Những sự kiện nổi bật của khối NCSX Viettel 2017

05/01/2018 03:45:00 PM

(Canhsatbien.vn) - 

Năm 2017, doanh thu khối NCSX của Viettel đạt 12.500 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận từ NCXS thiết bị đạt hơn 5.000 tỷ đồng. Đây là lĩnh vực kinh doanh mới có tốc độ tăng trưởng rất cao và là một trong những trụ cột của một "Viettel mới"

1 - Viettel cùng Đại học Quốc gia Hà Nội ra mắt Viện Công nghệ Hàng không Vũ trụ

Ngày 18/12/2017, Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp với Viettel đã tổ chức Lễ ra mắt Viện Công nghệ Hàng không Vũ trụ. Đây là lần đầu tiên Việt Nam có một trường đào tạo bậc đại học và sau đại học để phát triển nguồn lực chất lượng cao, thúc đẩy nghiên cứu và phát triển các công nghệ, sản phẩm khoa học chủ lực trong lĩnh vực hàng không vũ trụ, đáp ứng yêu cầu dân sự và an ninh - quốc phòng của đất nước.
Việc thành lập Viện Công nghệ hàng không vũ trụ là một điểm khởi đầu cho một hành trình mới của Việt Nam, mà theo Tổng Giám đốc Nguyễn Mạnh Hùng, là “điểm khởi đầu của một truyền thống mới, đó là người Việt Nam có thể khám phá và chinh phục không gian”.
2 - Ra mắt máy bay không người lái hạng nhẹ VUA-SC-6G cất hạ cánh thẳng đứng

Năm 2017, Viện Hàng không vũ trụ Viettel đã nghiên cứu chế tạo và bay thành công phương tiện VUA-SC-6G, có khả năng bay liên tục lên 6 giờ đồng hồ, có dù cứu hộ và đặc biệt là khả năng cất, hạ cánh thẳng đứng. Trước đây, máy bay không người lái của Việt Nam có thời gian bay 3 giờ đồng và cần đến đường băng và hệ thống máy phóng, lưới thu để cất và hạ cánh.
Thực tế sử dụng cho mục đích giám sát tình trạng rừng; tuần tra chống buôn lậu biên giới, cứu nạn trên biển… cho thấy, phần lớn thời gian các UAV do Viettel sản xuất phải hoạt động trong điều kiện địa hình phức tạp. Do đó, việc ra mắt máy bay không người lái hạng nhẹ VUA-SC-6G cất hạ cánh thẳng đứng là bước tiến quan trọng của lĩnh vực sản xuất thiết bị bay Viettel.
3 - Thiết bị cứu nạn VPLB của Viettel chính thức được cấp phép quốc tế

VIETTEL -2018.4.11-3jpg

Ngày 2/11/2017, Cospas-Sarsat, hệ thống thông tin vệ tinh toàn cầu, cung cấp thông tin báo động cấp cứu và vị trí trợ giúp hoạt động tìm kiếm cứu nạn, đã cấp chứng chỉ hợp chuẩn quốc tế đối với thiết bị báo hiệu cứu nạn cá nhân Viettel. Việt Nam trở thành nước đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á và là nước thứ 5 trong khu vực Châu Á được công nhận có sản phẩm nằm trong hệ thống quốc tế này.
Thiết bị báo hiệu cứu nạn cá nhân VPLB - Viettel personal location beacon, sử dụng trong các tình huống khẩn cấp trên biển hoặc đất liền, có khả năng phát tín hiệu liên tục trong 36 tiếng lên hệ thống vệ tinh quốc tế Cospas-Sarsat để truyền đến các trung tâm cứu hộ. Thiết bị phù hợp cho các ngư dân đánh bắt cá xa bờ cũng như các chiến sĩ phòng không không quân khi gặp phải sự cố cần xác định vị trí.
4 - Sản xuất thành công Điện thoại bảo mật VIPPhone

