Công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Cảnh sát biển giai đoạn 2010 - 2020 góp phần hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật về bảo vệ chủ quyền biển, đảo

28/06/2021 01:40:00 PM

(Canhsatbien.vn) - 

Ngày 24/5/2005, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 48-NQ/TW về Chiến lược Xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020, trong đó xác định: Đến năm 2010, hoàn thiện hệ thống pháp luật về quốc phòng, an ninh nhằm xây dựng vững chắc nền quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh Nhân dân; thể chế hóa mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với củng cố và xây dựng tiềm lực quốc phòng, an ninh, quyền và nghĩa vụ của công dân trong việc bảo vệ Tổ quốc. Hoàn thiện pháp luật về biên giới quốc gia, vùng biển, vùng trời; về tổ chức, hoạt động của lực lượng vũ trang Nhân dân; sau năm 2010, xây dựng mới các đạo luật về phòng thủ dân sự, giáo dục quốc phòng, bảo vệ các mục tiêu quan trọng về an ninh quốc gia, chống khủng bố…

Theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Luật Cảnh sát biển Việt Nam thì Cảnh sát biển Việt Nam là lực lượng chuyên trách của Nhà nước, làm nòng cốt thực thi pháp luật và bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn trên biển. Vì thế, pháp luật chính là vũ khí sắc bén góp phần giúp Cảnh sát biển Việt Nam hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó. Với ý nghĩa đó, công tác xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) về Cảnh sát biển Việt Nam nói riêng, về bảo vệ chủ quyền biển, đảo nói chung càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

Xác định rõ yêu cầu, tầm quan trọng của công tác xây dựng, ban hành văn bản QPPL và hoàn thiện hệ thống pháp luật, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển đã quan tâm triển khai thực hiện nghiêm túc mặt công tác này. Số lượng văn bản QPPL Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển được giao chủ trì soạn thảo, tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành giai đoạn này gồm: 01 dự án Luật Cảnh sát biển Việt Nam, 06 Nghị định của Chính phủ, 22 Thông tư của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng (bao gồm cả Thông tư liên tịch); 04 văn bản được soạn thảo nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về quân sự, quốc phòng gồm: 02 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ triển khai thi hành Luật, 02 Quyết định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; đã đóng góp ý kiến đối với hơn 800 văn bản QPPL của Quốc hội, Chính phủ, Bộ Quốc phòng và nhiều Bộ, cơ quan ngang Bộ, bảo đảm chất lượng, tiến độ theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; tham gia nhiều Ban soạn thảo, Tổ biên tập các văn bản QPPL của Bộ, cơ quan ngang Bộ và hơn 280 Hội đồng thẩm định của Bộ Tư pháp đối với các văn bản QPPL trong nhiều ngành, lĩnh vực quản lý nhà nước.

Những kết quả nói trên đã góp phần không nhỏ trong công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về Cảnh sát biển Việt Nam, pháp luật về bảo vệ chủ quyền biển, đảo, mở rộng thẩm quyền, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật trên biển của Cảnh sát biển, góp phần bảo đảm việc chấp hành pháp luật, thực hiện quản lý nhà nước bằng pháp luật bảo vệ chủ quyền, duy trì an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên các vùng biển, đảo của Tổ quốc.

Tuy nhiên, vẫn còn một số điểm tồn tại, chưa thống nhất trong hệ thống văn bản QPPL có liên quan đến thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Lực lượng Cảnh sát biển:

Thứ nhất, Điều 12 Luật Cảnh sát biển Việt Nam quy định: “Cảnh sát biển Việt Nam thực hiện các biện pháp vận động quần chúng, pháp luật, ngoại giao, kinh tế, khoa học - kỹ thuật, nghiệp vụ, vũ trang để bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn trên biển theo quy định của pháp luật”. Thực tiễn, các hoạt động bảo đảm trật tự, an toàn của Cảnh sát biển đều liên quan trực tiếp tới quyền con người, quyền công dân (được Hiến pháp năm 2013 bảo vệ) như: tuần tra, kiểm tra, kiểm soát; điều tra, xác minh, bắt giữ, truy đuổi, nổ súng... Tuy nhiên, hệ thống pháp luật hiện hành còn chưa có quy định cụ thể, rõ ràng nội dung, trình tự, thủ tục, thẩm quyền áp dụng biện pháp nghiệp vụ của Cảnh sát biển.

Thứ hai, Điều 35 Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015 quy định: Cảnh sát biển Việt Nam có quyền tiến hành điều tra đối với các tội phạm quy định tại Chương XIII và các Điều 188, 189, 227, 235, 236, 237, 242, 249, 250, 251, 252, 253, 254, 272, 273, 282, 284, 303, 304, 305, 309, 311, 346, 347, 348 của Bộ luật Hình sự xảy ra trên các vùng biển và thềm lục địa của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam(40 loại tội phạm). Quy định này chưa xác định đầy đủ các hành vi tội phạm đã, đang và sẽ xảy ra trong phạm vi hoạt động, địa bàn quản lý của Cảnh sát biển Việt Nam, ví dụ: tội cướp biển (Điều 302), tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm (Điều 191), tội sản xuất, buôn bán hàng giả (Điều 192), các tội phạm xâm phạm sở hữu (Chương XVI)… có thể dẫn tới bỏ lọt, bỏ sót tội phạm vi phạm, gây khó khăn, bất cập cho Lực lượng Cảnh sát biển trong thực hiện nhiệm vụ đấu tranh, phòng, chống tội phạm, vi phạm trên biển.

