Ngành Kỹ thuật Cảnh sát biển xây dựng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu tiến lên hiện đại

01/06/2017 11:05:00 AM

(Canhsatbien.vn) - 

Xây dựng đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật có cơ cấu hợp lý, chất lượng cao, “vừa hồng, vừa chuyên”, làm nòng cốt thực hiện công tác kỹ thuật là một yêu cầu cấp thiết, có tính quyết định đến sự thành công của chủ trương hiện đại hóa LL CSB, đảm bảo cho lực lượng hoàn thành tốt nhiệm vụ trước mắt và lâu dài .

Cảnh sát biển (CSB) Việt Nam được xác định là một trong các lực lượng được đầu tư xây dựng tiến thẳng lên hiện đại. Chủ trương thể hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt, đúng đắn của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, đồng thời là yêu cầu tất yếu, phù hợp với tình hình thực tiễn trên biển và chức năng, nhiệm vụ của LL CSB Việt Nam. Theo đó, LL CSB đã, đang và sẽ được đầu tư trang bị nhiều máy bay, tàu thuyền, phương tiện, vũ khí, trang bị kỹ thuật (VKTBKT) hiện đại nhằm giúp nâng cao khả năng SSCĐ, thực hiện hiệu quả, toàn diện các nhiệm vụ thường xuyên cũng như đột xuất. Song, chủ trương này cũng đặt ra cho LL CSB nói chung, ngành Kỹ thuật CSB nói riêng nhiều yêu cầu nhiệm vụ hết sức nặng nề với khó khăn, thách thức, nhất là trong công tác bảo đảm kỹ thuật cho VKTBKT mới, hiện đại, có ứng dụng công nghệ cao.
Với chức năng, nhiệm vụ được giao, Cục Kỹ thuật CSB đã chủ động nghiên cứu, xây dựng các kế hoạch, chương trình mục tiêu cụ thể của các giai đoạn, bên cạnh tiếp nhận làm chủ VKTB, ngành Kỹ thuật CSB xác định phải triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp như: Xây dựng nguồn nhân lực kỹ thuật hiện đại; Xây dựng phương thức quản lý, khai thác, bảo đảm kỹ thuật hợp lý; Xây dựng được hệ thống văn bản pháp quy ngành Kỹ thuật, hệ thống tài liệu, quy trình công nghệ đồng bộ; Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, sáng kiến cải tiến kỹ thuật, áp dụng vào giải quyết các vấn đề thực tiễn; Giải quyết được vấn đề về vật tư kỹ thuật (khai thác, tạo nguồn, sản xuất,...); Phát huy nội lực, đồng thời phát huy các nguồn lực trong và ngoài nước để giải quyết các vấn đề kỹ thuật mới, phức tạp; Chú trọng củng cố, nâng cấp các tuyến cơ sở kỹ thuật;... Trong đó, xây dựng nguồn nhân lực kỹ thuật hiện đại là yếu tố quyết định sự thành công việc tiến lên hiện đại của Lực lượng; là cơ sở, tiền đề để thực hiện các giải pháp khác. Đảng ủy và Thủ trưởng Cục Kỹ thuật đã bám sát kế hoạch đóng mới, tiếp nhận tàu thuyền nước ngoài hỗ trợ, mua sắm VKTB, đầu tư cơ sở bảo đảm kỹ thuật, các chương trình dự án… để tham mưu, đề xuất với Đảng ủy Thủ trưởng BTL CSB trong xây dựng tổ chức, biên chế Ngành Kỹ thuật từng bước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Trong bối cảnh đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật còn thiếu, nhất là đội ngũ mũi nhọn, Cục Kỹ thuật đã phối hợp các đơn vị rà soát, đánh giá đúng số lượng, chất lượng, cơ cấu đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật ở các cấp để có kế hoạch sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực hiện có; tạo nguồn, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu trước mắt và lâu dài theo tiến trình hiện đại hóa của Lực lượng. Về giải pháp trước mắt, đã tăng cường chỉ đạo đơn vị đẩy mạnh bồi dưỡng, sử dụng tốt nhất nguồn tại chỗ; tiếp tục thực hiện việc kiêm nhiệm các ngành, các vị trí còn thiếu để không bỏ sót bất kỳ nhiệm vụ nào; khuyến khích, động viên tạo mối đoàn kết thống nhất cao trong đơn vị, tạo sức mạnh tập thể trong thực hiện nhiệm vụ để nâng cao hiệu quả, chất lượng công việc. Đồng thời, tăng cường công tác hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra của các cấp, các ngành; phát huy tinh thần khắc phục khó khăn, sự nỗ lực học tập, nâng cao trình độ mọi mặt của đội ngũ CB, NVKT. Tăng cường phát hiện, đề xuất cán bộ có kinh nghiệm, có trình độ chuyên môn và phẩm chất đạo đức tốt đối với các cấp để bổ sung lượng thiếu hụt. Về giải pháp lâu dài, chỉ đạo ngành Kỹ thuật đơn vị tiếp tục đề xuất với cấp ủy, chỉ huy về kiện toàn tổ chức, biên chế, trên tinh thần, chủ trương tinh gọn, hiệu quả. Cùng với việc tăng biên chế, quân số vẫn phải đồng thời tăng chất lượng, hiệu quả công tác.