Từ tháng 8/2017, VIPPhone, chiếc điện thoại bảo mật do Viettel sản xuất đã được chuyển đến tay những khách hàng đầu tiên chính là những cán bộ quản lý trong Tập đoàn.
Là sản phẩm được Viettel tận dụng lợi thế nhà mạng - nhà công nghệ làm điện thoại để sản xuất, nên thay vì chỉ sử dụng 1-2 phương án bảo vệ cho người dùng như các thiết bị trên thế giới, VIPPhone tạo ra 6 lớp lá chắn an toàn thông tin như không lưu trữ dữ liệu trên server, có cơ chế xác thực bằng chữ ký số, có chip bảo mật riêng, sử dụng thuật toán an toàn nhất thế giới để các siêu máy tính không thể giải mã, liên tục sinh ra mã bảo mật trong từng cuộc gọi, có tính năng hủy dữ liệu từ xa khi cần.
5 - Làm chủ và xuất khẩu thành công thiết bị 4G và hệ thống tính cước thời gian thực

Ngày 1/6/2017, Viettel sản xuất thành công Hệ thống tính cước thời gian thực vOCS 3.0. Đây là cột mốc đưa Việt Nam trở thành một trong số ít các quốc gia sản xuất OCS lớn nhất thế giới. Ngày 29/7/2017, Telemor – thương hiệu Viettel tại Đông Timor đã trở thành nhà mạng đầu tiên đưa thiết bị mạng 4G Viettel sản xuất vào sử dụng. Tháng 11/2017, các thiết bị 4G này tiếp tục được đưa vào mạng lưới Viettel, bước đầu hiện thực hóa ước nguyện xây dựng mạng lưới hoàn toàn “dùng hàng Việt” của các doanh nghiệp viễn thông Việt Nam nói riêng của người Việt Nam nói chung. Sự kiện đánh dấu cột mốc Viettel chính thức tham gia vào lĩnh vực sản xuất và cung cấp thiết bị mạng viễn thông – một lĩnh vực mà hiện trên thế giới chỉ còn có 5 nhà cung cấp.
Trước đó, Viettel đã sản xuất được hệ thống quản lý khách hàng, hệ thống tổng đài chuyển mạch 3G, hệ thống tổng đài tin nhắn kết hợp với hệ thống chặn lọc tin nhắn rác.
6 - Viettel đi thẳng vào nghiên cứu các công nghệ hiện đại nhất trên thế giới, làm chủ nhiều công nghệ quan trọng

Năm 2017, nhiều công nghệ lõi đã được các kỹ sư Viettel nghiên cứu và đạt được những thành qua ban đầu như công nghệ chế tạo giao liên cao tần không tiếp xúc, công nghệ ăng ten mảng pha băng tần L, công nghệ chế tạo ống kính hồng ngoại đa trường nhìn, công nghệ thu thập xử lý thông tin cảm biến ảnh nhiệt (video engine), công nghệ tính toán, hiển thị hình ảnh 3D và hiệu ứng cho các hệ thống mô phỏng; công nghệ mô phỏng chuyển động 6 bậc tự do…
Nổi bật trong số này, công nghệ lõi về ăng ten mảng pha là cơ sở để trong năm 2018, Viettel làm chủ radar 3D - loại ra đa hiện đại nhất thế giới hiện nay. Công nghệ chế tạo ống kính hồng ngoại đa trường sẽ giúp làm chủ hoàn toàn việc chế tạo thiết bị giám sát bằng hình ảnh tân tiến nhất với cự ly quan sát thay đổi. Công nghệ hiển thị hình ảnh 3D; công nghệ mô phỏng chuyển động 6 bậc tự do là những nền tảng giúp xây dựng hiệu ứng hình ảnh, chuyển động của đối tượng mô phỏng như thật…

Minh Châu

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục gửi về banbientapcsb@gmail.com