26/08/2020 03:16:00 AM
(Canhsatbien.vn) -
Biển Đông hiện nay được đánh giá là vùng biển có tranh chấp phức tạp nhất thế giới, không chỉ liên quan đến lợi ích của các quốc gia ven Biển Đông mà còn liên quan đến lợi ích chính trị của nhiều cường quốc trên thế giới. Các tình huống liên quan tới quốc phòng - an ninh trên Biển Đông liên tiếp xảy ra do chiến lược, tham vọng kiểm soát biển của một số nước lớn. Cùng với đó, các mối đe dọa an ninh phi truyền thống, tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia về ma túy, buôn lậu, gian lận thương mại, vi phạm pháp luật cũng diễn biến ngày một phức tạp. Trong bối cảnh tình hình đó, yêu cầu nhiệm vụ của Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam ngày càng trở nên đa dạng, nặng nề hơn.
Cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam thể hiện quyết tâm bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia, an ninh quốc gia trên biển.
Luật Cảnh sát biển Việt Nam năm 2018 đã dành cả Chương II để quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Lực lượng Cảnh sát biển. Theo đó, tại Điều 8 Chương II đã quy định Cảnh sát biển Việt Nam có 7 nhóm nhiệm vụ chính như sau:
1. Thu thập thông tin, phân tích, đánh giá, dự báo tình hình để đề xuất chủ trương, giải pháp, phương án bảo vệ an ninh quốc gia và thực thi pháp luật trên biển; nghiên cứu, phân tích, dự báo, tham mưu với cấp có thẩm quyền ban hành chính sách, pháp luật về bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia, an ninh quốc gia trong vùng biển Việt Nam, bảo đảm trật tự, an toàn và đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật trên biển.
2. Bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia, an ninh, lợi ích quốc gia, dân tộc; bảo vệ tài nguyên, môi trường biển; bảo vệ tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân trên biển.
3. Đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn trên biển; tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn và tham gia khắc phục sự cố môi trường biển.
4. Tham gia xây dựng thế trận quốc phòng, an ninh và xử lý các tình huống quốc phòng, an ninh trên biển.
5. Thực hiện tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật.
6. Tiếp nhận, sử dụng nhân lực, tàu thuyền và phương tiện, thiết bị kỹ thuật dân sự được huy động tham gia bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trong vùng biển Việt Nam.
7. Thực hiện hợp tác quốc tế trên cơ sở điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và thỏa thuận quốc tế có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát biển Việt Nam.
So với Pháp lệnh Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam năm 2008, Luật Cảnh sát biển Việt Nam đã bổ sung 02 nhiệm vụ cho Cảnh sát biển Việt Nam gồm: (1) “Tham gia xây dựng thế trận quốc phòng, an ninh và xử lý tình huống quốc phòng, an ninh trên biển” và (2) “Tiếp nhận, sử dụng nhân lực, tàu thuyền và phương tiện, thiết bị kỹ thuật dân sự được huy động tham gia bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trong vùng biển Việt Nam”.
Việc bổ sung thêm nhiệm vụ “Tham gia xây dựng thế trận quốc phòng, an ninh và xử lý tình huống quốc phòng, an ninh trên biển” cho Cảnh sát biển trong Luật Cảnh sát biển Việt Nam nhằm tạo cơ sở pháp lý để Cảnh sát biển Việt Nam thực thi pháp luật bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên biển; bảo đảm giải quyết tranh chấp trên biển bằng lực lượng thực thi pháp luật, bằng biện pháp mang tính “dân sự” để giữ vững hòa bình, ổn định vùng biển phù hợp luật pháp quốc tế và thông lệ, xu thế chung của khu vực đồng thời tranh thủ được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế; không để các thế lực thù địch lợi dụng, khiêu khích và đẩy lên thành xung đột vũ trang.
