26/02/2024 02:31:00 PM
(Canhsatbien.vn) -
Ngày 05/3/2004, Vùng 3 Cảnh sát biển (tiền thân của Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2) được thành lập, đây là dấu mốc quan trọng, khởi đầu cho sự phát triển của lực lượng thực thi pháp luật trên vùng biển chiến lược miền Trung, góp phần cùng các lực lượng khác bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc.
Suốt 20 năm xây dựng, phát triển, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2 luôn quán triệt, thực hiện nghiêm đường lối quân sự, quốc phòng của Đảng và Nhà nước; tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra, kiểm soát với hành trình hàng trăm nghìn hải lý an toàn; chủ động phát hiện, xử lý hiệu quả, đúng pháp luật các vụ việc vi phạm, tội phạm trên biển, xâm phạm chủ quyền vùng biển, đảo của nước ta. Từ khi thành lập đến nay, Bộ Tư lệnh Vùng đã tiến hành kiểm tra hơn 2.200 lượt tàu, thuyền các loại; bắt giữ, xử lý 33 vụ việc gian lận thương mại, tịch thu, nộp ngân sách Nhà nước hơn 200 tỉ đồng; tuyên truyền, xua đuổi hơn 3.500 lượt tàu cá nước ngoài, theo dõi trên 15 lượt giàn khoan, 20 lượt/chiếc tàu nghiên cứu thăm dò của nước ngoài hoạt động xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền vùng biển Việt Nam. Đồng thời, tham gia trực sẵn sàng chiến đấu tại khu vực biển miền Trung, Trường Sa, Nhà giàn DK1; tích cực tham gia tìm kiếm cứu nạn, bảo vệ môi trường, ứng phó với các sự cố trên biển. Ghi nhận những thành tích đã đạt được, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2 đã vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba (năm 2014), Huân chương Chiến công hạng Ba (năm 2018) và nhiều tập thể, cá nhân được trao tặng các phần thưởng cao quý[1].
Biên đội tàu Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2 thực hiện nhiệm vụ trên biển.
Từ thực tiễn thực thi pháp luật trên vùng biển được phân công, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2 rút ra nhiều kinh nghiệm quý báu. Trong đó, gắn công tác tuyên truyền với thực thi pháp luật trên biển là bài học xuyên suốt và được Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Vùng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ, hiệu quả.
Trung tướng Nguyễn Trọng Bình - Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam kiểm tra tàu CSB 8002/Hải đoàn 21/Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2.
Để phát huy sức mạnh tổng hợp trong công tác thực thi pháp luật trên biển, Bộ Tư lệnh Vùng chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn về quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ta và quốc tế về biển, đảo. Theo đó, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Vùng đã chủ động ký kết các quy chế phối hợp với cấp ủy, chính quyền, sở, ban, ngành các địa phương trên địa bàn, tạo khung pháp lý, cơ chế, nguồn lực cho công tác tuyên truyền[2]. Trên cơ sở đó, hằng năm Vùng đã cụ thể hóa thành các chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo sát đúng; xây dựng kế hoạch phối hợp thực hiện chặt chẽ cho từng thời điểm, từng giai đoạn, theo phân cấp. Để tăng nội dung tuyên truyền, tránh chồng chéo, Vùng phối hợp chặt chẽ với Vùng 3 Hải quân, Bộ đội Biên phòng các tỉnh trên địa bàn để xây dựng nội dung, kế hoạch tuyên truyền phù hợp. Trong thực hiện, Vùng chú trọng lựa chọn nội dung tuyên truyền phù hợp từng đối tượng; tích cực đổi mới hình thức, phương pháp tuyên truyền theo hướng phong phú, đa dạng, sáng tạo, gắn với chức năng, nhiệm vụ của Vùng và từng đơn vị. Nắm bắt nhu cầu tìm hiểu pháp luật của từng nhóm đối tượng và đặc điểm cụ thể của các địa phương, Vùng chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thường xuyên tuyên truyền, phổ biến những kiến thức cơ bản, cập nhật những nội dung mới của luật pháp quốc tế và Việt Nam về biển, đảo, như: Công ước Luật Biển năm 1982; Luật Biển Việt Nam năm 2012, Luật Thủy sản; Luật Phòng chống tội phạm ma túy; Luật Cảnh sát biển Việt Nam, ... Đồng thời, tăng cường tuyên truyền theo chuyên đề về chống đánh bắt hải sản trái phép trên vùng biển nước ngoài, việc đánh bắt hải sản có tính chất tận diệt và phá hoại môi trường sinh thái biển, ... Trong từng nội dung, Vùng yêu cầu các đơn vị không chỉ bảo đảm trang bị kiến thức mà còn liên hệ sát thực tiễn, định hướng tư tưởng, xác định tốt trách nhiệm cho từng đối tượng trong chấp hành pháp luật, gắn với cuộc sống thường ngày của họ, nhất là ngư dân trên địa bàn.
Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2 đã có nhiều cách làm hay trong tuyên truyền, phổ biến Luật Cảnh sát biển Việt Nam - Ảnh: Học sinh tại thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam tham quan, thực hiện nghi lễ chào cờ trên tàu CSB 8002.
Về hình thức, phương pháp, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2 chú trọng tăng tính đa dạng, trực quan, dễ hiểu, hấp dẫn, bám sát đối tượng để nâng cao chất lượng, hiệu quả tuyên truyền. Thực hiện tốt việc lồng ghép nội dung tuyên truyền trong các buổi sinh hoạt tập trung của chính quyền, đoàn thể địa phương; kết hợp tuyên truyền miệng với các hình thức khác, như: thi tìm hiểu, giao lưu văn hóa, văn nghệ, xây dựng video theo chủ đề,… để làm mềm hóa nội dung, tăng tính hấp dẫn cho người nghe. Đặc biệt, Bộ Tư lệnh Vùng đã phối hợp với các địa phương tổ chức thành công nhiều cuộc thi “Em yêu biển đảo quê hương” ở các trường học với nội dung phong phú, đa dạng, hấp dẫn, thu hút đông đảo giáo viên, học sinh tham gia, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong nhân dân. Thông qua các hoạt động kết nghĩa, công tác dân vận, thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra, kiểm soát để cấp phát hàng nghìn tờ rơi, tờ gấp, sách, cẩm nang tuyên truyền cho các đối tượng. Các tổ, đội tuyên truyền của Vùng phát huy tốt vai trò, bám sát cơ sở, đến từng tàu cá ngư dân để cấp phát tờ rơi, trực tiếp trao đổi, hướng dẫn cho họ chấp hành nghiêm pháp luật trong quá trình đánh bắt hải sản. Vùng còn thường xuyên quan tâm thực hiện tốt công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng của Trung ương, địa phương; triển khai hiệu quả chuyên mục “Vì chủ quyền, an ninh, an toàn biển, đảo” trên sóng đài truyền hình các tỉnh, thành phố ven biển trên địa bàn; tổ chức cho hàng trăm lượt phóng viên trong nước và quốc tế tác nghiệp tại thực địa. Với sự kiên trì, nỗ lực của cán bộ, chiến sĩ Vùng và các lực lượng trong công tác tuyên truyền đã góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương đối với công tác bảo vệ chủ quyền, an ninh, an toàn biển, đảo; tích cực hợp tác, cung cấp cho Bộ Tư lệnh Vùng hàng trăm tin báo có giá trị về tình hình tội phạm, những vi phạm trên biển.
Tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho ngư dân trên biển.
Công tác tuyên truyền theo chuyên đề gắn với các nhiệm vụ thực thi pháp luật, đấu tranh phòng, chống vi phạm, tội phạm trên biển luôn được Bộ Tư lệnh Vùng chú trọng, triển khai hiệu quả. Thực hiện nhiệm vụ trên vùng biển rộng, tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp gây mất ổn định về an ninh chính trị và an ninh trật tự, cán bộ, chiến sĩ của Vùng luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, nhận rõ âm mưu, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng thù địch; chủ động phát hiện và mưu trí, dũng cảm, kiên quyết tấn công địch, tấn công tội phạm. Thường xuyên tổ chức tốt việc tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, duy trì thực thi pháp luật, bảo vệ an ninh, an toàn, chủ quyền biển, đảo. Tích cực nắm bắt, trao đổi thông tin với các cơ quan, lực lượng chức năng có liên quan (Bộ đội Biên phòng, Hải quân, Kiểm ngư, Công an, Hải quan, Quản lý thị trường, Thuế,...) các bộ, ngành ở Trung ương và 6 tỉnh, thành ven biển từ Quảng Trị đến Bình Định để chủ động phát hiện, xử lý hiệu quả, đúng pháp luật các vụ việc vi phạm, tội phạm trên biển. Với tinh thần luôn chủ động sáng tạo trong công tác, nhạy bén, linh hoạt trong đấu tranh, xử lý nhanh nhạy, kịp thời các tình huống, không để bị động, bất ngờ, cán bộ, chiến sĩ của Vùng kiên quyết đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm trên biển, nhất là, chống buôn lậu và gian lận thương mại, phòng chống tội phạm ma túy, ...
