quốc phòng, như: Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang; Nghị định số 116/2010/NĐ-CP ngày 24/12/2010 của Chính phủ về chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; Nghị định số 34/2012/NĐ-CP ngày 15/4/2012 của Chính phủ quy định về chế độ phụ cấp công vụ; Quyết định số 15/2009/QĐ-TTg ngày 21/01/2009 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ phụ cấp đặc thù quân sự đối với một số đối tượng trong Quân đội nhân dân Việt Nam; Quyết định 25/2012/QĐ-TTg ngày 14/8/2012 của Thủ tướng Chính phủ quy định một số chế độ ưu đãi đối với sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ, công chức quốc phòng và công nhân quốc phòng thuộc lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam; Thông tư liên tịch số 11/2005/TTLT-BNV-BLĐTBXH-BTC-UBDT ngày 05/11/2005 của Bộ Nội vụ, Bộ Lao động-Thương binh-Xã hội, Bộ Tài chính, Ủy ban Dân tộc hướng dẫn thực hiện chế độ phụ cấp khu vực…

Tuy nhiên, do đặc thù hoạt động trên biển của Cảnh sát biển Việt Nam trong môi trường khó khăn, khắc nghiệt của biển, thường xuyên phải xa nhà, phải đối mặt với nhiều rủi ro, nguy hiểm, có trường hợp hy sinh cả tính mạng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ trên biển. Vì vậy, bên cạnh việc được hưởng chế độ chính sách, quyền lợi theo quy định của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, Cảnh sát biển Việt Nam còn được hưởng một số chế độ đặc biệt khác.

Chuẩn bị bữa ăn cho cán bộ, chiến sĩ trên tàu Cảnh sát biển.

Điều 34 Luật Cảnh sát biển Việt Nam quy định về cấp bậc, quân hàm, chức vụ, chế độ phục vụ, chế độ chính sách và quyền lợi của cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam như sau:

1. Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, phong, thăng, giáng, tước cấp bậc, quân hàm, nâng lương, hạ bậc lương, đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng, chế độ phục vụ, thôi phục vụ, chế độ chính sách, quyền lợi và các quy định khác đối với cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam được thực hiện theo quy định của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng, Luật Nghĩa vụ quân sự và quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam khi phục vụ tại ngũ được hưởng chế độ ưu đãi phù hợp với tính chất nhiệm vụ, địa bàn hoạt động theo quy định của Chính phủ.

Để cụ thể hóa Điều 34 Luật Cảnh sát biển Việt Nam, tại Nghị định số 61/2019/NĐ-CP, Chính phủ đã quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Cảnh sát biển Việt Nam. Theo đó, cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam được hưởng lương theo ngạch, bậc, chức  vụ và được hưởng 13 chế độ trợ cấp các loại, bao gồm:

- Phụ cấp thâm niên vượt khung;

- Phụ cấp kiêm nhiệm chức danh lãnh đạo;

- Phụ cấp khu vực;

- Phụ cấp đặc biệt;

- Phụ cấp thu hút;

- Phụ cấp lưu động;

- Phụ cấp độc hại nguy hiểm;

- Phụ cấp thâm niên nghề;

- Phụ cấp trách nhiệm theo nghề;

- Phụ cấp trách nhiệm công việc;

- Phụ cấp phục vụ quốc phòng an ninh;

- Phụ cấp công tác lâu năm ở trên tàu, biển, đảo, phụ cấp ngày đi biển;

- Phụ cấp đặc thù đi biển.

Trong đó, phụ cấp đặc thù đi biển phù hợp với khu vực địa bàn vùng biển, đảo công tác, yêu cầu nhiệm vụ và chế độ, chính sách khác như cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang và cán bộ, công chức, viên chức có cùng điều kiện, môi trường làm việc, khu vực địa bàn, biển đảo công tác theo quy định của pháp luật.

Như vậy, theo các quy định của pháp luật thì cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam khi làm việc trên các tàu Cảnh sát biển đi làm nhiệm vụ trên biển cách đất liền 10 hải lý, 30 hải lý và 50 hải lý trở lên sẽ được hưởng chế độ phụ cấp đặc biệt lần lượt với mức 30%, 50%, 100% của mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) hoặc phụ cấp quân hàm hiện hưởng.

Chuẩn bị bữa ăn cho cán bộ, chiến sĩ trên tàu đi biển.

Về nguyên tắc chung, cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam thuộc đối tượng được hưởng chế độ ưu đãi nào thì được hưởng chế độ ưu đãi đó. Khi thay đổi nhiệm vụ, địa bàn công tác được hưởng mức chế độ ưu đãi thấp sang hưởng chế độ ưu đãi cao hơn (hoặc ngược lại) thì được điều chỉnh mức hưởng chế độ ưu đãi từ tháng thay đổi nhiệm vụ, địa bàn công tác. Khi thôi làm nhiệm vụ, chuyển địa bàn công tác thuộc diện không được hưởng chế độ ưu đãi thì chấm dứt hưởng chế độ ưu đãi kể từ tháng tiếp theo. Nếu một người đồng thời được hưởng chế độ ưu đãi, phụ cấp tại nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau thì được chọn một mức hưởng cao nhất.

Các chế độ ưu đãi của cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam được chi trả cùng kỳ lương hàng tháng; không dùng để tính đóng, hưởng chế độ bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế.

Nguồn kinh phí để chi trả chế độ, chính sách đối với cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam do ngân sách Nhà nước bảo đảm, được bố trí trong dự toán hàng năm của Cảnh sát biển Việt Nam theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.

Nghị định 61/2019/NĐ-CP chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 28/8/2019 và thay thế các Nghị định 86/2009/NĐ-CP; 96/2013/NĐ-CP; 13/2015/NĐ-CP và 66/2010/NĐ-CP./.

Liên Phương

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục gửi về banbientapcsb@gmail.com