31/08/2022 01:25:00 AM
(Canhsatbien.vn) -
Với vai trò là lực lượng chuyên trách của Nhà nước, làm nòng cốt thực thi pháp luật và bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn trên biển, những năm qua, Cảnh sát biển Việt Nam đã đóng vai trò to lớn trong nhiệm vụ đảm bảo quốc phòng, an ninh biển; làm chỗ dựa vững chắc cho nhân dân làm ăn, sinh sống. Qua đó xây dựng “thế trận lòng dân”, “thế trận an ninh nhân dân” trên biển vững chắc, bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Thiếu tướng Bùi Quốc Oai - Chính ủy Cảnh sát biển thăm hỏi, tặng quà cho ngư dân Nghiệp đoàn Nghề cá An Hải, huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. (Ảnh: Liên Nhi)
Nghị quyết số 26/NQ-CP của Chính phủ đã chỉ rõ: “Xây dựng lực lượng vững mạnh, nòng cốt là Hải quân, Phòng không - Không quân, Cảnh sát biển và Bộ đội Biên phòng, kết hợp cùng lực lượng các quân khu ven biển, Kiểm ngư, dân quân tự vệ biển... làm chỗ dựa vững chắc cho nhân dân làm ăn, sinh sống trên các vùng biển, đảo và các hoạt động phát triển kinh tế biển; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân trên biển vững chắc”.
Thiếu tướng Bùi Quốc Oai - Chính ủy Cảnh sát biển Việt Nam cho biết: Xây dựng “thế trận lòng dân” là nội dung quan trọng trong xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân. Vì vậy, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển luôn tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm xây dựng “thế trận lòng dân” trên biển vững chắc, phát huy sức mạnh tổng hợp, nhất là ngư dân và những người đang sinh sống trên các đảo, nhân dân các địa phương ven biển, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Chương trình “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân” được Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển triển khai thực hiện từ năm 2017 đến nay là một trong những nội dung đột phá trong công tác dân vận của Lực lượng Cảnh sát biển. Chương trình xác định thực hiện 6 nội dung chính, đó là: Phối hợp tổ chức tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, giáo dục pháp luật cho nhân dân, trong đó có ngư dân; Phối hợp tham gia xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh; Giúp nhân dân phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa, xóa đói, giảm nghèo, góp phần thực hiện tốt tiêu chí xây dựng nông thôn mới; Hỗ trợ ngư dân phát triển kinh tế biển; Giúp ngư dân vươn khơi, bám biển, góp phần giữ vững an ninh, chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc; Phối hợp thực hiện huy động nhân lực, phương tiện, tàu thuyền tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo.
Thực hiện Chương trình, các Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển đã phối hợp chặt chẽ với Ban Dân vận các tỉnh ủy, thành ủy để xây dựng kế hoạch cụ thể, làm cơ sở để Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động trọng điểm trong toàn Lực lượng. Qua đó, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, toàn diện, có chiều sâu, đồng đều giữa các tháng trong năm; đồng thời, có trọng tâm, trọng điểm và điểm nhấn. Chương trình thể hiện rõ tinh thần trách nhiệm cao trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Lực lượng; góp phần xây dựng thế trận lòng dân, quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa bàn các tỉnh, thành phố có biển.
Với mục đích nâng cao nhận thức về chủ quyền biển đảo và những kiến thức cơ bản về pháp luật cho nhân dân, Chương trình “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân” tập trung truyên truyền các nội dung như: Công ước quốc tế về Luật Biển năm 1982, Luật Biển Việt Nam, Luật Cảnh sát biển Việt Nam, Luật Thủy sản 2017, Luật Phòng, chống tội phạm ma túy, các quy định của pháp luật về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU); thông tin về tình hình chủ quyền biển, đảo và chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ta về biển đảo... với hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp với từng đối tượng, trong đó ưu tiên học sinh và ngư dân.
