Xây dựng chính quy ngành Hậu cần Cảnh sát biển năm 2017 và những năm tiếp theo

07/02/2017 09:32:00 AM

(Canhsatbien.vn) - 

Xây dựng chính quy ngành Hậu cần CSB thực chất là thực hiện thống nhất về tổ chức, biên chế cơ quan, đơn vị hậu cần và hệ thống tiêu chuẩn, chức danh cán bộ, nhân viên (CBNV) hậu cần theo quy định; thống nhất về trang thiết bị hậu cần, về lý luận, khoa học hậu cần, về phương hướng, nội dung, phương pháp huấn luyện, đào tạo, bồi dưỡng CBNV hậu cần, về phương thức bảo đảm, về công tác quản lý hậu cần… trên cơ sơ hệ thống tiêu chuẩn chế độ và Điều lệ Công tác hậu cần Quân đội nhân dân Việt Nam.
Quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị, hướng dẫn của Bộ Quốc phòng và Tổng cục Hậu cần, từ nhận thức về xây dựng chính quy ngành Hậu cần trong Quân đội, căn cứ vào tình hình thực tiễn, Đảng ủy, chỉ huy Cục Hậu cần CSB luôn coi trọng công tác tham mưu với Đảng ủy, Thủ trưởng BTL CSB các chủ trương, biện pháp lãnh đạo xây dựng chính quy ngành Hậu cần CSB. Quá trình chỉ đạo, thực hiện được triển khai quyết liệt, nghiêm túc từ các chuyên ngành cơ quan Cục Hậu cần đến các đơn vị hậu cần CSB (BTL các Vùng, Hải đội, Cụm, Đội CSB).
Đến nay, qua hai năm triển khai thực hiện công tác xây dựng chính quy ngành Hậu cần CSB đã thu được kết quả khả quan, có nhiều chuyển biến tiến bộ. Qua kiểm tra “Đơn vị vững mạnh toàn diện năm 2016”, ngành Hậu cần CSB đã được Đảng ủy, Thủ trưởng BTL đánh giá cao về những chuyển biến tích cực trong xây dựng chính quy, đổi mới lề lối tác phong công tác và rèn luyện kỷ luật; cơ bản thực hiện tốt nền nếp, chế độ báo cáo hậu cần. Hệ thống văn kiện, kế hoạch, sổ sách hậu cần được củng cố, đăng ký, ghi chép đầy đủ, thống nhất; vật chất, trang bị hậu cần dự trữ SSCĐ thường xuyên được duy trì đúng quy định; một số đơn vị đã đầu tư, xây dựng nhà ăn nhà bếp khang trang, chính quy, đủ biển, bảng, thực hiện nghiêm chế độ thực đơn và kinh tế công khai; 100% doanh trại đã và đang được quy hoạch, xây dựng cơ bản chính quy, xanh - sạch - đẹp, có môi trường, cảnh quan hài hòa, có tính thẩm mỹ cao. Đặc biệt, thực hiện chỉ đạo của Thủ trưởng BTL, Cục Hậu cần đã phối hợp tốt với các cơ quan tư vấn, nhà sản xuất để nghiên cứu, sản xuất một số trang, thiết bị hậu cần có mẫu mã đẹp, chất lượng cao, tiện ích, an toàn trong quá trình sử dụng (inox hóa 100% bàn ghế ăn, dụng cụ cấp dưỡng trên tàu; tủ bảo ôn bảo quản lương thực, thực phẩm, rau xanh trên tàu…) bảo đảm tốt đời sống, sức khỏe bộ đội, hạn chế sự xuống cấp nhanh hay hư hỏng do điều kiện sóng gió, không khí, nước mặn phá hủy; đã xây dựng đồng bộ về thiết bị, công nghệ hệ thống quản lý, bảo quản, cấp phát, sử dụng các kho xăng dầu tại BTL Vùng CSB 1, 2, 3…

Vườn rau áp dụng mô hình bán công nghệ cao ở BTL Vùng CSB 3. (Ảnh: Đức Định)


Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm thì cũng còn một số nhược điểm hạn chế trong xây dựng chính quy hậu cần đó là: một số CBNV hậu cần nhận thức còn hạn chế, thiếu quyết tâm, trách nhiệm trong thực hiện nền nếp, chế độ chính quy như: Xây dựng, đăng ký hệ thống văn kiện, sổ sách, biểu mẫu hậu cần có khi chưa đầy đủ, kịp thời; sắp xếp phòng ở, làm việc, kho lương thực, thực phẩm, quân trang còn lộn xộn, thiếu khoa học, chưa ngăn nắp, vệ sinh chưa thường xuyên sạch sẽ…; công tác quy hoạch doanh trại, quy hoạch phân khu chức năng hậu cần có đơn vị chưa quan tâm đúng mức cho nên doanh trại chưa đẹp, thiếu sự thống nhất, chính quy, còn manh mún, chưa triệt để… Năng lực chỉ huy, khả năng điều hành, bao quát, quán xuyến công việc của một số chủ nhiệm, phó chủ nhiệm hậu cần cơ quan Vùng CSB và cán bộ trợ lý hậu cần đầu ngành còn nhiều hạn chế, vì vậy trong tổ chức triển khai thực hiện nền nếp, chế độ công tác hậu cần còn chưa thống nhất, đồng bộ, có khi còn làm thiếu, làm sai hoặc cắt xén nội dung như: thực hiện chế độ kiểm thực 3 bước, lưu nghiệm thức ăn, thực đơn, kinh tế công khai, kiểm kê, thanh-quyết toán xăng dầu… Đặc biệt trong thực hiện nền nếp, chế độ chính quy hậu cần còn biểu hiện suy nghĩ giản đơn, lệch lạc cho rằng: CBNV hậu cần hoạt động, làm việc ở nhà ăn, nhà bếp, ở vườn rau, chuồng chăn nuôi, các kho xăng dầu, doanh trại xây dựng… thường xuyên tiếp xúc với nồi niêu, xoong, chảo, tro, bụi, đất, cát, dầu, mỡ, vôi, vữa thì tránh sao được tác phong luộm thuộm, chân lấm, tay bùn, quần áo xộc xệch, do đó chỉ cần thực hiện “Chính quy phiên phiến” là được rồi! Đây là một tư tưởng “hết sức sai, lệch” cần phải được chấn chỉnh, khắc phục ngay trong thực tiễn hoạt động các mặt công tác hậu cần.
Vì vậy, trong thời gian tới để tiếp tục thực hiện tốt công tác xây dựng chính quy ngành Hậu cần CSB, góp phần tích cực cải thiện, nâng cao chất lượng bảo đảm hậu cần, bảo đảm đời sống bộ đội, cần thực hiện hiệu quả, đồng bộ một số nội dung biện pháp sau:
Một là: Phòng, Ban hậu cần các đơn vị (BTL Vùng CSB, các cụm, đội trinh sát, PCTP ma túy, hải đội, TTHL) làm tốt công tác tham mưu cho Đảng ủy, Chi ủy ra nghị quyết chuyên đề lãnh đạo “Công tác bảo đảm, xây dựng chính quy hậu cần”, làm cơ sở để cơ quan, đơn vị hậu cần lập kế hoạch phân công, tổ chức triển khai thực hiện. Đây là điều kiện tiên quyết để thống nhất và tạo nên sức mạnh tổng hợp tập trung sức lãnh đạo của các cấp ủy đảng, đồng thời cũng thể hiện sự đổi mới, khả năng bao quát toàn diện trong nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức đảng đối với công tác xây dựng chính quy hậu cần.
Hai là: Tăng cường đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong toàn đơn vị, trước hết là đội ngũ cán bộ, nhân viên, chiến sĩ hậu cần để có nhận thức đầy đủ, đúng đắn về sự cần thiết phải xây dựng chính quy ngành hậu cần gắn với xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện. Quán triệt đầy đủ và tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, từ đó giáo dục tinh thần tự giác, tính tổ chức kỷ luật, tính khoa học, sự tận tâm, tận lực về quan điểm phục vụ trong mọi hoạt động công tác hậu cần. Xây dựng quan điểm “cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư” tạo sự đồng thuận, thống nhất cao về ý chí và hành động để quyết tâm thực hiện tốt các nội dung xây dựng chính quy ngành Hậu cần CSB.
Ba là: Đối với cấp ủy, chỉ huy các đơn vị phải quán triệt, thực hiện nghiêm túc mệnh lệnh, chỉ thị của Đảng ủy, Thủ trưởng BTL CSB, hướng dẫn chỉ đạo của Cục Hậu cần về công tác bảo đảm hậu cần nói chung và công tác xây dựng chính quy hậu cần nói riêng. Xác định tốt vai trò, trách nhiệm, thường xuyên nghiên cứu, đổi mới, phát hiện những nội dung cần tập trung, củng cố xây dựng chính quy công tác hậu cần của đơn vị mình. Xây dựng kế hoạch, tiến trình biểu (lộ trình) chi tiết phân công cán bộ phụ trách cụ thể, tổ chức thực hiện tích cực, dứt điểm, đảm bảo sát đúng, đồng bộ từng nội dung, hạng mục, tránh tình trạng dàn trải, đại khái, chung chung. Tùy điều kiện cụ thể để xây dựng quy hoạch một cách khoa học, phân khu chức năng hậu cần (nhà ăn, nhà bếp, hệ thống vườn, ao, chuồng, giàn,…) trên cơ sở sử dụng tiết kiệm, hợp lý, hiệu quả kinh phí đầu tư tăng gia sản xuất được cấp để xây dựng các hạng mục thiết thực, vừa mang tính cơ bản lâu dài, vừa phù hợp với quy hoạch chung của tổng thể doanh trại đơn vị.
