26/08/2020 03:10:00 AM
(Canhsatbien.vn) -
Nguyên tắc sử dụng vũ lực nói chung theo công ước Luật Biển quốc tế năm 1982
Công ước về Luật Biển quốc tế năm 1982 UNCLOS không đề cập nhiều tới việc sử dụng vũ lực. Nguyên tắc chung được hiểu là sử dụng vũ lực chỉ khi cần thiết và hợp lý cho mục đích bảo đảm các hành động tương xứng với hoàn cảnh được cho phép theo tập quán luật quốc tế hoặc hiệp ước đang được thi hành; như các quy định về điều tra nghề cá và bảo vệ môi trường hoặc luật về nhân quyền.
Điều 225, Công ước Luật Biển quốc tế năm 1982 cung cấp một số định hướng chung như bối cảnh của việc sử dụng vũ lực chống lại tàu thuyền nước ngoài như các quốc gia sử dụng vũ lực chống lại tàu thuyền nước ngoài nhưng không được gây nguy hiểm tới an toàn hàng hải hay bất kỳ nguy hiểm nào tới tàu thuyền, hoặc di chuyển tàu thuyền tới một cảng hoặc khu vực bãi đậu không an toàn, gây ô nhiễm môi trường.
Mặt khác, Tòa án quốc tế về Luật Biển khẳng định lại các nguyên lý cơ bản về sử dụng vũ lực trong trường hợp xét xử tàu M/V Saiga (No.2) năm 1999; nêu bản chất của sử dụng vũ lực để dừng, khám xét và bắt giữ tàu Saiga (No.2), tòa án nhận thấy rằng, việc nổ súng trực tiếp mà không cảnh báo và sử dụng súng liên tục để dừng tàu là sử dụng bạo lực quá mức. Theo đó, từ các trường hợp quá khứ và các hiệp ước quốc tế, Tòa án quốc tế nhận thấy rằng:
Mặc dù Công ước không bao gồm diễn tả việc sử dụng vũ lực trong bắt giữ tàu theo luật pháp quốc tế, mà áp dụng bởi điều 293 của Công ước, trong đó yêu cầu rằng việc sử dụng vũ lực cần giảm thiểu nhiều nhất có thể; trong trường hợp vũ lực là không thể tránh khỏi, việc sử dụng vũ lực phải không đi quá giới hạn và cần thiết trong hoàn cảnh đó. Tuy nhiên phải chú ý tới nhân quyền được áp dụng trong luật biển.
Theo thời gian, các lực lượng thực thi pháp luật trên biển đều tuân theo nguyên lý này. Thực tế để dừng tàu trên biển đầu tiên là đưa ra tín hiệu âm thanh và mắt thường để dừng tàu. Sử dụng các tín hiệu đã được quốc tế công nhận. Khi sử dụng các tín hiệu trên không thành công, việc sử dụng vũ lực như bắn dọc theo mũi tàu được coi là nỗ lực cuối cùng. Mặc dù sau đó, các tín hiệu cảnh báo thích hợp vẫn phải được thực hiện với tàu và đảm bảo không nguy hiểm tới tính mạng con người trên tàu.
Trong một phiên tòa khác năm 2007, trường hợp xét xử giữa 2 nước Guyana và Suriname cũng khẳng định cách tiếp cận tương tự bằng cách nhận biết rằng luật pháp quốc tế cho phép sử dụng vũ lực để thực thi các quyền, trong đó sử dụng vũ lực khi cần thiết, không thể tránh khỏi và hợp lý.
Ngoài ra, tự vệ còn là điều kiện cho việc sử dụng vũ lực khi cần thiết. Điều 9 của Nguyên lý cơ bản Liên hợp quốc về nhân viên công vụ thực thi pháp luật sử dụng Vũ lực và vũ khí; là một tài liệu cung cấp những định hướng cơ bản về nhân viên công vụ sử dụng vũ lực, nêu các nền tảng cơ bản cho sử dụng vũ lực trong tự vệ: “Sĩ quan công vụ thực thi pháp luật không được sử dụng vũ khí chống lại con người ngoại trừ tự vệ hoặc ngăn chặn việc sắp xảy ra đe dọa chết người hoặc bị thương nghiêm trọng, để ngăn cản đối tượng của một tội phạm nguy hiểm cụ thể bao gồm đe dọa nghiêm trọng tới mạng sống, để bắt giữ đối tượng nguy hiểm hiện hữu và chống lại thẩm quyền của họ, hoặc để ngăn cản hành động trốn thoát và chỉ khi các hành động khác không đủ để đạt được các mục tiêu này. Trong bất kỳ sự kiện, ý định gây chết người sử dụng vũ khí có thể được thực hiện khi mà tình huống là không thể tránh khỏi để bảo vệ mạng sống.”
