Trường Sa trong nắng tháng Tư

10/04/2017 10:15:00 AM

(Canhsatbien.vn) - 

Trong những ngày đầu tháng Tư lịch sử, con tàu CSB 8004 của Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển (CSB) 1 đã có chuyến hành trình thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, thực thi pháp luật, khảo sát trên khu vực quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1. Những cảm nhận, ấn tượng của chuyến đi vẫn còn đọng mãi trong lòng mỗi người lính CSB Việt Nam về một Trường Sa thân yêu, về những ngôi nhà giàn như những cột mốc sống giữa biển trời Tây Nam của Tổ quốc. Chuyến hành trình lần này tiếp tục khẳng định sự có mặt của Lực lượng CSB trên các vùng biển xa, góp phần giữ vững ổn định vùng biển, tạo niềm tin cho ngư dân và các hoạt động kinh tế biển; thể hiện quyết tâm và thực lực trong việc chủ trì, phối hợp với các lực lượng trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán trên các vùng biển, đảo của Việt Nam bằng biện pháp pháp luật, dân sự.

Tàu CSB 8004 tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, thực thi pháp luật, khảo sát trên khu vực quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1. (Ảnh: Đức Hạnh)

Đến Trường Sa những ngày tháng Tư này, ấn tượng đầu tiên chính là cảm xúc hân hoan rạo rực đang dâng trào trong tim của mỗi người con dân đất Việt nói chung và cán bộ, chiến sĩ trong Đoàn công tác nói riêng. Cách đây 42 năm, quần đảo Trường Sa được giải phóng - chiến thắng này đã góp phần quan trọng giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Con tàu CSB 8004 lần đầu tiên ra thực hiện nhiệm vụ tại đây nên dường như nó cũng có cảm giác lâng lâng tự hào. Đây là con tàu được đóng mới theo Nghị quyết 72 của Quốc hội khóa 13 nhằm nâng cao năng lực thực thi pháp luật cho các lực lượng chức năng trên biển của Việt Nam trong tình hình mới và được giao cho BTL Vùng CSB 1 trực tiếp khai thác, sử dụng. Con tàu như chú thiên nga trắng khổng lồ đang bơi lội rập rờn trên mặt biển xanh ngắt của Trường Sa. Cảm nhận của tôi về tháng Tư ở đây thật đặc biệt. Thời điểm này, những cơn cuồng phong đã lắng dịu, trả lại cho mặt biển một khoảng lặng mênh mông, hiền hòa. Tháng Tư, những bông hoa bàng vuông, hoa phong ba đua nhau nở trắng trên các đảo nơi trùng khơi bốn bề sóng gió. Ánh nắng chói chang chiếu xuống làm cho biển, đảo nơi đây thêm xanh hơn. Nắng làm cho những cây bàng vuông, phong ba thêm cứng cáp hơn trước sóng gầm bão giật. Và nắng cũng làm cho những giọt mồ hôi ướt đầm vai áo nhưng không giấu nổi được niềm vui, niềm hạnh phúc rạng ngời đang hiển hiện lên trên từng gương mặt của những cán bộ, chiến sĩ và nhân dân giữa biển trời bao la nơi phên dậu của Tổ quốc.

Đoàn công tác thắp hương tại tượng đài Quốc công Tiết chế Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn trên đảo Song Tử Tây. (Ảnh: Đức Hạnh)

Đoàn công tác chụp ảnh lưu niệm với cán bộ, chiến sĩ trên đảo Nam Yết. (Ảnh: Đức Hạnh)

Cảm nhận về Trường Sa ngày càng rõ nét khi Đoàn công tác đặt chân lên hai đảo Song Tử Tây và Nam Yết. Ai cũng cảm thấy bâng khuâng, tĩnh tại khi nghe tiếng chuông chùa ngân nga trong thinh không giữa đại dương xanh thẳm. Niềm vui đến rưng rưng khi nghe được nhiều tiếng bi bô, tiếng cười trong vắt của trẻ thơ dưới mái trường tiểu học của xã đảo Song Tử Tây. Những hòn đảo nổi ở đây trông chẳng khác gì những ngôi làng ven đô trong đất liền. Sau 42 năm giải phóng, diện mạo Trường Sa đã có nhiều đổi thay, một sự đổi thay đến ngỡ ngàng khiến ai đã một lần đến đây sẽ nhớ mãi không quên. Giữa mênh mang nắng gió của biển trời hùng vĩ, các khu dân sinh nơi đây ngày càng thêm khang trang. Cơ sở hạ tầng và các công trình cơ bản được xây dựng phục vụ nhu cầu quốc phòng, an ninh, tạo điều kiện cho quân, dân huyện đảo và ngư dân địa phương phát triển kinh tế. Đây cũng là chỗ dựa tin cậy cho ngư dân từ đất liền ra đánh bắt hải sản trong vùng biển, đảo Trường Sa.

