24/11/2015 10:46:00 AM
(Canhsatbien.vn) -
Mới đây, Lực lượng Cảnh sát biển Mỹ đã phát hiện một vụ vận chuyển cocaine cực lớn bằng tàu ngầm tự chế ở ngoài khơi bờ biển bang Mexico (Mỹ), thu giữ gần 6 tấn cocaine có trị giá khoảng 130 triệu USD. Vụ việc cho thấy một phương thức, thủ đoạn rất tinh vi của bọn tội phạm mà lực lượng Cảnh sát biển các nước cần lưu ý và sẵn sàng phương án đối phó.
Lực lượng tuần tra bờ biển Mỹ vớt các kiện cocaine ngoài khơi bờ biển Trung Mỹ 19/7/2015.
Từ một vụ việc nghiêm trọng
Theo CNN, vụ bắt giữ diễn ra hôm 18/7/2015. Một máy bay trinh sát của Hải quân Mỹ phát hiện chiếc tàu ngầm tự chế có nhiều dấu hiệu nghi vấn ở khu vực ngoài khơi bờ biển Trung Mỹ, cách bang Mexico khoảng 200 dặm về phía Nam. Ngay lập tức, tàu CSB Stratton đang tuần tra trong khu vực được lệnh tiếp cận, khống chế mục tiêu. Qua kiểm tra, CSB Mỹ phát hiện tàu đang chở gần 8 tấn cocaine được đóng thành hàng trăm tảng chắc như gạch. Tuy nhiên, khi tìm cách kéo chiếc tàu ngầm này vào bờ thì nó đã bị chìm. Do đó, lực lượng chức năng chỉ thu được gần 6 tấn cocaine và bắt được 4 đối tượng buôn lậu người Colombia.
Vụ việc đã làm chấn động dư luận Mỹ bởi đây là vụ bắt giữ lượng ma túy vận chuyển bằng tàu ngầm nửa chìm lớn nhất trong lịch sử nước này. Chỉ huy CSB Mỹ, Đô đốc Paul Zukunft cho biết, trong 10 tháng qua, họ đã bắt giữ số lượng cocaine nhiều hơn so với 3 năm 2012, 2013, 2014 cộng lại. “Kể từ năm 2009, Mỹ cùng đồng minh hợp tác phòng chống ma túy ở Đông Thái Bình Dương đã tịch thu hơn 53,9 tấn cocaine, bắt giữ hơn 215 nghi can. Năm 2015 là năm thành công nhất trong hoạt động chống ma túy của Mỹ” - trang Thông tin CSB Mỹ viết vào ngày 10/8/2015.
Song, đáng chú ý, đây không phải là lần đầu tiên lực lượng chức năng Mỹ phát hiện và bắt giữ các vụ vận chuyển ma túy bằng tàu ngầm. Trước đó, hồi tháng 6/2015, CSB Mỹ cũng đã ngăn chặn thành công một tàu ngầm tự chế vận chuyển 2,4 tấn cocaine vào Mỹ. Theo các quan chức Mỹ, trong thập kỷ qua, tàu ngầm đã trở thành một phương thức hiệu quả để vận chuyển ma túy bất hợp pháp từ Trung Mỹ đến Hoa Kỳ. Đã có 25 chiếc tàu ngầm chở ma túy bị phát hiện và bắt giữ ở Đông Thái Bình Dương kể từ năm 2006 đến nay. Mặc dù vậy, đây mới chỉ là con số rất nhỏ mà các lực lượng chức năng Mỹ nỗ lực có được. Bằng phương thức này, mỗi năm bọn tội phạm đã tung ra thị trường toàn cầu hơn 100 tấn cocaine với nguồn thu trên 250 tỷ USD, tương đương 32% tổng số cocaine vận chuyển quanh khu vực châu Mỹ.
Một bài báo trên tờ New York Times viết: “Các băng đảng ma túy trong những năm đây thường dùng tàu ngầm tự chế để vận chuyển hàng qua đường biển. Những chiếc tàu ngầm này được thuê kỹ sư thiết kế riêng và đóng tại các khu rừng rậm ở Colombia với những bộ phận được chế tạo tinh vi, hiện đại.Mỗi chiếc có thể mang tới 10 tấn hàng hóa bất hợp pháp với khoảng cách vận chuyển lên đến 5.000 dặm. Một tàu ngầm tự chế đúng quy cách dài khoảng 30,48 mét, thủy thủ đoàn từ 4-5 thành viên và được thiết kế để có thể nhanh chóng chìm khi bị lực lượng thực thi pháp luật phát hiện. Giá thành của nó lên đến 1 - 2 triệu USD.” - bài báo cho biết.
Những chiếc tàu ngầm tự chế của bọn buôn bán ma túy bị bắt xếp hàng tại Bahia Malaga (Colombia).
Bài toán khó cho các lực lượng chức năng
Tình trạng sử dụng tàu ngầm tự chế để buôn bán ma túy đang ngày càng gia tăng, tiềm ẩn mối đe dọa nguy hiểm cho an ninh khu vực châu Mỹ nói riêng và thế giới nói chung. Điều này cũng đẩy nhà chức trách các nước vào cuộc đua tranh khốc liệt về pháp lý và công nghệ nhằm dò tìm, ngăn chặn phương tiện này.
