Giao lưu tôn vinh mô hình “Cảnh sát biển đồng hành cùng ngư dân”

17/08/2018 08:43:00 AM

(Canhsatbien.vn) - 

Nhân kỷ niệm 20 năm ngày truyền thống Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam (28-8-1998 /28-8-2018), tối 16/8, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển tổ chức chương trình giao lưu tôn vinh mô hình “Cảnh sát biển đồng hành cùng ngư dân”, tại Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội (Hà Nội). Chương trình được phát sóng trực tiếp trên Kênh Truyền hình Quốc phòng Việt Nam.

Đến dự chương trình có các đồng chí: Thượng tướng Lê Chiêm - Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Trung tướng Lê Hiền Vân - Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị; Thiếu tướng Nguyễn Văn Sơn – Tư lệnh Cảnh sát biển; Trung tướng Hoàng Văn Đồng – Chính ủy Cảnh sát biển; Trung tướng Nguyễn Quang Đạm – nguyên Tư lệnh Cảnh sát biển; đại biểu Thủ trưởng trưởng BTL Cảnh sát biển, nguyên Thủ trưởng BTL Cảnh sát biển; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể của Trung ương và Hà Nội; đông đảo cán bộ, chiến sĩ Lực lượng Cảnh sát biển và khán giả Thủ đô.

Tiết mục văn nghệ trong chương trình giao lưu.

Qua 20 năm xây dựng và trưởng thành, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, Lực lượng Cảnh sát biển đã tích cực thực hiện công tác dân vận rộng khắp, trên nhiều tỉnh thành cả nước. Mô hình "Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân" ra đời, góp phần khẳng định: ở bất cứ nơi nào thuộc vùng biển của Việt Nam, khi có ngư dân hoạt động, khai thác đánh bắt hải sản, thì Lực lượng Cảnh sát biển đều có mặt để bảo vệ, sẵn sàng ứng cứu, giúp đỡ ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển.  

2 năm qua, mô hình dân vận "Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân" đã tuyên truyền trực tiếp cho hàng nghìn cán bộ, nhân dân, học sinh các vùng biển đảo; cấp phát hàng nghìn tờ rơi và hàng trăm sổ tay tuyên truyền pháp luật cho ngư dân ta, đã thể hiện phần nào quy mô, ý nghĩa, sức lan tỏa của một mô hình đã được Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển ấp ủ từ lâu. Đây cũng là mô hình dân vận có tính tương tác cao, đòi hỏi trách nhiệm của tất cả các bên, gồm cán bộ, chiến sĩ cảnh sát biển, các địa phương, ngư dân và các doanh nghiệp đồng hành, trong bảo vệ môi trường biển, bảo vệ an toàn hoạt động nghề cá và hoạt động kinh tế biển, duy trì thực thi pháp luật trên biển, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.  

Ngư dân Nguyễn Văn An chia sẻ tại buổi giao lưu.

Tại buổi giao lưu, các đại biểu được gặp gỡ trao đổi, chia sẻ những kỷ niệm của những ngư dân quanh năm bám biển được cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển cứu giúp khi đánh bắt hải sản ngoài khơi xa, gặp bão gió nguy hiểm và được tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật khi hoạt động trên biển. Ngư dân Nguyễn Văn An, sinh sống bằng nghề biển tại xã Đồng Tiến, huyện đảo Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh chia sẻ: “Tàu thuyền của chúng tôi nhỏ bé, khi thực hiện đánh bắt, gặp bão giông sóng gió rất nguy hiểm, có thể ảnh hưởng đến tính mạng tài sản; do hiểu biết về pháp luật còn hạn chế, quá trình đánh bắt sợ vi phạm vùng biển nước ngoài, hiểu biết luật thủy sản chưa đủ, từ khi có Cảnh sát biển tuyên truyền nội dung này thì yên tâm hơn, biết đâu là vùng biển Việt Nam, khi gặp sự cố, gặp tàu nước ngoài thì yên tâm có Cảnh sát biển đồng hành, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường biển”. Các đại biểu cũng được nghe những chia sẻ, những ấn tượng sâu đậm của ngư dân Nguyễn Thanh Tình đến từ cực Nam của Tổ quốc, đã nhiều năm kiên cường vươn khơi bám biển được cán bộ, chiến sĩ BTL Vùng Cảnh sát biển 4 cứu giúp kịp thời, lai dắt nhiều chặng, giúp con tàu của anh bị phá nước về bờ để sửa chữa trong điều kiện sóng to, gió lớn.

  

Đại úy Nguyễn Thế Duyệt chia sẻ những tâm tư, tình cảm của người thuyền trưởng chỉ huy con tàu thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn.

Qua câu chuyện của Đại úy Nguyễn Thái Dũng - Thuyền trưởng tàu CSB 9001, Hải đội 301, BTL Vùng Cảnh sát biển 3; Đại úy Nguyễn Thế Duyệt - Thuyền trưởng tàu CSB 2008, Hải đội 112, Hải đoàn 11, BTL Vùng Cảnh sát biển 1, khán giả được nghe những tâm tư, tình cảm của người thuyền trưởng nắm trọng trách đưa con tàu ra khơi làm nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn, tham gia ứng cứu ngư dân với nhiều thử thách, gian khó, nhưng cũng phải tính toán để đảm bảo an toàn cho con tàu và đồng đội mình. Chính những thử thách, gian khó là động lực để cán bộ, chiến sĩ tiếp tục phấn đấu, nỗ lực vì sự nghiệp biển đảo.