Bốn là: Cơ quan, đơn vị hậu cần các cấp trong LL CSB (từ Cục Hậu cần đến đơn vị cơ sở) phải xác định đầy đủ nội dung, tiêu chí, xây dựng chính quy ngành như: chính quy về hệ thống văn kiện, sổ sách; về tiêu chuẩn - chế độ công tác hậu cần… chính quy trong nhà ăn, nhà bếp, nhà kho (đảm bảo thông thoáng, sạch, dễ thấy, dễ lấy, dễ kiểm tra); sự đồng bộ, thống nhất về các trang, thiết bị hậu cần, để quyết tâm củng cố, hoàn thiện và thường xuyên duy trì, thực hiện tốt nền nếp chính quy hậu cần, đảm bảo thực chất, tránh hiện tượng chiếu lệ, hình thức, thiếu tính cơ bản, lâu dài.
Hàng quí, hàng năm phải rà soát, bổ sung, xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn kiện hậu cần bảo đảm tác chiến đúng, đủ theo quy định (A, A3, … chống cướp biển), kế hoạch hậu cần thực hiện nhiệm vụ đột xuất (phòng chống bão lụt, TKCH-CN, …) và các kế hoạch hậu cần thường xuyên. Luôn coi trọng và nêu cao tính kế hoạch trong mọi hoạt động công tác bảo đảm hậu cần, kết hợp chặt chẽ với công tác kiểm tra, đôn đốc để kịp thời phát hiện, khắc phục và chấn chỉnh tác phong làm việc thiếu khoa học, qua loa, đại khái và những biểu hiện sai trái, quyết tâm đưa công tác hậu cần vào nền nếp. Tập trung củng cố, duy trì đầy đủ hệ thống sổ sách, biểu mẫu hậu cần, thực hiện tốt nội dung đăng kí, thống kê, ghi chép theo quy định. Mọi cán bộ, nhân viên hậu cần CSB phải nắm chắc tiêu chuẩn, chế độ và phổ biến, công khai cho mọi cán bộ, nhân viên, chiến sĩ trong đơn vị, thực hiện nhiệm vụ cấp phát, bảo đảm đúng, đủ, chính xác cho bộ đội, thể hiện tốt quan điểm phục vụ như Bác Hồ đã dạy: “Các chú phải làm thế nào một bát gạo, một đồng tiền, một viên đạn, một viên thuốc, một tấc vải phải đi thẳng đến chiến sĩ. Đó là bổn phận của các chú …”
Năm là: Chú trọng công tác bồi dưỡng, tập huấn và kiểm tra chuyên ngành, chuyên sâu nhằm xây dựng đội ngũ CBNV, chiến sĩ hậu cần có trình độ nghiệp vụ vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, quan điểm phục vụ đúng đắn, tác phong công tác ngày càng chính quy. Kết hợp đánh giá, đề xuất, kiện toàn tổ chức biên chế ngành hậu cần vững mạnh, đảm bảo phù hợp với chủ trương của Đảng ủy, BTL CSB về xây dựng lực lượng “tinh, gọn, mạnh”, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
Làm tốt công tác huấn luyện, tập huấn để xây dựng đội ngũ CBNV, chiến sĩ hậu cần “vừa hồng, vừa chuyên”, làm nòng cốt trong thực hiện chính quy hậu cần ở đơn vị. Kết hợp đánh giá, lựa chọn, tham mưu đề xuất với Đảng ủy, Thủ trưởng BTL CSB xét duyệt gửi đi đào tạo, bồi dưỡng, tạo nguồn CBNV hậu cần. Thường xuyên đề xuất kiện toàn tổ chức, biên chế, sắp xếp hợp lý theo đúng chức danh, ngành nghề đào tạo đảm bảo số lượng đủ, chất lượng cao đội ngũ CBNV, chiến sĩ hậu cần có đủ sức mạnh hoàn thành nhiệm vụ công tác bảo đảm hậu cần với năng suất, chất lượng và hiệu quả ngày càng cao.
Tóm lại, xây dựng chính quy ngành Hậu cần CSB là một yêu cầu cần thiết khách quan và hết sức quan trọng không thể thiếu được trong công tác tổ chức bảo đảm hậu cần và có mối liên hệ hữu cơ, góp phần tích cực trong các yêu cầu, nội dung xây dựng cơ quan, đơn vị CSB chính quy, vững mạnh toàn diện. Hoạt động bảo đảm hậu cần mang tính tập thể, tính đa dạng, phức tạp, có quy mô và nội dung rộng lớn, liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành. Vì vậy xây dựng chính quy ngành Hậu cần CSB tốt sẽ giúp cho quá trình chỉ huy, chỉ đạo, thực hiện công tác bảo đảm hậu cần được thống nhất, khoa học, đạt được mục tiêu, chất lượng và hiệu quả cao nhất./.

Đại tá Phạm Tất Đạt - Phó Chủ nhiệm Hậu cần CSB

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục gửi về banbientapcsb@gmail.com