Thiếu tướng Phan Thanh Minh - Phó Tư lệnh Cảnh sát biển chủ trì khai mạc Tập huấn Các chuyên ngành kỹ thuật năm 2017.(Ảnh: Anh Tuấn)


Chú trọng xây dựng đội ngũ chuyên gia đầu ngành, nhất là ở các lĩnh vực động cơ, tự động hóa, khí tài điện tử… cán bộ, nhân viên, thợ kỹ thuật có chuyên môn giỏi, tay nghề cao đủ khả năng làm chủ công nghệ khai thác VKTBKT mới, hiện đại có ứng dụng công nghệ cao. Thời gian qua, LL CSB được trang bị thêm nhiều tàu thuyền, trạm xưởng hiện đại; cùng với đó BTL CSB đã từng bước kiện toàn tổ chức lực lượng ngành Kỹ thuật, ưu tiên cho các đơn vị được tiếp nhận, bổ sung tàu thuyền, trạm xưởng. Cùng với kiện toàn tổ chức, biên chế; toàn Lực lượng và ngành Kỹ thuật đã tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng; xây dựng cho đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật có bản lĩnh chính trị vững vàng, lòng yêu Tổ quốc, yêu mến đơn vị, yêu nghề nghiệp, ý chí quyết tâm, tinh thần trách nhiệm cao tận tụy với công việc và động cơ trong sáng, lành mạnh. Trong đó, chú trọng công tác tuyên truyền giáo dục để đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật nhận thức rõ về vị trí, vai trò của công tác kỹ thuật; về nhiệm vụ, những thuận lợi, khó khăn của Lực lượng và ngành Kỹ thuật trong tình hình mới; làm tốt công tác tư tưởng, động viên kịp thời cán bộ, nhân viên phải thay đổi vị trí công tác, nhận nhiệm vụ mới;… Do đó, đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật luôn yên tâm công tác, có ý thức tự học tự nghiên cứu cao, nhận rõ vinh dự, trách nhiệm được giao; tình hình tư tưởng của cán bộ, nhân viên kỹ thuật luôn được giữ vững, ổn định.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện chuyển giao công nghệ đã được đặc biệt quan tâm với mục tiêu chuẩn hóa trình độ chuyên môn, tay nghề cho đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật, đáp ứng yêu cầu công tác kỹ thuật nhất là làm chủ và bảo đảm kỹ thuật cho các loại VKTBKT mới, hiện đại. Mặc dù quân số thiếu, song đã triệt để khai thác các chỉ tiêu và tạo điều kiện tối đa cho cán bộ kỹ thuật được đi đào tạo nâng cao trình độ tại các trường trong và ngoài Quân đội. Nhiều đơn vị đã chủ động gửi cán bộ, nhân viên sang các nhà máy, xí nghiệp trên địa bàn để cho cán bộ, nhân viên trạm xưởng nâng cao trình độ, tay nghề đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Trước yêu cầu cao của công tác huấn luyện chuyển giao công nghệ (tiếp nhận tàu thuyền nước ngoài hỗ trợ, tàu thuyền đóng mới ở nước ngoài và tại các nhà máy đóng tàu trong nước); ngành Kỹ thuật CSB đã tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy các cấp đối với nhiệm vụ này; trong đó, ngoài công tác tham mưu, đề xuất chuẩn bị về lực lượng, còn chú trọng công tác chuẩn bị toàn diện các yếu tố cần thiết, nhất là bồi dưỡng kiến thức cơ sở, kiến thức nền, ngoại ngữ và phương thức, kỹ năng tiếp cận kiến thức cho cán bộ, nhân viên trước khi tham gia tiếp nhận, chuyển giao, tạo cơ sở cho tiếp cận, nghiên cứu, nắm bắt kiến thức kỹ thuật chuyên ngành và đây cũng là lực lượng nòng cốt để đào tạo lại cho đơn vị.
