10/11/2017 03:06:00 PM
(Canhsatbien.vn) -
Vùng biển Tây Nam là ngư trường trọng điểm của cả nước với mật độ tàu thuyền lớn của ngư dân các tỉnh phía Nam. Hàng năm, vùng biển này đem lại một nguồn trữ lượng hải sản dồi dào, góp phần phát triển kinh tế khu vực và nâng cao đời sống của các ngư dân. Tuy nhiên, biến đổi khí hậu làm xuất hiện nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan khi vào mùa mưa bão, ngư dân đánh bắt trên biển khó có thể tránh khỏi rủi ro, các phương tiện của ngư dân gặp nạn có xu hướng gia tăng, trong đó phải kể đến các phương tiện có công suất nhỏ, lâu năm, đã xuống cấp. Đặc biệt, thời gian gần đây các quốc gia quanh Biển Đông đẩy mạnh hoạt động tuần tra, kiểm soát, phát hiện xử lý cứng rắn đối với tàu cá và ngư dân nước ngoài vi phạm vùng biển của họ, trong đó có tàu cá và ngư dân của Việt Nam. Nhiều trường hợp nước ngoài đã xua đuổi, bắt giữ trái phép tàu cá và ngư dân của ta khi đang hoạt động bình thường ở ngư trường truyền thống hoặc trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, khu vực giáp ranh vùng biển Indonesia, Thái Lan, Campuchia… Những vấn đề trên đã và đang tác động đến an ninh khu vực và chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam; tác động trực tiếp đến tâm lý, tính mạng, tài sản của ngư dân; ảnh hưởng đến quan hệ ngoại giao, hợp tác quốc tế giữa Việt Nam với các nước.
Cán bộ, chiến sĩ tàu CSB 9003/BTL Vùng Cảnh sát biển 4 cấp cứu ngư dân bị nạn trên biển.
Đóng quân trên huyện đảo Phú Quốc - vị trí tiền tiêu vùng biển Tây Nam Tổ quốc, BTL Vùng Cảnh sát biển 4 được giao nhiệm vụ quản lý vùng biển rộng lớn, kéo dài từ bờ Bắc cửa Định An - tỉnh Trà Vinh đến Hà Tiên - tỉnh Kiên Giang. Bên cạnh nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn, thực thi pháp luật nhằm bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán trên vùng biển được phân công, những năm qua, BTL Vùng Cảnh sát biển 4 đã tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho ngư dân; bảo vệ và giúp ngư dân vươn khơi, bám biển, kịp thời có mặt khi dân gặp khó khăn trên biển, hỗ trợ, giúp đỡ, đảm bảo an ninh cho các tàu cá của ta được an toàn, ngư dân ta an tâm khai thác đánh bắt thủy hải sản. Với phương châm “Cứu giúp ngư dân như người thân của mình”, Đảng ủy, BTL Vùng xác định đây là một trong những nhiệm vụ chính trị của đơn vị, là nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình, là mệnh lệnh từ trái tim của mỗi CB, CS. Xây dựng Vùng thực sự trở thành điểm tựa vững chắc, tạo điều kiện cho ngư dân vươn khơi, bám biển để làm giàu cho gia đình, quê hương và đất nước.
Chỉ tính từ năm đầu năm 2015 đến nay, BTL Vùng Cảnh sát biển 4 đã cứu hộ thành công nhiều tàu bị chìm và cứu được nhiều ngư dân bị nạn trên biển. Điển hình nhất là ba lần trong năm 2015 và một lần vào tháng 6/2016. Qua đó, đã cứu được 4 phương tiện với 16 ngư dân đảm bảo an toàn người và phương tiện. Thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, trong những năm qua, BTL Vùng đã tiến hành khám, chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho hơn 400 lượt người dân; tặng quà cho hơn 80 hộ gia đình chính sách, hơn 150 gia đình ngư dân nghèo trên địa bàn xã đảo Thổ Châu - huyện Phú Quốc; thị trấn Năm Căn - huyện Năm Căn; thị trấn Rạch Gốc - huyện Ngọc Hiển - tỉnh Cà Mau và nhiều tỉnh, thành khác thuộc miền Tây Nam bộ; đã phát hàng nghìn tờ rơi tuyên truyền về Lực lượng Cảnh sát biển, về phòng chống tác hại của ma túy cho ngư dân, cán bộ, đoàn viên thanh niên, các cháu học sinh, sinh viên và nhân dân. BTL Vùng đã tổ chức 7 Cuộc thi “Em yêu biển, đảo quê hương” tại các trường Tiểu học, THCS, THPT, các trường Trung cấp, Cao đẳng, Đại học thuộc các tỉnh miền Tây Nam bộ. Qua đó, tuyên truyền cho các em học sinh, sinh viên những kiến thức về biển, đảo Việt Nam; Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982; Luật Biển Việt Nam năm 2012; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam. Tặng 40 xuất học bổng và cặp sách cho các em học sinh nghèo vượt khó học giỏi; tặng 200 chiếc áo; 5.000 cuốn vở học sinh; 10 xe đạp cho các em đến trường; tặng 200 áo phao, 50 tủ thuốc, 500 cờ Tổ quốc và nhiều vật chất khác...
