12/06/2021 02:18:00 AM
(Canhsatbien.vn) -
“Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, Nhân dân, với Đảng và Nhà nước; nghiêm chỉnh chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chỉ thị, mệnh lệnh của cấp trên” là điều khoản đầu tiên trong 6 điều khoản quy định chi tiết về nghĩa vụ và trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển tại Luật Cảnh sát biển Việt Nam năm 2018.
Cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển thể hiện quyết tâm bảo vệ chủ quyền, thực thi pháp luật trên biển.
Xuất phát từ mục đích xây dựng bản lĩnh chính trị, phẩm chất người chiến sĩ Cảnh sát biển; trên cơ sở kế thừa các quy định của Pháp lệnh Cảnh sát biển Việt Nam năm 2008; nhằm định hướng đúng đắn mục đích sống, công tác, học tập, phương hướng phấn đấu, đặc biệt là niềm tin tưởng vững vàng của mỗi cán bộ, chiến sĩ vào Đảng, vào Quân đội, Luật Cảnh sát biển Việt Nam năm 2018 đã quy định rõ nghĩa vụ và trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển tại Điều 10 như sau:
1. Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, Nhân dân, với Đảng và Nhà nước; nghiêm chỉnh chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chỉ thị, mệnh lệnh của cấp trên.
2. Kiên quyết bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trong vùng biển Việt Nam; đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, giữ gìn vùng biển Việt Nam hòa bình, ổn định và phát triển.
3. Cảnh giác, giữ bí mật Nhà nước, bí mật công tác; thực hiện nghiêm biện pháp công tác của Cảnh sát biển Việt Nam.
4. Tuân thủ điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và thỏa thuận quốc tế có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát biển Việt Nam.
5. Thường xuyên học tập nâng cao bản lĩnh chính trị, kiến thức pháp luật, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, ý thức tổ chức kỷ luật và rèn luyện thể lực.
6. Chịu trách nhiệm trước pháp luật và cấp trên về quyết định, hành vi của mình khi thực hiện nhiệm vụ.
Việc ban hành quy định về nghĩa vụ và trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển xuất phát từ mục đích xây dựng phẩm chất người chiến sĩ Cảnh sát biển theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Các nội dung trong Luật Cảnh sát biển Việt Nam quy định về nghĩa vụ, trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển đã kế thừa, bổ sung các quy định của Pháp lệnh Cảnh sát biển Việt Nam; làm cơ sở đảm bảo cho hoạt động của Cảnh sát biển; thống nhất với quy định về nguyên tắc tổ chức, hoạt động của Cảnh sát biển. Đây là căn cứ để xác định nghĩa vụ, quyền lợi, trách nhiệm; xác định các tiêu chí đào tạo, tuyển dụng, đánh giá, khen thưởng, xử phạt, các điều kiện thực thi công vụ của cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển cũng như làm căn cứ định hướng xây dựng các tiêu chí văn hóa, dân chủ gắn với kỷ cương, kỷ luật của cơ quan, đơn vị.
Trong số các quy định về nghĩa vụ và trách nhiệm của người cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển thì lòng trung thành là một nội dung rất quan trọng, là yêu cầu đòi hỏi hàng đầu đối với mỗi người đứng trong hàng ngũ Cảnh sát biển; là tiêu chí đầu tiên để tuyển chọn cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển.
Bản lĩnh chính trị của người cán bộ Cảnh sát biển thể hiện ở lòng trung thành tuyệt đối với Đảng, Chính phủ, chế độ và Nhân dân. Cán bộ, chiến sĩ trong Lực lượng Cảnh sát biển phải luôn nhận thức đầy đủ: chỉ biết còn Đảng thì còn mình. Bởi lẽ, Đảng lãnh đạo là nhân tố hàng đầu đảm bảo để Lực lượng luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ. Sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là ngọn đuốc soi đường, chỉ lối, giúp cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển hoàn thành tốt nhiệm vụ, đấu tranh đập tan mọi âm mưu, hành động của các thế lực thù địch và tội phạm trên biển. Nếu thoát ly đường lối chính trị của Đảng, thì dù khéo mấy cũng không kết quả. Lòng trung thành đòi hỏi cán bộ, chiến sĩ phải phục tùng sự lãnh đạo tuyệt đối, nhất quán của Đảng, phải thống nhất trong tư tưởng và hành động. Lòng trung thành được hình thành trên cơ sở giác ngộ cách mạng, lòng yêu mến đồng chí, đồng đội, lòng yêu nghề, yêu Lực lượng, ý chí vươn lên mạnh mẽ và được trau dồi tích lũy, tôi luyện qua thực tiễn công tác, chiến đấu.
Cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam thực hiện nghi thức Chào Cờ trên biển.
Quân đội nhân dân nói chung, Lực lượng Cảnh sát biển nói riêng phải hết lòng, hết sức phụng sự Nhân dân, vì Nhân dân mà chiến đấu, hướng tới mục tiêu giữ vững an ninh, mang lại cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho Nhân dân, là người “đày tớ” thật trung thành của Nhân dân. Bản lĩnh chính trị còn thể hiện ở sự làm việc bền bỉ trong công tác, có tính chủ động, sáng tạo, xuất phát từ động cơ đúng đắn và trong sáng, vì mục tiêu phục vụ Nhân dân. Luôn đổi mới, cải tiến phương pháp, cách thức, tác phong làm việc chu đáo, khoa học, nền nếp, hiệu quả, thiết thực, không sợ khó khăn, gian khổ, hiểm nguy.
Trong những năm qua, Lực lượng Cảnh sát biển đã có nhiều nội dung, hình thức phong phú, thiết thực, hiệu quả nhằm tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; Thường xuyên tổ chức các đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn Lực lượng, phát động và triển khai thực hiện cuộc vận động xây dựng chuẩn mực đạo đức, văn hóa ứng xử của cán bộ, chiến sĩ theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Đại bộ phận cán bộ, chiến sĩ đều có bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và Nhân dân, xây dựng kỷ cương, kỷ luật, đoàn kết, thống nhất về ý chí và hành động, có đủ sức đáp ứng và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ cách mạng.
Các quy định về nghĩa vụ và trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển một lần nữa tiếp tục góp phần bồi dưỡng, nâng cao vai trò, trách nhiệm đối với từng cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển trong quá trình công tác, học tập tại cơ quan, đơn vị cũng như trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên biển. Đây chính là nền tảng để xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển, xây dựng Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, có tính chuyên nghiệp cao”./.
Trần Trung