Song song với việc phát hiện, xử lý vi phạm, tội phạm, các biên đội tàu làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên biển đã làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho nhân dân lao động, hoạt động trên biển. Các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh công tác tuyên truyền gắn với hoạt động thực thi pháp luật trên biển, làm điểm tựa pháp lý vững chắc cho ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển, thực hiện “chủ quyền dân sự” trên các ngư trường truyền thống của đất nước. Cán bộ, chiến sĩ của Vùng đã đến từng tàu, thuyền, ngay trên ngư trường để trực tiếp tuyên truyền phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại; phòng, chống ma túy, đánh bắt hải sản tận diệt, ... Tuyên truyền, hướng dẫn ngư dân không khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài và vùng biển quốc tế, không báo cáo và không theo quy định (IUU); nhấn mạnh các biện pháp chế tài và hình thức xử phạt của pháp luật Việt Nam cũng như các nước trong khu vực về các hành vi đánh cá bất hợp pháp. Qua đó, góp phần làm cho ngư dân chấp hành tốt hơn việc thực hiện các quy định về cấm đánh bắt thủy sản trong vùng biển nước ngoài; thực hiện tốt việc đăng ký, đăng kiểm phương tiện; bố trí đầy đủ hơn các loại trang thiết bị cứu sinh, cứu hỏa trên tàu thuyền; khai báo, đăng ký về việc ra, vào cảng theo quy định; tình trạng thuyền viên thiếu bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn đã giảm đáng kể so với trước đây; tích cực tham gia tố giác tội phạm. Trên ngư trường, Vùng thường xuyên tổ chức tàu tuần tra, canh, trực, nhất là tại các khu vực biển chồng lấn; phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chấp pháp khác trên biển, tăng cường tuần tra, kiểm tra các hoạt động của tàu thuyền, phát hiện, xác minh, điều tra, xử lý nghiêm các trường hợp tổ chức hoặc môi giới đưa tàu cá và ngư dân ra nước ngoài, ... Nhờ đó, thời gian gần đây, số lượng tàu, thuyền của ngư dân đánh bắt hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài đã giảm hẳn.
Cùng với đó, Bộ Tư lệnh Vùng tăng cường các hoạt động tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, tuyên truyền đặc biệt, yêu cầu tàu thuyền nước ngoài vi phạm chủ quyền Việt Nam ra khỏi vùng biển nước ta, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định trên vùng biển Vùng quản lý tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế, xã hội. Vùng thường xuyên duy trì lực lượng trực ở các vùng biển trọng điểm; phối hợp chặt chẽ với các đơn vị trong lực lượng Cảnh sát biển và các lực lượng khác, trực tiếp là Bộ Tư lệnh Hải quân, Bộ đội Biên phòng để phát hiện, xử lý kịp thời, hiệu quả các vụ việc xảy ra trên biển, bảo đảm đúng pháp luật Việt Nam và luật pháp quốc tế. Đồng thời, triển khai thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn trên biển, nhất là ở vùng biển xa, tạo điều kiện cho các ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển, giữ vững ngư trường. Nắm vững và vận dụng đúng đắn, sáng tạo, khôn khéo các chủ trương, đối sách, Bộ Tư lệnh Vùng đã chủ trì, phối hợp với các lực lượng phát hiện, dũng cảm, kiên trì, kiên quyết đấu tranh, tuyên truyền đặc biệt, yêu cầu tàu, thuyền nước ngoài vi phạm rời khỏi chủ quyền vùng biển của ta, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định trên vùng biển Vùng quản lý, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc, tô thắm thêm truyền thống 20 năm vẻ vang của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2./.
Đại tá LÊ HUY SINH
Chính ủy Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2
[1] - Tiêu biểu như: Các Tàu Cảnh sát biển 4032, 4033 được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba (năm 2014)...
[2] - Nổi bật là, Thường vụ Đảng ủy Vùng đã ký kết với Ban Thường vụ Tỉnh ủy các tỉnh: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Trị trong phối hợp thực hiện Chương trình công tác dân vận: “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân”; phối hợp với Ban Tuyên giáo 06 tỉnh trên địa bàn xây dựng, triển khai thực hiện Kế hoạch Phối hợp tổ chức Hội nghị tuyên truyền cho ngư dân không vi phạm vùng biển nước ngoài khi đánh bắt hải sản, v.v.