Những vấn đề về pháp lý liên quan tới quyền dừng, khám xét, truy đuổi tàu thuyền vi phạm và áp dụng với cướp biển, cướp có vũ trang trên biển
* Quyền truy đuổi
Một trong những quyền của nhà chức trách để sử dụng vũ lực là ở đó quốc gia có quyền để truy đuổi tàu thuyền trên biển quốc tế. Học thuyết về quyền truy đuổi hàng hải công nhận rằng quốc gia ven biển có quyền truy đuổi tàu thuyền nước ngoài trên biển khi mà tàu thuyền vi phạm luật pháp của quốc gia ven biển khi nó ở vùng lãnh hải. Điều 111 của UNCLOS nêu các chỉ tiêu có thể thiết lập quyền truy đuổi bao gồm “Quyền truy đuổi tàu thuyền nước ngoài có thể được thực hiện khi mà nhà chức trách có thẩm quyền của quốc gia có biển có lý do chính đáng để tin rằng tàu thuyền đã vi phạm luật hoặc quy định của quốc gia đó”. Việc truy đuổi có thể thực hiện bởi tàu thuyền quân sự, máy bay, tàu công vụ khác hoặc tàu thuyền, máy bay có thẩm quyền của nhà chức trách cho mục đích công vụ. Việc truy đuổi phải bắt đầu khi tàu thuyền nước ngoài hoặc một trong những xuồng của nó nằm trong phạm vi nội thủy, lãnh hải hoặc tiếp giáp lãnh hải của quốc gia truy đuổi và có thể liên tục ngoài lãnh hải hoặc tiếp giáp lãnh hải của quốc gia khác nếu việc truy đuổi không bị ngắt quãng.
Hơn nữa, việc truy đuổi này có thể bắt đầu sau khi có tín hiệu có thể nhìn thấy hoặc âm thanh để dừng tàu đã được phát đi tại khoảng cách mà cho phép tàu bị dừng có thể nhìn thấy hoặc nghe thấy. Cuối cùng, mặc dù truy đuổi có thể tiếp tục ở biển cả thì quyền truy đuổi dừng lại ngay khi tàu truy đuổi vào lãnh hải của quốc gia thứ ba. Trường hợp Tòa án quốc tế về luật biển chú thích ở trường hợp Saiga, “các điều kiện cho thực hành quyền truy đuổi theo điều 111 của Công ước luật biển là tích lũy; mỗi một trong các điều kiện phải thỏa mãn để việc truy đuổi là hợp pháp theo Công ước”.
Có thể nói, về bản chất quyền truy đuổi chính là quyền của lực lượng thực thi pháp luật của quốc gia ven biển thực hiện trong các vùng biển thuộc thẩm quyền của họ, khi họ có “lý do thích đáng để tin” rằng tàu thuyền đã vi phạm luật và các quy định của quốc gia đó.
* Bắt giữ cướp biển
Cướp biển được đặt ngoài vòng pháp luật, do đó cướp biển bị từ chối bảo vệ bởi quốc gia ven biển. Theo đó, bất kỳ quốc gia nào cũng có thể trừng phạt cướp biển. Điều 105 của UNCLOS 1982 nêu rõ rằng trên biển quốc tế, hoặc bất kỳ địa điểm nào ngoài thẩm quyền của bất kỳ quốc gia nào, tất cả quốc gia có thể bắt giữ tàu thuyền hoặc máy bay cướp biển, hoặc tàu thuyền hoặc máy bay bị bắt giữ bởi cướp biển và dưới sự điều khiển của cướp biển, bắt giữ người và tài sản trên tàu. Tòa án của quốc gia mà thực hiện hành động bắt giữ có thể ra quyết định xét xử với đối tượng bị bắt, cũng có thể xác định hành động để được xem với tàu thuyền, máy bay hoặc tài sản, đối tượng với quyền của bên thứ ba hành động với thiện chí. Việc bắt giữ tàu thuyền hoặc máy bay mà nghi ngờ cướp biển có hiệu lực mà không đủ bằng chứng, tuy nhiên, quốc gia thực hiện việc tạm giữ có trách nhiệm với quốc gia mà tàu hoặc máy bay mang cờ của quốc gia đó cho bất kỳ mất mát hoặc hỏng hóc bởi việc bắt giữ tàu, máy bay theo Điều 106 của UNCLOS 1982.
