Đổi mới đào tạo cán bộ Cảnh sát biển trước tác động của Cách mạng công nghiệp 4.0

01/10/2019 03:23:00 AM

(Canhsatbien.vn) - 

Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang đặt ra yêu cầu ngày càng cao đối với nhiệm vụ đào tạo của các nhà trường quân đội. Những năm qua, Trung tâm Đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ Cảnh sát biển đã không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, phát triển toàn diện phẩm chất và năng lực cho cán bộ Cảnh sát biển. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0, vấn đề đổi mới đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Cảnh sát biển càng đặt ra cấp thiết.

Thiếu tướng Phạm Kim Hậu - Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Cảnh sát biển kiểm tra trang, thiết bị phục vụ huấn luyện, đào tạo ở Trung tâm Đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ Cảnh sát biển. (Ảnh: Đức Hạnh)

Cảnh sát biển Việt Nam là lực lượng vũ trang nhân dân, lực lượng chuyên trách của Nhà nước, làm nòng cốt thực thi pháp luật và bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn trên biển. Chức năng của Cảnh sát biển Việt Nam là tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành theo thẩm quyền hoặc đề xuất với Đảng, Nhà nước về chính sách, pháp luật bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn trên biển; bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trong vùng biển Việt Nam; quản lý về an ninh, trật tự, an toàn và bảo đảm việc chấp hành pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, thỏa thuận quốc tế theo thẩm quyền.

Trung tâm Huấn luyện Cảnh sát biển (nay là Trung tâm Đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ Cảnh sát biển) được thành lập theo quyết định 3532/QĐ-CSB-TM ngày 29/12/2012 của Cục Cảnh sát biển (nay là Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển), với nhiệm vụ đào tạo nhân viên chuyên môn có trình độ sơ cấp các chuyên ngành nghiệp vụ Cảnh sát biển và bồi dưỡng cán bộ cho Lực lượng Cảnh sát biển. Từ khi thành lập, Thường vụ Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển giao nhiệm vụ cho Trung tâm đào tạo nhân viên chuyên môn kỹ thuật trình độ sơ cấp các chuyên ngành: Điều khiển tàu thủy, vận hành máy tàu thủy, điện tàu thủy và thông tin báo vụ. Trước yêu cầu nhiệm vụ mới về đào tạo Cảnh sát biển Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, có tính chuyên nghiệp cao, ngày 19/4/2018 Trung tâm Huấn luyện Cảnh sát biển được tổ chức, biên chế theo Quyết định số 1357/QĐ-BQP của Bộ Quốc phòng với tên gọi Trung tâm Đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ Cảnh sát biển.

Trung tâm có nhiệm vụ đào tạo nhân viên chuyên môn có trình độ sơ cấp các chuyên ngành nghiệp vụ Cảnh sát biển; nghiên cứu triển khai ứng dụng khoa học, công nghệ phục vụ cho công tác huấn luyện, đào tạo, mô phỏng theo hệ thống điều khiển đa năng; quản lý, giáo dục nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên đáp ứng yêu cầu, chất lượng huấn luyện, đào tạo cán bộ, nhân viên của Lực lượng Cảnh sát biển; hợp tác, liên kết đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nhân viên với các học viện, nhà trường, đơn vị trong và ngoài Quân đội, mở rộng hợp tác huấn luyện, đào tạo với nước ngoài; xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.

Cách mạng 4.0 xuất phát từ khái niệm “Industrie 4.0” trong báo cáo của Chính phủ Đức năm 2013. Cách mạng 4.0 diễn ra trên 3 lĩnh vực chính gồm: Công nghệ sinh học, Kỹ thuật số và Vật lý. Những yếu tố cốt lõi của Cách mạng 4.0 là: Trí tuệ nhân tạo (AI), Vạn vật kết nối - Internet of Things (IoT) và dữ liệu lớn (Big Data). Cuộc Cách mạng này đã tác động mạnh mẽ, tạo ra sự biến đổi to lớn, toàn diện đến xã hội, nhất là lĩnh vực kinh tế, khoa học, giáo dục và quân sự, quốc phòng.

