12/11/2015 05:50:00 PM
(Canhsatbien.vn) -
17 năm xây dựng và trưởng thành, so với ngành thông tin của các quân binh chủng khác, có thể nói ngành thông tin Cảnh sát biển vẫn còn non trẻ. Song, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, BQP, Binh chủng TTLL, thủ trưởng BTL cùng tinh thần tích cực, chủ động, dám nghĩ, dám làm, 17 năm qua, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ thông tin liên lạc CSB đã đồng lòng, chung sức, vượt qua mọi khó khăn, xây dựng ngành thông tin từng bước phát triển, đảm bảo đủ sức hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao trong mọi tình huống.
Phòng Thông tin kiểm tra, theo dõi thông tin liên lạc giữa các đơn vị. (ảnh: Thúy Nga)
Những mốc son trưởng thành
Ngày 28/8/1998, trước yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao về bảo vệ chủ quyền, an ninh, trật tự an toàn biển, đảo và phát triển kinh tế biển trong thời kỳ mới, Bộ Quốc phòng ra quyết định số 1069/QĐ-BQP thành lập Cục Cảnh sát biển (tiền thân của BTL CSB hiện nay). Khi mới thành lập, Cục Cảnh sát biển chỉ là một Cục nghiệp vụ trực thuộc BTL Hải quân, biên chế tổ chức còn đơn giản, quân số ít ỏi, trang bị phương tiện lạc hậu.
Bộ phận thông tin liên lạc của Cục Cảnh sát biển lúc bấy giờ thiếu thốn cả về con người cũng như cơ sở vật chất. Về con người chỉ có 1 đồng chí trợ lý và 3 nhân viên. Trang bị thông tin vẻn vẹn 1 tổng đài Panasonic 28 số, 10 máy lẻ; hệ thống thông tin vô tuyến điện hoàn toàn không có gì. Với thực trạng về tổ chức biên chế, cơ sở vật chất bảo đảm như trên, thật khó hình dung hết những khó khăn, bất cập của ngành thông tin Cảnh sát biển thời kỳ đó.
Bước ngoặt mang tính quyết định cho sự phát triển của Lực lượng Cảnh sát biển là vào năm 2002, khi Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 677/2002/QĐ-TTg phê duyệt dự án xây dựng Lực lượng Cảnh sát biển giai đoạn 2001 - 2010, đồng thời Bộ Quốc phòng quyết định điều chuyển các vùng Cảnh sát biển từ các vùng Hải quân về trực thuộc Cục CSB. Cùng với quyết định này, Ban Thông tin/ Phòng Tham mưu/ Cục Cảnh sát biển được thành lập, biên chế gồm 1 trưởng ban, 1 trợ lý. Đơn vị trực thuộc gồm 1 trung đội thông tin tại cơ quan và các ban thông tin thuộc các vùng Cảnh sát biển. Trang bị lúc này gồm 01 tổng đài TOCA 64, 1 trạm thông tin VTĐ (02 đài VTĐ, 01 đài canh), có nhiệm vụ bảo đảm tốt TTLL từ SCH Cục đến 4 vùng Cảnh sát biển. Đến năm 2006, Trung đội Thông tin tại cơ quan được nâng cấp lên thành Đại đội, trang bị được biên chế thêm 01 tổng đài 128 số và 04 đài VTĐ. Sự nâng cấp này đánh dấu một mốc son trên chặng đường phát triển của ngành thông tin CSB
Ngày 5/02/2008, Pháp lệnh Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam của Ủy ban Thường vụ Quốc hội được điều chỉnh. Theo đó, Cục Cảnh sát biển được tách khỏi Quân chủng Hải quân và được đặt dưới quyền quản lý trực tiếp của Bộ Quốc phòng. Đồng thời, trụ sở cơ quan Cục chuyển lên Hà Nội, tiếp quản vị trí Tỉnh đội Hà Tây cũ. Cơ quan di chuyển, hệ thống thông tin SCH được xây dựng mới với trạm tổng đài 128 số, trạm thông tin VTĐ (04 đài VTĐ, 02 đài canh). Các vùng Cảnh sát biển đều được lắp đặt tổng đài 64 số và trạm VTĐ (04 đài VTĐ, 02 đài canh). Tổ chức biên chế ngành thông tin CSB thời kỳ này phát triển thêm một bước dài: Ban Thông tin được biên chế thêm 03 trợ lý và 01 tổ sửa chữa máy thông tin; Đại đội Thông tin tăng lên 30 người.
