Đẩy mạnh tuyên truyền đảm bảo cho Luật Cảnh sát biển Việt Nam đi vào đời sống kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước

30/09/2019 09:50:00 AM

(Canhsatbien.vn) - 

Luật Cảnh sát biển Việt Nam được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (khóa XIV) thông qua tại kỳ họp thứ 6 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2019. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng trong thực thi pháp luật trên biển để bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán, an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định trên các vùng biển, đảo của Tổ quốc.

Trung tướng Hoàng Văn Đồng - Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Cảnh sát biển chủ trì Phiên họp Ban Tổ chức, Hội đồng chấm thi Cuộc thi Tìm hiểu Luật Cảnh sát biển Việt Nam. (Ảnh: Minh Châu)

Ngày 31/01/2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 140/QĐ-TTg về Kế hoạch Triển khai thi hành Luật Cảnh sát biển Việt Nam năm 2018, với việc xác định các nội dung cần triển khai thực hiện cụ thể đó là: Rà soát, xây dựng văn bản thi hành Luật Cảnh sát biển Việt Nam; xây dựng triển khai Đề án tuyên truyền, phổ biến, tập huấn pháp luật về Cảnh sát biển Việt Nam; Xây dựng Đề án, kế hoạch củng cố, sắp xếp, cơ cấu lại Trung tâm Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ Cảnh sát biển Việt Nam. Quá trình triển khai các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành và công tác triển khai thi hành Luật Cảnh sát biển Việt Nam được Thường vụ Đảng ủy, Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt; các cơ quan chức năng của Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển tích cực, chủ động trong phối hợp với các bên có liên quan (Bộ Quốc phòng, Chính phủ...) thực hiện đúng tiến độ, chặt chẽ, thống nhất.

Công tác tuyên truyền Luật Cảnh sát biển đã được đẩy mạnh thực hiện bằng nhiều hình thức, trên nhiều kênh thông tin và truyền thông (Báo điện tử, báo viết, phát thanh, truyền hình…) của Trung ương, lực lượng vũ trang và các địa phương cả nước; tuyên truyền thông qua các hình thức báo cáo viên, tuyên truyền miệng; hoạt động công tác Dân vận của Cảnh sát biển (chương trình “Em yêu biển đảo quê hương”; mô hình dân vận “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân”…). Công tác tuyên truyền Luật Cảnh sát biển Việt Nam thể hiện tính toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, đạt hiệu quả thiết thực, đã và đang đi vào đời sống kinh tế, chính trị, xã hội của Đất nước.

Luật Cảnh sát biển Việt Nam có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2019, công tác triển khai thi hành Luật tiếp tục đặt ra yêu cầu cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn, định hướng công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm thi hành Luật cho mọi cấp, mọi ngành; cho cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang và nhân dân về Luật Cảnh sát biển. Việc làm này phải được tiến hành một cách kiên trì, bền bỉ, thường xuyên, liên tục; nội dung tuyên truyền toàn diện về Luật Cảnh sát biển hướng tới thống nhất nhận thức, tư tưởng, ý chí và hành động, nêu cao “nghĩa vụ, trách nhiệm, quyền lợi” chấp hành nghiêm Luật Cảnh sát biển Việt Nam. Phương thức tuyên truyền cần đa dạng, phong phú như: Thông qua Hội nghị của các cấp, ngành, các địa phương; hệ thống thông tin đại chúng, báo chí, các trang mạng xã hội; tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, tuyên truyền biển, đảo cho các đối tượng trong xã hội… Mục tiêu của tuyên truyền làm cho Luật Cảnh sát biển Việt Nam nhanh chóng đi vào đời sống kinh tế, chính trị, xã hội ở mọi cấp, mọi ngành, các tầng lớp nhân dân, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang nhân dân; thiết thực trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mỗi cán bộ, chiến sỹ Cảnh sát biển ngay từ khi Luật có hiệu lực; đồng thời, hiện thực hóa phương châm: “Chủ động đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch; ngăn chặn, phản bác những thông tin, luận điệu sai trái…”, xây dựng thế trận lòng dân, an ninh nhân dân trên biển vững mạnh, “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc biên giới và chủ quyền biển, đảo, vùng trời của Tổ quốc…”.

Đề án tuyên truyền, phổ biến, tập huấn pháp luật về Cảnh sát biển Việt Nam trong triển khai thi hành Luật Cảnh sát biển Việt Nam là một nội dung trọng tâm, toàn diện, quy mô lớn.

