Status-6 – “ICBM dưới biển khơi” của Nga

16/11/2017 11:29:00 AM

(Canhsatbien.vn) - 

Trước khi Mỹ kịp phát hiện và có thể chi hàng tỷ USD cho chương trình phát triển vũ khí đánh chặn ngư lôi chiến lược, thì Nga đang âm thầm phát triển siêu vũ khí dưới lòng đại dương. Đó là thiết bị lặn đặc biệt có tầm bắn tới 10.000km và thực tế dòng vũ khí này được giới chuyên gia phương Tây đánh giá là “tên lửa đạn đạo liên lục địa – ICBM, dưới biển khơi” của Nga.

Đánh giá trên hoàn toàn đúng với chương trình phát triển phương tiện lặn tự hành Status-6 Nga đang phát triển. Điểm khác biệt của nó với tên lửa đạn đạo đạo liên lục địa chỉ là nếu tên lửa bay trên không trung để tấn công mục tiêu ở nửa kia địa cầu, thì Status-6 với hệ thống dẫn đường hiện đại bám sát các đáy đại dương để tiếp cận mục tiêu với vũ khí hủy diệt.

Vũ khí tấn công chiến lược chưa từng có trong lịch sử

Theo các nguồn tin công khai, Nga đã lên tiếng xác nhận đang phát triển thiết bị lặn có tầm hoạt động lớn mang vũ khí hạt nhân đủ để tạo ra cơn sóng thần tàn phá các vị trí ven biển hoặc bom bẩn gây ô nhiễm phóng xạ không thể khắc phục vùng đặc quyền kinh tế của đối phương.

Dù được phát triển từ thời Liên Xô, nhưng toàn bộ thông tin liên quan tới Status-6 được giữ tuyệt mật. Thế giới chỉ biết tới dòng vũ khí đặc biệt này khi kênh truyền hình Nga vô tình ghi lại thông tin về nó trong buổi họp của Tổng thống Nga Vladimir Putin và giới chức quân sự hồi tháng 11-2015.

Những hình ảnh về  Status-6 vô tình bị tiết lộ. 

Chính từ sự kiện này, thông tin về Status-6 mới được biết đến là dòng vũ khí chiến lược tương lai của Hải quân Nga với khả năng mang đầu đạn hạt nhân cỡ lớn.

“Mục tiêu chính của Status-6 là tấn công vào cơ sở hạ tầng kinh tế quan trọng của đối phương. Hậu quả của đợt tấn công do Status-6 sẽ vượt quá sự chịu đựng của đối phương khi gây ô nhiễm phóng xạ vùng biển, đất liền rộng lớn. Vùng lãnh thổ bị tấn công sẽ trở thành nơi không thể sinh sống đối với con người”, giới chuyên gia quân sự quốc tế đánh giá về Status-6.

Sự tàn phá khủng khiếp của Status-6 chưa phải là tất cả. Vũ khí này còn đặc biệt ở tầm hoạt động tới 10.000km dưới lòng biển sâu tới 1.000m. Nó có thể kết nối với các tàu ngầm hạt nhân chiến lược của Nga để tăng phạm vi tấn công.

Dù phía Nga phủ nhận thông tin về Status-6, nhưng bản thiết kế bị lộ trên truyền hình đã khẳng định Status-6 có hình dáng như một quả ngư lôi được phóng to, khả năng hoạt động động lập như robot lặn và đặc biệt là tốc độ di chuyển tới 100 hải lý/giờ (185km/giờ). Đầu đạn cỡ lớn trên Status-6 có thể là loại bom bẩn Cobalt-60 hoặc nhiệt hạch có sức công phá tới vài chục Megatone (triệu tấn thuốc nổ TNT).

Một thành phần trong đòn tấn công hạt nhân tự động hóa

Hiện tại, Mỹ vẫn chưa nhận ra mối nguy cơ đến từ “ICBM dưới biển sâu”, mà chủ yếu xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa với mục tiêu chống lại ICBM đến từ không trung. Thực tế, kể cả nhận ra mối nguy cơ từ dòng siêu vũ khí này, việc đối phó với nó hiện tại vẫn là bất khả thi. Status-6 có thể hành trình bám sát đáy biển, luồn lách theo những triền núi, thung lũng dưới biển sâu để tấn công các mục tiêu ở khoảng cách 10.000km. Đó là thứ vũ khí phát hiện ra đã khó, đánh chặn nó còn khó hơn.

Các nguyên mẫu Status-6 vẫn đang được Nga âm thầm hoàn thiện. 

Sức công phá khủng khiếp do Status-6 tạo ra sẽ là đòn răn đe của Nga dành cho các đối thủ tiềm năng. 

 

Để đạt tốc độ di chuyển tới 100 hải lý/giờ, nhiều khả năng Status-6 được áp dụng công nghệ siêu khoang (tạo ra bọt khí lớn bao phủ vật thể để triệt tiêu ma sát khi di chuyển trong lòng nước), tương như như ngư lôi Skval. Để so sánh, dòng ngư lôi tấn công MK-48 của Mỹ cũng chỉ đạt tốc độ di chuyển tới 55 hải lý/giờ.

Điểm khác biệt chính của Status-6 so với các dòng ngư lôi thông thường là nó được thiết kế cho các đòn tấn công chiến lược, còn ngư lôi chỉ là vũ khí cấp chiến thuật, tấn công các mục tiêu ở khoảng cách ngắn.

Nếu Mỹ là mục tiêu của Status-6, khoảng cách từ thành phố Murmansk tới bờ biển nước Mỹ là 6.400km, vũ khí tấn công chiến lược này sẽ mất 36 giờ để tới được mục tiêu. Khoảng thời gian này sẽ được rút ngắn, nếu Status-6 được gắn trên tàu ngầm tấn công chiến lược và được phóng đi dưới lòng biển sâu.

Theo đánh giá của giới chuyên gia quân sự Nga, chương trình phát triển Status-6 được giữ tuyệt mật vì nó là một thành phần trong hệ thống tấn công hạt nhân tự động hóa Perimeter hay còn được biết tới với biệt danh “Bàn tay chết”. Hệ thống này cho phép kể cả khi bộ chỉ huy tối cao của Liên Xô và Nga bị tê liệt, hệ thống tấn công hạt nhân vẫn tự động kích hoạt để tung đòn quyết định tới đối phương. Vai trò của Status-6 cũng tương tự như “bộ ba hạt nhân” – răn đe các đối thủ tiềm năng.

Xét về nhiều mặt, Status-6 còn có sức tàn phá khủng khiếp hơn ICBM, Chuyên gia quân sự Nga Andrey Sakharov tin rằng, Status-6 có thể mang đầu đạn có sức công phá tới 100 Megatone. Khi phát nổ, vũ khí khủng khiếp này có thể tạo ra cơn sóng thần cao tới 500m nhấn chìm cơ sở, hạ tầng ven biển của đối phương. Nếu không mang đầu đạn nhiệt hạch, đầu đạn Cobalt-60 sẽ gây ô nhiễm phóng xạ nghiêm trọng vùng biển của đối phương và biến khu vực đó thành vùng đất chết. Như vậy, với Status-6, Moscow đã gửi thông điệp răn đe rõ ràng tới các đối thủ tiềm năng: Chúng tôi không chỉ đủ khả năng san bằng các thành phố của bạn, mà chúng tôi còn biến lãnh thổ của bạn thành vùng đất chết!

TUẤN SƠN (tổng hợp)

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục gửi về banbientapcsb@gmail.com