Ngày 16/12/2014, theo Quyết định số 5397/QĐ-BQP của Bộ trưởng BQP về việc tổ chức lại Phòng Tham mưu, thành Bộ Tham mưu/ BTL Cảnh sát biển; Ban Thông tin/ Phòng Tham mưu/ BTL CSB nâng cấp thành Phòng Thông tin với quân số của phòng là 08 đồng chí (03 sĩ quan). Tổ sửa chữa máy Thông tin được nâng cấp thành trạm sửa chữa máy thông tin.
Cùng với sự phát triển lớn mạnh của Lực lượng CSB, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, BQP và thủ trưởng BTL Cảnh sát biển, ngành thông tin CSB cũng được đầu tư đáng kể về phương tiện, trang bị nhằm tăng cường hiệu quả hoạt động, phục vụ tốt công tác lãnh đạo chỉ huy của toàn lực lượng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Cho đến nay, hệ thống thông tin Cảnh sát biển được đánh giá là một trong những hệ thống hiện đại nhất trong toàn quân với các thiết bị thông tin mới gắn trên các tàu Cảnh sát biển như ICOM 700PRO, Baret 2050, FS 2575, VSAT, Inmarsat. Đây là những trang thiết bị hiện đại, tương đương với trình độ công nghệ của các nước tiên tiến trên thế giới, tích hợp nhiều tính năng, không chỉ bảo đảm tốt yêu cầu về TTLL mà còn có thể truyền số liệu, cung cấp các hình ảnh, video để làm tư liệu, chứng cứ cho hoạt động đấu tranh trên biển. Đội ngũ cán bộ, nhân viên thông tin liên lạc cũng được tăng cường với nhiều đồng chí trẻ, năng động, có trình độ kỹ thuật cao.
Nhìn lại 17 năm xây dựng và trưởng thành của ngành Thông tin CSB mới thấy hết sự nỗ lực, phấn đấu, vượt khó vươn lên của những thế hệ cán bộ, chiến sĩ thông tin liên lạc. Từ quân số ít ỏi, phương tiện máy móc thiếu thốn, lạc hậu, ngành thông tin liên lạc CSB đã từng bước phát triển cả về con người lẫn phương tiện kỹ thuật, phương thức đảm bảo, góp phần bảo đảm công tác lãnh đạo, chỉ huy trong toàn lực lượng luôn thông suốt, bí mật, kịp thời, chính xác; góp phần cùng các cơ quan đơn vị hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Kiểm tra thông số kỹ thuật tổng đài. (ảnh: Duy Dương)
Vững vàng qua thử thách
Những năm gần đây, tình hình thế giới và khu vực có nhiều biến đổi to lớn; tranh chấp lãnh thổ, biển đảo, nhất là ở khu vực Biển Đông có những diễn biến phức tạp, khó lường. Chức năng, nhiệm vụ của Lực lượng CSB ngày càng đa dạng hơn. Cùng với đó, đòi hỏi việc bảo đảm TTLL cho chỉ huy, hiệp đồng trong thực hiện các nhiệm vụ càng trở nên nặng nề, khó khăn hơn.
Để góp phần cùng toàn lực lượng hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, thực thi pháp luật, giữ gìn an ninh trật tự, an toàn trên các vùng biển, tìm kiếm cứu nạn và bảo vệ môi trường biển…, các cán bộ, chiến sĩ ngành thông tin liên lạc đã không ngừng phấn đấu vươn lên, chủ động tìm tòi học hỏi để làm chủ các trang thiết bị hiện đại, bảo đảm tốt TTLL thường xuyên cũng như cho nhiệm vụ SSCĐ và các nhiệm vụ đột xuất khác. Nhiều nhiệm vụ đột xuất đã được tập thể cán bộ, chiến sĩ ngành TTLL hoàn thành xuất sắc như trong đợt tham gia tìm kiếm máy bay của Malaysia bị mất tích vào tháng 3/2014, ngành thông tin của lực lượng đã đảm bảo 1.200 phiên liên lạc, phục vụ kịp thời cho chỉ huy, điều động lực lượng làm nhiệm vụ theo yêu cầu của Ủy ban Tìm kiếm cứu nạn Quốc gia.
