Đặc thù và yêu cầu đặt ra đối với hoạt động điều tra hình sự của Lực lượng Cảnh sát biển

30/06/2021 01:44:00 AM

(Canhsatbien.vn) - 

Hoạt động điều tra hình sự (ĐTHS) là hoạt động điều tra theo pháp luật tố tụng hình sự của cơ quan điều tra (CQĐT) và các cơ quan khác được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra nhằm xác định sự thật vụ án, lập hồ sơ đề nghị xử lý, tìm ra nguyên nhân và điều kiện phạm tội, yêu cầu các cơ quan hữu quan áp dụng các biện pháp khắc phục và ngăn ngừa.

Cảnh sát biển Việt Nam là lực lượng vũ trang nhân dân, lực lượng chuyên trách của Nhà nước, làm nòng cốt thực thi pháp luật và bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn trên biển. Cảnh sát biển Việt Nam có quyền tiến hành một số hoạt động ĐTHS theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự và pháp luật về tổ chức cơ quan ĐTHS.

Lực lượng Cảnh sát biển kiểm tra hàng hóa trên tàu vi phạm.

Về đặc điểm đặc thù hoạt động ĐTHS của Lực lượng Cảnh sát biển:

  • Hoạt động ĐTHS của Lực lượng Cảnh sát biển là hoạt động của cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, không phải là hoạt động của CQĐT chuyên trách. Nhiệm vụ, quyền hạn của Lực lượng Cảnh sát biển trong điều tra có những điểm khác so với các CQĐT chuyên trách của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao.
  • Hoạt động ĐTHS của Lực lượng Cảnh sát biển có sự giới hạn nhất định về số lượng hoạt động điều tra và phạm vi loại án:

+ Đối với tội phạm ít nghiêm trọng trong trường hợp phạm tội quả tang, chứng cứ và lai lịch người phạm tội rõ ràng thì quyết định khởi tố vụ án hình sự, khám nghiệm hiện trường, khám xét, lấy lời khai, thu giữ, tạm giữ và bảo quản vật chứng, tài liệu liên quan trực tiếp đến vụ án, trưng cầu giám định khi cần thiết, khởi tố bị can, tiến hành các biện pháp điều tra khác theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, kết thúc điều tra và chuyển hồ sơ vụ án cho Viện Kiểm sát có thẩm quyền trong thời hạn 01 tháng, kể từ ngày ra quyết định khởi tố vụ án;

+ Đối với tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng hoặc tội phạm ít nghiêm trọng nhưng phức tạp thì quyết định khởi tố vụ án hình sự, khám nghiệm hiện trường, khám xét, thu giữ, tạm giữ và bảo quản vật chứng, tài liệu liên quan trực tiếp đến việc giải quyết, lấy lời khai, trưng cầu giám định khi cần thiết và chuyển hồ sơ vụ án cho CQĐT có thẩm quyền trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày ra quyết định khởi tố vụ án;

+ Áp dụng biện pháp ngăn chặn, cưỡng chế: giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt người phạm tội quả tang, bắt người đang bị truy nã, tạm giữ;

Một điểm cần lưu ý nữa, đó là hoạt động điều tra của Lực lượng Cảnh sát biển thường ở giai đoạn điều tra ban đầu đối với một số tội phạm được quy định cụ thể trong Bộ luật Hình sự xảy ra trên các vùng biển và thềm lục địa do Lực lượng Cảnh sát biển quản lý. Cụ thể là tội phạm quy định tại Chương XIII và các Điều 188, 189, 227, 235, 236, 237, 242, 249, 250, 251, 252, 253, 254, 272, 273, 282, 284, 303, 304, 305, 309, 311, 346, 347 và 348 của Bộ luật Hình sự. Như vậy, Lực lượng Cảnh sát biển chỉ được thực hiện điều tra (mà chủ yếu là các hoạt động điều tra ban đầu) đối với một số tội phạm nhất định.

  • Hoạt động ĐTHS của Lực lượng Cảnh sát biển luôn gắn kết với quá trình hoạt động nghiệp vụ của Lực lượng Cảnh sát biển.

Thông qua thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, duy trì thực thi pháp luật, thông qua thực hiện các biện pháp nghiệp vụ và tin báo, tố giác của quần chúng Nhân dân, Lực lượng Cảnh sát biển phát hiện các hành vi có dấu hiệu buôn lậu; gian lận thương mại; vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép chất ma túy… và trên cơ sở đó Lực lượng Cảnh sát biển thực hiện theo thẩm quyền các hoạt động ĐTHS. Trong khi, hoạt động điều tra của các CQĐT chuyên trách có thể không gắn với hoạt động nghiệp vụ do cơ quan mình tiến hành, mà chủ yếu là tiếp nhận hồ sơ vụ án do các cơ quan khác chuyển đến - trong đó có Lực lượng Cảnh sát biển với tư cách là cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.

