Chuyện những người giữ mùa xuân cho biển quê hương

04/02/2016 03:16:00 PM

(Canhsatbien.vn) - 

Nén chặt nỗi nhớ vợ thương con, anh chiến sĩ Cảnh sát biển khoác ba lô lên tàu trong bước đi vững chãi, mạnh mẽ. Quệt ngang dòng nước mắt, người vợ trẻ bồng con cười hiền, tiếp thêm sức mạnh để chồng yên tâm lên đường làm nhiệm vụ. Bác ngư dân nghẹn giọng, vẫy tay chào, hẹn cùng nhau đón giao thừa ở giữa khơi xa…

Họ đã chia tay như thế, không chút phiền muộn, bi lụy, mà chứa đầy niềm tin và sự quyết tâm, dẫu trong lòng mang nhiều luyến nhớ, phía trước là bao khó khăn. Biển đảo quê hương như một phần cơ thể sống, không thể thiếu ở họ! Và họ đã vượt qua tất cả để đến với biển, bám biển, giữ biển.

Cả nhà chiến sĩ cùng giữ biển

Vừa cưới vợ được hai tháng, đại úy Hồ Sỹ Quyết (tàu CSB 2009) vẫn xung phong xin chỉ huy cho tham gia chuyến tuần tra dài ngày trên biển lần này. Anh chia sẻ: “Vào ngành Cảnh sát biển hơn chục năm, có đến 2/3 thời gian tôi đi tàu, sống trên biển. Biển giờ đây như người thân ruột thịt của tôi, vậy nên mới xa biển vài tháng, tôi lại thấy nhớ rạo rực. Yêu biển, tôi luôn nhủ mình, bất cứ nhiệm vụ nào được cấp trên phân công cũng phải hoàn thành. Như thế mới giữ biển luôn ở bên mình và dân tộc. Giống như tôi, vợ tôi cũng vậy, cô ấy rất yêu biển, luôn động viên tinh thần, ủng hộ hết mình mỗi khi tôi lên tàu vươn khơi làm nhiệm vụ”.

  

Các ngư dân gặp gỡ, tiễn cán bộ, chiến sĩ tàu CSB 2009 lên đường làm nhiệm vụ trên biển dịp Tết Bính Thân 2016.

Buổi gặp gỡ giữa những người lính biển với vợ, con và người thân gia đình trong những ngày cuối năm ở Vũng Tàu diễn ra thật ấm áp, hạnh phúc. Cái vỗ vai của người cha, nụ hôn ngọt ngào của vợ, cái bắt tay thắt chặt của đồng đội làm nhiệm vụ trong đất liền… như tiếp thêm sức mạnh để cán bộ, chiến sĩ trên các tàu Cảnh sát biển làm tròn nhiệm vụ nơi biển khơi trong những ngày Tết xa nhà. Đại tá Đinh Quốc Ruân - Chủ nhiệm Chính trị Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3, cho biết: “Cảnh sát biển kiêm nhiệm nhiều việc, vừa tuần tra, giám sát, bảo vệ chủ quyền biển đảo, vừa huấn luyện nghiệp vụ, hỗ trợ tìm kiếm, cứu hộ ngư dân gặp nạn trên biển… Có khi nhiệm vụ này chưa kết thúc, cán bộ, chiến sĩ đã nhận thêm nhiệm vụ mới. Công việc áp lực, thời gian bên gia đình rất ít, nhưng khi có kế hoạch, anh em ai nấy cũng xung phong nhận nhiệm vụ. Điều đó khẳng định rằng, trái tim người Cảnh sát biển luôn hướng về biển đảo quê hương”.

 

Cán bộ chiến sĩ Cảnh sát biển giao lưu với nhân dân trên đảo Bạch Long Vĩ.

