Thẩm quyền điều tra của Lực lượng Cảnh sát biển theo quy định của bộ luật tố tụng hình sự và luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015

14/09/2020 03:14:00 AM

(Canhsatbien.vn) - 

Luật Cảnh sát biển Việt Nam được Quốc hội khóa XIV thông qua vào kỳ họp thứ VI ngày 19/11/2018 có hiệu lực từ ngày 01/7/2019. Một trong những quyền hạn của Lực lượng Cảnh sát biển theo quy định của Luật Cảnh sát biển là “tiến hành một số hoạt động điều tra hình sự theo quy định của pháp luật về tổ chức cơ quan điều tra hình sự, pháp luật về tố tụng hình sự”[1].

Lực lượng chức năng Cảnh sát biển kiểm tra hàng hóa trên tàu vi phạm. 

Theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 35 Bộ luật TTHS, Lực lượng Cảnh sát biển là cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, có thẩm quyền tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và tiến hành điều tra, xác minh một số loại tội phạm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ quản lý. Tuy nhiên, không phải mọi cơ quan thuộc Lực lượng Cảnh sát biển trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đều có thẩm quyền tiến hành một số hoạt động điều tra, việc xác định thẩm quyền điều tra theo chức năng Lực lượng Cảnh sát biển phải tuân thủ quy định của Bộ luật TTHS và Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự. Cụ thể:

- Thứ nhất, về các cơ quan và người thuộc Lực lượng Cảnh sát biển có thẩm quyền tiến hành một số hoạt động điều tra.

Các cơ quan thuộc Lực lượng Cảnh sát biển được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra gồm có Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển; Bộ Tư lệnh vùng Cảnh sát biển; Cục Nghiệp vụ và pháp luật; Đoàn đặc nhiệm phòng, chống tội phạm ma túy; Hải đoàn; Hải đội; Đội nghiệp vụ[2].

Người thuộc Lực lượng Cảnh sát biển được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra bao gồm: Tư lệnh, Phó Tư lệnh Cảnh sát biển; Tư lệnh vùng, Phó Tư lệnh vùng Cảnh sát biển; Cục trưởng, Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ và pháp luật; Đoàn trưởng, Phó Đoàn trưởng Đoàn đặc nhiệm phòng, chống tội phạm ma túy; Hải đoàn trưởng, Phó Hải đoàn trưởng; Hải đội trưởng, Phó Hải đội trưởng; Đội trưởng, Phó Đội trưởng Đội nghiệp vụ Cảnh sát biển[3]. Những người này trong quá trình tiến hành một số hoạt động điều tra phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi và quyết định tố tụng của mình.

- Thứ hai, về các tội phạm được tiến hành điều tra

Theo quy định tại khoản 1 Điều 35 Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự, các cơ quan, đơn vị thuộc Lực lượng Cảnh sát biển thực hiện nhiệm vụ mà phát hiện một số tội phạm xảy ra trên các vùng biển và thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Lực lượng Cảnh sát biển quản lý thì có thẩm quyền điều tra. Các tội phạm quy định trong Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 thuộc thẩm quyền điều tra của Lực lượng Cảnh sát biển bao gồm:

+ 14 tội phạm thuộc Chương XIII – Các tội xâm phạm an ninh quốc gia, các tội phạm này được quy định từ Điều 108 đến Điều 121 Bộ luật Hình sự.

+ 03 tội phạm thuộc Chương XVIII – Các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, bao gồm tội phạm được quy định tại các Điều 188, 189, 227 Bộ luật Hình sự.

+ 04 tội thuộc chương XIX – Các tội phạm về môi trường, bao gồm tội phạm được quy định tại các Điều 235, 236, 237 và 242 Bộ luật Hình sự.

+ 06 tội thuộc Chương XX – Các tội phạm về ma túy, bao gồm tội phạm được quy định tại các Điều 249, 250, 251, 252, 253 và 254 Bộ luật Hình sự.

