Cần quyết liệt hơn trong chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả

27/10/2015 05:31:00 PM

(Canhsatbien.vn) - 

Chiều 26/10, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã tổ chức Hội nghị đánh giá công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong 9 tháng đầu năm 2015.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Trưởng ban Chỉ đạo 389 đã yêu cầu cả hệ thống chính trị cần quyết liệt vào cuộc, không để tồn tại vùng cấm trong đấu tranh chống buôn lậu. Đồng thời, các ban, ngành, địa phương trọng điểm cần kiến nghị, đề xuất nhiều giải pháp mới trong công tác đấu tranh chống buôn lậu.

Quang cảnh Hội nghị.

Theo báo cáo của Văn phòng Ban Chỉ đạo 389 Trung ương, 9 tháng vừa qua, công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên các tuyến và địa bàn cả nước đã đạt được những kết quả tích cực. Các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục chỉ đạo lực lượng chức năng các cấp đẩy mạnh phối hợp đấu tranh có hiệu quả, phát hiện, bắt giữ, xử lý gần 150.000 vụ việc vi phạm (tăng 29,4% so với cùng kỳ năm 2014). Số tiền thu nộp Ngân sách Nhà nước từ tiền xử phạt vi phạm hành chính, bán hàng tịch thu và công tác kiểm tra, truy thu thuế ước đạt hơn 8700 tỷ đồng (tăng 30% so với cùng kỳ); khởi tố 987 vụ và 1.120 đối tượng…

Trong thành tích chung kể trên, có sự đóng góp không nhỏ của Lực lượng Cảnh sát biển. Cấp ủy, chỉ huy các cấp thuộc Cảnh sát biển đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm các nghị quyết, chỉ thị, công điện, kế hoạch, ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Bộ Quốc phòng về phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Trong 9 tháng đầu năm 2015, Cảnh sát biển đã bắt giữ, xử lý 43 vụ/17 tàu, 01 xe máy/81 đối tượng có hành vi buôn lậu, mua bán, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, hàng hóa không có giấy tờ hợp pháp, trong đó: khởi tố 04 vụ/35 đối tượng, với tang vật thu được gồm 621.249 lít dầu DO, 85.990 bao thuốc lá lậu, 9.950 con cá song nhập lậu, chuyển cơ quan CSĐT Công an tỉnh Kiên Giang và Quảng Ninh điều tra theo thẩm quyền; Xử lý vi phạm hành chính 31 vụ, với gần 100 đối tượng, tịch thu hàng hóa gồm: 2.237.526 lít dầu (DO, FO), 276.112 lít xăng A92, 2.775 kg nhớt, 9.560 tấn than, 15 khẩu súng săn hiệu Tiger, 5,2 m3 gỗ hương và một số mặt hàng khác; Chuyển Công an, Bộ đội Biên phòng xử lý 08 vụ (khởi tố 06 vụ/13 đối tượng và xử phạt hành chính 02 vụ), cùng với tang vật, gồm: 338,5 kg thuốc nổ, 50 m dây cháy chậm + 50 kíp nổ điện, 14.000 bao thuốc lá lậu, 18 kg pháo nổ, 30 mắt lồng lưới đánh bắt hải sản. Tổng giá trị phương tiện, hàng hóa bị tịch thu và xử phạt vi phạm hành chính ước đạt trên 170 tỷ đồng.

Cảnh sát biển bắt xuồng chở thuốc lá lậu trên biển tối ngày 23/10/2015.

Một trong những mặt hàng đang bị buôn lậu nhiều trên tuyến biển hiện nay là xăng dầu. Theo Thiếu tướng Nguyễn Quang Đạm - Tư lệnh Cảnh sát biển, hiện nay việc chứng minh hành vi mua bán hoặc vận chuyển mặt hàng xăng dầu ở trên biển gặp nhiều khó khăn do chứng cứ chủ yếu là các lời khai của đối tượng, các chứng cứ khác rất hạn chế. Chế tài xử phạt đối với các hành vi sang mạn, mua bán dầu không có nguồn gốc hợp pháp còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe các đối tượng. Thêm vào đó, do tính chất pháp lý của các vùng biển (nội thủy, lãnh hải, tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, ...) là khác nhau, giữa luật quốc gia và luật quốc tế cũng có điểm chưa thống nhất, gây khó khăn cho việc áp dụng các quy phạm pháp luật trong thực hiện nhiệm vụ đấu tranh chống buôn lậu trên biển.

Mặc dù đạt được những kết quả đáng ghi nhận, nhưng theo đánh giá chung của nhiều cơ quan chức năng, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại vẫn đang diễn biến phức tạp. Nhiều mặt hàng cấm đã và đang được các đối tượng buôn lậu tìm cách tuồn vào thị trường Việt Nam với số lượng đặc biệt lớn.

Phát biểu ý kiến chỉ đạo, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Để công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đi vào thực chất, phát huy hiệu quả hơn trong thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương phải lên phương án triển khai cụ thể từ nay đến cuối năm, từ việc đánh giá tình hình đến đưa ra phương án đấu tranh; đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức cho người dân và doanh nghiệp đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái, giúp người dân tích cực trong việc tham gia tố cáo hành vi vi phạm. Các địa phương, cơ quan phải cương quyết với tinh thần công khai, minh bạch, không được bao che, dung túng hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Phó Thủ tướng giao lực lượng quản lý thị trường chủ trì, phối hợp công an và các cơ quan liên quan mở các chiến dịch đấu tranh lớn, cao điểm kiểm tra trong phạm vi toàn quốc để ngăn chặn có hiệu quả tình trạng hàng lậu, hàng giả và gian lận thương mại đang hoành hành như hiện nay.

Liên Nhâm

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục gửi về banbientapcsb@gmail.com