Về mặt công nghệ, tất cả tàu ngầm chở ma túy mà cảnh sát quốc tế thu giữ được đều không thể tránh được công nghệ radar và tầm nhiệt của các loại máy bay chống buôn lậu ma túy. Hệ thống radar trên không và mặt đất của lực lượng chống ma túy Mỹ được coi là công cụ “săn lùng” tàu ngầm hiệu quả nhất. Tuy nhiên, định vị được tàu ngầm thì dễ nhưng bắt được quả tang và thu được tang vật lại là chuyện rất khó khăn. Tháng 11/2006, Lực lượng CSB Mỹ bắt được chiếc tàu bán ngầm chở ma túy đầu tiên. Nếu như năm 2006 lực lượng chống ma túy Mỹ mới chỉ phát hiện 3 chiếc tàu bán ngầm chở ma túy thì đến năm 2010, con số này là 40 và tăng vọt lên 120 chiếc trong năm 2014. Mặc dù vậy, năm 2014, chỉ có một chiếc tàu ngầm chở ma túy bị bắt tại trận, số còn lại đều bị tội phạm tự đánh chìm.
“Chúng quả thực là những con tàu rất tinh vi”, Thiếu tướng Hải quân Steve Branham - Chỉ huy trưởng Lực lượng Tuần duyên số 7 của Miami cho biết. “Khi bị phát hiện, thủy thủ đoàn nhanh chóng đánh chìm cả tàu và hàng rồi nhảy ra ngoài. Nhà chức trách dù có bắt được những kẻ vận chuyển ma túy nhưng buộc phải thả ra và không thể truy tố vì không có bằng chứng” - ông Branham phân tích.
Theo Đô đốc Paul Zukunft, để bắt được một vụ buôn ma túy bằng tàu ngầm tự chế là vô cùng vất vả. Nhiều cơ quan hữu trách của Mỹ như: Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp, Bộ An ninh nội địa đều góp công sức vào thành công của một chuyên án, vụ án. Cùng với đó là nỗ lực, bất chấp nguy hiểm và cùng vào cuộc của các lực lượng: CSB, Hải quân, Hải quan, Bảo vệ biên giới, Cục Tình báo Trung ương (CIA), Cục Phòng chống ma túy (DEA), Văn phòng Tổng chưởng lý ở Califorina, New York, Florida, Puerto Rico và các đơn vị tình báo khác của Mỹ. Ông Zukunft khẳng định: Cuộc chiến chống mạng lưới tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, đặc biệt là tội phạm buôn bán vận chuyển trái phép chất ma túy yêu cầu và đòi hỏi sự đoàn kết nỗ lực trong mọi khâu từ thông tin tình báo, phát hiện, theo dõi, bắt giữ và xét xử.
Một khó khăn nữa đối với lực lượng chống ma túy Mỹ chính là đối thủ có rất nhiều tiền, hoạt động dưới một tổ chức chặt chẽ và vô cùng liều lĩnh. Điều khiển tàu thường chỉ 3-4 người nhưng kéo theo nó là các chân rết chuyên cung cấp thực phẩm và nước uống từ các tàu nhỏ hộ tống, rồi các bộ phận tẩu tán hàng nhỏ lẻ tại những địa điểm bí mật trên hành trình. Mặc dù những chiếc tàu bán ngầm này trị giá 1-2 triệu USD nhưng chúng chỉ được coi là hàng dùng một lần: sau khi chở hàng cập bến, tàu sẽ bị bỏ ngay trên biển. Bởi giá trị của mỗi chuyến hàng lên đến hàng chục triệu USD nên bọn buôn lậu sẵn sàng đầu tư và phi tang.
Để truy nguồn và tìm ra ai, tổ chức nào đứng đằng sau các thương vụ này cũng là trở ngại lớn. Nhiều nhà phân tích quả quyết rằng các tập đoàn buôn lậu ma túy hiển nhiên phải có sự hỗ trợ của các chuyên gia công nghệ người nước ngoài để chế tạo tàu ngầm. Còn giới lập pháp của Quốc hội Mỹ thì đang tìm cách bịt kín lỗ hổng về pháp lý khi chưa có bất kỳ quy định nào liên quan đến những chiếc tàu bán lặn này. Vì chúng không hề treo cờ của nước xuất xứ nên CSB Mỹ đang đề nghị những kẻ điều khiển tàu bán lặn không treo cờ có thể bị phạt tới 20 năm tù. Ngay ở Colombia, sử dụng tàu ngầm trong lãnh hải Colombia mà không có giấy phép chế tạo cũng như giấy phép hoạt động là phạm luật nhưng không có điều luật nào ngăn cấm những chiếc tàu bán lặn tự chế hoạt động.
“Khi các tập đoàn ma túy đầu tư công nghệ, chúng tôi cũng cần đi trước chúng một bước, vì thế phải tự cải tiến cho chính mình”, Đô đốc Paul Zukunft cho biết. Với mối đe dọa lớn này, Cảnh sát biển Mỹ đã xác định cần “chạy đua” để nâng cấp hệ thống cảm biến, giám sát trên phạm vi rộng, thiết bị âm học và công cụ do thám tốt hơn cũng như sự phối hợp cực kỳ chính xác của các lực lượng chuyên trách.
Vấn đề cuối cùng nằm ở chỗ: bọn tội phạm không bao giờ chờ để người thực thi luật pháp dễ dàng đến bắt giữ. Vì vậy, cuộc chiến khốc liệt này sẽ còn tiếp diễn.
Liên Nhâm