Thứ ba, theo quy định tại điểm i khoản 1 Điều 123 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, sửa đổi bổ sung năm 2020, Cảnh sát biển Việt Nam có thẩm quyền tạm giữ người theo thủ tục hành chính; thêm vào đó, Cảnh sát biển Việt Nam được quyền tiến hành một số hoạt động điều tra theo quy định của pháp luật về tổ chức cơ quan điều tra hình sự. Thực tiễn thực thi pháp luật trên biển đặc thù có một số khu vực xa đất liền, rất nhiều trường hợp Cảnh sát biển Việt Nam phải tiến hành tạm giữ, tạm giam đối tượng vi phạm pháp luật ngay trên biển, để ngăn chặn hành vi vi phạm, ngăn ngừa đối tượng có những hành vi cản trở công tác điều tra (chạy trốn, phi tang tang vật, phá hoại hiện trường...). Tuy nhiên, Điều 11 Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam về hệ thống tổ chức cơ quan thi hành tạm giữ, tạm giam không có quy định việc Cảnh sát biển Việt Nam có buồng tạm giữ, nhà tạm giữ (trên tàu thuyền hoặc tại trụ sở, doanh trại). Điều này gây khó khăn cho Cảnh sát biển trong thực hiện nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm trên biển.

Xác định trong thời gian tới, tình hình trong nước cũng như thế giới sẽ có những diễn biến phức tạp, khó lường, việc hoàn thiện hệ thống văn bản QPPL về Cảnh sát biển, về bảo vệ chủ quyền biển, đảo càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Trước những yêu cầu ngày càng cao trong thực hiện nhiệm vụ, Lực lượng Cảnh sát biển cần triển khai thực hiện tốt một số nội dung, nhiệm vụ sau:

Một là, nắm chắc, quán triệt sâu sắc đường lối, chủ trương, quan điểm tại Kết luận số 83-KL/TW ngày 29/7/2020 của Bộ Chính trị về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW, các văn kiện, nghị quyết của Đảng về bảo vệ chủ quyền biển, đảo, phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam; chấp hành nghiêm chỉ thị, mệnh lệnh, nắm chắc mục tiêu, quan điểm chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện pháp luật về quân sự, quốc phòng, cơ yếu của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng; chủ động tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các văn bản QPPL về quân sự, quốc phòng, cơ yếu trong đó có Luật Cảnh sát biển Việt Nam và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật trên phạm vi cả nước.

Hai là, thường xuyên nghiên cứu, rà soát hệ thống văn bản, nhất là các văn bản về bảo vệ chủ quyền biển, đảo, pháp luật về Cảnh sát biển Việt Nam, các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có liên quan đến biển; bảo đảm tính chủ động trong công tác tham mưu, ban hành và tổ chức thi hành pháp luật. Tích cực, chủ động tham mưu, đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ, ban hành văn bản mới thay thế, bảo đảm tính hợp hiến, thống nhất, đồng bộ của pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc tế; tạo cơ sở pháp lý để Lực lượng Cảnh sát biển nâng cao hiệu quả hoạt động bảo vệ chủ quyền biển, đảo bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn trên các vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc.

Ba là, chú trọng, kiểm soát tốt hơn chất lượng xây dựng văn bản QPPL liên quan tới Cảnh sát biển và các văn bản QPPL về bảo vệ chủ quyền biển đảo. Củng cố, kiện toàn tổ chức cơ quan, biên chế cán bộ pháp chế ở cấp Bộ Tư lệnh, cấp Bộ Tư lệnh Vùng và cấp cơ quan, đơn vị cơ sở trong Lực lượng Cảnh sát biển. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng và thi hành pháp luật; quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác pháp luật phù hợp vị trí, khả năng công tác; bảo đảm kinh phí, nguồn lực phục vụ cho công tác xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thi hành pháp luật.

Bốn là, chủ động thu thập thông tin, phân tích, đánh giá, dự báo tình hình trên biển để đề xuất chủ trương, giải pháp, phương án bảo vệ an ninh quốc gia, thực thi pháp luật trên biển; nghiên cứu, phân tích, dự báo, tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành chính sách, pháp luật về bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia, an ninh quốc gia trong vùng biển Việt Nam, bảo đảm trật tự, an toàn và đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật trên biển.

Năm là, đẩy mạnh hợp tác quốc tế với lực lượng thực thi pháp luật trên biển của các nước, nhất là các nước có vùng biển giáp ranh với Việt Nam; phát huy hiệu quả các đường dây nóng mà Cảnh sát biển Việt Nam đã ký kết với lực lượng thực thi pháp luật trên biển các nước; tranh thủ sự giúp đỡ, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm và các nguồn lực quốc tế khác để hoàn thiện hệ thống pháp luật về Cảnh sát biển Việt Nam, từng bước hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách pháp luật về bảo vệ chủ quyền biển đảo; nâng cao uy tín, vị thế của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cũng như Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam trong khu vực và trên thế giới./.

Đại tá, ThS. Lương Đình Hưng

Cục trưởng Cục Nghiệp vụ và Pháp luật Cảnh sát biển

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục gửi về banbientapcsb@gmail.com