Trước mắt đề nghị cấp ủy, chỉ huy các cấp, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên trong quá trình quán triệt, giáo dục, tuyên truyền cần làm sáng tỏ nội dung khung pháp lý quan trọng: “các nội dung quy định về các hành vi bị nghiêm cấm (Điều 7) và quy định về Nghĩa vụ, trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam (Điều 10) trong Luật Cảnh sát biển Việt Nam” nhằm làm cho các tổ chức, cá nhân khi tham gia hoạt động liên quan đến Luật Cảnh sát biển Việt Nam hiểu và có trách nhiêm chấp hành nghiêm ngặt; đồng thời nêu cao trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển trong thi hành công vụ theo Luật Cảnh sát biển Việt Nam gắn với việc tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị 202/CT-BTL, ngày 16/01/2017 của Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, Hướng dẫn 203/HD-CT của Cục Chính trị về phong trào “Bốn tốt, bốn không, bốn chống”, nội dung cụ thể hóa thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị, Chỉ thị 87 của Thường vụ Quân ủy Trung ương: “đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” trong Đảng bộ; cụ thể hóa thực hiện Nghị quyết của Đảng ủy Cảnh sát biển về “Xây dựng Cảnh sát biển Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”, có tính chuyên nghiệp cao và khắc phục những khâu yếu, mặt yếu; làm cho toàn thể cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển nhận thức sâu sắc về ý nghĩa tầm quan trọng của việc thực hiện nội dung phong trào “Bốn tốt, bốn không, bốn chống” gắn với “đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và thực hiện cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh bộ độ Cụ Hồ”, ngăn chặn sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” xây dựng tổ chức đảng và đơn vị vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, thực hiện nghiêm pháp luật, Luật Cảnh sát biển, góp phần vào thực hiện thắng lợi chức năng, nhiệm vụ Cảnh sát biển Việt Nam.

Nhận thức rõ vị trí, tầm quan trọng của việc đảm bảo cho Luật Cảnh sát biển Việt Nam nhanh chóng đi vào đời sống kinh tế, chính trị, xã hội của Đất nước; quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật ngay từ những ngày đầu khi Luật có hiệu lực thi hành là nghĩa vụ, quyền lợi, trách nhiệm chính trị của các cấp, các ngành, mỗi tổ chức và mọi công dân. Trong đó, Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam có vai trò rất quan trọng. Cần tiếp tục chủ động triển khai thực hiện đúng tiến độ, chặt chẽ, thống nhất, hiệu quả những nội dung Quyết định số 140/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Kế hoạch triển khai thi hành Luật Cảnh sát biển Việt Nam năm 2018; phối hợp đồng bộ, chặt chẽ với các cấp, các ngành, các địa phương và các cơ quan thông tấn báo chí từ Trung ương đến địa phương, trong và ngoài quân đội đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các nội dung cơ bản, những điểm mới của Luật Cảnh sát biển Việt Nam cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là ngư dân; cán bộ chiến sĩ lực lượng vũ trang nhân dân để mọi người nắm vững, hiểu rõ, chấp hành nghiêm ngặt, nhằm thực hiện thắng lợi chức năng, nhiệm vụ của Cảnh sát biển khi thực tiễn, yêu cầu nhiệm vụ trên biển đặt ra. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá Luật trên các phương tiện thông tin đối ngoại nhằm thu hút sự quan tâm, ủng hộ của các nước trong phối hợp thực thi pháp luật trên biển, tạo sự đồng thuận, sức mạnh tổng hợp để bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán, an ninh quốc gia, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác trên các vùng biển, đảo của Tổ quốc; tiếp tục khẳng định vị trí Cảnh sát biển Việt Nam là lực lượng vũ trang nhân dân, lực lượng chuyên trách của nhà nước, làm nòng cốt thực thi pháp luật trên biển; khẳng định chức năng, nhất là điểm mới về chức năng của Cảnh sát biển Việt Nam so với Pháp lệnh Cảnh sát biển Việt Nam năm 1998, đó là chức năng tham mưu và chức năng bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên biển./.

Thượng tá, ThS. Đặng Hồng Quân
Phó Trưởng phòng Tuyên huấn/ Cục Chính trị Cảnh sát biển

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục gửi về banbientapcsb@gmail.com