Cảnh sát biển triển khai các đơn vị mới, từng bước hoàn thiện tổ chức biên chế, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới

01/10/2019 03:41:00 PM

(Canhsatbien.vn) - 

Công tác tổ chức biên chế là một nội dung cốt lõi, có vai trò hết sức quan trọng trong công tác xây dựng Lực lượng. Chính vì vậy, công tác tổ chức biên chế luôn được Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển xác định là nội dung được ưu tiên hàng đầu. Qua 21 năm xây dựng, phát triển và trưởng thành, có thể nói năm 2018 - 2019 là giai đoạn tổ chức biên chế của Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển có những thay đổi đáng kể, công tác xây dựng tổ chức, biên chế đạt được nhiều thành công lớn.

Trung tướng Hoàng Văn Đồng - Chính ủy Cảnh sát biển trao Quân kỳ Quyết thắng cho Hải đoàn 42. (Ảnh: Đức Tĩnh)

Những năm gần đây, tình hình Biển Đông luôn diễn biến phức tạp khó lường liên quan đến chiến lược, yêu sách, lợi ích cốt lõi của các nước lớn; nhiều vấn đề an ninh truyền thống, phi truyền thống tác động lớn đến hoạt động của Lực lượng Cảnh sát biển. Tình hình an ninh cảng biển, tội phạm, vi phạm, buôn lậu, gian lận thương mại trên các vùng biển diễn ra phức tạp, tinh vi và ngày càng gia tăng mức độ nguy hiểm. Cùng với các nhiệm vụ được giao theo quy định tại Pháp lệnh Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam năm 1998, từ năm 2017, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển được Bộ Quốc phòng giao thêm nhiều nhiệm vụ mới, quan trọng như “Chủ trì, phối hợp với Quân chủng Hải quân, Bộ đội Biên phòng, Kiểm ngư trong bảo vệ chủ quyền biển đảo bằng biện pháp pháp luật, dân sự”, “Chủ trì đấu tranh chống NN thăm dò, hạ đặt giàn khoan”; “Chủ trì tiếp nhận huy động nhân lực, tàu thuyền tham gia đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo”… Nhiệm vụ ngày càng đa dạng, nặng nề, từ đó đặt ra yêu cầu cấp thiết phải điều chỉnh, mở rộng về tổ chức biên chế để nâng cao hiệu lực hiệu quả hoạt động của Lực lượng cho tương xứng với chức năng, nhiệm vụ được giao trong tình hình mới.

Thực hiện Đề án “Xây dựng Lực lượng Cảnh sát biển đến năm 2020 và những năm tiếp theo” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ mới được giao và tình hình thực tiễn về tổ chức biên chế của lực lượng với nhiều bất cập nảy sinh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển đã đề nghị Bộ Quốc phòng tổ chức lại Lực lượng Cảnh sát biển. Thực hiện quyết nghị của Thường vụ Quân ủy Trung ương, ngày 19/4/2018, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã ban hành Quyết định số 1357/QĐ-BQP về việc tổ chức lại Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển. Quyết định này đã đánh dấu một bước thay đổi lớn cả về quy mô tổ chức, biên chế quân số, trang bị của Lực lượng Cảnh sát biển. Ngay sau khi Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành quyết định tổ chức lại Lực lượng Cảnh sát biển, ngày 14/5/2018, Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam đã ký các quyết định, ban hành biểu tổ chức, biên chế mới cho toàn Lực lượng Cảnh sát biển.

Thực hiện quyết định của Bộ Quốc phòng và Bộ Tổng Tham mưu, Đảng ủy Cảnh sát biển đã ban hành Nghị quyết chuyên đề, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển đã ban hành kế hoạch và quyết định triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt, kiện toàn, ổn định tổ chức để đưa các cơ quan, đơn vị được tổ chức lại và thành lập mới đi vào hoạt động ngay, đạt hiệu quả. Năm 2018, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển đã triển khai tổ chức lại toàn lực lượng, trong đó triển khai tổ chức và đưa vào hoạt động 2 hải đoàn là Hải đoàn 11 thuộc Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 1 và Hải đoàn 21 thuộc Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2. Mới đây nhất, vào thàng 5/2019, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển tiếp tục triển khai thêm 2 hải đoàn là Hải đoàn 32 thuộc Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 và Hải đoàn 42 thuộc Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4.

Tính đến thời điểm hiện nay, trong mỗi Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển đã có 1 hải đoàn và 1 hải đội trực thuộc. Trong mỗi hải đoàn có 2 hải đội, mỗi Hải đoàn được biên chế từ 16 đến 20 tàu, xuồng các loại. Các hải đoàn đều được triển khai trên cơ sở tổ chức lại các hải đội trước đó, đảm bảo biên chế tinh gọn, tương đối hoàn chỉnh, đồng bộ, cơ cấu tổ chức và quân số hợp lý, có yếu tố kế thừa để phát triển, đảm bảo hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Bước đầu thành lập, các hải đoàn đã nhanh chóng ổn định về tổ chức và kịp thời đi vào hoạt động, góp phần tích cực vào việc nâng cao sức mạnh tổng hợp đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ Cảnh sát biển trong tình hình mới.