  • Hoạt động ĐTHS của Lực lượng Cảnh sát biển là một bộ phận gắn chặt với quá trình điều tra vụ án hình sự của CQĐT thuộc Công an Nhân dân và CQĐT thuộc Quân đội Nhân dân.

Lực lượng Cảnh sát biển là cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra và thường diễn ra ở giai đoạn điều tra ban đầu vụ án hình sự. Kết quả các hoạt động điều tra ban đầu do Lực lượng Cảnh sát biển thực hiện là cơ sở quan trọng để các CQĐT thuộc Công an Nhân dân và Quân đội Nhân dân tiếp tục tiến hành các hoạt động điều tra khác theo thẩm quyền.

  • Hoạt động ĐTHS của Lực lượng Cảnh sát biển gắn với thẩm quyền quản lý nhà nước trên các vùng biển, thềm lục địa và chủ yếu được tiến hành, diễn ra trên các vùng biển của Việt Nam, tương ứng với phạm vi hoạt động của Lực lượng Cảnh sát biển.

Hoạt động ĐTHS của Lực lượng Cảnh sát biển có điểm đặc thù so với hoạt động ĐTHS của CQĐT thuộc Quân đội Nhân dân và các cơ quan khác trong Quân đội Nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra (gồm có trại giam, đơn vị độc lập cấp trung đoàn và tương đương). Đó là, CQĐT, cơ quan khác được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra trong Quân đội Nhân dân điều tra các tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự, trong khi đó thẩm quyền điều tra của Lực lượng Cảnh sát biển gắn với thẩm quyền quản lý nhà nước trên các vùng biển và thềm lục địa. Hoạt động điều tra chủ yếu được tiến hành, diễn ra trên các vùng biển của Việt Nam, tương ứng với phạm vi hoạt động của Lực lượng Cảnh sát biển. Do đó, việc tiến hành các hoạt động điều tra ban đầu của Lực lượng Cảnh sát biển như khởi tố, bắt, khám xét, thu giữ tang vật, phương tiện, khám nghiệm hiện trường… thường khó khăn, phức tạp hơn. Việc bố trí lực lượng, phương tiện và các điều kiện khác cho hoạt động điều tra cũng hạn chế, khó khăn hơn.

Về yêu cầu đặt ra đối với hoạt động ĐTHS của Lực lượng Cảnh sát biển

  • Thứ nhất: Yêu cầu cần phải phát hiện, xử lý kịp thời tội phạm thuộc thẩm quyền điều tra của Lực lượng Cảnh sát biển được pháp luật quy định.

Thông qua thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát và các biện pháp nghiệp vụ, các tin báo, tố giác của quần chúng Nhân dân, Lực lượng Cảnh sát biển phát hiện các hành vi có dấu hiệu buôn lậu; gian lận thương mại; vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới…. Việc xác định trong các hành vi vi phạm thì đâu là “hành vi vi phạm hành chính”, đâu là "vi phạm pháp luật hình sự" để từ đó tiến hành áp dụng các biện pháp nghiệp vụ xác minh làm rõ, tránh “hình sự hóa” hoặc “hành chính hóa” các vụ việc vi phạm. Đây là công việc khó khăn không chỉ đối với cán bộ Cảnh sát biển mà còn là khó khăn chung đối với cán bộ của các cơ quan, lực lượng chức năng, vì yêu cầu đặt ra là phải được thực hiện nhanh chóng, chính xác trên cơ sở quy định của nhiều văn bản pháp quy.

  • Thứ hai: Yêu cầu phân loại, đánh giá bước đầu để xác định xem tội phạm nào là ít nghiêm trọng, nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng và phức tạp…

Trong tổng số 40 điều luật của Bộ luật Hình sự 2015 quy định tội phạm thuộc thẩm quyền điều tra của Lực lượng Cảnh sát biển thì tội phạm bao gồm cả 4 mức độ: ít nghiêm trọng, nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng. Tính chất và mức độ nguy hiểm của tội phạm được quy định trong các điều luật nêu trên chủ yếu phụ thuộc vào trị giá vật phạm pháp, trị giá tiền thu lợi bất chính, khối lượng chất thải đổ ra môi trường, mức độ gây thiệt hại đến nguồn lợi thủy sản... Như vậy, yêu cầu đặt ra là phải phân loại, đánh giá bước đầu nhanh chóng và chính xác để xác định xem tội phạm nào là ít nghiêm trọng, tội phạm nào là nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng và phức tạp… để chỉ đạo điều tra. Đây cũng là một việc khó khăn vì thời hạn điều tra của Lực lượng Cảnh sát biển rất ngắn. Tuy luật quy định Lực lượng Cảnh sát biển được khởi tố bị can đối với tội phạm ít nghiêm trọng trong trường hợp phạm tội quả tang, chứng cứ và lai lịch người phạm tội rõ ràng, nhưng trên thực tế các loại tội phạm xảy ra trên biển thường có yếu tố nước ngoài, yếu tố qua biên giới, đối tượng phạm tội sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, có đường dây ổ nhóm… nên thời gian qua, Lực lượng Cảnh sát biển đã điều tra, xác minh, khởi tố hàng trăm vụ án hình sự và chuyển ngay cho CQĐT, mà chưa có vụ án nào khởi tố bị can và chuyển Viện Kiểm sát truy tố theo quy định tại Điểm a, Khoản 1, Điều 35 Luật Tổ chức cơ quan ĐTHS.