Đối với lĩnh vực quân sự, quốc phòng, cách mạng công nghiệp 4.0 có tác động mạnh mẽ, toàn diện, mang đến những bước phát triển cao hơn cùng những thách thức lớn hơn. Nhiều thành tựu mới trong nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ được đưa vào ứng dụng rộng rãi, tạo ra các hệ thống vũ khí, trang bị kỹ thuật thế hệ mới như: Vũ khí năng lượng, rô-bốt tác chiến... với những tính năng vượt trội, có sự nhảy vọt về chất. Từ đó, xuất hiện các hình thái chiến tranh xung đột và phương thức tác chiến mới, đòi hỏi các quốc gia cần đặc biệt quan tâm. Việc tăng cường các tiềm lực và sức mạnh quân sự đã được các quốc gia đề cao, nhất là nâng cao phẩm chất và năng lực toàn diện của quân nhân trong quá trình tác chiến với số lượng lớn các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật quân sự hiện đại.

Những nhân tố trên tác động lớn, nhiều mặt đến nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh, an toàn biển, đảo của Tổ quốc. Thực tiễn đặt ra yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo đội ngũ cán bộ Cảnh sát biển thực thi pháp luật đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Để tận dụng thời cơ, hạn chế tác động tiêu cực của Cách mạng công nghiệp 4.0, Trung tâm Đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ Cảnh sát biển cần tích cực thực hiện các giải pháp đổi mới đào tạo đội ngũ cán bộ Cảnh sát biển như sau:

Một là, tập trung giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, giáo viên trong Trung tâm về mục tiêu, yêu cầu đào tạo đội ngũ cán bộ Cảnh sát biển trong tình hình mới.

Đây là giải pháp rất quan trọng, bởi con người chính là nhân tố quyết định trong việc ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ quân sự của Cách mạng công nghiệp 4.0. Yêu cầu về chất lượng đội ngũ cán bộ Cảnh sát biển thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0 cao hơn nhiều; trong đó, quan trọng nhất là phát huy được tính sáng tạo và khả năng tiếp thu, làm chủ công nghệ tiên tiến của tàu biển và vũ khí trang bị đi cùng, đủ sức bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Lực lượng Cảnh sát biển sở hữu số lượng lớn vũ khí trang bị kỹ thuật với hàm lượng khoa học kỹ thuật cao. Do đó, cần xây dựng đội ngũ cán bộ Cảnh sát biển có trình độ khoa học kỹ thuật cao, có kỹ năng thuần thục mới làm chủ được vũ khí, trang bị, phát huy được sức mạnh của vũ khí trang bị trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ. Để đáp ứng yêu cầu đó, cần chú trọng giáo dục cho mọi tổ chức, lực lượng trong Trung tâm nhận thức được vị trí, vai trò của nhiệm vụ giáo dục và đào tạo trong tình hình mới. Các cấp, các ngành cần thực sự coi người học là trung tâm, tập trung đào tạo, huấn luyện người học về tin học, ngoại ngữ; đổi mới nội dung, phương pháp dạy và học. Trong đó, cần tập trung đào tạo nâng cao trình độ khoa học chuyên ngành và ngoại ngữ để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thực thi pháp luật trên biển, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa.

Hai là, gắn chặt giáo dục, đào tạo với nghiên cứu phát triển khoa học.

Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đặt ra yêu cầu đào tạo phải gắn với nghiên cứu phát triển khoa học quân sự nhằm tạo nên đội ngũ cán bộ có trình độ cao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong điều kiện mới. Chú trọng nghiên cứu lý luận tổ chức, xây dựng Lực lượng Cảnh sát biển, nhất là về cơ cấu, tổ chức các đơn vị Cảnh sát biển và trang bị vũ khí, phương tiện biên chế cho lực lượng này. Từ đó, đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục, huấn luyện, đào tạo theo phương thức đưa ngay các sản phẩm khoa học vào ứng dụng trong thực tiễn huấn luyện và đào tạo. Quá trình đổi mới giáo dục, đào tạo cần gắn chặt với nghiên cứu, ứng dụng khoa học vào phát triển năng lực thực thi pháp luật, ứng phó với các tình huống vi phạm độc lập, chủ quyền biển, đảo Việt Nam.

Ba là, đổi mới nội dung, chương trình đào tạo trước tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

Nền tảng của Cách mạng công nghiệp 4.0 là sự kết nối giữa thế giới thật và ảo thông qua phần mềm công nghệ thông tin, kỹ thuật số và kết nối mạng. Do vậy, kiến thức và kỹ năng về công nghệ thông tin và kỹ thuật số có vai trò rất quan trọng đối với nhà trường cũng như người học. Nhiệm vụ của Trung tâm phải tích cực trang bị cho học viên các kiến thức kỹ thuật số và kỹ năng sử dụng các phần mềm trên các thiết bị kỹ thuật hiện đại để nâng cao khả năng điều khiển tàu thủy, thực thi pháp luật trên biển và thông tin báo vụ. Vũ khí trang bị hiện tại hầu hết nhập khẩu từ các nước tiên tiến. Do đó, cần tập trung đào tạo nâng cao trình độ ngoại ngữ cho đội ngũ cán bộ Cảnh sát biển đủ để họ hiểu biết hết tính năng, tác dụng kỹ chiến thuật của vũ khí, trang bị, làm chủ vũ khí, trang bị kỹ thuật trong mọi tình huống.

