06/10/2020 08:15:00 AM
(Canhsatbien.vn) -
Để khắc phục cảnh báo của Ủy ban châu Âu về hoạt động khai thác hải sản bất hợp pháp không theo quy định và không khai báo, thời gian qua Lực lượng Cảnh sát biển và Bộ đội Biên phòng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong Nhân dân đảm bảo khai thác thủy sản tuân thủ đúng quy định của pháp luật Việt Nam và các quy định của quốc tế.
Lực lượng Cảnh sát biển tặng cờ Tổ quốc cho ngư dân.
Tỉnh Kiên Giang hiện có gần 10.000 tàu cá từ 6m trở lên. Trong đó, tàu cá 15m trở lên đánh bắt xa bờ có gần 4.000 chiếc, sản lượng khai thác bình quân hàng năm khoảng 500.000 tấn.
Để từng bước kiểm soát chặt chẽ các hoạt động nghề cá, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của ngư dân trong việc chấp hành pháp luật, Lực lượng Cảnh sát biển và Bộ đội Biên phòng các huyện ven biển đã phát hiện ngăn chặn kịp thời các hoạt động khai thác hải sản bất hợp pháp không khai báo và không theo quy định.
Thượng tá Quảng Trọng Phương - Chính trị viên Đồn Biên phòng Xẻo Nhàu, (Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Kiên Giang) cho biết: Thực hiện Thông tư số 21 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về quy định nộp báo cáo, nhật ký khai thác thủy sản, các đơn vị đã tăng cường công tác kiểm tra tất cả tàu cá ra vào cảng. Đa số các chủ tàu đã chấp hành nghiêm chỉnh quy định và hoàn tất thủ tục khai báo trước 1 giờ khi ra vào cảng.
Tại cảng cá Xẻo Nhàu, huyện An Minh (Kiên Giang), mỗi ngày có chục chủ tàu làm thủ tục xuất nhập bến. Anh Trương Đình Vũ - tàu cá KG 91189, cho biết: “Thực hiện quy định của Thông tư số 21, thuyền viên chúng tôi chấp hành nghiêm chỉnh các thủ tục khai báo khi ra vào cảng; danh sách thuyền viên, lịch trình đánh bắt,… đều ghi chép hết vào sổ cảng để báo cáo đầy đủ. Qua nước ngoài đánh bắt trái phép, ngoài bị xử phạt, còn có thể bị tịch thu phương tiện, bị bắt giữ... vì vậy tôi thấy mình phải chấp hành nghiêm để bảo vệ của cải, tài sản cũng như sức khỏe, tính mạng của anh em thuyền viên trên tàu”.
Cũng theo Thượng tá Quảng Trọng Phương, phần lớn các tàu trên địa bàn huyện An Minh đều nhận thức được việc khai thác và đánh bắt hải sản trái phép trên vùng biển nước ngoài là vi phạm pháp luật của Việt Nam và các nước trong khu vực. Ngoài bị xử phạt, các tàu cá khai thác trái phép trên vùng biển nước ngoài còn bị các nước sở tại tịch thu tài sản, phương tiện, thậm chí còn có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của các thuyền viên.
Là địa phương có số lượng tàu cá lớn, tỉnh Kiên Giang đã nỗ lực triển khai quyết liệt các giải pháp chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định. Cùng với các ngành chức năng, Bộ Tư lệnh Vũng Cảnh sát biển 4 đã đẩy mạnh công tác giám sát, kiểm soát tàu cá nhằm đảm bảo việc khai thác, đánh bắt thủy sản được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.
Thượng tá Lê Văn Tú - Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 cho biết: Việc tuyên truyền và cảnh báo cho tàu cá ngư dân 12 hành vi khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) góp phần quan trọng trong việc thực hiện kiểm soát hoạt động tàu cá hiện nay. Đây là cơ sở dữ liệu giúp các ngành chức năng kiểm soát được số lượng tàu cá đánh bắt trên biển. Bên cạnh đó, việc tăng cường kiểm soát các tàu ra cũng góp phần thay đổi quan niệm, thói quen của ngư dân trong khai thác, đánh bắt thủy sản.
Bên cạnh hoạt động kiểm soát các tàu cá ra, thì việc lắp thiết bị giám sát hành trình tàu cá thời gian qua cũng được các địa phương ven biển tích cực triển khai. Đây cũng là một trong những giải pháp hữu hiện để phát hiện kịp thời những tàu cá vi phạm lãnh hải nước ngoài trái phép trong quá trình khai thác thủy sản; tăng cường hiệu quả trong công tác quản lý, ngăn chặn, chấm dứt tàu cá khai thác bất hợp pháp tại vùng biển nước ngoài. Qua đó, góp phần khắc phục Thẻ vàng của Ủy ban châu Âu (EC) đối với Việt Nam.
Riêng tỉnh Kiên Giang, đã có gần 3.500 tàu cá lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Tiến hành xây dựng và hoàn thiện quy trình xử lý tàu cá vi phạm phát hiện qua hệ thống giám sát đối với tàu mất kết nối trên biển, vi phạm vùng biển nước ngoài… Đồng thời, lập danh sách “đen” chủ tàu, thuyền trưởng thường xuyên vi phạm; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh đối với những tàu cá vi phạm quy định về chống khai thác IUU.
Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 757/QĐ-TTg về việc phê duyệt Kế hoạch thực hiện Hiệp định về Biện pháp quốc gia có cảng nhằm phòng ngừa, ngăn chặn và xóa bỏ khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp quốc (FAO) đến năm 2025 thể hiện quyết tâm của Việt Nam trong việc tháo gỡ thẻ vàng của EC cũng như phát triển ngành thủy sản Việt Nam theo hướng bền vững, minh bạch. Trong đó, một trong những giải pháp thực hiện được nhấn mạnh là phải tăng cường giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức tuân thủ pháp luật cho doanh nghiệp, chủ tàu, thuyền trưởng, ngư dân, tổ chức quản lý cảng thông qua các chương trình đào tạo nghề nghiệp, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ.
Tính đến thời điểm này, hầu hết các địa phương đã bám sát quy định và lộ trình lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá. Hiện cả nước đã lắp đặt được gần 20.000 tàu, đạt 70%; trong đó, tàu từ 24m trở lên đạt 92%; tàu từ 15m đến dưới 24m đạt 67,12%.
Lãnh đạo tỉnh Kiên Giang cho rằng, để ngăn chặn tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài, bên cạnh việc kiểm soát chặt chẽ tàu cá, lắp thiết bị hành trình giám sát tàu cá; xử lý nghiêm vi phạm… thì việc tập huấn, phổ biến pháp luật cho ngư dân để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, chống khai thác IUU là vô cùng quan trọng.
Thượng tá Lê Văn Tú - Phó Chính ủy, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 (đứng giữa) phát tờ rơi và tuyên truyền pháp luật cho ngư dân.
Thượng tá Lê Văn Tú cho rằng, để nâng cao ý thức ngư dân tuân thủ pháp luật về khai thác, đánh bắt thủy sản, các địa phương ven biển đã tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật bằng nhiều hình thức đa dạng.
Tại các địa phương thuộc tỉnh Kiên Giang, Cà Mau, Lực lượng Cảnh sát biển đã phối hợp với Bộ đội Biên phòng tổ chức tuyên truyền, cung cấp thông tin cơ bản của Luật Thủy sản năm 2017, các quy định liên quan chống khai thác IUU theo khuyến cáo của Ủy ban châu Âu; tình hình tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài thời gian qua; một số biện pháp ngăn ngừa, đấu tranh với các hành vi vi phạm an ninh quốc gia, các đường dây môi giới đưa phương tiện ra nước ngoài đánh bắt trái phép... tới ngư dân, đặc biệt là các thuyền trưởng, máy trưởng.
Ông Dư Phú Tiến, xã Thuận Hòa, huyện An Minh (Kiên Giang), chia sẻ: “Thời gian qua, nhận được sự tuyên truyền của Lực lượng Cảnh sát biển và Bộ đội Biên phòng, trong quá trình đánh bắt hải sản, các tàu cá của ngư dân xã Thuận Hòa đều chấp hành nghiêm các quy định nêu trên, nhất là không xâm phạm vùng biển nước ngoài để đánh bắt trái phép”.
Thượng tá Nguyễn Thái Dương - Chủ nhiệm Chính trị, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 cho biết, thông qua hoạt động tập huấn, tuyên truyền ngư dân đã nắm được những thông tin cơ bản về vấn đề biển đảo, các giải pháp chống khai thác IUU… từ đó nâng cao kiến thức, nhận thức về chấp hành pháp luật cho bà con ngư dân để giảm thiểu và chấm dứt tình trạng tàu cá, ngư dân trên địa bàn đánh bắt, khai thác hải sản trái phép, vi phạm vùng biển nước ngoài.
Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam cho biết: Ngày 4/6/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 757/QĐ-TTg về việc phê duyệt Kế hoạch thực hiện Hiệp định về biện pháp quốc gia có cảng nhằm phòng ngừa, ngăn chặn và xóa bỏ khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO) đến năm 2025. Theo đó, mục tiêu của Kế hoạch nhằm thực hiện Hiệp định về biện pháp quốc gia có cảng như là một cơ sở pháp lý để tổ chức, thực hiện kiểm soát, ngăn chặn có hiệu quả các hoạt động khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) của các tàu đánh bắt thủy sản, tàu vận chuyển, chuyển tải thủy sản, sản phẩm thủy sản có nguồn gốc khai thác từ nước ngoài cập cảng Việt Nam để nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, chuyển khẩu, quá cảnh thủy sản qua lãnh thổ Việt Nam. Đồng thời, thực hiện trách nhiệm, nghĩa vụ của quốc gia thành viên theo quy định của Hiệp định về biện pháp quốc gia có cảng; phối hợp với các quốc gia thành viên và cộng đồng quốc tể quản lý, phòng ngừa, ngăn chặn, giảm thiểu và xóa bỏ các hoạt động khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáp và không theo quy định (IUU) phù hợp với các quy định của quôc tê và khu vực góp phần đảm bảo an ninh lương thực trên toàn cầu. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan có liên quan, UBND các tỉnh, thành phố ven biển tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả Hiệp định về biện pháp quốc gia có cảng. |
Nguyễn Viết Tôn