Theo Đại tá Lê Văn Tú - Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4: Từ năm 2017 đến nay, Vùng đã tổ chức 10 cuộc thi “Em yêu biển, đảo quê hương” và 13 đợt tập trung tuyên truyền cho trên 5.000 lượt chủ tàu cá, ngư dân, giáo viên, học sinh ở khu vực biên giới biển và tuyên truyền trực tiếp trên biển cho hơn 2.500 lượt phương tiện với trên 15.000 thuyền viên, kết hợp phát hơn 25.000 tờ rơi, 1.800 sách và tập tài liệu tuyên truyền.... Những hoạt động đó đã góp phần hết sức quan trọng trong việc xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân trên biển vững chắc để cùng với Lực lượng Cảnh sát biển quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền vùng biển, đảo cực Nam của Tổ quốc. Những hoạt động của Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 trong những năm năm qua đã và đang là điểm tựa vững chắc để ngư dân vươn khơi, bám biển, phát triển kinh tế.
Với những ngư dân quanh năm bám biển, vươn khơi nếu như trước đây đi khai thác trên biển chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, thì nay bà con tự tin hơn, yên tâm hơn khi nắm chắc những kiến thức pháp luật. "Có được điều đó là nhờ chúng tôi thường xuyên tham gia những buổi tuyên truyền, phổ biến pháp luật do các cán bộ, chiến sĩ Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 1 tổ chức. Những buổi tuyên truyền đó giúp ngư dân chúng tôi có thêm nhiều thông tin bổ ích, hiểu thêm về giá trị của biển, đảo Việt Nam, về Luật Biển Việt Nam, Luật Cảnh sát biển, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982...". Đó là chia sẻ của ngư dân Trần Văn Ân, huyện đảo Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh cùng những bạn tàu khai thác ở khu vực Vịnh Bắc Bộ.
Đánh giá về hiệu quả của công tác tuyên truyền pháp luật biển, bà Phạm Thị Hương - Chủ tịch UBND huyện đảo Lý Sơn cho rằng: Chương trình “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân” được thực hiện tại Lý Sơn những năm qua đã góp phần tích cực trong xây dựng huyện đảo phát triển kinh tế, vững mạnh về chính trị, làm cơ sở xây dựng “thế trận lòng dân” trên biển. Ngoài tập trung tuyên truyền cho ngư dân pháp luật biển, các quy định khai thác theo Luật Thủy sản 2017, Luật Cảnh sát biển Việt Nam, Chỉ thị 45 của Thủ tướng Chính phủ về chống đánh bắt bất hợp pháp IUU, cán bộ, chiến sĩ Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2 còn cấp phát tờ rơi, hướng dẫn kỹ năng bảo đảm an toàn khi lao động trên biển cho ngư dân, tập huấn an toàn hàng hải, phòng chống cháy nổ cho bà con, xuống tận tàu cùng ngư dân thay cờ, treo cờ Tổ quốc lên nóc tàu. Điều đó làm tăng cường, gắn bó, đoàn kết quân dân, động viên ngư dân tích cực vươn khơi bám biển, bám ngư trường truyền thống, vừa phát triển kinh tế, vừa sát cánh cùng các lực lượng thực thi pháp luật trên biển đấu tranh bảo vệ chủ quyền, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn các vùng biển đảo của Tổ quốc.
Với đặc thù tại các địa phương ven biển, đời sống nhân dân, trong đó có ngư dân, còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí, hiểu biết pháp luật biển còn hạn chế; vì vậy công tác phổ biến, tuyên truyền pháp luật là nội dung được Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển xác định quan trọng hàng đầu trong thực hiện Chương trình "Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân". Đại tá Lê Huy - Phó Chủ nhiệm Chính trị Cảnh sát biển cho biết: Thông qua các hoạt động khác của Chương trình như giáo dục truyền thống, giao lưu, tập huấn, an sinh xã hội... đã giúp cho công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật được truyền tải một cách mềm dẻo, sinh động, gần gũi, thấm sâu hơn. Qua 5 năm thực hiện, Chương trình đã góp phần nâng cao tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý thức trách nhiệm của nhân dân nói chung, ngư dân nói riêng trong chấp hành pháp luật, tham gia bảo vệ chủ quyền, an ninh, an toàn biển, đảo của Tổ quốc; trực tiếp tham gia xây dựng "thế trận lòng dân" vững chắc trên biển; là một trong những yếu tố quan trọng giúp Lực lượng Cảnh sát biển hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Sự hiện diện của tàu Cảnh sát biển Việt Nam trên các vùng biển của Tổ quốc thực sự là điểm tựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi, bám biển; kịp thời giúp ngư dân xử lý, ứng phó, cứu nạn ngư dân khi bị các tàu nước ngoài xua đuổi, đâm va, khi gặp thời tiết khắc nghiệt.