Cách mạng công nghiệp 4.0 khiến khái niệm “Học” (learning) được thay thế bằng “Chúng ta học suốt đời” (Long live WE-learning). Do đó, phải mở rộng khuôn viên các đơn vị trong Trung tâm để mọi học viên sử dụng làm chỗ trao đổi, thảo luận và giao lưu trau dồi kiến thức. Trong giảng dạy cần tăng cường các nội dung tạo ra các tình huống có vấn đề để học viên dân chủ tranh luận, mở mang hiểu biết kiến thức khoa học mới về Cảnh sát biển, kết hợp giảng dạy với truyền thụ kinh nghiệm, rèn luyện kỹ năng. Coi kiến thức trang bị ở Trung tâm là nền tảng chứ không phải là tất cả; là tiền đề để người học tiếp tục trau dồi, học tập trên các cương vị công tác mới sau khi hoàn thành nhiệm vụ khóa học.

Bốn là, đổi mới phương pháp, hình thức đào tạo cán bộ Cảnh sát biển trước tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

Việc chuyển giao kiến thức theo cách độc thoại giữa giáo viên với học viên đã cũ và không tạo ra được hiệu quả lĩnh hội tri thức. Các kiến thức khoa học Cảnh sát biển và bảo vệ biển, đảo cần cho học viên đang có sẵn rất nhiều ở khắp nơi (sách, báo, tạp chí, internet,…). Cần tạo môi trường nghiên cứu rộng rãi trên thư viện số giúp học viên có thể tiếp cận và lĩnh hội các nguồn tri thức ấy. Cách giảng bài truyền thống cần thay thế bằng các hình thức học tích cực hơn bằng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ mô phỏng trong đổi mới phương pháp dạy học.

Môi trường sư phạm quân sự rất quan trọng cho các quá trình nhận thức nên việc thiết kế và bố trí các không gian huấn luyện Cảnh sát biển đặc thù giúp học viên hình thành phong cách tư duy nghề nghiệp. Không gian học tập cần đa dạng hơn, thay vì những phòng thí nghiệm hay phòng mô phỏng truyền thống, thì người học cần trải nghiệm học tập bằng không gian ảo, có thể tương tác trong điều kiện như thật thông qua các phần mềm và hệ thống mạng. Các kịch bản huấn luyện mô phỏng cần linh hoạt, từ các dữ liệu thu thập được trên hệ thống, giáo viên liên tục đưa ra những tình huống huấn luyện sát với thực tế, phù hợp với năng lực của đội ngũ cán bộ Cảnh sát biển, tính năng của vũ khí trang bị, giúp nâng cao hiệu quả huấn luyện.

Trước những tác động mới của thực tiễn, Đảng ta trong Nghị quyết Trung ương 8 (Khóa XI) về Chiến lược Bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới đã đề ra nhiệm vụ, giải pháp: Phát triển khoa học, đổi mới giáo dục, đào tạo và ứng dụng các thành tựu khoa học vào huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, tăng cường bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc. Đó là những định hướng quan trọng trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0. Nhận thức sâu sắc quan điểm của Đảng, đổi mới tư duy, tiến hành đồng bộ các nội dung, giải pháp nêu trên là phương cách hữu hiệu để Trung tâm tận dụng cơ hội, khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ xây dựng Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam đủ sức hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chính trị được giao trong tình hình mới./.

Thượng tá, ThS. NGUYỄN ĐỨC ĐỘ 
Chính ủy Trung tâm Đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ Cảnh sát biển

Tài liệu tham khảo
(1). Nguyễn Chí Dũng, “Cách mạng công nghiệp 4.0 trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng”, Báo Quân đội Nhân dân cuối tuần, Mục Hồ sơ tư liệu, ngày 27/09/2017.
(2). Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị lần thứ tám Ban chấp hành trung ương khóa XI, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2013.
(3). Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (khóa XIV), Luật Cảnh sát biển, Luật số: 33/2018/QH14, Hà Nội, 2018.

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục gửi về banbientapcsb@gmail.com