Trong chuyến đi này, Đoàn công tác đã đến thăm, giao lưu và tặng quà quân và dân hai xã đảo; thắp hương tại tượng đài Quốc công Tiết chế Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn; chùa Song Tử Tây và chùa Nam Huyên; viếng và thắp hương tại Nghĩa trang liệt sĩ Song Tử Tây… Đến đây, tình cảm đồng chí, đồng đội, tình cảm quân, dân như được nhân lên gấp bội bởi cán bộ, chiến sĩ của Đoàn công tác và những người lính Hải quân từng là “người một nhà”, từng chia ngọt sẻ bùi từ trong các học viện, nhà trường hay khi về đơn vị, cùng thực hiện chung nhiệm vụ. Do vậy, các đồng chí trong Đoàn công tác hiểu hơn ai hết những khó khăn vất vả của những người lính đảo. Những món quà Đoàn công tác gửi tặng cán bộ, chiến sĩ trên đảo tuy đơn sơ nhưng rất thiết thực với nhu cầu cuộc sống hằng ngày của bộ đội. Đó là những thùng bánh kẹo, chè, hạt rau giống, ít chú vịt, gà, quả bầu, bí, khoai tây, nước ngọt và các nhu yếu phẩm khác đã góp phần thắt chặt tình cảm của những người giữ biển.

Đoàn công tác trò chuyện với cán bộ, chiến sĩ trên đảo Nam Yết. (Ảnh : Đức Hạnh)

Trong các buổi gặp mặt, làm việc với chỉ huy các đảo, hai đơn vị thông báo cho nhau một cách khái quát về đặc điểm, nhiệm vụ của hai lực lượng, đồng thời trao đổi kinh nghiệm về công tác phối hợp bảo vệ chủ quyền biển, đảo cũng như giúp ngư dân ra đánh bắt hải sản trên vùng biển Trường Sa. Thông qua buổi gặp mặt, giúp cho hai lực lượng thắt chặt thêm sợi dây tình cảm, sự hiểu biết, chia sẻ lẫn nhau và tiếp tục phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn trong công tác bảo vệ chủ quyền biển, đảo và tìm kiếm cứu nạn thời gian tới.

Là người nhiều năm gắn bó với Trường Sa, Thượng tá Dương Sỹ Nam - Chỉ huy trưởng đảo Song Tử Tây, cho biết: “Trước tình hình nhạy cảm khu vực biển Đông, cấp ủy, chỉ huy đơn vị đã thường xuyên quán triệt cho mọi cán bộ, chiến sĩ hiểu rõ các chỉ thị, mệnh lệnh cấp trên, trên cơ sở đó có cách xử lý các tình huống đúng đối sách của Đảng và Nhà nước ta khi tàu, thuyền nước ngoài có các hoạt động xâm phạm chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc”. Còn Trung tá Nguyễn Văn Ký - Chính trị viên phó đảo Nam Yết khẳng định, dù khó khăn, gian khổ đến mấy, cán bộ, chiến sĩ đảo Nam Yết luôn đồng lòng vượt qua mọi thử thách, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo Tổ quốc.

Tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho ngư dân tại âu tàu đảo Song Tử Tây. (Ảnh: Đức Hạnh)

Tại âu tàu đảo Song Tử Tây, tổ công tác đã đến các con tàu của bà con ngư dân các tỉnh ra đánh bắt hải sản tại khu vực này để tiến hành tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cũng như thăm hỏi, tặng quà và động viên bà con an tâm bám biển. Những lá cờ Tổ quốc, những chiếc áo phao, mớ rau xanh, một ít thực phẩm tươi là những món quà giàu tình cảm mà anh em cán bộ, chiến sĩ lực lượng Cảnh sát biển chia sẻ cùng bà con giữa trùng khơi sóng gió. Cảm động trước việc làm này của tổ công tác, ngư dân Trần Văn Môn, 46 tuổi, quê quán xã Bình Minh, huyện Thăng Bình (Quảng Nam) là thuyền trưởng tàu QNa 95579 TS tâm sự: “Tàu tui đi Trường Sa mỗi chuyến gần 3 tháng, chuyến này đi được hai tháng rồi. Hôm nay được các anh Cảnh sát biển đến phát tờ rơi tuyên truyền cũng như tặng quà cho tàu, tui rất cảm động và phấn khởi. Tui và anh em càng thêm yên tâm gắn bó với nghề biển mà ông cha đã để lại, yên tâm bám biển Trường Sa!”’.

Đoàn công tác làm lễ tưởng niệm các liệt sĩ đã hi sinh trên quần đảo Trường Sa. (Ảnh: Đức Hạnh)

Tại vùng biển Gạc Ma, Đoàn công tác đã làm lễ tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ đã hi sinh trong sự kiện 14/3/1988 với nghi lễ trang trọng, xúc động, mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc để tưởng nhớ những cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam ưu tú đã anh dũng hi sinh vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc. Những nén tâm nhang, những cánh hoa tươi được thả xuống với lòng thành kính biết ơn và tiếc thương vô hạn. Từ trong sâu thẳm lòng mình, toàn thể Đoàn xin nguyện đem hết sức mình hiến dâng cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, xứng đáng với công lao và sự hi sinh cao cả của các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống nơi đây.