Tình huống quốc phòng - an ninh trên biển là những sự việc xảy ra trực tiếp liên quan đến việc bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn an ninh quốc gia trên hướng biển. Vì vậy, việc xác lập nhiệm vụ này cho Cảnh sát biển vừa xuất phát từ quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước, vừa là đối sách phù hợp với thực tiễn trong xu thế chung của thế giới hiện nay, đồng thời vừa tạo được cơ sở pháp lý vững chắc, trực tiếp tác động tích cực đến hoạt động bảo đảm an ninh - quốc phòng trên biển của Lực lượng Cảnh sát biển.
Trước đó, Pháp lệnh Cảnh sát biển Việt Nam chưa quy định nhiệm vụ xử lý các tình huống quốc phòng - an ninh trên biển của Cảnh sát biển Việt Nam.
Hiện nay, các hành vi xâm lấn về chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên Biển Đông đang diễn ra với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, nguy hiểm. Phần lớn tình huống quốc phòng - an ninh trên Biển Đông luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng nổ xung đột vũ trang và chiến tranh trên biển, đòi hỏi sự khôn khéo, linh hoạt, kiên quyết và hành động đúng đối sách. Việt Nam luôn cam kết giải quyết các tranh chấp, bất đồng trên biển bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế hiện đại. Việc sử dụng Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam để “Tham gia xây dựng thế trận quốc phòng, an ninh và xử lý tình huống quốc phòng - an ninh trên biển” trong điều kiện tình hình Biển Đông hiện nay là phù hợp với xu thế giải quyết tranh chấp bằng lực lượng “dân sự”, đảm bảo hòa bình, ổn định và tranh thủ được sự ủng hộ, đồng tình của cộng đồng quốc tế; góp phần làm bớt đi tính nhạy cảm, không để cho các thế lực thù địch lợi dụng thành nguyên nhân, nguy cơ đẩy lên thành xung đột.
Thực tiễn 22 năm qua, Cảnh sát biển Việt Nam đã thể hiện rõ vị trí, vai trò của mình trong quản lý, bảo vệ biển, đảo; thực hiện tốt mọi nhiệm vụ được giao. Lực lượng Cảnh sát biển đã thường xuyên hiện diện trên các vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia; tổ chức hàng nghìn lượt tàu tuần tra, kiểm tra, kiểm soát để bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia bằng các biện pháp dân sự, hòa bình, ngoại giao, chính trị, nghiệp vụ, trong đó biện pháp pháp luật là chủ yếu. Điển hình như vụ giàn khoan Hải Dương 981 năm 2014, vụ Hải dương 8 năm 2019 và một số vụ việc khác liên quan đến quốc phòng - an ninh trên biển.
Để xử lý tốt các tình huống quốc phòng - an ninh trên biển, xuất phát từ tính chất vụ việc, trên cơ sở pháp lý và truyền thống của một dân tộc yêu chuộng hòa bình, mong muốn phát triển quan hệ hữu nghị truyền thống với các nước láng giềng cũng như ổn định vùng biển lâu dài, đồng thời để thể hiện trách nhiệm, nghĩa vụ của một quốc gia đã tham gia và thừa nhận Công ước Luật Biển năm 1982 và thỏa thuận DOC về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông, Cảnh sát biển Việt Nam đã phối hợp với Lực lượng Hải quân (là lực lượng nòng cốt) và các lực lượng khác kiên trì biện pháp pháp luật, tuyên truyền, cảnh báo, yêu cầu các bên liên quan tuân thủ luật pháp quốc tế và các thỏa thuận về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông. Từ đó đã ngăn chặn được nhiều hành vi vi phạm trên biển, không để tình hình vùng biển trở nên nghiêm trọng hoặc mở rộng hơn. Qua đó vừa góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia bằng các biện pháp pháp luật, hòa bình, vừa góp phần làm giảm căng thẳng, tránh xung đột vũ trang, giữ vững môi trường an ninh, hòa bình, hữu nghị trên các vùng biển để phát triển kinh tế đất nước và khu vực.