  • Thứ ba: Yêu cầu khẩn trương tiến hành các hoạt động điều tra theo thời hạn quy định.

+ Thời hạn điều tra theo quy định tại Điều 35 Luật Tổ chức Cơ quan ĐTHS năm 2015 quy định đối với Lực lượng Cảnh sát biển là quá ngắn (07 ngày đối với các vụ việc khởi tố, chuyển hồ sơ vụ án cho CQĐT có thẩm quyền). Trên vùng biển rộng, từ khi phát hiện, bắt giữ cho đến khi dẫn giải về nơi neo đậu hoặc về cảng mất rất nhiều thời gian. Ngay sau đó, phải tiến hành ngay các công việc như xác minh lý lịch đối tượng, trưng cầu giám định, liên hệ bàn giao, chuyển vụ án... mất nhiều thời gian và ảnh hưởng không nhỏ đến tính kịp thời của hoạt động thu thập dấu vết, thiết lập hồ sơ ban đầu.

+ Vấn đề chuyển hồ sơ vụ án cho CQĐT chưa được quy định một cách cụ thể, vì vậy có thể sẽ xảy ra trường hợp khi Lực lượng Cảnh sát biển khởi tố, tiến hành bàn giao cho CQĐT thì bị từ chối hoặc hướng dẫn bàn giao cho CQĐT khác làm ảnh hưởng đến thời hạn điều tra theo quy định của pháp luật. Một số trường hợp, Lực lượng Cảnh sát biển chuyển CQĐT đề nghị khởi tố vụ án hình sự nhưng việc phản hồi của CQĐT còn chậm hoặc không có phản hồi.

+ Ngoài ra, quy định của luật về việc chuyển hồ sơ cho CQĐT (sau khi đã khởi tố vụ án hình sự) cũng chưa được quy định chặt chẽ, dẫn đến hai cách hiểu khác nhau. Có địa phương thì CQĐT nhận trực tiếp hồ sơ vụ án từ Lực lượng Cảnh sát biển mà không cần sự tham gia của cơ quan chức năng khác, nhưng cũng có địa phương lại yêu cầu phải kèm theo quyết định về việc chuyển vụ án của Viện Kiểm sát Nhân dân cùng cấp.

  • Thứ tư: Về một số điều kiện bảo đảm

+ Trong hoạt động ĐTHS thì việc thu giữ, bảo quản, sử dụng vật chứng để phục vụ công tác điều tra là hết sức quan trọng, nhưng hiện nay Lực lượng Cảnh sát biển chưa có kho, bãi để tạm giữ vật chứng, chưa có các khu neo đậu để trông giữ các phương tiện tàu thuyền vi phạm. Khi chuyển vụ án cho CQĐT, việc bố trí nơi trông giữ phương tiện của vụ án luôn là vấn đề trăn trở đối với CQĐT, cách giải quyết trước mắt là gửi lại phương tiện nhờ Lực lượng Cảnh sát biển canh gác, bảo vệ. Nếu quá trình điều tra, mở rộng vụ án kéo dài, phương tiện tàu thuyền trong tình trạng không có thuyền viên, không có khả năng cơ động khi cần thiết, trang thiết bị hư hỏng, xuống cấp... thì sẽ ảnh hưởng lớn đến công tác chuyên môn của đơn vị cũng như tiến độ, hiệu quả điều tra vụ án.

Từ phân tích nêu trên, có thể thấy hoạt động ĐTHS của Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam có những nét đặc thù, khác biệt khi so sánh với hoạt động ĐTHS của các lực lượng khác. Thực tiễn đặt ra những yêu cầu đối với hoạt động ĐTHS của Lực lượng Cảnh sát biển. Trải qua hơn 22 năm xây dựng và trưởng thành, mặc dù tổ chức bộ máy và thẩm quyền của Lực lượng Cảnh sát biển có sự thay đổi qua mỗi giai đoạn, nhưng hoạt động ĐTHS của Lực lượng Cảnh sát biển luôn đảm bảo đúng pháp luật, khách quan, góp phần vào công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm; giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn trên các vùng biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc./.

Trung tá Phạm Mạnh Ngân

Đoàn trưởng Đoàn đặc nhiệm PCTP ma túy số 3/Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục gửi về banbientapcsb@gmail.com