15/01/2021 02:36:00 PM
(Canhsatbien.vn) -
Với vị trí là lực lượng chuyên trách của Nhà nước, làm nòng cốt thực thi pháp luật và bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn trên biển, Cảnh sát biển Việt Nam trong thời gian qua đã đóng vai trò to lớn trong nhiệm vụ đảm bảo quốc phòng, an ninh biển, làm chỗ dựa vững chắc cho nhân dân làm ăn, sinh sống trên biển.
Để hiểu rõ hơn về những nỗ lực không mệt mỏi của Lực lượng Cảnh sát biển nhằm hoàn thành tốt nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho bà con ngư dân và thực hiện Đề án tuyên truyền, phổ biến Luật Cảnh sát biển Việt Nam giai đoạn 2019-2023 theo Quyết định số 1059/QĐ-TTg ngày 22/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ, phóng viên đã có cuộc phỏng vấn Thiếu tướng Trần Văn Nam - Phó Tư lệnh Pháp luật Cảnh sát biển xung quanh chủ đề này.
Phóng viên: Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển sẽ tiếp tục triển khai hoạt động gì để Luật Cảnh sát biển Việt Nam đi vào đời sống của bà con ngư dân làm ăn sinh sống trên biển, thưa Thiếu tướng Trần Văn Nam?
Thiếu tướng Trần Văn Nam: Ngay sau khi Luật Cảnh sát biển Việt Nam có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2019, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ trưởng Bộ Quốc phòng, Đảng ủy, Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển đã tham mưu cho Chính phủ, Bộ Quốc phòng ban hành 10 văn bản QPPL và 5 văn bản thuộc thẩm quyền ban hành của Tư lệnh Cảnh sát biển để triển khai thi hành Luật Cảnh sát biển Việt Nam; tổ chức Cuộc thi tìm hiểu Luật Cảnh sát biển Việt Nam cấp Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển làm cơ sở, kinh nghiệm tham mưu Thủ trưởng Bộ Quốc phòng tổ chức cuộc thi tìm hiểu Luật Cảnh sát biển Việt Nam phạm vi toàn quốc; biên soạn 4 tài liệu tuyên truyền, phổ biến Luật Cảnh sát biển Việt Nam và chuẩn bị tốt cho công tác tập huấn Luật Cảnh sát biển Việt Nam trên phạm vi toàn quốc trong năm 2020…. Những kết quả đạt được nêu trên đã từng bước đưa Luật Cảnh sát biển Việt Nam vào thực tiễn cuộc sống.
Trong thời gian tới, Cảnh sát biển tiếp tục triển khai các nhiệm vụ cụ thể sau để đưa luật Cảnh sát biển vào thực tiễn đời sống bằng các việc làm cụ thể như sau:
Tiếp tục thực hiện hiệu quả kế hoạch phối hợp giữa các đơn vị Cảnh sát biển với Ban Tuyên giáo tỉnh các tỉnh thành ven biển để tổ chức các buổi tuyên truyền về Luật Cảnh sát biển Việt Nam cho cán bộ chủ chốt đại diện cho cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đoàn thể và các lực lượng vũ trang và bà con nhân dân, chủ tàu thuyền tại địa phương nơi đơn vị đóng quân.
Phát tờ rơi tuyên truyền pháp luật cho ngư dân.
Phát huy những kết quả đạt được của mô hình Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân trong thời gian qua và xác định tiếp tục thực hiện nhiệm vụ này một cách thường xuyên, liên tục. Đây là một trong những nhiệm vụ chính trị của lực lượng Cảnh sát biển, góp phần xây dựng, củng cố địa phương ngày càng vững mạnh, góp phần xây dựng thế trận quốc phòng, an ninh trên biển. Tăng cường hơn nữa giáo dục về pháp luật đối với ngư dân. Ngư dân chấp hành tốt pháp luật cũng góp phần to lớn để giúp Cảnh sát biển thực hiện tốt nhiệm vụ của mình”.
Tham mưu cho Thủ trưởng Bộ Quốc phòng tổ chức thành công cuộc thi “Tìm hiểu Luật Cảnh sát biển Việt Nam” trên phạm vi toàn quốc, góp phần nâng cao nhận thức của nhân dân về pháp luật bảo vệ biển, đảo trong giai đoạn hiện nay, đây là cách đưa Luật Cảnh sát biển đi vào cuộc sống một cách thiết thực và đầy đủ nhất.
Tiếp tục tổ chức tập huấn sâu rộng Luật Cảnh sát biển Việt Nam tới toàn thể cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển; đồng thời phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan để tuyên truyền, phổ biến Luật Cảnh sát biển đến bà con ngư dân làm ăn, sinh sống trên biển, nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển và nhân dân về pháp luật bảo vệ biển, đảo của Tổ quốc trong giai đoạn hiện nay.