Đặc biệt, trong những ngày biển Đông dậy sóng, mặc dù phải thực hiện nhiệm vụ bảo đảm TTLL trong điều kiện nguy hiểm, khó khăn, cường độ cao, căng thẳng, liên tục và dài ngày nhưng dưới sự chỉ huy, chỉ đạo sát sao của Thủ trưởng BTL, ngành thông tin các cấp trong lực lượng đã đảm bảo tốt thông tin từ sở chỉ huy BTL tới các đơn vị và trực tiếp tới các tàu làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền trên biển. Qua đó, đã kịp thời truyền những tin tức quan trọng từ hiện trường về Sở chỉ huy BTL, giúp Thủ trưởng BTL và các cơ quan chức năng có cơ sở để báo cáo cấp trên, đề ra những phương án, đối sách hợp lý.
Quá trình đấu tranh trên biển, Ban Thông tin (nay là Phòng Thông tin/Bộ Tham mưu) đã trực tiếp chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức triển khai linh hoạt, sáng tạo các phương án liên lạc giữa các đơn vị hiệp đồng, các biên đội tàu và duy trì canh trực 24/24h các đài canh, tìm kiếm cứu nạn tại SCH BTL và SCH các vùng. Kết quả chỉ tính riêng 75 ngày đấu tranh bảo vệ chủ quyền trên vùng biển Hoàng Sa, ngành thông tin liên lạc CSB đã thực hiện tổng số 7.100 phiên liên lạc với BTTM, các vùng CSB, các tàu và các đơn vị hiệp đồng; điện chuyển/nhận 1773/4878 công điện; chuyển/ nhận 1648/1346 công văn tài liệu và 310 thư từ đến BQP, Bộ Ngoại giao và các cơ quan ban ngành trong cả nước; duy trì bảo đảm TTLL trên cả hệ thống vô tuyến điện lẫn hữu tuyến điện luôn thông suốt, vững chắc trong mọi tình huống; duy trì nghiêm túc nền nếp tác phong canh trực tại các vị trí, không để lọt sót các phiên liên lạc của các tàu gọi về bất kể ban ngày hay đêm khuya, chuyển nhận điện đi, đến bảo đảm kịp thời, chính xác, an toàn.
Qua những đợt thực hiện nhiệm vụ đột xuất, quan trọng trên biển như cứu hộ cứu nạn, tìm kiếm máy bay mất tích, đặc biệt là qua 75 ngày đêm tham gia đấu tranh bảo vệ chủ quyền trên vùng biển Hoàng Sa, ngành thông tin liên lạc CSB đã thực sự trưởng thành. Từ cán bộ, chiến sĩ của các Ban thông tin, nhân viên báo vụ, quân bưu, tổng đài ở các sở chỉ huy, vị trí chỉ huy đến nhân viên thông tin trên các tàu CSB đều hiểu rõ vị trí, vai trò của thông tin liên lạc và những khó khăn, vất vả, sự hy sinh thầm lặng nhưng cũng đầy vinh quang của người lính thông tin. Mặc dù quân số hiện nay vẫn còn thiếu so với biên chế; môi trường, địa bàn, điều kiện thực hiện nhiệm vụ vẫn còn nhiều khó khăn, song do trưởng thành từ nơi đầu sóng nên cán bộ, nhân viên, chiến sĩ thông tin đều có quyết tâm cao trong thực hiện nhiệm vụ, bản lĩnh chính trị vững vàng, ý thức tổ chức kỷ luật tốt, năng lực chuyên môn không ngừng được bồi dưỡng. Chính vì vậy, khi có tình huống xảy ra, TTLL trong toàn lực lượng không bị bị động, bất ngờ. Toàn ngành có thể sẵn sàng đảm bảo tốt thông tin liên lạc cho toàn lực lượng trong mọi tình huống, kể cả ở cấp chiến lược, chiến dịch.
Từ những thành tích đã đạt được, ngành Thông tin CSB đã có nhiều đồng chí được tặng thưởng danh hiệu Chiến sĩ Thi đua cơ sở. Trong nhiệm vụ chống cướp biển năm 2012, đơn vị có 1 tập thể, 1 cá nhân được thủ trưởng BTL Cảnh sát biển tặng Giấy Khen. Năm 2014, ngành Thông tin CSB đã được Binh Chủng TTLL tặng Cờ thi đua; 1 tập thể, 3 cá nhân được khen thưởng trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền.
Phát huy những kết quả đã đạt được, cùng với sự giúp đỡ của Thủ trưởng BTL CSB, các cơ quan chức năng của Binh chủng Thông tin liên lạc, chắc chắn ngành Thông tin CSB VN sẽ tiếp tục lập lên những thành tích mới, góp phần bảo vệ chủ quyền, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn trên các vùng biển, đảo của Tổ quốc, giữ vững ổn định chính trị, phục vụ đắc lực công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, mở rộng quan hệ đối ngoại, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.