Công tác huấn luyện kỹ thuật, tập huấn, các hội thi, hội thao ở tất cả các cấp cũng đã được thúc đẩy mạnh mẽ, được tổ chức thường xuyên, toàn diện và trở thành nền nếp quen thuộc và là một trong những phong trào đột phá của ngành Kỹ thuật. Các đơn vị đã duy trì nghiêm nền nếp, chế độ huấn luyện; bám sát phương châm “cơ bản, thiết thực, vững chắc”, “Bảo vệ chủ quyền thực thi pháp luật và xây dựng Cảnh sát biển chính quy, hiện đại làm mục tiêu huấn luyện”; chú trọng huấn luyện toàn diện và chuyên sâu, sát chức trách của từng đối tượng; chú trọng huấn luyện thực hành, những nội dung mới và xử trí tình huống trong công tác kỹ thuật. Các hội thi, hội thao đã được tổ chức thường xuyên, có chất lượng, hiệu quả thiết thực như: Hội thi tàu, xe tốt; Hội thi Mô hình học cụ chất lượng cao; Hội thi Giáo án điện tử kỹ thuật, Hội thi Chức trách, nhiệm vụ cán bộ kỹ thuật, Hội thi Thợ giỏi,… Qua các hội thi đã đánh giá thực trạng về trình độ; củng cố, bồi dưỡng kiến thức, nâng cao năng lực chỉ huy, quản lý điều hành và tổ chức thực hiện các mặt công tác kỹ thuật theo chức trách, nhiệm vụ được giao và làm cơ sở để lựa chọn nguồn cán bộ, nhân viên kỹ thuật nòng cốt tại đơn vị.
Công tác bảo đảm tài liệu đã được chú trọng, đã biên soạn, biên dịch, hiệu đính hàng trăm tài liệu, giáo trình, thuyết minh kỹ thuật phục vụ công tác huấn luyện kỹ thuật và khai thác VKTBKT, nhất là tài liệu cho các trang bị mới, các tàu đóng mới. Với các tàu đã qua sử dụng do nước ngoài hỗ trợ, hệ thống tài liệu rất ít (có tàu hầu như không có tài liệu kèm theo), Cục Kỹ thuật đã huy động nhiều lực lượng để biên dịch hoặc xây dựng lại hệ thống tài liệu phục vụ cho đơn vị khai thác sử dụng. Do đó, đã từng bước khắc phục được tình trạng thiếu tài liệu huấn luyện kỹ thuật, góp phần nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật.
Lực lượng CSB nói chung và Ngành Kỹ thuật CSB nói riêng cũng chú trọng thực hiện công tác chính sách đối với đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật, tạo điều kiện cho họ yên tâm công tác. Cục Kỹ thuật đã rà soát, tham mưu cho Thủ trưởng BTL CSB đề nghị với Bộ Quốc phòng bổ sung danh mục nghề, công việc nặng nhọc, nguy hiểm phù hợp với các công việc đặc thù của Lực lượng CSB. Kịp thời biểu dương, khen thưởng, động viên các tập thể, cá nhân có thành tích tốt trong công tác; đồng thời, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm nền nếp, chế độ trong công tác kỹ thuật, tạo nên một cơ chế làm việc nghiêm túc, công minh và khuyến khích đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật tự phấn đấu hoàn thiện bản thân, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Với những định hướng đúng đắn, quyết tâm cao và những biện pháp đồng bộ, Lực lượng kỹ thuật CSB đã từng bước phát triển kể cả về số lượng, chất lượng; khắc phục được những khó khăn trước mắt, đồng thời đề ra được những định hướng, giải pháp cơ bản lâu dài trong xây dựng nguồn nhân lực kỹ thuật, góp phần quan trọng vào nhiệm vụ hiện đại hóa và xây dựng Lực lượng Cảnh sát biển “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại và có tính chuyên nghiệp cao”, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân giao phó./.

Đại tá Nguyễn Văn Hưng - Cục trưởng Cục Kỹ thuật /BTL Cảnh sát biển

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục gửi về banbientapcsb@gmail.com