Bảo đảm kỹ thuật quân khí trong thực hiện nhiệm vụ huấn luyện của Lực lượng Cảnh sát biển

05/05/2020 08:44:00 AM

(Canhsatbien.vn) - 

Ngành Quân khí Cảnh sát biển có chức năng tham mưu cho Đảng ủy, Thủ trưởng Bộ Tư lệnh, Chủ nhiệm Kỹ thuật Cảnh sát biển về tổ chức thực hiện công tác kỹ thuật quân khí và nhiệm vụ quản lý, chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức thực hiện công tác bảo đảm trang bị, bảo đảm kỹ thuật, bảo đảm an toàn cho trang bị quân khí đáp ứng các yêu cầu nhiệm vụ huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu của Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển.

Bảo quản, sửa chữa súng 14,5mm trên tàu Cảnh sát biển trước khi bắn đạn thật.

Mặc dù còn khó khăn về tổ chức biên chế, vũ khí trang bị kỹ thuật phần lớn đã qua sử dụng lâu năm, chất lượng và tính đồng bộ thấp; tần suất hoạt động cao; hệ thống kho tàng, trạm xưởng bảo đảm kỹ thuật chưa đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ... Song dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của đảng ủy, thủ trưởng các cấp; sự chỉ đạo giúp đỡ của cơ quan nghiệp vụ cấp trên, sự nỗ lực cố gắng của toàn thể cán bộ, nhân viên, ngành Quân khí Cảnh sát biển đã hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, thường xuyên bảo đảm đầy đủ, kịp thời về số lượng, chất lượng và đồng bộ vũ khí, đạn cho các đơn vị làm nhiệm vụ SSCĐ và làm nhiệm vụ đặc biệt, tổ chức khai thác vũ khí trang bị mới an toàn, hiệu quả góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam. Trong quá trình xây dựng và trưởng thành, ngành đã nhận được nhiều phần thưởng xứng đáng, đặc biệt là năm 2019 đạt giải Nhất toàn đoàn, giải Nhì cá nhân trong Hội thi Thủ kho quân khí giỏi toàn quân do Cục Quân khí tổ chức.

Ngành Quân khí Cảnh sát biển luôn xác định công tác bảo đảm kỹ thuật, bảo đảm an toàn cho trang bị quân khí là một trong những nhiệm vụ trung tâm, thường xuyên, liên tục và xuyên suốt, do đó toàn ngành đã chủ động bám sát yêu cầu nhiệm vụ, chỉ tiêu trên giao. Cấp ủy, chỉ huy đơn vị thường xuyên quan tâm lãnh đạo, triển khai đồng bộ nhiều biện pháp nâng cao chất lượng công tác kỹ thuật quân khí. Toàn lực lượng đã triển khai thực hiện dự trữ đạn theo chỉ thị của Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam về dự trữ đạn, vật chất hậu cần bảo đảm cho nhiệm vụ SSCĐ. Ngay từ đầu năm, ngành Quân khí Cảnh sát biển đã tổ chức huấn luyện nghiệp vụ cho các đồng chí cán bộ, nhân viên đầu ngành các đơn vị của lực lượng, nhằm nâng cao hiệu quả công tác kỹ thuật quân khí năm 2020 và những năm tiếp theo.

Để đạt được kết quả trên, những năm qua, ngành Quân khí Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển đã quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm các quyết định của Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, hướng dẫn, chỉ đạo của cơ quan nghiệp vụ cấp trên về bảo đảm vũ khí trang bị kỹ thuật, tổ chức tiếp nhận, cấp phát cho các đơn vị, kết hợp thu hồi, trả trên đúng qui định, bảo đảm tuyệt đối an toàn. Đồng thời tiến hành kiểm tra kỹ thuật và phân cấp chất lượng súng, đạn, rà soát các lô đạn, ngòi, liều kém chất lượng, cách ly theo qui định và đề nghị cấp trên thu hồi để xử lý; tích cực củng cố, sắp xếp, tăng cường kiểm tra, vệ sinh kho tàng, làm tốt công tác đăng ký, thống kê bảo đảm tính thống nhất, chính qui; thường xuyên duy trì tốt tình trạng đồng bộ súng pháo khí tài đạn được hiện có của đơn vị, tích cực, chủ động phối hợp với cơ quan nghiệp vụ cấp trên tiếp tục bảo đảm tính đồng bộ cho đơn vị, ưu tiên các đơn vị SSCĐ, các đơn vị tàu; thực hiện đầy đủ nội dung, qui trình công nghệ trong bảo dưỡng, sửa chữa vũ khí trang bị; áp dụng các sáng kiến cải tiến kỹ thuật. Trong phong trào thực hiện cuộc vận động 50, ngành Quân khí đã có nhiều sáng kiến, trong đó có 01 sáng kiến được giải Ba, 01 sáng kiến đạt giải Khuyến khích cấp Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển năm 2018.