Nhiều năm qua, cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển với những con tàu hiện đại, luôn có mặt kịp thời mỗi khi ngư dân làm ăn trên biển gặp sự cố đã để lại tình cảm tốt đẹp trong lòng đông đảo ngư dân trên cả nước. Ngư dân Võ Hữu Lanh ở ấp 3, xã Tân Hưng, huyện An Minh, Kiên Giang kể: Tháng 10/2018, trong lúc khai thác trên biển thì tàu của anh bị phá nước, thủng đáy, trong khi tính mạng của 18 thuyền viên đang vô cùng nguy hiểm thì được tàu CSB 4002 của Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 đến ứng cứu, lai dắt về bờ an toàn.
Còn ngư dân Vũ Văn Phong, trú tại xã Quỳnh Thọ, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, thuyền trưởng tàu cá NA93248 TS nhớ như in: Vào ngày 9/10/2020, khi đang đánh bắt cá cách Cửa Sót (Hà Tĩnh) khoảng 50 hải lý về hướng Đông - Đông Bắc thì bỗng nhiên tàu bị sự cố gãy trục chân vịt, nước tràn vào, hỏng hệ thống thông tin liên lạc. Trước tình hình hết sức nguy hiểm, anh đã xin được hỗ trợ cứu nạn khẩn cấp. Thời điểm đó sóng gió cấp 7-8, dòng chảy lớn, biển động mạnh nhưng bằng mọi nỗ lực, các cán bộ, chiến sĩ tàu CSB 8003, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 1 đã triển khai các phương án cứu nạn kịp thời và chăm sóc sức khỏe cho các thuyền viên trên tàu, đồng thời tiến hành lai dắt tàu về bờ an toàn.
Đại tá Trần Văn Thơ - Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 1 khẳng định: Công tác cứu hộ, cứu nạn được cán bộ, chiến sĩ xác định là nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình, là mệnh lệnh từ trái tim, là hình ảnh và phẩm chất cao đẹp của Người chiến sĩ Cảnh sát biển. Trong bất kỳ điều kiện thời tiết khó khăn, mưa bão trên vùng biển và ở các đảo xa, khi ngư dân gặp sự cố cần hỗ trợ thì cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển có mặt kịp thời để giúp đỡ, cứu trợ. Mặc dù trong thực hiện nhiệm vụ còn gặp nhiều gian khó, hiểm nguy, điều kiện thời tiết, khí hậu khắc nghiệt song cán bộ, chiến sĩ Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 1 luôn mưu trí, dũng cảm, khắc phục mọi khó khăn, thầm lặng hỗ trợ để bà con ngư dân yên tâm rẽ sóng vươn khơi khai thác hải sản, phát triển kinh tế, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Hưởng ứng phong trào thi đua "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới", "Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau" và phong trào thi đua "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", những năm qua, các đơn vị Cảnh sát biển thường xuyên phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và nhân dân địa phương, các lực lượng trên địa bàn đóng quân đẩy mạnh thực hiện hoạt động “Chung sức xây dựng nông thôn mới”, giúp nhân dân xây dựng đời sống văn hóa mới, phát triển kinh tế xã hội, xóa đói giảm nghèo, cải thiện, nâng cao chất lượng đời sống với các hoạt động như: “Ngày thứ Bảy tình nguyện”, “Ngày Chủ nhật xanh” để vệ sinh môi trường, tu sửa và vệ sinh hệ thống kênh, mương. Phối hợp với đoàn thanh niên các địa phương tổ chức phát động, dọn vệ sinh môi trường biển, thu gom và xử lý rác thải các loại, xây dựng đường giao thông nông thôn với hàng nghìn ngày công; trồng hàng nghìn cây xanh hưởng ứng Đề án “Trồng 1 tỉ cây xanh” giai đoạn 2021 – 2025 của Thủ tướng Chính phủ; vận động các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, các mạnh thường quân tham gia đóng góp, ủng hộ tiền, vật chất (xi - măng, gạch…) giúp đỡ các địa phương củng cố các công trình công cộng; hỗ trợ xây dựng "nhà tình nghĩa", "nhà đại đoàn kết" cho các gia đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh khó khăn.
