Kết quả và những bài học kinh nghiệm sau 25 năm tổ chức sửa chữa tàu Cảnh sát biển

25/08/2023 10:57:00 AM

(Canhsatbien.vn) - 

Quá trình phát triển và trưởng thành của Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam trong 25 năm qua (1998 - 2023) gắn liền với công cuộc bảo vệ các quyền và lợi ích quốc gia trên biển, thực thi pháp luật và bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn trên các vùng biển, đảo của Tổ quốc. Là một bộ phận chính trong hệ thống tổ chức của Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam, ngành Kỹ thuật Cảnh sát biển đã hoàn thành tốt nhiệm vụ trên các mặt công tác kỹ thuật, nhất là nhiệm vụ sửa chữa, bảo đảm trang bị tàu sẵn sàng thực hiện các nhiệm vụ được giao.

Đoàn kiểm tra của Bộ Tổng Tham mưu kiểm tra hệ thống điều khiển trên tàu CSB 8002, Hải đoàn 21/Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2.

Phương tiện kỹ thuật chủ yếu của Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam là các tàu, xuồng và tổ hợp các trang bị kỹ thuật thuộc nhiều chuyên ngành kỹ thuật khác nhau như cơ khí, động lực, vũ khí, thông tin, khí tài điện tử, thiết bị hàng không được tích hợp đồng bộ với nhau. Sửa chữa tàu Cảnh sát biển là tiến hành tổng hợp các hình thức và biện pháp nhằm khắc phục những hư hỏng và khôi phục tính năng chiến kỹ thuật, độ bền, độ tin cậy của tàu và các trang bị kỹ thuật được đồng bộ trên tàu; duy trì tàu luôn ở trạng thái sẵn sàng hoạt động, đáp ứng yêu cầu sử dụng của Lực lượng Cảnh sát biển đến lần sửa chữa tiếp theo. Hiện nay, Cảnh sát biển Việt Nam được trang bị các tàu thuộc nhiều chủng loại, thế hệ khác nhau và có xuất xứ từ nhiều quốc gia trên thế giới. Do đặc thù của tổ chức biên chế, Cảnh sát biển Việt Nam chưa có nhà máy, xí nghiệp, viện nghiên cứu nên công tác sửa chữa phụ thuộc nhiều vào các cơ sở sửa chữa tàu của Quân chủng Hải quân, Tổng cục Công nghiệp quốc phòng,... Từ năm 1998 đến nay, Lực lượng Cảnh sát biển đã chủ động phối hợp với các cơ sở sửa chữa tàu và khai thác hiệu quả 4 trạm sửa chữa tổng hợp (URS) do Mỹ tài trợ để tổ chức bảo dưỡng, sửa chữa định kỳ, sửa chữa đột xuất được nhiều tàu, góp phần bảo đảm tốt nhu cầu sử dụng của Lực lượng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, Quân đội giao cho, đặc biệt là nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo, thực thi pháp luật, bảo đảm an toàn, an ninh hàng hải trên vùng biển Việt Nam. Công tác sửa chữa luôn bảo đảm đúng tiến độ. Tàu sau sửa chữa đạt chất lượng tốt; phát huy được tính năng chiến kỹ thuật, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của các đơn vị. Sau 25 năm tổ chức thực hiện, công tác sửa chữa tàu của Lực lượng Cảnh sát biển đã đạt được một số kết quả nhất định, cụ thể là:

Đã tổ chức sửa chữa định kỳ được 457 lượt tàu và sửa chữa đại tu 18 lượt động cơ diezel máy chính và hàng trăm lượt sửa chữa phần thân vỏ, trang thiết bị dưới mớn nước. Trung bình hằng năm đã tổ chức sửa chữa được 30 - 35 lượt tàu các loại. Sửa chữa đồng bộ, cải hoán các tàu do Nhật Bản, Hàn Quốc hỗ trợ. Nhanh chóng sửa chữa tàu đột xuất, đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ CH-14 chống nước ngoài hạ, đặt trái phép giàn khoan HD-981 trên vùng biển chủ quyền của Việt Nam năm 2014; tổ chức sửa chữa, khôi phục, kéo dài thời gian hoạt động 5 tàu K-206. Năm 2022, đã hoàn thành công tác sửa chữa và tổ chức nghiệm thu 2 tàu Cảnh sát biển 1013, 1014 đạt kết quả tốt.

Cán bộ, chiến sĩ tàu CSB 2007/Hải đội 112/Hải đoàn 11/Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 1 thực hiện ngày Kỹ thuật thanh niên tự quản.

