Những kết quả nổi bật qua 5 năm triển khai thực hiện Đề án tuyên truyền phổ biến Luật Cảnh sát biển Việt Nam

27/03/2024 09:24:00 AM

(Canhsatbien.vn) - 

Trước yêu cầu mới của nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và thực thi pháp luật trên biển, những năm qua, Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã không ngừng quan tâm xây dựng, ban hành chính sách, pháp luật, từng bước hoàn thiện hành lang pháp lý, hoàn chỉnh cơ cấu, tổ chức bộ máy Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ chủ quyền biển đảo, duy trì thực thi pháp luật trên biển.

Ngày 19/11/2018, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV đã thông qua Luật Cảnh sát biển Việt Nam, thể hiện sự tập trung, thống nhất về tư duy và tầm nhìn chiến lược của Đảng ta trong việc tạo lập khuôn khổ pháp lý hoàn chỉnh và điều kiện thuận lợi để Lực lượng Cảnh sát biển thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của Nhà nước bằng pháp luật trên các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, quản lý, bảo vệ biển, đảo Tổ quốc trong tình hình mới.

Luật Cảnh sát biển Việt Nam có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2019.

Xuất phát từ vị trí, vai trò và sự cần thiết của việc tuyên truyền, phổ biến, lan tỏa sâu rộng Luật Cảnh sát biển Việt Nam, ngày 22/8/2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1059/QĐ-TTg về việc Phê duyệt Đề án “Tuyên truyền, phổ biến Luật Cảnh sát biển Việt Nam giai đoạn 2019 - 2023” (Đề án). Trong giai đoạn này, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển đã tích cực triển khai thực hiện Đề án theo hướng đồng bộ, toàn diện, sát với đặc điểm tình hình nhiệm vụ của Lực lượng, đạt hiệu quả thiết thực, là cầu nối đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với toàn dân, toàn quân, tạo sự chuyển biến sâu sắc trong nhận thức, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật nói chung, Luật Cảnh sát biển Việt Nam nói riêng của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân cả nước.

Quán triệt sâu sắc mục đích, ý nghĩa, nội dung của Đề án, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển đã tổ chức xây dựng, triển khai, thực hiện nghiêm túc Kế hoạch thực hiện Đề án theo từng năm, bảo đảm sát với đặc điểm tình hình thực tiễn và nhiệm vụ được giao; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức tuyên truyền cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân nhận thức rõ về Luật Cảnh sát biển Việt Nam; về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát biển Việt Nam; và trách nhiệm của mỗi cá nhân, tổ chức trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn trên các vùng biển, đảo của Tổ quốc. Bên cạnh đó, hằng năm, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển gắn việc triển khai thực hiện Đề án với các phong trào thi đua, các cuộc vận động thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị; đồng thời kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện; theo dõi, đôn đốc phát huy kết quả đạt được, nhân rộng mô hình hay, cách làm hiệu quả; kịp thời rút kinh nghiệm, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, khắc phục những hạn chế, thiếu sót để các cơ quan, đơn vị nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện Đề án trong toàn Lực lượng.

Thượng tướng Võ Minh Lương - Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng trao thưởng cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong thực hiện Đề án “Tuyên truyền, phổ biến Luật Cảnh sát biển Việt Nam giai đoạn 2019 - 2023”.

Theo đó, giai đoạn 2019 - 2023, từ sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt với những cách làm phong phú, đa dạng, toàn Lực lượng đã tích cực triển khai thực hiện Đề án và đạt được nhiều thành tựu nổi bật. Cụ thể, Ban Thường vụ Đảng ủy Cảnh sát biển Việt Nam đã tập trung đẩy mạnh phối hợp với 28 Ban Thường vụ tỉnh ủy, thành ủy ven biển và các cơ quan, đơn vị liên quan chỉ đạo biên soạn, in ấn, phát hành kịp thời, đầy đủ hệ thống tài liệu tuyên truyền, phổ biến Luật Cảnh sát biển Việt Nam bảo đảm ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, phù hợp với trình độ nhận thức của cán bộ, chiến sĩ và mọi tầng lớp nhân dân. Đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật được chú trọng bồi dưỡng, tập huấn theo phân cấp cả về kiến thức, kinh nghiệm và phương pháp, kỹ năng tuyên truyền. Trong đó duy trì, nâng cao chất lượng việc tổ chức phổ biến, quán triệt tập trung[1]; hoạt động của mô hình “Tủ sách pháp luật[2]; thực hiện hiệu quả quy định “Mỗi ngày học một điều luật”; tổ chức các chương trình “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân”, “Cảnh sát biển với đồng bào dân tộc, tôn giáo”, cuộc thi “Em yêu biển, đảo quê hương”[3]; lồng ghép tuyên truyền Luật Cảnh sát biển Việt Nam trong các hoạt động, sự kiện: “Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam”, “Ngày Đại dương thế giới”, “Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” và các chương trình, mô hình phù hợp với đặc điểm của từng cơ quan, đơn vị, địa phương; tận dụng những thành tựu của khoa học kỹ thuật, các kênh tương tác xã hội quy mô rộng, trang tin điện tử và internet để làm phong phú thêm nội dung, hình thức tuyên truyền Luật; kết hợp thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên biển với cử các tổ tuyên truyền lưu động để phổ biến Luật Cảnh sát biển Việt Nam cho cá nhân, tổ chức hoạt động trên biển[4].