+ 09 tội thuộc chương XXI – Các tội xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng, bao gồm tội phạm được quy định tại Điều 272, 273, 282, 284, 303, 304, 305, 309 và 311 Bộ luật Hình sự.

+ 03 tội thuộc Chương XXII – Các tội xâm phạm trật tự quản lý hành chính, bao gồm tội phạm được quy định tại các Điều 346, 347, 348 Bộ luật Hình sự.

Đối với 39 tội phạm thuộc thẩm quyền điều tra của Lực lượng Cảnh sát biển phải xảy ra trên các vùng biển và thềm lục địa của Việt Nam. Tội phạm xảy ra trên vùng biển và vùng thềm lục địa của Việt Nam được xác định là tội phạm đã bắt đầu và kết thúc ở vùng biển hoặc vùng thềm lục địa Việt Nam; bắt đầu ở nơi khác (trên lãnh thổ hoặc ngoài lãnh thổ Việt Nam) nhưng kết thúc ở vùng biển hoặc vùng thềm lục địa của Việt Nam; hoặc bắt đầu ở vùng viển hoặc vùng thềm lục địa Việt Nam nhưng kết thúc ở nơi khác (trên lãnh thổ hoặc ngoài lãnh thổ Việt Nam).

- Thứ ba, về các hoạt động tố tụng được tiến hành

Những cơ quan thuộc Lực lượng Cảnh sát biển có thẩm quyền điều tra được áp dụng các biện pháp ngăn chặn (giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt, tạm giữ, tạm giam, bảo lĩnh, đặt tiền để bảo đảm, cấm đi khỏi nơi cư trú, tạm hoãn xuất cảnh) và các biện pháp cưỡng chế (áp giải, dẫn giải, kê biên tài sản, phong tỏa tài sản) quy định trong Bộ luật TTHS.

Đối với tội phạm ít nghiêm trọng (tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội không lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật Hình sự quy định đối với tội phạm đấy là phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 3 năm) trong trường hợp phạm tội quả tang, chứng cứ và lai lịch người phạm tội rõ ràng thì các cơ quan thuộc Lực lượng Cảnh sát biển được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có quyền: khởi tố vụ án hình sự, khám nghiệm hiện trường, khám xét, lấy lời khai, thu giữ, tạm giữ và bảo quản vật chứng, tài liệu liên quan trực tiếp đến vụ án, trưng cầu giám định khi cần thiết, khởi tố bị can, tiến hành các biện pháp điều tra khác theo quy định của Bộ luật TTHS. Trong vòng 01 tháng, kể từ ngày ra quyết định khởi tố bị can phải kết thúc điều tra và chuyển hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát có thẩm quyền đề nghị truy tố bị can trước pháp luật[4].  

Đối với tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng (tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội lớn, rất lớn, đặc biệt lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật Hình sự quy định đối với các tội phạm đấy lần lượt là từ trên 03 năm đến 07 năm tù; từ trên 07 năm đến 15 năm tù; từ trên 15 năm đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình) hoặc tội phạm ít nghiêm trọng nhưng phức tạp thì các cơ quan thuộc Lực lượng Cảnh sát biển được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có quyền: khởi tố vụ án hình sự, khám nghiệm hiện trường, khám xét, thu giữ, tạm giữ và bảo quản vật chứng, tài liệu liên quan trực tiếp đến việc giải quyết, lấy lời khai, trưng cầu giám định khi cần thiết và chuyển hồ sơ vụ án cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày ra quyết định khởi tố vụ án[5].