Cục Kỹ thuật Cảnh sát biển đã tham gia chỉ đạo, hướng dẫn ngành Kỹ thuật Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 1, 2, 3, 4 khai thác hiệu quả, an toàn trang thiết bị của 4 trạm sửa chữa tổng hợp. Sau khi tiếp nhận bàn giao trạm sửa chữa tổng hợp, các đơn vị đã chủ động nghiên cứu và dần khai thác, làm chủ có hiệu quả trang thiết bị. Tính đến nay, các đơn vị đã tiến hành thực hiện nâng, hạ hơn 250 lượt tàu, xuồng để kiểm tra, bảo quản, bảo dưỡng, sửa chữa phần thân vỏ và trang thiết bị dưới mớn nước, góp phần giảm chi phí dịch vụ đậu cảng và dịch vụ trên đà; nâng cao trình độ, tay nghề cho cán bộ, nhân viên kỹ thuật về khả năng làm chủ trang bị, máy móc trong nhà xưởng; tăng cường khả năng phối hợp, hoàn thiện công tác hiệp đồng, chỉ huy giữa các cơ quan liên quan khi tàu sửa chữa tại đơn vị; đồng thời, nâng cao nhận thức về công tác sửa chữa tàu cho toàn bộ cán bộ, nhân viên trong đơn vị. Từng bước tự làm chủ các hạng mục sửa chữa được thực hiện tại các trạm như đưa tàu, xuồng lên, xuống đà; cạo hà thân vỏ tàu, xuồng; sơn mạn ướt thân vỏ tàu, xuồng.

Đã từng bước hoàn thiện các văn bản mang tính pháp lý, thống nhất trong hoạt động sửa chữa tàu. Tháng 5/2009, ngành Kỹ thuật Cảnh sát biển đã tham mưu, đề xuất với thủ trưởng Cục Cảnh sát biển ban hành Quyết định số 750/QĐ-CSB-KT về quy định tổ chức thực hiện sửa chữa tàu Cảnh sát biển. Tháng 5/2017, ngành Kỹ thuật Cảnh sát biển tiếp tục tham mưu, đề xuất với Tư lệnh Cảnh sát biển ban hành Quyết định số 1886/QĐ-BTL về quy định sửa chữa tàu Cảnh sát biển. Tháng 4/2023, để phù hợp với nhu cầu, nhiệm vụ công tác bảo đảm kỹ thuật trong tình hình mới của Lực lượng Cảnh sát biển, ngành Kỹ thuật Cảnh sát biển đã rà soát, nghiên cứu, tổng hợp nhu cầu thực tế công tác sửa chữa tàu Cảnh sát biển và tham mưu, đề xuất với Tư lệnh Cảnh sát biển ban hành Quyết định số 3068/QĐ-BTL về quy định sửa chữa tàu Cảnh sát biển tại Nhà máy. Đây là văn bản pháp quy về công tác sửa chữa tàu Cảnh sát biển theo từng giai đoạn nhằm quy định, hướng dẫn và tạo cơ sở để cơ quan, đơn vị tổ chức thực hiện tốt, chính quy công tác sửa chữa tàu.

Có thể nói, đến nay, công tác sửa chữa tàu Cảnh sát biển đã đi vào nền nếp, chính quy và đạt chất lượng cao, đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ của Lực lượng Cảnh sát biển trong thời kỳ mới. Các tàu sau khi bảo dưỡng, sửa chữa định kỳ, sửa chữa đột xuất đã duy trì được tính năng chiến kỹ thuật; kéo dài thời gian sử dụng; được các đơn vị đánh giá cao về chất lượng sửa chữa. Công tác lập kế hoạch, công tác tổ chức triển khai sửa chữa, giám sát, nghiệm thu, bàn giao và công tác lập hồ sơ, thủ tục sửa chữa, thanh quyết toán được thực hiện chính quy, chặt chẽ, thống nhất, đúng quy định của Nhà nước và Bộ Quốc phòng.

Kiểm tra, bảo quản, bảo dưỡng hệ thống tời neo trên tàu Cảnh sát biển.

Từ những kết quả trên, ngành Kỹ thuật Cảnh sát biển rút ra được những bài học kinh nghiệm sau:

Một là, thường xuyên tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, chỉ huy các cấp đối với công tác kỹ thuật nói chung, công tác sửa chữa tàu nói riêng. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục cho bộ đội về vị trí, về yêu cầu tình trạng kỹ thuật của trang bị kỹ thuật trong thực hiện nhiệm vụ, trong đó tập trung vào đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật ở các đơn vị cơ sở như hải đội, các tàu. Qua đó, cán bộ, nhân viên kỹ thuật thấy rõ vai trò và phát huy hết tinh thần, trách nhiệm, tính sáng tạo khi được tham gia thực hiện công tác sửa chữa tàu.