Quang cảnh vòng Chung kết Cuộc thi "Em yêu biển, đảo quê hương" cho học sinh khối trường THCS trên địa bàn huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh năm 2023.

Qua 5 năm thực hiện Đề án, chất lượng mối quan hệ phối hợp giữa Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển với các bộ, ban, ngành Trung ương, địa phương và cơ quan thông tấn báo chí được nâng lên; nhận thức của cán bộ, chiến sĩ và các tầng lớp nhân dân về đường lối chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về quản lý, bảo vệ chủ quyền biển đảo; vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Cảnh sát biển Việt Nam đã có nhiều chuyển biến tích cực; ngư dân yên tâm, hăng hái vươn khơi, bám biển, tham gia bảo vệ chủ quyền, an ninh, trật tự, an toàn trên các vùng biển, đảo, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh và củng cố hệ thống chính trị ở địa phương, nhất là các địa phương ven biển; tình trạng tội phạm, vi phạm pháp luật trên biển được kiềm chế, giảm thiểu số lượng tàu cá vi phạm quy định về đánh bắt hải sản trái phép, không khai báo và không theo quy định (IUU) trong vùng biển Việt Nam; thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân trên biển ngày càng được củng cố vững chắc.

Tuy nhiên, giai đoạn 2019 - 2023, trước sự biến đổi nhanh chóng của tình hình thế giới, khu vực và trong nước, đặc biệt là tác động của đại dịch Covid-19 lan rộng trên phạm vi toàn cầu, việc triển khai thực hiện Đề án “Tuyên truyền, phổ biến Luật Cảnh sát biển Việt Nam giai đoạn 2019 - 2023” còn bộc lộ một số hạn chế. Nổi bật là công tác kiểm tra chuyên sâu, khắc phục khâu yếu mặt yếu, nhân rộng cách làm hay, hiệu quả tại một số địa phương chưa thường xuyên, chủ yếu theo kinh nghiệm hoặc dựa vào các cơ quan thông tấn báo chí; hoạt động tuyên truyền, phổ biến Luật Cảnh sát biển Việt Nam qua kênh đại sứ quán, lãnh sự quán Việt Nam ở nước ngoài, kênh đại sứ quán, lãnh sự quán các nước ở Việt Nam còn hạn chế, sức lan tỏa của Luật Cảnh sát biển Việt Nam trên bình diện khu vực và quốc tế chưa cao,...

Để tiếp tục nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Cảnh sát biển Việt Nam cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân cả nước, trên cơ sở những kết quả đã đạt được, trong giai đoạn tiếp theo, Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam cần tập trung thực hiện tốt một số giải pháp sau:

Một là, bám sát đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tuyên truyền, phổ biến pháp luật nói chung và Luật Cảnh sát biển Việt Nam nói riêng; tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát của cấp ủy, chỉ huy các cấp trong tuyên truyền, phổ biến Luật Cảnh sát biển Việt Nam; tiếp tục phát huy vai trò của Hội đồng Phổ biến giáo dục pháp luật các cấp, các tổ chức, lực lượng, cơ quan chức năng liên quan và lãnh đạo, chỉ huy cơ quan, đơn vị Cảnh sát biển trong tuyên truyền, phổ biến Luật Cảnh sát biển Việt Nam sâu rộng, toàn diện ở các cấp, các ngành, các địa phương trên cả nước.