Đặc biệt, đối với nhiệm vụ quy định tại Khoản 3, Điều 8: “Đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn trên biển; tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn và tham gia khắc phục sự cố môi trường biển”, trong hơn 20 năm xây dựng và trưởng thành, với tinh thần “Kiên quyết dũng cảm, khắc phục khó khăn, đoàn kết hiệp đồng, giữ nghiêm pháp luật”, Cảnh sát biển Việt Nam luôn hoàn thành xuất sắc vai trò nòng cốt, chuyên trách trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn trên biển’; tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn và tham gia khắc phục sự cố môi trường biển.
Hoạt động của Cảnh sát biển thường xuyên trong điều kiện môi trường sóng gió nguy hiểm, thời tiết khắc nghiệt; trực tiếp phải đối mặt với những diễn biến phức tạp trên mặt trận đấu tranh chống xâm phạm chủ quyền, tội phạm vi phạm, buôn lậu, gian lận thương mại, trước những đối tượng liều lĩnh, khôn ngoan, xảo quyệt. Song, Lực lượng Cảnh sát biển tự hào là đến nay vẫn luôn vững vàng trên con đường đấu tranh của mình. Mặc dù tội phạm, vi phạm pháp luật tìm mọi cách tác động, lôi kéo, mua chuộc nhưng đội ngũ cán bộ, chiến sĩ thực thi pháp luật Cảnh sát biển luôn nêu cao bản lĩnh chính trị, với sự mưu trí, gan dạ, thậm chí chấp nhận cả hy sinh mất mát về bản thân, đã vật lộn với sóng gió, không quản ngày đêm, tổ chức trinh sát, phát hiện và xử lý hàng chục nghìn phương tiện vi phạm trên biển với số tiền xử phạt vi phạm hành chính lên tới hàng trăm tỷ đồng. Đã điều tra bắt và xử lý hàng trăm vụ buôn lậu, gian lận thương mại, tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính và phát mại tài sản lên đến hàng nghìn tỷ đồng nộp ngân sách Nhà nước. Đã phối hợp các lực lượng điều tra khám phá trên 1.200 chuyên án, vụ án về ma túy, trong đó tiến hành khởi tố hàng trăm vụ, bắt giữ trên 2.100 đối tượng, thu giữ hàng trăm bánh heroin, hàng chục kg ma túy đá, hàng chục nghìn viên ma túy tổng hợp cùng nhiều tang vật khác. Qua đó, góp phần quan trọng cùng các lực lượng chức năng liên quan giữ nghiêm kỷ cương, pháp luật, duy trì an ninh, trật tự, an toàn trên biển.
Trong tìm kiếm cứu nạn, bảo vệ môi trường, ứng phó với các sự cố trên biển, với tinh thần chủ động, tích cực, không quản ngại hiểm nguy, sẵn sàng lao vào sóng to bão lớn, những con tàu Cảnh sát biển đã tổ chức hàng trăm lượt tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, cứu nạn thành công hàng nghìn ngư dân trên biển, thực hiện thắng lợi “mệnh lệnh của trái tim”. Đến nay, Lực lượng Cảnh sát biển đã thực hiện trên 150 vụ tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn và cứu kéo hàng trăm phương tiện với hơn 409 ngư dân gặp nạn, tìm vớt được 06 thi thể, trong đó có 4 phương tiện và 34 thủy thủ tàu nước ngoài, lai dắt 196 tàu cá của ngư dân vào khu vực neo đậu an toàn. Trong những ngày giáp tết cổ truyền năm 2016, cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển đã không quản hiểm nguy, vượt qua bão tố, kịp thời vận chuyển 660 cán bộ và nhân dân huyện đảo Lý Sơn bị mắc kẹt ở đất liền được trở về nhà sum vầy cùng gia đình vui xuân, đón tết. Trong 2 năm 2016, 2017, Lực lượng Cảnh sát biển đã huy động 5 lượt tàu thuyền đón 943 ngư dân Việt Nam do Indonesia trao trả về đất liền an toàn, bàn giao cho các lực lượng chức năng. Việc làm đó đã khắc đậm hình ảnh cao đẹp của người chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam trong lòng dân, làm cho tình cảm “quân dân - cá nước” ngày càng bền chặt và hình ảnh người chiến sĩ Cảnh sát biển không ngừng tỏa sáng trong lòng dân.