Năm 2020, ngành Quân khí Cảnh sát biển tiếp tục nêu cao tinh thần đoàn kết, khắc phục khó khăn, phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ bảo đảm vũ khí, đạn cho các nhiệm vụ thường xuyên cũng như đột xuất, thực hiện có hiệu quả hai khâu đột phá của ngành kỹ thuật “xây dựng nền nếp chính qui kỹ thuật“ và „làm chủ vũ khí trang bị kỹ thuật” trong đó tập trung một số giải pháp sau:

Một là, làm tốt chức năng tham mưu cho Đảng ủy, thủ trưởng Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển và cấp ủy, chỉ huy các cấp trong thực hiện bảo đảm kỹ thuật quân khí, bảo đảm an toàn cho nhiệm vụ huấn luyện và SSCĐ; tham gia tích cực vào công tác tạo nguồn súng pháo lắp đặt cho các tàu thuộc các dự án đóng mới tàu của Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, trong đó chú trọng đến cấu hình của súng pháo bảo đảm tính hiện đại, có hàm lượng công nghệ cao; thực hiện tiếp nhận súng pháo, đạn dược theo các chương trình viện trợ của nước ngoài.

Hai là, phối hợp với các cơ sở khoa học trong và ngoài quân đội nghiên cứu cải tiến, nâng cấp vũ khí hiện có trên tàu Cảnh sát biển theo hướng tự động hóa điều khiển, tự động hóa hệ thống nạp đạn, nhằm nâng cao tính năng kỹ thuật, giảm biên chế về người và thuận tiện trong sử dụng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Ba là, tận dụng mọi nguồn lực nâng dần lượng dự trữ vật tư kỹ thuật, đẩy mạnh qui hoạch, nâng cấp cơ sở bảo đảm kỹ thuật, lập danh mục các bộ zip, từng bước tạo nguồn bổ sung vật tư dự trữ; phối hợp thực hiện các chương trình sản xuất vật tư, phụ tùng thay thế trong nước... tiến tới bảo đảm dự trữ đủ số lượng, chất lượng các loại vật tư, phụ tùng đặc chủng. Củng cố nâng cấp cơ sở kỹ thuật bảo đảm đầy đủ, liên hoàn nhằm nâng cao khả năng tự bảo đảm, kịp thời đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, nhất là các tình huống phức tạp trên biển.

Bốn là, tăng cường các biện pháp quản lý, khai thác trang bị vũ khí có hiệu quả gắn với tiết kiệm và bảo đảm an toàn. Quản lý chặt chẽ số lượng, chất lượng và tính đồng bộ của vũ khí trang bị kỹ thuật, ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý. Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả phong trào sáng kiến cải tiến kỹ thuật trong toàn ngành. Tăng cường các biện pháp bảo đảm an toàn, nhất là trong huấn luyện, SSCĐ và các tình huống phức tạp, khó khăn.

Năm là, thực hiện công tác bảo đảm kỹ thuật, bảo đảm an toàn cho nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ phải bám sát tình hình nhiệm vụ và thực trạng vũ khí trang bị kỹ thuật của đơn vị, trên cơ sở đó xác định nội dung, phương án tốt nhất, biện pháp phù hợp với từng đơn vị. Phối hợp chặt chẽ với cơ quan nghiệp vụ cấp trên và các đơn vị có liên quan để làm tốt công tác bảo đảm trang bị, bảo đảm kỹ thuật, đồng thời dự kiến các phương án bảo đảm và xử lý kịp thời các tình huống xảy ra, trong mọi trường hợp phải bảo đảm an toàn tuyệt đối. Trước khi huấn luyện, thực hiện kiểm tra kỹ thuật, hiệu chỉnh toàn bộ súng, pháo, đạn sử dụng trong huấn luyện và bắn đạn thật, huấn luyện bổ sung các nội dung liên quan đến công tác bảo đảm an toàn trong sử dụng, bảo quản, bảo dưỡng, sửa chữa súng pháo và bảo đảm an toàn khi làm việc với đạn dược. Trong bắn đạn thật tổ chức các tổ giám sát bắn nhằm xử lý các tình huống bất ngờ cho xạ thủ. Thực hiện tốt công tác thu hồi, bổ sung, bảo quản, bảo dưỡng, thanh quyết toán, báo cáo cơ quan quân khí cấp trên theo qui định.

Năm 2020 và những năm tiếp theo, với những nỗ lực quyết tâm cao và những biện pháp đồng bộ, phát huy truyền thống đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang, ngành Quân khí Cảnh sát biển tiếp tục phấn đấu hoàn thành chức năng nhiệm vụ, góp phần xây dựng Lực lượng Cảnh sát biển “Cách mạng, chính qui, tinh nhuệ, hiện đại và có tính chuyên nghiệp cao”, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, Quân đội và Nhân dân giao phó cho Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam./.

Thiếu tá Trần Văn Tuấn - Trợ lý Quân khí/Cục Kỹ thuật Cảnh sát biển

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục gửi về banbientapcsb@gmail.com