Đại tá Nguyễn Đức Độ - Chính ủy Trung tâm Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ Cảnh sát biển chia sẻ: Đảng ủy, Ban giám đốc Trung tâm luôn xác định công tác dân vận là một nhiệm vụ chính trị hết sức quan trọng. Vì thế, thời gian qua, Trung tâm luôn đặt ra yêu cầu phải phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể địa phương trên địa bàn đóng quân xây dựng kế hoạch, triển khai các nội dung hoạt động dân vận phù hợp với từng đối tượng, địa bàn, ở từng thời điểm cụ thể, nhằm bảo đảm cho công tác dân vận thực sự phát huy hiệu quả cao nhất. Bằng những việc làm cụ thể, thời gian qua, Trung tâm đã thu hút được đông đảo cán bộ, đoàn viên, thanh niên và nhân dân tham gia; phối hợp với chính quyền địa phương xây dựng kế hoạch thực hiện có hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới; cán bộ, chiến sĩ của đơn vị đã đóng góp hơn 3.500 ngày công tham gia vệ sinh làm sạch đường giao thông; củng cố, tu sửa sân trường tiểu học; giúp dân thu hoạch hoa màu, phát triển sản xuất; viếng nghĩa trang liệt sĩ và thắp nến tri ân…
Với Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3, đặc thù quản lý vùng biển rộng, vì vậy gắn kết chặt chẽ giữa công tác tuyên truyền với tăng cường các hoạt động dân vận được Vùng hết sức coi trọng. Thiếu tướng Đỗ Hồng Đó - Chính ủy Vùng Cảnh sát biển 3 cho biết: Hằng năm, nhân dịp lễ, Tết, các ngày kỷ niệm, các đơn vị trong Vùng đã phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền, cơ quan, ban, ngành địa phương nơi đóng quân đẩy mạnh các hoạt động gặp gỡ quân - dân, giao lưu, kết nghĩa, thực hiện chính sách “Đền ơn, đáp nghĩa”. Qua đó, tạo sự gần gũi, gắn kết giữa địa phương với đơn vị; là cơ sở để cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương chia sẻ và có nhận thức thấu đáo về yêu cầu, nhiệm vụ cùng những khó khăn của Vùng;… Từ đó, tạo niềm tin, động lực mới trong phối hợp tuyên truyền cũng như thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh trên vùng biển được giao. Bên cạnh đó, Vùng chỉ đạo các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh công tác dân vận bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, tham gia xây dựng cơ sở chính trị địa phương vững mạnh; phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xóa đói, giảm nghèo; đồng hành với ngư dân vươn khơi, bám biển. Các cơ quan, đơn vị đã có nhiều hoạt động hỗ trợ ngư dân giảm bớt khó khăn trong cuộc sống, tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới, giúp đỡ nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai, bảo vệ tài nguyên môi trường biển.
Những kết quả trên đã minh chứng cho sự thành công của Chương trình “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân”; góp phần giúp nhân dân thêm hiểu, thêm tin, để nhân dân thực sự là "tai, mắt", hỗ trợ đắc lực, cùng cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển đảm bảo quốc phòng, an ninh trên biển, xây dựng và giữ vững “thế trận lòng dân”, an ninh nhân dân, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc./.
Thu Lan
Ban Thời sự (VOV1)/Đài Tiếng nói Việt Nam