- Thứ tư, về thẩm quyền của người thuộc Lực lượng Cảnh sát biển được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra

Tư lệnh Cảnh sát biển, Tư lệnh vùng Cảnh sát biển, Cục trưởng Cục nghiệp vụ và pháp luật, Hải đoàn trưởng, Hải đội trưởng và Đội trưởng Đội nghiệp vụ Cảnh sát biển có những quyền hạn áp dụng các biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế, biện pháp điều tra để tiến hành các hoạt động điều tra đối với 39 tội phạm quy định trong Bộ luật Hình sự. Đối với Đoàn trưởng Đoàn đặc nhiệm phòng, chống tội phạm ma túy chỉ có thẩm quyền điều tra đối với 06 tội phạm về ma túy quy định tại các Điều 249, 250, 251, 252, 253 và 254 của Bộ luật Hình sự[6].

Quá trình tiến hành các hoạt động điều tra, Tư lệnh Cảnh sát biển, Tư lệnh vùng Cảnh sát biển, Cục trưởng Cục nghiệp vụ và pháp luật, Đoàn trưởng Đoàn đặc nhiệm phòng, chống tội phạm ma túy, Hải đoàn trưởng, Hải đội trưởng và Đội trưởng Đội nghiệp vụ Cảnh sát biển có nhiệm vụ trực tiếp tổ chức, chỉ đạo các hoạt động điều tra theo thẩm quyền, ra quyết định phân công hoặc quyết định thay đổi cấp phó trong quá trình tiến hành các hoạt động điều tra vụ án hình sự, kiểm tra các hoạt động điều tra, quyết định thay đổi hoặc huỷ bỏ các quyết định không có căn cứ và trái pháp luật của cấp phó, giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của Bộ luật TTHS.

Khi Tư lệnh Cảnh sát biển, Tư lệnh vùng Cảnh sát biển, Cục trưởng Cục nghiệp vụ và pháp luật, Đoàn trưởng Đoàn đặc nhiệm phòng, chống tội phạm ma túy, Hải đoàn trưởng, Hải đội trưởng và Đội trưởng Đội nghiệp vụ Cảnh sát biển vắng mặt thì một cấp phó được uỷ nhiệm thực hiện các quyền hạn của cấp trưởng, chịu trách nhiệm trước cấp trưởng và trước pháp luật về nhiệm vụ được giao.

Khi được cấp trưởng phân công điều tra vụ án hình sự, Phó Tư lệnh Cảnh sát biển, Phó Tư lệnh vùng Cảnh sát biển, Phó Cục trưởng Cục nghiệp vụ và pháp luật, Phó Đoàn trưởng Đoàn đặc nhiệm phòng, chống tội phạm ma túy, Phó Hải đoàn trưởng, Phó Hải đội trưởng và Phó Đội trưởng Đội nghiệp vụ Cảnh sát biển có thẩm quyền tiến hành các hoạt động tố tụng kể trên.

Đối với Cán bộ điều tra của các cơ quan thuộc Lực lượng Cảnh sát biển được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, khi tiến hành điều tra vụ án, Thủ trưởng của các cơ quan nói trên phân công người thuộc cơ quan, đơn vị làm Cán bộ điều tra giúp mình thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn điều tra theo quy định của Bộ luật TTHS và Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự[7]. Cấp trưởng, cấp phó của các cơ quan thuộc Lực lượng Cảnh sát biển được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra không được ủy quyền cho Cán bộ điều tra thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình[8]. Nhiệm vụ, quyền hạn của Cán bộ điều tra được quy định cụ thể tại khoản 4 Điều 39 Bộ luật TTHS.

Nguyễn Văn Tùng 

 

[1] Xem: khoản 5 Điều 9 Luật Cảnh sát biển Việt Nam

[2] Xem: khoản 4 Điều 9 Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự

[3] Xem: điểm d khoản 2 Điều 35 Bộ luật TTHS

[4] Xem: điểm a khoản 1 Điều 35 Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự

[5] Xem: điểm b khoản 1 Điều 35 Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự

[6] Xem: khoản 2 Điều 35 Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự

[7] Xem: Khoản 2, Điều 59 Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự

[8] Xem: Khoản 5, Điều 39 Bộ luật TTHS

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục gửi về banbientapcsb@gmail.com