Việc bắt giữ cướp biển là một ví dụ của thẩm quyền phổ quát cổ điển nhất. Theo hướng này, Thẩm phán Guillaume, trong ý kiến riêng về trường hợp Arrest of Warrant vào tháng 4/2000, nói rằng “Theo truyền thống, tập quán luật pháp quốc tế, nhận ra một trong các trường hợp của thẩm quyền phổ quát, đó là cướp biển”.
Tuy nhiên, việc trấn áp cướp biển không dễ dàng từ những khó khăn trong thực tiễn. Điều 105 Công ước Luật Biển Quốc tế 1982 khuyến nghị rằng sức mạnh để bắt giữ và truy tố tàu cướp biển hoặc máy bay cướp biển là tùy chọn - không bắt buộc. Theo đó, trên thực tế sẽ không có sự đảm bảo rằng hành động chống lại cướp biển sẽ được thực hiện một cách hiệu quả. Thực tế, việc không phổ biến trong bắt giữ của quốc gia, lý do quốc gia lưỡng lự để truy tố cướp biển do thiếu khung pháp lý nội địa về cướp biển, khung pháp lý phức tạp trong xử lý tội phạm và những tốn kém đi kèm. Theo hướng này, Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc thúc giục tất cả các quốc gia “tội phạm hóa cướp biển dưới nội luật của họ”.
Với trường hợp chỉ tình nghi cướp biển, quốc gia không được tự do thực hiện các quyền và nghĩa vụ trên, trong đó xem xét đến vấn đề quyền con người như công ước chống lại tra tấn. Quyền con người bao gồm: (i) quyền được đem ra xét xử trước tòa, (ii) quyền không ép buộc quay trở về đất nước ở đó họ có nguy cơ bị nguy hiểm, (iii) đảm bảo xét xử công bằng, (iv) quyền để chữa trị hiệu quả. Do đó, cần phải quan tâm tới quyền con người để bảo vệ quyền con người của đối tượng cướp biển.
* Vai trò của các tổ chức quốc tế và hợp tác quốc tế trong trấn áp cướp biển và cướp có vũ trang
Điều 100 của Công ước Luật Biển quốc tế 1982 đặt nghĩa vụ cụ thể với tất cả quốc gia “để hợp tác tới mở rộng đầy đủ nhất có thể trong trấn áp cướp biển trên biển quốc tế trong bất kỳ địa điểm ngoài thẩm quyền của bất kỳ quốc gia nào”. Cách tiếp cận đầu tiên trong hợp tác quốc tế trong chống lại hoạt động cướp biển ở mức độ khu vực là ReCAAP.
Hiệu quả của ReCAAP
ReCAAP (Trung tâm chống cướp biển và cướp có vũ trang châu Á) được thành lập vào 11/2006 xuất phát từ tình hình thực tế của việc gia tăng cướp biển, cướp có vũ trang và sử dụng không tặc chống lại tàu thuyền ở khu vực Đông Nam Á. Tại thời điểm thành lập, có rất nhiều khó khăn, phức tạp về thách thức ngoại giao cho các quốc gia Đông Nam Á và quốc gia có liên quan về việc thành lập một diễn đàn đa phương để chia sẻ thông tin các vụ việc liên quan tới cướp biển ở trong khu vực. ReCAAP thừa nhận thẩm quyền thực hiện bởi quốc gia ven biển khi cộng thêm giá trị chống cướp biển và thực hiện các hoạt động minh bạch tới tất cả các quốc gia tham gia vào ReCAAP. Theo đó, mỗi quốc gia sẽ thành lập một trung tâm chia sẻ thông tin, thông thường lực lượng thực thi pháp luật trên biển mỗi nước là nơi đặt trung tâm chia sẻ thông tin này. Mỗi nước sẽ quản lý vùng nước thuộc lãnh hải, thẩm quyền của mình, chia sẻ thông tin với các quốc gia khác; hợp tác trong giám sát và thực thi pháp luật trên biển với các quốc gia khác. ReCAAP có một trung tâm chia sẻ thông tin (ICS) chung đặt tại Singarepore.