Việc tổ chức lại và ban hành biểu tổ chức biên chế Lực lượng Cảnh sát biển, đặc biệt là triển khai các hải đoàn là một dấu ấn quan trọng, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương - Bộ Quốc phòng đối với Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam, nhằm nhanh chóng xây dựng Lực lượng Cảnh sát biển lớn mạnh theo hướng “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại và có tính chuyên nghiệp cao”, từng bước đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, xứng tầm là lực lượng nòng cốt và trực tiếp trong quản lý, bảo vệ chủ quyền, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn và thực thi pháp luật trên biển trong tình hình mới. Đây là niềm vinh dự, tự hào đối với cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển. Đồng thời cũng đặt ra yêu cầu cụ thể đối với các cơ quan, đơn vị mới được thành lập.

Để triển khai thực hiện tốt các quyết định về tổ chức biên chế, tiếp tục củng cố và phát triển lực lượng, Đảng ủy, Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển cũng đã ban hành nhiều chủ trương, biện pháp và thông qua nhiều chương trình hành động nhằm xây dựng, nâng cao nâng cao năng lực thực thi nhiệm vụ và sức mạnh tổng hợp theo hướng “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại và có tính chuyên nghiệp cao”. Đặc biệt, nhằm đảm bảo cho các đơn vị mới thành lập sớm đi vào hoạt động hiệu quả, Đảng ủy, Thủ trưởng Bộ Tư lệnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị cần nhanh chóng ổn định tổ chức, biên chế để bước vào hoạt động, thực hiện nhiệm vụ ngay; quá trình triển khai đi vào hoạt động cần được thực hiện theo lộ trình và bước đi chặt chẽ, phù hợp với điều kiện thực tế của đơn vị, bảo đảm hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Trong thời gian tới, nhằm tiếp tục xây dựng và phát triển Lực lượng Cảnh sát biển, các cơ quan, đơn vị, nhất là các cơ quan đơn vị mới thành lập cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung, giải pháp sau:

Thứ nhất, nhanh chóng ổn định tổ chức, kiện toàn nhân sự đủ về số lượng, có chất lượng cao; giải quyết tốt tình hình tư tưởng cho cán bộ, chiến sĩ để tạo sự đồng thuận, nhất trí cao trong nội bộ cơ quan, đơn vị, đảm bảo cho các tổ chức mới được tổ chức lại và thành lập mới đủ sức hoàn thành nhiệm vụ.

Thứ hai, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch đội ngũ cán bộ, nhân viên chuyên môn kỹ thuật; xây dựng đội ngũ cán bộ, nhân viên đủ năng lực thực hiện nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trên cương vị được giao, có sự kế cận, kế tiếp vững chắc.

Thứ ba, tích cực chủ động hoàn thành các dự án xây dựng cơ bản, đóng tàu, đảm bảo cơ sở vật chất, doanh trại, cầu cảng và trang bị tàu, xuồng cho các đơn vị mới được tổ chức lại, thành lập mới.

Thứ tư, Chủ động phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương nơi đóng quân, các cơ quan chức năng trong và ngoài lực lượng, tạo nên sức mạnh tổng hợp trong công tác; tổ chức sử dụng lực lượng chặt chẽ nhằm hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Thứ năm, làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, chiến sĩ trong toàn lực lượng để nâng cao bản lĩnh chính trị, ý thức, nhận thức cho cán bộ, chiến sĩ các cơ quan, đơn vị về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc tổ chức lại và thành lập mới các cơ quan, đơn vị. Trên cơ sở đó thấy được niềm vinh dự, tự hào, đồng thời cũng thấy được trách nhiệm và yêu cầu mới, cao hơn, để từ đó quyết tâm khắc phục khó khăn, tự lực, tự cường, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Thứ sáu, tổ chức rút kinh nghiệm sau triển khai quyết định tổ chức lại Lực lượng Cảnh sát biển của Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu; tham mưu, đề xuất với Bộ Tổng Tham mưu, Bộ Quốc phòng quyết định hoàn chỉnh biểu tổ chức biên chế toàn Lực lượng Cảnh sát biển, tiếp tục đề xuất triển khai các hải đoàn Cảnh sát biển.

Việc thành lập và triển khai tổ chức hoạt động hiệu quả các đơn vị Cảnh sát biển mới, nhất là các hải đoàn thuộc các Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển không chỉ góp phần đáp ứng cho những đòi hỏi của nhiệm vụ Cảnh sát biển hiện nay mà còn là tiền đề quan trọng để xây dựng, phát triển Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam trong những năm tiếp theo. Với sự nỗ lực, quyết tâm của toàn thể cán bộ, chiến sĩ và sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo cao nhất, tạo điều kiện về mọi mặt của các cơ quan cấp trên, chắc chắn rằng các đơn vị mới được thành lập sẽ hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, góp phần quan trọng vào việc xây dựng Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, có tính chuyên nghiệp cao” đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới./.

Đại tá ĐOÀN VĂN HIỂU
Trưởng phòng Quân lực/Bộ Tham mưu Cảnh sát biển

 

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục gửi về banbientapcsb@gmail.com