Trong chiến tranh Lạnh, Liên Xô và Mỹ đã cạnh tranh nhau trong nhiều lĩnh vực quân sự, trong đó có tàu ngầm. Trước yêu cầu của giới chức quân sự hai nước, các tổ hợp thiết kế hải quân đã phải nỗ lực sáng tạo, đầu tư nhiều thời gian, công sức để cho ra mắt các dòng tàu ngầm với nhiều tính năng đặc biệt mà đối thủ không sở hữu, trong đó có khả năng cơ động cao khi lặn.
Báo Quân đội nhân dân Điện tử tổng hợp 5 dòng tàu ngầm nguyên tử có tốc độ di chuyển dưới nước nhanh nhất.
1. Tàu ngầm hạt nhân lớp Anchar
Tính tới thời điểm hiện tại, tàu ngầm hạt nhân K-162 Anchar do Liên Xô sản xuất vẫn giữ kỷ lục thế giới về tốc độ di chuyển khi lặn. Trong quá trình chạy thử nghiệm năm 1970, tàu ngầm tấn công này đã đạt tốc độ di chuyển tối đa khi lặn tới 44,7 hải lý/giờ, tương đương 82,78km/giờ. Tàu ngầm lớp Anchar cần tốc độ di chuyển cao để phù hợp cho nhiệm vụ chính của nó là mang tên lửa diệt hạm siêu âm theo sát các hạm đội tàu sân bay của Mỹ.
Tàu ngầm hạt nhân lớp Anchar / TASS
Để đổi lại khả năng di chuyển với tốc độ cao, độ phát ồn của tàu ngầm K-162 Anchar là rất lớn. Chính vì yếu tố này, tàu ngầm lớp Anchar đã đánh mất lợi thế bất ngờ tấn công của mình khi tiếp cận mục tiêu. Ngoài ra, do chi phí chế tạo đắt đỏ, lớp tàu ngầm Anchar sau đó đã bị Liên Xô hủy bỏ.
2. Tàu ngầm hạt nhân lớp Lira
Tàu ngầm hạt nhân Liên Xô thuộc Đồ án 705 Lira (tên mã NATO: Alfa) được giới chuyên gia quân sự đánh giá là dòng tàu ngầm đặc biệt nhất của Hải quân Liên Xô. Nhờ việc trang bị hệ thống điều khiển và kiểm soát hỏa lực tự động hóa, kíp thủy thủ đoàn của dòng tàu ngầm tấn công này được giảm xuống chỉ còn 31 người.
Tàu ngầm hạt nhân lớp Lira / navyglobal.
Ngoài điểm đặc biệt trên, tàu ngầm lớp Lira còn nổi tiếng ở việc được trang bị động cơ hạt nhân công suất lớn tới 115 Megawatt giúp dòng tàu ngầm này có tốc độ di chuyển khi lặn tới 41 hải lý/giờ (75,93km/giờ).
3. Tàu ngầm tấn công lớp Seawolf
Khi nhắc tới tàu ngầm hạt nhân tấn công đa nhiệm lớp Seawolf, nhiều chuyên gia quân sự thường nhớ tới việc đây là dự án phát triển vũ khí đắt đỏ nhất của Hải quân Mỹ. Chi phí đóng mới mỗi tàu ngầm lớp Seawolf lên tới 3 tỷ USD.
Tuy nhiên, để bù lại sự đắt đỏ, tàu ngầm Seawolf lại có tốc độ di chuyển khi lặn vượt trội so với các dòng tàu ngầm khác của Hải quân Mỹ. Trong quá trình chạy thử nghiệm, tàu ngầm lớp Seawolf đã đạt tốc độ tới 38 hải lý/giờ (70,38km/giờ).
Tàu ngầm tấn công lớp Seawolf / DefenseTalk.
Chính vì sự đắt đỏ và tư duy chiến lược hải quân thay đổi khi Liên Xô tan vỡ, Lầu Năm góc đã quyết định giảm số lượng tàu ngầm lớp Seawolf đóng mới để dành nguồn lực cho tàu ngầm tấn công lớp Virginia dù có tính năng kém hơn, nhưng lại rẻ hơn nhiều.
4. Tàu ngầm tấn công lớp Barracuda
Với yêu cầu của giới chức Hải quân Liên Xô về dòng tàu ngầm hạt nhân tấn công có khả năng theo sát các hạm đội Mỹ, tàu ngầm hạt nhân Đồ án 945 Barracuda (tên mã NATO: Sierra-I) được thiết kế với khả năng di chuyển khi lặn với vận tốc tới 35,15 hải lý/giờ. Dù thiết kế của tàu ngầm lớp Barracuda khá nặng nề, nhưng không thể cản trở “quái vật biển” này theo sát tàu ngầm hạt nhân chiến lược và các nhóm tàu sân bay của Mỹ và NATO trên đại dương.
Tàu ngầm tấn công lớp Barracuda / Rian.
Tàu ngầm lớp Barracuda bắt đầu được biên chế cho Hải quân Liên Xô vào năm 1984.
5. Tàu ngầm hạt nhân lớp Los Angeles
Trong thập kỷ 1970, tàu ngầm hạt nhân Liên Xô rất khó có thể theo dấu được tàu ngầm lớp Los Angeles của Hải quân Mỹ do tốc độ di chuyển vượt trội của nó.
Tàu ngầm hạt nhân lớp Los Angeles / Defensetalk.
Ở thời điểm đó, trong khi các tàu ngầm hạt nhân tấn công của Liên Xô thông thường chỉ có thể di chuyển với vận tốc 28 hải lý/giờ (51,2km/giờ), thì tàu ngầm lớp Los Angeles di chuyển với vận tốc 35 hải lý/giờ (64,82km/giờ).
Tàu ngầm lớp Los Angeles là một trong những dòng tàu ngầm chiến lược có tốc độ cơ động cao nhất thế giới, kể cả tới thời điểm hiện tại.