Hiệu quả của ReCAAP đã được chứng minh qua các vụ việc thực tế và những thông tin mà ReCAAP cung cấp. Một ví dụ cụ thể là năm 2012, Cảnh sát biển Việt Nam đã tiếp nhận thông tin chia sẻ từ ReCAAP ICS bắt gọn 11 tên cướp biển Zafirah; vụ MT Orkim Harmony năm 2015 đã chứng tỏ hiệu quả của việc chia sẻ thông tin trong phòng chống cướp biển. Số liệu, báo cáo hàng tháng, hàng năm về tình hình cướp biển cho bức tranh về tình hình cướp biển ở khu vực và ra thông tin cảnh báo với tàu thuyền, khuyến nghị hoạt động tuần tra, kiểm tra, kiểm soát của lực lượng thực thi pháp luật các nước.
Cảnh sát biển Việt Nam khống chế cướp biển người nước ngoài cướp tàu chở dầu Zafirah của Malaysia, ngày 22/11/2012.
Một số vấn đề tham khảo với Cảnh sát biển
1. Hoàn thiện khung pháp lý trong nội luật liên quan tới cướp biển và cướp có vũ trang trên biển
Điều 302 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi) quy định về tội cướp biển. Việc đưa tội phạm cướp biển vào luật hình sự, tạo cơ sở pháp lý nội luật để xử lý tội cướp biển. Đây là một bước tiến mới trong lĩnh vực phòng chống cướp biển và cướp có vũ trang. Có thể thấy, về bản chất định nghĩa cướp biển trong Luật hình sự 2015 tương tự Điều 101, UNCLOS 1982 tuy nhiên lược bỏ đi một số ý, hiện nay vẫn gây tranh cãi trong luật pháp quốc tế, như khái niệm về “private end” hoặc điều kiện tàu thuyền coi là cướp biển khi có ít nhất 02 tàu. Do đó, văn bản dưới luật, nghị định, hướng dẫn thi hành luật cần phải làm rõ hơn khái niệm về cướp biển và cướp có vũ trang chống lại tàu thuyền. Trong đó, những điều kiện bắt buộc để cấu thành tội danh cướp biển và cướp có vũ trang như bao gồm 02 tàu, có một tàu tấn công một tàu khác. Trong đó, cần phân biệt rõ chế độ pháp lý trên các vùng biển khác nhau là khác nhau theo UNCLOS 1982. Quan tâm tới quyền và nghĩa vụ quốc gia ven biển và quốc gia mà tàu treo cờ (quốc tịch tàu), cũng như những vấn đề liên quan khác. Một trong những yếu tố được lưu ý chính là xác định mục đích của hành động để xác định cướp biển hay không.
2. Quy định cấp độ sử dụng vũ lực trong thực thi công vụ với Cảnh sát biển và tăng cường trang bị sử dụng cho Cảnh sát biển
Nguyên tắc chung trong sử dụng vũ lực như tổng kết ở trên, ngay cả với cướp biển - tội phạm nguy hiểm, được nhấn mạnh ở các phần trên là khi cần thiết và không vượt quá mức độ cho phép. Tức là căn cứ vào hoàn cảnh cụ thể đã quy định để xem xét việc sử dụng vũ lực. Trong đó, trước tiên, tuân thủ việc sử dụng vũ lực, theo các nghị định và thông tư đã được quy định trong pháp luật Việt Nam. Đối với trường hợp là cướp biển, mặc dù là tội phạm phổ quát, nhưng việc sử dụng vũ lực với cướp biển, nhất là liên quan tới tàu thuyền, người có quốc tịch nước ngoài thì vụ việc phức tạp hơn. Do đó, cần căn cứ trên luật pháp trong nước và quốc tế có hướng dẫn, quy định phù hợp và tăng cường công tác huấn luyện trong lực lượng để kịp thời phản ứng, xử lý với các tình huống có sử dụng vũ lực.
3. Tăng cường tham gia hợp tác quốc tế trong phòng chống cướp biển và cướp có vũ trang
Dựa trên cơ sở pháp lý về việc hợp tác quốc tế trong phòng, chống tội phạm trên biển được quy định trong các Công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và Luật Biển Việt Nam, thời gian qua, Việt Nam đã nỗ lực thúc đẩy các hợp tác song phương và đa phương trong lĩnh vực phòng, chống tội phạm với các quốc gia ven biển. Việc hợp tác quốc tế, như đã phân tích ở trên sẽ tạo điều kiện thuận lợi, hiệu quả cho hoạt động thực thi pháp luật của các nước./.
Thiếu tá Đỗ văn Minh
Trợ lý Phòng Khoa học Quân sự/Bộ Tham mưu Cảnh sát biển