BTL Cảnh sát biển và VASEP: Phối hợp phòng ngừa, ngăn chặn hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp

24/10/2017 01:48:00 AM

(Canhsatbien.vn) - 

Sáng 24/10, tại Hà Nội, BTL Cảnh sát biển và Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đã tổ chức Hội nghị trao đổi, hợp tác và ký kết bản ghi nhớ hợp tác cam kết phòng ngừa, ngăn chặn và loại bỏ mọi hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định, nhằm thể hiện sự quyết tâm, chung tay cùng hành động trong Chương trình hành động Quốc gia chống khai thác hải sản bất hợp pháp (IUU). Trung tướng Hoàng Văn Đồng – Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Cảnh sát biển và đồng chí Nguyễn Thị Thu Sắc – Phó Chủ tịch VASEP đồng chủ trì Hội nghị.

Trung tướng Hoàng Văn Đồng giới thiệu về Lực lượng Cảnh sát biển tại hội nghị.

Tham dự Hội nghị, về phía BTL Cảnh sát biển có: Thiếu tướng Nguyễn Văn Sơn – Phó Tư lệnh Pháp luật Cảnh sát biển cùng đại diện Thủ trưởng Bộ Tham mưu, Cục Chính trị, Cục Nghiệp vụ và Pháp luật, các Phòng chức năng BTL Cảnh sát biển; về phía VASEP có các thành viên trong Ban điều hành IUU VASEP.

Đồng chí Nguyễn Thị Thu Sắc giới thiệu về ngành thủy sản Việt Nam và Ban điều hành IUU VASEP.

Hội nghị diễn ra trong thời điểm Việt Nam bị EU “giơ thẻ vàng” về khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU). Theo đồng chí Nguyễn Thị Thu Sắc - Phó Chủ tịch VASEP cho rằng, việc nhận thẻ vàng của EU sẽ tạo ra phiền phức rất lớn, gây nhiều tác động xấu ảnh hưởng trực tiếp đến việc xuất khẩu hải sản của Việt Nam sang EU, sau đó có thể sẽ ảnh hưởng đến thị trường Mỹ và nhiều thị trường khác.

Đại diện VASEP cho biết: Trong thời gian bị thẻ vàng, 100% containers hàng hải sản xuất khẩu từ nước bị thẻ vàng sang EU bị giữ lại để kiểm tra nguồn gốc khai thác sẽ mất thời gian dài, thậm chí 3-4 tuần/container, và riêng phí kiểm tra “nguồn gốc” là khoảng 500 bảng Anh/Container, chưa kể phí lưu giữ cảng và hệ lụy kinh doanh của đối tác khách hàng. Nhưng rủi ro nhất là tỷ lệ lớn các cont hàng sẽ bị từ chối, trả lại, tổn thất nặng nề. Trường hợp như Philipine, có đến 70% số container bị từ chối trả lại. Tổn thất cho việc xuất khẩu hải sang sang EU khi bị thẻ vàng, tính trung bình có thể lên đến 10.000 Euro/container. Sau khi bị cảnh báo thẻ vàng, nước bị cảnh báo sẽ có 6 tháng để khắc phục các thiếu sót, nếu không có cải thiện theo đánh giá của EU, sẽ bị chuyển sang cảnh báo thẻ đỏ, đồng nghĩa với bị cấm xuất khẩu các mặt hàng hải sản khai thác sang EU.

Đại tá Trần Văn Nam - Cục trưởng Cục Nghiệp vụ và Pháp luật Cảnh sát biển báo cáo thực trạng tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài và những hoạt động cần phối hợp giữa hai bên.

Tại Hội nghị, hai bên đã cùng trao đổi về thực trạng tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác hải sản bất hợp pháp; làm rõ vai trò trách nhiệm của BTL Cảnh sát biển và VASEP; trên cơ sở đó tăng cường mối quan hệ hợp tác trong chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định.

Đại diện hai bên ký Bản ghi nhớ hợp tác.

Tại Hội nghị, BTL Cảnh sát biển và VASEP đã ký kết Bản ghi nhớ hợp tác triển khai chương trình chống khai thác hải sản bất hợp pháp. Theo đó, hai bên sẽ hợp tác trong lĩnh vực hỗ trợ trao đổi thông tin; tuyên truyền, đấu tranh chống khai thác hải sản bất hợp pháp; phối hợp kết nối với các địa phương, đơn vị, cơ quan quản lý về chống khai thác IUU trong và ngoài nước để có được sự hỗ trợ, tư vấn giúp Việt Nam khắc phục được những khuyến nghị đưa ra về IUU, đồng thời thiết lập và vận hành trung tâm dữ liệu nghề cá phục vụ truy xuất nguần gốc IUU giúp Việt Nam tránh trường hợp bị thẻ vàng từ EU.

Đức Hạnh

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục gửi về banbientapcsb@gmail.com