Tàu Cảnh sát biển mang số hiệu CSB 2009 vừa phát còi chuẩn bị rời bờ, cũng là lúc chị Nguyễn Thị Hương (vợ thượng úy Hồ Thích Tráng - Phó thuyền trưởng) chở theo con trai 3 tuổi kịp đến chia tay chồng. Chị Hương bộc bạch: “Ảnh vừa ghé bờ hôm kia, sau đợt cứu nạn tàu ngư dân chết máy, sáng nay lại quay ra biển. Vợ chồng xa cách thấy nhớ, nhưng mình không buồn, vì bảo vệ chủ quyền biển đảo là việc làm thiêng liêng, mình luôn luôn ủng hộ chồng”. Cầm vội hai đòn bánh tét và hai bộ quần áo mới của vợ từ thành phố Bà Rịa mang xuống tặng, anh Tráng vội bước lên tàu để mọi người không phải chờ. Thấy vậy, chị Hương lại động viên: “Anh yên tâm công tác. Hai mẹ con sẽ mãi cùng ba giữ biển!”.

Sát cánh cùng ngư dân bám biển

Không chỉ có người thân, gia đình mà còn có hàng trăm ngư dân các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận… đến tiễn cán bộ, chiến sĩ các tàu Cảnh sát biển (thuộc Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3) lên đường làm nhiệm vụ, trong số đó có ông Phạm Thế Hiển (56 tuổi, chủ tàu cá BV-9325, ở tại thành phố Vũng Tàu). Không phải người thân ruột thịt nhưng khi các tàu vừa rời bến, ông Hiển hai mắt đỏ hoe. “Họ không chỉ là những người bạn thân tình, giúp nhau lít dầu, chén gạo lỡ bữa, mà còn là ân nhân cứu nạn trên biển của chúng tôi mỗi khi bị tàu lạ tấn công, hay gặp phải tai nạn, gió bão… Chúng tôi xem họ như anh em ruột thịt, luôn đoàn kết, gắn bó, sống chết có nhau, cùng nhau bám biển”, ông Hiển nói.

Ông Hiển kể, một năm trước, đúng mùng 1 Tết, đang lúc đánh cá trên vùng biển Côn Sơn (Vũng Tàu), tàu cá của ông bị chết máy trong lúc biển động. Sau 36 giờ trôi lênh đênh trên biển, 12 thuyền viên trên tàu phải chống chọi với đói khát, sóng ngày càng đánh lớn, có lúc chiếc thuyền như muốn lật, những tưởng phải đối diện với tử thần. Sau nhiều nỗ lực nhưng không liên lạc được với đất liền, tối mùng 3 Tết, thuyền viên của ông liên lạc được với tổng đài của Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3. Chỉ sau 3 giờ, Lực lượng Cảnh sát biển trên tàu CSB 9002 đã tiếp cận được chiếc tàu bị nạn và lai dắt vào bờ an toàn trong niềm hạnh phúc vỡ òa của gia đình, người thân các ngư dân.

 

Chuẩn bị Tết sớm cho các tàu Cảnh sát biển.

Với ông Lê Văn Thái (thành phố Vũng Tàu), chủ tàu cá BV-92772, trong 30 năm hành nghề đánh cá trên vùng biển Tây Nam, ông không nhớ rõ mình được Cảnh sát biển và Hải quân giúp đỡ, cứu nạn bao nhiều lần, chỉ nhớ nhất trong năm 2015, ba lần tàu của ông bị chết máy, thuyền viên bị cá chình biển cắn đứt tay, đều được Cảnh sát biển ứng cứu, thoát khỏi nguy hiểm. Ông nói: “Năm nay tôi 56 tuổi, nhưng chưa bao giờ có ý định bỏ nghề đánh cá. Tôi sẽ mãi bám biển, khi nào không còn sức, tôi truyền nghề cho con cháu nối tiếp. Năm 2016, chúng tôi sẽ ra khơi sớm, cùng với anh em chiến sĩ Cảnh sát biển đón giao thừa trên biển quê hương”.

Tuấn Vũ (sggp.org.vn)
Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục gửi về banbientapcsb@gmail.com