Đặc biệt, thực hiện chủ trương của Đảng ủy, BTL Cảnh sát biển, sự hướng dẫn của Cục Chính trị Cảnh sát biển về việc cụ thể hóa những nhiệm vụ, giải pháp triển khai thực hiện Nghị quyết 49-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương về “Tăng cường và đổi mới công tác dân vận của Quân đội trong tình hình mới”. Xuất phát từ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của BTL Vùng và vai trò của ngư dân trong bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, vào tháng 4 và tháng 5/2017, BTL Vùng đã triển khai tổ chức và thực hiện tốt chương trình Công tác dân vận “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân” tại xã đảo Thổ Châu và thị trấn Rạch Gốc. Đây được coi là một trong những hình thức thể hiện rõ chức năng đội quân công tác của BTL Vùng Cảnh sát biển 4, góp phần xây dựng cơ sở chính trị vững mạnh đồng thời tuyên truyền cho ngư dân và nhân dân thấy được tầm quan trọng của biển, đảo đối với quốc phòng, an ninh. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến nội dung tuyên truyền về phạm vi vùng biển của Việt Nam; trách nhiệm của công dân (ngư dân) trong việc phát hiện, tố giác các hành vi vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán, tội phạm và các hành vi vi phạm khác trên biển; quy định và hình thức xử lý của các nước quanh Biển Đông khi tàu cá và ngư dân Việt Nam vi phạm vùng biển của họ, từ đó tự giác chấp hành pháp luật khi hoạt động trên biển, đồng thời nâng cao ý thức trách nhiệm, tích cực phối hợp với Lực lượng Cảnh sát biển, góp phần giúp Lực lượng hoàn thành tốt nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, duy trì thực thi pháp luật, bảo vệ chủ quyền, giữ gìn an ninh trật tự, an toàn trên vùng biển Tây Nam của Tổ quốc.
Thời gian qua, BTL Vùng luôn duy trì thường xuyên các tàu, xuồng trực ở các vùng biển giáp ranh với Campuchia, Thái Lan, thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát trên biển nhằm chủ động, kịp thời tiếp nhận các thông tin, triển khai các phương án bảo vệ, hỗ trợ cho tàu cá và ngư dân ta khi gặp tình huống trên biển. Chính vì vậy, nếu như trước đây, ngoài việc phải chống chọi với sóng to gió lớn mỗi khi mùa mưa bão đến, ngư dân còn lo nạn cướp có vũ trang cướp tài sản của họ, thì giờ đây khi ra khơi, ngư dân hoàn toàn an tâm vì đã có Lực lượng Cảnh sát biển luôn có mặt trên vùng biển Tây Nam để bảo vệ ngư dân đánh bắt, đồng thời sẵn sàng ứng cứu khi có tình huống xảy ra. Bên cạnh đó, BTL Vùng thường xuyên chủ động phối hợp với các lực lượng Biên phòng, Vùng 5 Hải quân và đội tàu của Chi cục Thủy sản tỉnh Kiên Giang, Cà Mau và các tỉnh khác trên khu vực vùng biển được phân công, hạn chế đến mức thấp nhất không để xảy ra tai nạn trên biển, và nếu có thì khi xảy ra tai nạn trên biển, ngư dân được tiếp ứng kịp thời. Qua đó đảm bảo an ninh, an toàn cho người dân an tâm bám biển.
Những hoạt động trên của BTL Vùng Cảnh sát biển 4 đã để lại hình ảnh tốt đẹp về “Bộ đội Cụ Hồ - Người chiến sĩ Cảnh sát biển” trong lòng nhân dân và chính quyền địa phương, tạo niềm tin và là điểm tựa vững chắc cho ngư dân an tâm vươn khơi bám biển, tạo môi trường hòa bình, ổn định và phát triển trên các vùng biển, đảo của Tổ quốc./.
Đại tá Phạm Quang Oánh - Chính ủy BTL Vùng Cảnh sát biển 4