Văn bản quy phạm pháp luật về công tác phối hợp giữa Lực lượng Cảnh sát biển với các lực lượng khác

28/06/2021 02:14:00 AM

(Canhsatbien.vn) - 

Cảnh sát biển Việt Nam là lực lượng chuyên trách của Nhà nước, làm nòng cốt thực thi pháp luật và bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn trên biển. Ngoài Cảnh sát biển Việt Nam, còn có các lực lượng khác cũng thực hiện nhiệm vụ trên biển như: Hải quân, Không quân, Dân quân tự vệ biển, Bộ đội Biên phòng, Công an, Hải quan, Kiểm ngư, Thanh tra Hàng hải,… Do đó, việc nâng cao hiệu quả công tác phối hợp, bảo đảm phát huy sức mạnh tổng hợp của nhiều lực lượng trong quản lý, bảo vệ biển đảo Tổ quốc là nhu cầu tất yếu khách quan.

Trước khi Luật Cảnh sát biển Việt Nam ra đời, bên cạnh các quy định về phối hợp tại Pháp lệnh Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh về công tác phối hợp giữa Lực lượng Cảnh sát biển với các lực lượng khác, gồm:

 * 3 Nghị định của Chính phủ:

+ Nghị định 66/2010/NĐ-CP ngày 14/6/2010 của Chính phủ ban hành Quy chế phối hợp thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động của Lực lượng Cảnh sát biển và phối hợp hoạt động giữa các lực lượng trên các vùng biển và thềm lục địa nước Cộng hòa XHCN Việt Nam;

+ Nghị định 77/2010/NĐ-CP ngày 12/7/2010 của Chính phủ về phối hợp giữa Bộ Công an và Bộ Quốc phòng trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội và nhiệm vụ quốc phòng;

+ Nghị định 71/2015/NĐ-CP ngày 03/9/2015 của Chính phủ quy định về quản lý hoạt động của người, phương tiện trong khu vực biên giới biển;

 * 4 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ:

+ Quyết định 107/2003/QĐ-TTg ban hành Quy chế phối hợp giữa Bộ Quốc phòng và Bộ Công an trong việc bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội;

+ Quyết định 65/2010/QĐ-TTg ban hành quy chế về trách nhiệm và quan hệ phối hợp hoạt động giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại;

+ Quyết định 133/2002/QĐ-TTg ban hành Quy chế phối hợp giữa lực lượng Công an, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển và Hải quan trong đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy tại địa bàn biên giới, cửa khẩu và trên biển;

+ Quyết định 79/2014/QĐ-TTg ban hành Quy chế thực hiện quy định sử dụng đường dây nóng Việt Nam - Trung Quốc về các vụ việc phát sinh đột xuất của hoạt động nghề cá trên biển.

 * 4 Thông tư liên tịch (TTLT) và 01 Quy chế phối hợp giữa Bộ Quốc phòng và Bộ, ngành khác:

+ TTLT số 156/2012/TTLT-BQP-BGTVT ngày 23/2/2012 hướng dẫn phối hợp thực hiện quản lý nhà nước giữa BQP và BGTVT về hoạt động của Lực lượng Cảnh sát biển và việc phối hợp hoạt động giữa Lực lượng Cảnh sát biển với các lực lượng hữu quan thuộc BGTVT;

+ TTLT số 211/2011/TTLT-BQP-BNNPTNT ngày 30/11/2011 hướng dẫn phối hợp thực hiện quản lý nhà nước giữa Bộ Quốc phòng và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về hoạt động của Lực lượng Cảnh sát biển và việc phối hợp hoạt động giữa Lực lượng Cảnh sát biển với các lực lượng hữu quan thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

+ TTLT số 86/2005/TTLT-BQP-BCA ngày 27/6/2005 hướng dẫn phối hợp thực hiện quản lý nhà nước giữa Bộ Quốc phòng và Bộ Công an về hoạt động của Lực lượng Cảnh sát biển và việc phối hợp hoạt động giữa Lực lượng Cảnh sát biển với các lực lượng hữu quan thuộc Bộ Công an;