Phóng viên: Thời gian tới, Lực lượng Cảnh sát biển sẽ có những giải pháp nào nhằm triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ tuyên truyền pháp luật, góp phần phát triển bền vững kinh tế biển gắn với nhiệm vụ quốc phòng - an ninh, bảo vệ chủ quyền, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn trên biển, thưa Thiếu tướng?
Thiếu tướng Trần Văn Nam: Dự báo những năm tới, bên cạnh những yếu tố thuận lợi, kinh tế biển Việt Nam còn bị tác động, ảnh hưởng bởi nhiều vấn đề an ninh truyền thống, an ninh phi truyền thống, đặc biệt là trước tác động của đại dịch covid-19. Để huy vai trò nòng cốt trong thực thi pháp luật trên biển, góp phần thực hiện thắng lợi Chiến lược Phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Lực lượng Cảnh sát biển cần tập trung thực hiện một số giải pháp cơ bản sau:
Một là, tiếp tục quán triệt sâu sắc, tổ chức thực hiện nghiêm Luật Cảnh sát biển Việt Nam năm 2018, Nghị quyết số 36-NQ/TW của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 8 khóa XII, Nghị quyết số 26-NQ/CP của Chính phủ về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Gắn chặt nhiệm vụ thực thi pháp luật trên biển với mục tiêu bảo vệ hoạt động của tổ chức, cá nhân trong phát triển kinh tế biển; tạo sự đồng thuận, phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong xây dựng vững chắc thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vùng biển, đảo của Tổ quốc.
Hai là, hoàn thiện tổ chức bộ máy, biên chế theo hướng tinh, gọn, mạnh; chú trọng đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ ngang tầm nhiệm vụ. Tiếp tục thực hiện Đề án xây dựng Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam đến năm 2020 và những năm tiếp theo đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Chủ động, tích cực tham mưu đề xuất Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Đảng, Nhà nước tiếp tục quan tâm đầu tư cho Lực lượng Cảnh sát biển thực hiện các dự án đóng mới tàu thuyền, nhất là các tàu có lượng giãn nước lớn, đa năng, có tính cơ động cao, khả năng hoạt động dài ngày trên biển trong các điều kiện thời tiết phức tạp; ưu tiên mua sắm phương tiện, thiết bị kỹ thuật chuyên dụng, hiện đại đáp ứng yêu cầu đặc thù của Cảnh sát biển, bảo đảm tính đồng bộ, chặt chẽ, phục vụ kịp thời mọi yêu cầu nhiệm vụ.
Ba là, xây dựng Đảng bộ Cảnh sát biển Việt Nam vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức. Tiếp tục quán triệt, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị, Chỉ thị 87 của Thường vụ Quân ủy Trung ương về “Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Ngăn chặn những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ và Chỉ thị 202 của Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển về thực hiện phong trào “Bốn tốt, bốn không, bốn chống”.
Bốn là, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của Lực lượng Cảnh sát biển được quy định trong Luật Cảnh sát biển Việt Nam, trọng tâm là bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia; duy trì vùng biển hòa bình, ổn định; bảo vệ các hoạt động kinh tế kiển như thăm dò khai thác tài nguyên biển… Đồng thời, tăng cường tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên các vùng biển đảo, nhất là ở những vùng biển trọng điểm, nhạy cảm, vùng biển giáp ranh giữa Việt Nam với các nước để kiểm soát tình hình và phòng chống các hoạt động tội phạm, vi phạm; đồng hành cùng ngư dân, tạo ngư trường ổn định, bảo vệ, bảo đảm an toàn cho ngư dân làm ăn trên biển; kiểm soát, xử lý tốt tàu thuyền nước ngoài xâm phạm vùng biển Việt Nam theo đúng chủ trương, đối sách.
Năm là, chủ động tăng cường, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong thực thi pháp luật trên biển. Thực hiện nghiêm các điều ước, thỏa thuận khu vực, toàn cầu về biển, đại dương mà Việt Nam là thành viên. Duy trì hiệu quả Trung tâm Chia sẻ thông tin chống cướp biển, cướp có vũ trang chống lại tàu thuyền khu vực châu Á; đẩy mạnh việc thiết lập thêm đường dây nóng giữa Lực lượng Cảnh sát biển với cơ quan, lực lượng chức năng quốc gia trong khu vực; Mở rộng hợp tác quốc tế, góp phần nâng cao vị thế, uy tín, năng lực, kinh nghiệm thực thi pháp luật trên biển của Lực lượng Cảnh sát biển, góp phần xây dựng hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế.
Phóng viên: Xin cảm ơn Thiếu tướng về cuộc trò chuyện này!
Liên Nhi