Xen lẫn những câu chuyện với các vị khách mời là những phóng sự phản ánh về hiệu quả của mô hình dân vận "Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân" trên khắp các xã, huyện đảo; những khó khăn, vất vả trong quá trình cứu hộ, cứu nạn của cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển cũng như những tâm tư tình cảm của các ngư dân. Những hình ảnh, chân thực cảm động trong các phóng sự giúp người xem hiểu rõ hơn về những gian lao, vất vả của cán bộ, chiến sĩ khi thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn trên biển, thấy được sự gắn kết qua lại giữa Cảnh sát biển và ngư dân trên các vùng biển đảo.

Trong 2 năm thực hiện mô hình, Lực lượng Cảnh sát biển cũng đã phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương để đồng hành cùng ngư dân trong bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, giữ gìn trật tự an ninh, an toàn biển, đảo, được cấp ủy, chính quyền địa phương các huyện đảo đánh giá cao. Ông Đỗ Văn Dừng - Chủ tịch UBND xã Thổ Châu, huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang chia sẻ: Đảo Thổ Châu xa xôi, đi lại khó khăn, nằm ở vùng nước lịch sử Việt Nam - Campuchia, ngư dân Viêt Nam vẫn vượt qua vùng nước lịch sử sang nước bạn đánh bắt, bị bắt giữ, từ khi có mô hình này của Cảnh sát biển, ngư dân đã chuyển biến, hạn chế đánh bắt tận diệt, bảo vệ môi trường biển, không xâm phạm vùng biển nước bạn nữa. Có ngư dân bị tai nạn lao động do đánh bắt, đưa vào trạm y tế xã cấp cứu, nhưng do bị nặng nên phải đưa về Phú Quốc điều trị, Vùng Cảnh sát biển 4 đã cho tàu ra đảo Thổ Chu, đưa ngư dân về bờ giữ được tính mạng.

Thiếu tướng Doãn Bảo Quyết - Phó Chính ủy Cảnh sát biển chia sẻ về mô hình công tác dân vận "Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân".

Có thể thấy, mô hình công tác dân vận "Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân" là một nét đổi mới, sáng tạo, mang đặc thù riêng của Lực lượng Cảnh sát biển. Thiếu tướng Doãn Bảo Quyết – Phó Chính ủy Cảnh sát biển chia sẻ: Quá trình tìm tòi, đúc rút trong 20 năm qua, nhiều nội dung hình thức công tác dân vận đã thực hiện từ lâu mà chưa có tên gọi, Thủ trưởng BTL giao Cục Chính trị tìm mô hình phù hợp, qua thực tiễn ở đơn vị cơ sở, giữa Lực lượng Cảnh sát biển với ngư dân rất gần gũi. Sự góp mặt của Cảnh sát biển chính là điểm tựa vững chắc cho ngư dân, ngư dân chính là tai mắt của Cảnh sát biển, từ sự hòa quyện đó, đặt tên mô hình... BTL Cảnh sát biển xác định lấy Hải đội, Hải đoàn tàu các Vùng để triển khai kết nghĩa với các xã, huyện đảo. Quá trình  triển khai mô hình, Lực lượng Cảnh sát biển đã nhận được sự phối hợp, giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền địa phương, các xã huyện, đảo, các tổ chức chính trị xã hội, cùng sự ủng hộ, giúp đỡ cả về vật chất và thời gian, công sức của các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm để đồng hành, sẻ chia thực sự qua những chuyến đi. Vì vậy, cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển, bằng uy tín và nhiệt huyết của mình, đã lan tỏa, huy động được nguồn lực và sức mạnh của toàn xã hội trong thực hiện mô hình. Thiếu tướng Doãn Bảo Quyết, nhấn mạnh: Mô hình "Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân" giai đoạn tiếp theo sẽ tập trung góp phần xây dựng các vùng biển đảo vững mạnh, là then chốt trong xây dựng "thế trận lòng dân", để ngư dân ta yên tâm vươn khơi bám biển.

Thủ trưởng BTL Cảnh sát biển tặng Bằng khen tôn vinh những điển hình tiên tiến của Lực lượng Cảnh sát biển và ngư dân, tổ chức chính trị, xã hội, các doanh nghiệp tiêu biểu.

Nhân dịp này, Đảng ủy, BTL Cảnh sát biển Việt Nam đã trao Bằng khen tặng 20 điển hình, tiên tiến của Lực lượng Cảnh sát biển và những ngư dân, tổ chức chính trị, xã hội cùng các doanh nghiệp tiêu biểu đã đồng hành với BTL Cảnh sát biển trong 2 năm phối hợp, đồng hành thực hiện mô hình dân vận "Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân".

Đức Hạnh

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục gửi về banbientapcsb@gmail.com