+ TTLT số 25/2012/TTLT-BQP-BTC ngày 30/3/2012 phối hợp thực hiện quản lý nhà nước giữa Bộ Quốc phòng và Bộ Tài chính về hoạt động của Lực lượng Cảnh sát biển và việc phối hợp hoạt động giữa Lực lượng Cảnh sát biển với các lực lượng hữu quan thuộc Bộ Tài chính; Quy chế phối hợp số 11557/QC-BQP-BTNMT giữa Bộ Quốc phòng và Bộ Tài nguyên môi trường ban hành quy chế phối hợp thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động của Lực lượng Cảnh sát biển và việc phối hợp hoạt động giữa Lực lượng Cảnh sát biển với các đơn vị thuộc Bộ Tài nguyên môi trường.

Cùng với đó, Cảnh sát biển Việt Nam cũng trực tiếp ký kết nhiều Quy chế phối hợp với lực lượng chức năng khác, như:

+ Quy chế phối hợp số 10472/QC-TCHQ-BTLCSB giữa Hải quan và Lực lượng Cảnh sát biển trên các vùng biển và thềm lục địa nước Cộng hòa XHCN Việt Nam;

+ Quy chế phối hợp số 1723/QC-BĐBP-CSB giữa Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển và Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng trong thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền và an ninh, trật tự trên các vùng biển;

+ Quy chế phối hợp số 3055/QC-BTLCSB-CHHVN giữa Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển với Cục Hàng hải Việt Nam thực hiện chức năng quản lý nhà nước về chuyên ngành;

+ Quy chế phối hợp số 1499/QC-BTLCSB giữa Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển với Tổng cục Thủy sản; Kế hoạch số 01/KH-BTLCSB-TCBHĐVN giữa Lực lượng Cảnh sát biển với Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam trên các vùng biển và thềm lục địa nước Cộng hòa XHCN Việt Nam.

Có thể nói, trước khi Luật Cảnh sát biển Việt Nam ra đời, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh về công tác phối hợp giữa Lực lượng Cảnh sát biển và các lực lượng khác đã được quan tâm xây dựng và từng bước hoàn thiện. Tuy nhiên, các văn bản quy phạm pháp luật quy định về công tác phối hợp còn chung chung, có tính nguyên tắc, không quy định rõ trách nhiệm các bên khi phối hợp (chủ trì, phối hợp, cơ chế chỉ huy, điều hành, bảo đảm kinh phí, vật chất khác …) nên khi áp dụng, triển khai còn gặp khó khăn. Trước yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao trong tình hình mới, nhằm bảo đảm công tác phối hợp giữa các lực lượng được chặt chẽ, nhịp nhàng hơn, phát huy được sức mạnh tổng hợp để xử lý kịp thời, hiệu quả các vụ việc, tình huống xảy ra trên biển đòi hỏi phải xây dựng các văn bản pháp quy có hiệu lực pháp lý cao hơn ở tầm Luật. Chính vì vậy, Luật Cảnh sát biển Việt Nam (được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 6 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2019) đã dành riêng một chương (Chương IV) để quy định rõ phạm vi, nguyên tắc, nội dung phối hợp hoạt động giữa Cảnh sát biển Việt Nam với các cơ quan, tổ chức, lực lượng chức năng thuộc Bộ, ngành, chính quyền địa phương. Trong đó, các nội dung phối hợp được quy định gồm:

1. Trao đổi thông tin, tài liệu; đề xuất xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.

2. Bảo vệ an ninh quốc gia, chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia trên biển.

3. Bảo vệ tài nguyên, môi trường biển; bảo vệ tài sản của Nhà nước, tổ chức, cá nhân; tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của cá nhân hoạt động hợp pháp trên biển.

4. Tuần tra, kiểm tra, kiểm soát giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn trên biển; phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh chống tội phạm, vi phạm pháp luật; đấu tranh, phòng, chống cướp biển, cướp có vũ trang chống lại tàu thuyền.

5. Phòng, chống thiên tai; tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn và ứng phó, khắc phục sự cố môi trường biển.

6. Đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho Nhân dân.