Hai là, Hội đồng Phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển và các đơn vị trực thuộc tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban, ngành, địa phương, đơn vị Quân đội và các cơ quan thông tấn, báo chí để đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền; các cơ quan, đơn vị chủ động xây dựng kế hoạch khảo sát, kiểm tra, đánh giá; nghiên cứu lựa chọn phương pháp, cách làm phù hợp, hiệu quả, sáng tạo, từ đó phổ biến, nhân rộng thực hiện tại cơ quan, đơn vị và các địa phương.

Ba là, tăng cường công tác biên soạn, in ấn, phát hành tài liệu tuyên truyền, phổ biến Luật Cảnh sát biển Việt Nam, đồng thời trong quá trình tổ chức tuyên truyền, phổ biến Luật, phải xác định, lựa chọn, phân loại đối tượng, xác định nội dung trọng tâm, tổ chức biên soạn tài liệu phù hợp với tình hình thực tế từng địa bàn, từng đối tượng để công tác tuyên truyền, phổ biến Luật đạt hiệu quả cao nhất.

Bốn là, toàn Lực lượng phát huy hiệu quả của các kênh tuyên truyền, các phương tiện thông tin đại chúng, các thiết chế văn hóa, hệ thống thông tin cơ sở; ứng dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội, chuyển đổi số; tăng cường số lượng, thời lượng các chuyên trang, chuyên mục, tin, bài, phóng sự tuyên truyền, phổ biến Luật Cảnh sát biển Việt Nam. Đồng thời cử báo cáo viên, tuyên truyền viên trực tiếp đến các khu dân cư, âu thuyền, bến tàu để tuyên truyền cho ngư dân, kết hợp tổ chức các hoạt động an sinh xã hội.

Năm là, gắn nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến Luật Cảnh sát biển Việt Nam với thực hiện các chương trình, mô hình, đề án khác; vận động các tổ chức, cá nhân thực hiện tốt nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức và quyền, nghĩa vụ của công dân trong củng cố hệ thống chính trị cơ sở, phát triển kinh tế biển, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân trên biển.

Các cấp, các ngành và chính quyền địa phương tích cực tham gia thực hiện Đề án “Tuyên truyền, phổ biến Luật Cảnh sát biển Việt Nam giai đoạn 2019 - 2023”.

Trong những năm tới, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo gắn với phát triển bền vững kinh tế biển và nhiệm vụ thực thi pháp luật trên biển tiếp tục đặt ra yêu cầu cao hơn; nhu cầu tiếp cận, tìm hiểu pháp luật về biển đảo nói chung và Luật Cảnh sát biển Việt Nam nói riêng của nhân dân ngày càng cấp thiết hơn, do đó, nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến pháp luật Việt Nam, trong đó có Luật Cảnh sát biển Việt Nam tiếp tục là một trong những giải pháp quan trọng để đưa Luật Cảnh sát biển Việt Nam đến với các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân, nhất là ngư dân trên cả nước. Bên cạnh đó, việc tuyên truyền Luật Cảnh sát biển Việt Nam trên bình diện quốc tế cũng là giải pháp quan trọng nhằm bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, góp phần để các nước trong khu vực và trên thế giới có cách hiểu, cách nhìn toàn diện, rõ ràng, chính xác hơn về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát biển Việt Nam trong quản lý, bảo vệ chủ quyền, lợi ích quốc gia, dân tộc trên biển bằng biện pháp pháp luật, dân sự, hòa bình, phù hợp với xu hướng của các nước tiến bộ trên thế giới hiện nay./.

Thiếu tướng TRẦN VĂN XUÂN

Phó Chính ủy Cảnh sát biển Việt Nam

[1] Tổ chức trên 420 hội nghị tuyên truyền cho hơn 8.400 lượt người.

[2] Toàn Lực lượng duy trì 120 tủ sách pháp luật, trên 450 đầu sách, tài liệu có nội dung tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật.

[3] Tổ chức trên 334 chương trình công tác dân vận “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân” cho hơn 146.399 lượt cán bộ, chiến sĩ và nhân dân, trên 91 chương trình “Cảnh sát biển với đồng bào dân tộc tôn giáo” cho hơn 16.788 lượt người; 84 cuộc thi “Em yêu biển, đảo quê hương” tại 283 trường cho hơn 113.401 học sinh, cán bộ, giáo viên.

[4] Tổ chức trên 840 lượt tổ tuyên truyền lưu động tuyên truyền tại các cảng cá, bến cá, âu tàu và trực tiếp trên biển.

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục gửi về banbientapcsb@gmail.com