Hai là, kế hoạch sửa chữa tàu định kỳ được xây dựng từ đầu năm phải có tính khoa học, sát với tình trạng thực tế của tàu và trang bị kỹ thuật trên tàu; phù hợp với cấp sửa chữa và ngân sách sửa chữa được giao. Trong tổ chức triển khai sửa chữa, ngành Kỹ thuật tàu chủ động phối hợp nhịp nhàng với đơn vị, nhà máy và các cơ quan có liên quan để bảo đảm tiến độ và chất lượng sửa chữa; ưu tiên “tốt trước, đẹp sau” (hạng mục quan trọng, có ảnh hưởng đến sức sống con tàu phải được ưu tiên thực hiện trước; hạng mục nội thất, trang trí thực hiện sau).

Ba là, nâng cao chất lượng công tác dự báo các hư hỏng để có phương án bảo đảm kỹ thuật tối ưu nhằm giảm thiểu hư hỏng của trang bị kỹ thuật như tổ chức bảo dưỡng, sửa chữa sớm; tổ chức kiểm tra, đánh giá tình trạng kỹ thuật thường xuyên; đồng thời chủ động tạo nguồn vật tư đặc chủng dự phòng cho công tác sửa chữa tàu. Thông qua dự báo, có thể xác định được những loại trang bị kỹ thuật, chi tiết nào hỏng hóc, từ đó, có thể xác định được nên đầu tư trang thiết bị nào cần thiết phục vụ công tác sửa chữa và chủ động trong công tác tạo nguồn trang bị kỹ thuật, vật tư kỹ thuật.

Bốn là, nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật tại các đơn vị. Hiện nay, nguồn nhân lực kỹ thuật ở các đơn vị còn thiếu, một số chưa đáp ứng tốt khả năng sửa chữa các hỏng hóc thường xuyên theo phân cấp. Để nâng cao chất lượng sửa chữa tàu thuyền trong toàn Lực lượng, ngành Kỹ thuật tàu và các đơn vị cần tập trung làm tốt công tác huấn luyện kỹ thuật nói chung và công tác huấn luyện về nội dung bảo dưỡng, sửa chữa tàu nói riêng. Nội dung huấn luyện đi sâu vào thực hành cách khắc phục, sửa chữa những hỏng hóc theo phân cấp cho từng đối tượng, phù hợp với trình độ của thợ sửa chữa; ưu tiên huấn luyện nội dung cách chẩn đoán hư hỏng, thứ tự các bước sửa chữa trực tiếp trên trang bị kỹ thuật. Ngoài ra, căn cứ vào số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật, kịp thời đề xuất với cấp trên cử cán bộ, nhân viên kỹ thuật đi đào tạo tại các nhà trường trong và ngoài Quân đội; chủ động phối hợp với các nhà máy sửa chữa tàu tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật học hỏi các kinh nghiệm quản lý, tổ chức sửa chữa, nâng cao tay nghề chuyên môn; tăng cường tổ chức các lớp tập huấn, huấn luyện về lý thuyết và thực hành khai thác, sử dụng thành thạo từng trang thiết bị của trạm sửa chữa; xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp để tạo động lực và trách nhiệm cho bộ đội trong thực hiện nhiệm vụ sửa chữa tàu tại đơn vị.

Công tác sửa chữa tàu là hoạt động thường xuyên của ngành Kỹ thuật Cảnh sát biển, nhưng phức tạp và đa dạng. Do đó, đòi hỏi ngành Kỹ thuật Cảnh sát biển nói chung, ngành Kỹ thuật tàu nói riêng cần phối hợp chặt chẽ với nhiều cơ quan, đơn vị và cơ sở sửa chữa trong tổ chức triển khai thực hiện; tổ chức chặt chẽ nhưng cần linh hoạt điều chỉnh kế hoạch, nội dung, tiến độ phù hợp với điều kiện thực tế và tình trạng kỹ thuật của mỗi con tàu. Sau 25 năm tổ chức công tác sửa chữa tàu, ngành Kỹ thuật Cảnh sát biển luôn được sự quan tâm, chỉ huy, chỉ đạo sát sao, kịp thời của Đảng ủy, Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển và cơ quan kỹ thuật cấp trên; khắc phục khó khăn, phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo hoàn thành tốt nhiệm vụ sửa chữa tàu định kỳ cũng như đột xuất, đáp ứng yêu cầu chất lượng và tiến độ sửa chữa. Mỗi con tàu sau bảo dưỡng, sửa chữa và bàn giao về đơn vị đều phát huy được tính năng chiến kỹ thuật, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ trên biển. Điều đó khẳng định, công tác sửa chữa tàu đã và đang góp phần xây dựng ngành Kỹ thuật Cảnh sát biển chính quy, hiện đại, đáp ứng yêu cầu xây dựng Lực lượng Cảnh sát biển “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại và có tính chuyên nghiệp cao”, bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo, giữ gìn an ninh, an toàn hàng hải và thực thi pháp luật trên các vùng biển Việt Nam./.

 

Đại tá NGUYỄN QUANG HÙNG

Phụ trách Cục Kỹ thuật, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục gửi về banbientapcsb@gmail.com