12/03/2021 02:53:00 AM
(Canhsatbien.vn) -
Cùng với các quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ… của Lực lượng Cảnh sát biển, Luật Cảnh sát biển Việt Nam cũng quy định 10 quyền hạn của Cảnh sát biển Việt Nam trên cơ sở tập hợp hóa các quy định trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện hành.
Luật Cảnh sát biển Việt Nam có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tạo cơ sở pháp lý vững chắc để Cảnh sát biển Việt Nam thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán, an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định trên các vùng biển, đảo của Tổ quốc.
Tàu cứu hộ cứu nạn Cảnh sát biển trực canh trên khu vực đảo Bạch Long Vĩ.
Cùng với việc quy định cụ thể, chi tiết về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, tổ chức và hoạt động; chế độ, chính sách đối với Cảnh sát biển Việt Nam, tại Điều 9 Chương II, Luật Cảnh sát biển cũng quy định rõ 10 quyền hạn của Lực lượng Cảnh sát biển, đó là:
1. Tuần tra, kiểm tra, kiểm soát người, tàu thuyền, hàng hóa, hành lý trong vùng biển Việt Nam theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.
2. Sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ theo quy định tại Điều 14 của Luật này.
3. Sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ theo quy định tại Điều 15 của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.
4. Xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
5. Tiến hành một số hoạt động điều tra hình sự theo quy định của pháp luật về tổ chức cơ quan điều tra hình sự, pháp luật về tố tụng hình sự.
6. Truy đuổi tàu thuyền vi phạm pháp luật trên biển.
7. Huy động người, tàu thuyền và phương tiện, thiết bị kỹ thuật dân sự của cơ quan, tổ chức, công dân Việt Nam trong trường hợp khẩn cấp.
8. Đề nghị tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động trong vùng biển Việt Nam hỗ trợ, giúp đỡ trong trường hợp khẩn cấp.
9. Bắt giữ tàu biển theo quy định của pháp luật.
10. Áp dụng biện pháp công tác theo quy định tại Điều 12 của Luật này.
Như vậy, so với Pháp lệnh Cảnh sát biển Việt Nam năm 2008, Luật Cảnh sát biển Việt Nam năm 2018 đã bổ sung 3 quyền hạn mới cho Cảnh sát biển Việt Nam gồm: Sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ; Huy động người, tàu thuyền và phương tiện, thiết bị dân sự của cơ quan, tổ chức, công dân Việt Nam trong trường hợp khẩn cấp; Đề nghị tổ chức, cá nhân người nước ngoài hoạt động trong vùng biển Việt Nam hỗ trợ, giúp đỡ trong trường hợp khẩn cấp.
Cảnh sát biển bắt giữ nhóm cướp biển trên vùng biển Việt Nam.
Có thể thấy, theo các quy định tại Điều 9 Luật Cảnh sát biển Việt Nam năm 2018, Lực lượng Cảnh sát biển được thực hiện nhiều hoạt động liên quan tới hạn chế quyền con người, quyền công dân, như: tuần tra, kiểm tra, kiểm soát; huy động nhân lực, tàu thuyền, bắt giữ, truy đuổi, nổ súng, v.v. Đây chính là cơ sở pháp lý quan trọng để Cảnh sát biển Việt Nam tiếp tục sử dụng các quyền này nhằm đấu tranh, ngăn chặn những hành vi xâm phạm vùng biển Việt Nam, như: khai thác hải sản bất hợp pháp; nghiên cứu, thăm dò dầu khí, khoáng sản; buôn lậu, buôn bán, vận chuyển hàng hóa trái pháp luật; tội phạm về ma túy; cướp biển, cướp có vũ trang chống lại tàu, thuyền trên các vùng biển Việt Nam./.
Ngọc Hường