25/06/2020 03:11:00 AM
(Canhsatbien.vn) -
Việc quy định rõ các hành vi bị nghiêm cấm đối với các tổ chức, cá nhân và cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển là rất cần thiết để bảo đảm cho Lực lượng Cảnh sát biển thực hiện đúng và đầy đủ chức năng, nhiệm vụ của mình. Đồng thời, những quy định này cũng thống nhất với một số luật về quốc phòng, an ninh đang có hiệu lực thi hành.
Lực lượng Cảnh sát biển kiểm tra, bắt giữ tàu vi phạm trên vùng biển Tây Nam.
Tại Điều 7, Luật Cảnh sát biển Việt Nam năm 2018 đã quy định 06 nhóm hành vi bị nghiêm cấm, làm cơ sở đảm bảo hoạt động của Cảnh sát biển; thống nhất với quy định về nguyên tắc tổ chức, hoạt động của Cảnh sát biển, bao gồm:
- Chống đối, cản trở hoạt động của Cảnh sát biển Việt Nam; trả thù, đe dọa, xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam trong thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ;
- Mua chuộc, hối lộ hoặc ép buộc cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam làm trái chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn;
- Giả danh cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam; giả mạo tàu thuyền, phương tiện của Cảnh sát biển Việt Nam; làm giả, mua bán, sử dụng trái phép trang phục, con dấu, giấy tờ của Cảnh sát biển Việt Nam;
- Lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, vị trí công tác của cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam để vi phạm pháp luật; xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân;
- Cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam nhũng nhiễu, gây khó khăn đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân hoạt động hợp pháp trên biển;
- Hành vi khác vi phạm quy định của Luật Cảnh sát biển Việt Nam 2018.
Có thể thấy, những hành vi bị nghiêm cấm trên đây trực tiếp liên quan đến hoạt động của Lực lượng Cảnh sát biển. Việc quy định rõ các nhóm hành vi bị nghiêm cấm này đối với các tổ chức, cá nhân và cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển là rất cần thiết để bảo đảm cho Cảnh sát biển Việt Nam thực hiện đúng và đầy đủ chức năng, nhiệm vụ của mình. Đồng thời, những quy định này cũng thống nhất với một số luật về quốc phòng, an ninh.
Những năm gần đây, Lực lượng Cảnh sát biển luôn nhận được sự quan tâm, đầu tư của Đảng, Nhà nước, Quân đội và sự giúp đỡ của chính quyền, nhân dân địa phương nơi đóng quân. Chất lượng tổng hợp của Lực lượng từng bước được nâng lên. Nội bộ đoàn kết, thống nhất cao. Tình hình tư tưởng cán bộ, nhân viên, chiến sĩ ổn định, vững vàng. Tuy nhiên, trong bối cảnh của nền kinh tế thị trường với nhiều tác động tiêu cực; các thế lực thù địch đang đẩy mạnh chiến lược “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” và âm mưu “phi chính trị hóa quân đội” chống phá cách mạng nước ta; các vấn đề an ninh truyền thống và phi truyền thống luôn hiện hữu và chuyển hóa phức tạp. Trên hướng biển, những kẻ ôm mộng bá quyền đang ngày đêm rình mò để thực hiện ý đồ bành trướng. Tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại có nguy cơ đánh sập cả nền kinh tế. Nạn buôn bán, vận chuyển trái phép chất ma túy đang manh nha muốn phá hỏng cả một thế hệ… Trước những thuận lợi, khó khăn đan xen với không ít nguy cơ và thách thức đó, việc quy định rõ những hành vi bị nghiêm cấm này chính là cơ sở pháp luật, là hành lang pháp lý để đảm bảo cho hoạt động, công tác của Cảnh sát biển luôn tuân thủ đúng pháp luật, đảm bảo cho kỷ cương phép nước luôn được giữ vững và hình ảnh “Anh bộ đội Cụ Hồ - người chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam” ngày càng trở nên sáng đẹp trong lòng Nhân dân cả nước cũng như bạn bè quốc tế.
Thực tế cho thấy, nếu đấu tranh với quân xâm lược đã ác liệt thì đấu tranh với kẻ thù giấu mặt, với những âm mưu lôi kéo xảo quyệt, mua chuộc tinh vi, những áp lực, thử thách của kinh tế thị trường, với lối sống xa hoa và những cám dỗ đời thường cũng ác liệt không kém. Tuy nhiên đến nay, cán bộ chiến sĩ Cảnh sát biển vẫn vững vàng trên con đường đấu tranh của mình, luôn nêu cao bản lĩnh chính trị, kiên quyết, khôn khéo xử lý nghiêm mọi hành vi vi phạm pháp luật; luôn giữ vững lý tưởng, thực sự cầu tiến, từ thể chất tới tinh thần đều sẵn sàng cống hiến cho đất nước, cho nhân dân. Người cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển dám dũng cảm hy sinh để bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương; đấu tranh với cướp biển và cướp có vũ trang trên biển, bảo vệ chính nghĩa, thực hiện trách nhiệm của một quốc gia có trách nhiệm; dám dấn thân vào sóng gió để cứu dân, dám hy sinh vào hiểm nguy để giữ vững an ninh trật tự, hòa bình ổn định cho nhân dân yên tâm làm ăn trên biển… Những kết quả đó có được một phần chính là nhờ ngọn cờ kỷ cương, phép nước được giương cao, nhờ tinh thần thượng tôn pháp luật được giữ vững và nhờ sự nỗ lực, cố gắng vượt qua cám dỗ, khó khăn của mỗi người cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển.
Đối với Lực lượng Cảnh sát biển, là lực lượng của Nhà nước thực hiện chức năng thực thi pháp luật trên biển, trực tiếp chịu sự chi phối của hệ thống pháp luật do Nhà nước đặt ra. Đây cũng chính là lực lượng có vai trò quan trọng trong việc xây dựng các quy phạm pháp luật đồng thời là một trong những lực lượng chủ trì trong việc duy trì sự nghiêm minh của pháp luật. Vì vậy, mỗi cán bộ chiến sĩ Cảnh sát biển đòi hỏi phải là những người tuân thủ và thượng tôn pháp luật; không được “Lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, vị trí công tác của cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam để vi phạm pháp luật; xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân” và “nhũng nhiễu, gây khó khăn đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân hoạt động hợp pháp trên biển” như Khoản 4 và Khoản 5 Điều 7 quy định tại Luật Cảnh sát biển Việt Nam năm 2018.
Đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân, việc tuân thủ và thực hiện nghiêm những điều cấm quy định trong Luật Cảnh sát biển Việt Nam năm 2018 nói riêng, kỷ cương, pháp luật của Nhà nước nói chung sẽ chính là tiền đề, là môi trường thuận lợi để Lực lượng Cảnh sát biển hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Một môi trường làm việc kỷ cương, pháp luật với tất cả các thành viên liên quan đều có tính kỷ luật, tự giác tuân thủ pháp luật và các điều cấm sẽ giúp hình thành tính “chính quy” cho Lực lượng Cảnh sát biển, giúp tăng hiệu quả làm việc, nâng cao phong cách và chất lượng làm việc chuyên nghiệp, góp phần giữ vững ổn định an ninh – chính trị, kinh tế - xã hội của đất nước./.
Trung Kiên