Tàu CSB 8004 tại khu vực nhà giàn DK1/17. (Ảnh: Đức Hạnh)

Rời quần đảo Trường Sa, con tàu CSB 8004 cùng Đoàn công tác tiếp tục đi xuống thềm lục địa phía Nam, nơi có những ngôi nhà giàn nhỏ nhoi cắm xuống lòng đất Mẹ để khẳng định khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Những cái tên như Phúc Tần, Phúc Nguyên, Tư Chính, Huyền Trân, Quế Đường gợi lên trong ta những cảm xúc trào dâng đến lạ. Con tàu CSB 8004 đã kéo ba hồi còi dài để chào những người lính nhà giàn. Qua sóng bộ đàm, Đại tá Nguyễn Văn Thơ - Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng BTL Vùng CSB 1, Trưởng đoàn công tác đã gửi lời chúc cán bộ, chiến sĩ nhà giàn DK 1/17 luôn mạnh khỏe, đoàn kết, khắc phục mọi khó khăn gian khổ, phát huy những thành tích, chiến công đã đạt được để tiếp tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và Quân chủng Hải quân giao cho. Tàu CSB 8004 đã hạ xuồng để tổ công tác chở những món quà nhỏ nhưng sâu nặng nghĩa tình đến tận chân nhà giàn để anh em trên đó kéo lên. Bên nhau chia ngọt sẻ bùi, tình đồng chí, đồng đội luôn tỏa sáng- đó là phẩm chất cao đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ” nói chung và những người lính biển nói riêng.

Đoàn công tác thăm hỏi, động viên...

...và tặng cờ Tổ quốc cho ngư dân tại khu vực biển Tây Nam, nhà giàn DK. (Ảnh: Đức Hạnh)

Tại khu vực biển Tây Nam, các tổ công tác trên tàu tiếp tục làm nhiệm vụ tuyên truyền, thăm hỏi, động viên bà con ngư dân đang đánh bắt ở đây. Anh Trần Thanh Sơn - thuyền trưởng tàu cá BTh 98099 TS cùng 6 ngư dân đều quê ở xã Ngũ Phụng, huyện đảo Phú Quý (Bình Thuận) biểu lộ sự vui mừng, tin tưởng khi có sự hiện diện của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam cùng đồng hành với bà con nơi đây. Những ngư dân như anh Sơn càng thêm vững tin bám biển dài ngày để làm ăn và đồng thời là tai mắt bảo vệ chủ quyền trên biển Tây Nam Tổ quốc.

Trên con tàu cá của ngư dân nhỏ nhoi giữa đại dương xanh thẳm, Trung tá Lê Huy - Chủ nhiệm Chính trị BTL Vùng CSB1 cho biết: “Mô hình “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân” đang được BTL Vùng CSB 1 triển khai thực hiện một cách hiệu quả. BTL Vùng không chỉ làm tốt nội dung này ở các địa phương ven biển hay các vùng biển, đảo gần bờ mà còn vươn tới những khu vực xa đất liền như quần đảo Trường Sa và DK. Điều đó càng thắt chặt tình cảm gắn kết quân dân và trở thành điểm tựa vững chắc cho bà con ngư dân yên tâm làm nghề đồng thời góp phần tỏa sáng hình ảnh của Lực lượng CSB Việt Nam trên các vùng biển xa!”.

Đại tá Trần Văn Thơ, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng BTL Vùng CSB 1 cho biết, chuyến khảo sát kết hợp tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, thực thi pháp luật trên khu vực quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1 đã đạt được mục đích, yêu cầu đề ra. Đây là tiền đề để cho Đảng ủy, thủ trưởng BTL Vùng nghiên cứu, đề xuất phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo lực lượng, phương tiện của đơn vị đi làm nhiệm vụ ở các vùng biển, đảo xa đạt hiệu quả cao nhất. Đồng thời nâng cao một bước về trình độ, năng lực chỉ huy của đội ngũ cán bộ cũng như vị thế của Lực lượng CSB trên các vùng biển, đảo của Tổ quốc.

Tháng Tư ở giữa biển trời Trường Sa và DK1 bao la càng làm chúng ta nhớ về những ngày tháng Tư lịch sử của 42 năm về trước. Con tàu CSB 8004 lại xoay hướng trở về thành phố Cảng, kết thúc chuyến hành trình làm nhiệm vụ của mình. Tạm biệt những hòn đảo, những nhà giàn thân yêu cùng với những con người kiên cường, gan dạ nhưng cũng rất đỗi hồn hậu, mến khách. Trong lòng mỗi cán bộ, chiến sĩ Đoàn công tác đều trào dâng tình cảm lưu luyến mà đây đã dành cho mình. Rồi ngày mai, sẽ lại có thêm những con tàu mang tên Cảnh sát biển Việt Nam xé sóng ra đây để cùng chung sức với những người lính Hải quân gìn giữ cho một vùng cương thổ nơi địa đầu Tổ quốc mãi mãi bình yên.

Lam Giang

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục gửi về banbientapcsb@gmail.com