7. Thực hiện hợp tác quốc tế.

 8. Thực hiện các hoạt động phối hợp khác có liên quan.

(Trích Điều 24/Luật Cảnh sát biển Việt Nam năm 2018)

Việc Luật Cảnh sát biển Việt Nam dành riêng một chương để quy định rõ về hoạt động phối hợp của Lực lượng Cảnh sát biển với các cơ quan, tổ chức, lực lượng chức năng thuộc Bộ, ngành, chính quyền địa phương thể hiện tầm quan trọng của công tác phối hợp; tạo nền tảng pháp lý cho các lực lượng phát huy sức mạnh tổng hợp, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước bằng pháp luật trên biển.

Sau khi Luật Cảnh sát biển Việt Nam được thông qua và có hiệu lực thi hành, Bộ Quốc phòng đã chủ trì soạn thảo, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 61/2019/NĐ-CP ngày 10/7/2019 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Cảnh sát biển Việt Nam. Trong đó, Chương V đã quy định rõ ràng, cụ thể trách nhiệm phối hợp với Cảnh sát biển Việt Nam của cơ quan, đơn vị, lực lượng chức năng thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ, chính quyền địa phương trong từng nhiệm vụ, từng lĩnh vực quản lý nhà nước; tạo hành lang pháp lý đầy đủ, vững chắc để Cảnh sát biển Việt Nam cũng như các lực lượng chức năng khác phát huy sức mạnh tổng hợp, phối hợp hiệu quả trong quản lý, bảo vệ biển, đảo Tổ quốc trong giai đoạn hiện nay.

Từ khi Luật Cảnh sát biển Việt Nam và Nghị định số 61/2019/NĐ-CP có hiệu lực thi hành thì một số văn bản đã ban hành trước đó liên quan đến công tác phối hợp của Lực lượng Cảnh sát biển cũng hết hiệu lực thi hành như:

+ Thông tư liên tịch số 211/2011/TTLT-BQP-BNN&PTNT ngày 30/11/2011 hướng dẫn phối hợp quản lý nhà nước giữa Bộ Quốc phòng và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về hoạt động của Lực lượng Cảnh sát biển và việc phối hợp thực hiện giữa Lực lượng Cảnh sát biển với các lực lượng hữu quan thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trên các vùng biển và thềm lục địa Việt Nam;

+ Thông tư liên tịch số 17/2012/TTLT-BQP-BGTVT ngày 23/02/2012 hướng dẫn phối hợp quản lý nhà nước giữa Bộ Quốc phòng và Bộ Giao thông vận tải về hoạt động của Lực lượng Cảnh sát biển và việc phối hợp thực hiện giữa Lực lượng Cảnh sát biển với các lực lượng hữu quan thuộc Bộ Giao thông vận tải trên các vùng biển và thềm lục địa Việt Nam;

+ Thông tư liên tịch số 25/2012/TTLT-BQP-BTC ngày 30/3/2012 hướng dẫn phối hợp quản lý nhà nước giữa Bộ Quốc phòng và Bộ Tài chính về hoạt động của Lực lượng Cảnh sát biển và việc phối hợp thực hiện giữa Lực lượng Cảnh sát biển với các lực lượng hữu quan thuộc Bộ Tài chính trên các vùng biển và thềm lục địa Việt Nam…

Có thể nhận thấy, cùng với sự ra đời của Luật Cảnh sát biển Việt Nam năm 2018, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh hoạt động phối hợp giữa Cảnh sát biển Việt Nam và các cơ quan, đơn vị, lực lượng chức năng khác đến nay đã tương đối hoàn chỉnh; tạo cơ sở vững chắc cho Cảnh sát biển Việt Nam và các lực lượng khác phối hợp hoạt động nhịp nhàng, hiệu quả trên biển. Quá trình triển khai trong thực tiễn, công tác phối hợp giữa các lực lượng cũng đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận trong nhiều lĩnh vực quản lý nhà nước trên biển; tạo bước chuyển biến quan trọng, phát huy được sức mạnh tổng hợp các lực lượng trong sự nghiệp xây dựng, quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh, trật tự, an toàn trên các vùng biển, đảo Tổ quốc./.

Trung Kiên

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục gửi về banbientapcsb@gmail.com