Thực hiện nghĩa vụ quốc tế cao cả, Cảnh sát biển Việt Nam còn là đầu mối liên lạc thực hiện Hiệp định chống cướp biển, cướp có vũ trang chống lại tàu thuyền tại châu Á (ReCAAP); Hiệp định Hợp tác nghề cá Việt Nam - Trung Quốc ở Vịnh Bắc Bộ… Với ý chí kiên cường, quyết không lùi bước và sự linh hoạt, sáng tạo, Cảnh sát biển đã truy bắt thành công cướp có vũ trang người nước ngoài cướp tàu chở dầu trên biển. Qua đó góp phần tạo nên hình ảnh của một quốc gia có trách nhiệm trong giữ gìn an ninh, an toàn hàng hải và đối phó với các vấn đề an ninh phi truyền thống trên biển...
Những năm tới, Lực lượng Cảnh sát biển có những thuận lợi cơ bản nhưng cũng phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức mới với nhiệm vụ ngày một đa dạng, nặng nề hơn. Các vấn đề an ninh phi truyền thống cũng như cuộc cách mạng khoa học- công nghệ, quân sự - quốc phòng sẽ làm nảy sinh nhiều vấn đề mới, tác động mạnh mẽ cả tích cực lẫn tiêu cực đến chất lượng, hiệu quả thực hiện chức năng, nhiệm vụ Cảnh sát biển, đòi hỏi Lực lượng phải có biện pháp ứng phó phù hợp. Để hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ được quy định tại Điều 8 Luật Cảnh sát biển Việt Nam, Đại hội Đại biểu Đảng bộ Cảnh sát biển lần thứ V, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra phương hướng, mục tiêu chung là: Quán triệt sâu sắc các quan điểm, chủ trương, đối sách của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương; nắm chắc tình hình, tham mưu và thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, giữ gìn an ninh trật tự, an toàn biển, đảo của Tổ quốc. Tập trung lãnh đạo nâng cao chất lượng tổng hợp của toàn Lực lượng, chủ động khắc phục khó khăn, tích cực đổi mới, sáng tạo, thực hiện tốt chủ trương xây dựng Cảnh sát biển “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, xây dựng “Thế trận lòng dân ” gắn với xây dựng “Thế trận an ninh nhân dân” vững chắc trên hướng biển. Lãnh đạo xây dựng Lực lượng vững mạnh toàn diện “Mẫu mực, tiêu biểu”, lấy xây dựng nền nếp chính quy là trung tâm, chấp hành kỷ luật là trọng điểm. Tập trung xây dựng Đảng bộ Cảnh sát biển TSVM là nhiệm vụ then chốt, là nhân tố cơ bản để Lực lượng hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao trong mọi tình huống, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Với nền tảng cơ sở pháp lý vững chắc là Luật Cảnh sát biển Việt Nam, tin tưởng rằng trong những năm tới, toàn thể cán bộ, chiến sĩ trong Lực lượng sẽ tiếp tục phát huy truyền thống “Kiên quyết dũng cảm, khắc phục khó khăn, đoàn kết hiệp đồng, giữ nghiêm pháp luật”, đem tất cả tinh thần, sức lực, trí tuệ và tài năng ra sức thi đua thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân đã giao phó; khẳng định vững chắc vị thế xứng tầm là lực lượng chuyên trách của Nhà nước, làm nòng cốt thực thi pháp luật và bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn trên biển; đưa Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam vươn tới tầm cao mới trong thời kỳ phát triển mới của đất nước, để xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân; xứng đáng với danh hiệu cao quý Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân đã trao tặng./.
Trung tá CN Phạm Đức Hạnh
Cổng Thông tin điện tử/Bộ Tham mưu Cảnh sát biển