Cảnh sát biển Việt Nam đẩy mạnh hợp tác quốc tế, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm, vi phạm trên biển

01/10/2019 03:34:00 AM

(Canhsatbien.vn) - 

Trong thời gian qua, Cảnh sát biển Việt Nam luôn quán triệt sâu sắc đường lối, chính sách đối ngoại quốc phòng, tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về công tác đối ngoại Cảnh sát biển, đã góp phần tạo nên hình ảnh của một quốc gia có trách nhiệm trong đối phó với các vấn đề an ninh truyền thống, phi truyền thống, giữ gìn an ninh, an toàn hàng hải và phát huy sức mạnh quốc tế trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Hiện nay, Cảnh sát biển Việt Nam có quan hệ song phương, đa phương với lực lượng thực thi pháp luật và Cảnh sát biển của nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Trong đó, Cảnh sát biển Việt Nam đại diện cho Chính phủ Việt Nam tham gia Hiệp định liên chính phủ về chia sẻ thông tin chống cướp biển, cướp có vũ trang chống lại tàu thuyền tại châu Á; là thành viên của Hội nghị Những người đứng đầu lực lượng thực thi pháp luật trên biển các nước châu Á; đại diện cho Việt Nam tham gia Sáng kiến Thực thi pháp luật trên biển vịnh Thái Lan...; Cảnh sát biển Việt Nam có một Trung tâm Trao đổi thông tin liên lạc, duy trì hoạt động chia sẻ thông tin về tình hình an ninh hàng hải, cướp biển, cướp có vũ trang, tìm kiếm cứu nạn với lực lượng thực thi pháp luật của 20 quốc gia; duy trì đường dây nóng với 07 quốc gia trong khu vực liên quan đến Biển Đông; duy trì hoạt động tuần tra song phương, giám sát nghề cá giữa Việt Nam và Trung Quốc ở khu vực vịnh Bắc bộ hằng năm, góp phần xây dựng mối quan hệ đoàn kết, thân thiện giữa Lực lượng Cảnh sát biển của hai nước Việt - Trung.

Cảnh sát biển Việt Nam và Lực lượng Bảo vệ bờ biển Ấn Độ ký biên bản hợp tác song phương. (Ảnh: Nguyễn Lương)

Trong hợp tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm trên biển, Cảnh sát biển Việt Nam đã phối hợp với cơ quan chức năng các nước Trung Quốc, Malaysia, Indonesia...xử lý 3 vụ/11 tàu (vụ tàu Chalotte, tàu Pacific Ocean, vụ tàu Pacific Ocean và tàu vỏ sắt không số hiệu, vụ 7 tàu Trung Quốc chở thực phẩm đông lạnh).

Cụ thể là, ngày 04/10/2017, tại vùng biển cách Nam Cồn Cỏ 5 hải lý, kiểm tra tàu Charlotte (quốc tịch Singapore) trên tàu có 15 thuyền viên (14 thuyền viên quốc tịch Indonesia, 1 thuyền viên quốc tịch Singapore) đang vận chuyển 8.929.689 lít dầu DO và tàu Pacific Ocean không chở hàng, trên tàu có 16 thuyền viên (15 thuyền viên quốc tịch Indonesia, 1 thuyền viên quốc tịch Singapore). Hai tàu trên cập mạn trái phép trong vùng nội thủy Việt Nam, tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính và phát mại hàng hóa thu nộp ngân sách Nhà nước hơn 89 tỷ đồng; Ngày 11/4/2018, tại khu vực biển cách Đông Bắc Đèo Ngang 45 hải lý, thuộc vùng biển Việt Nam, tàu Pacific Ocean đang thả neo và sang mạn dầu cho 1 tàu vỏ sắt không số hiệu; cả 2 tàu không treo cờ quốc tịch. Tại thời điểm kiểm tra trên 2 tàu đang vận chuyển 4.979.068 lít dầu DO, thuyền trưởng và các thuyền viên trên 2 tàu không xuất trình được giấy tờ, tài liệu chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa. Cảnh sát biển Việt Nam đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính và phát mại hàng hóa thu nộp ngân sách Nhà nước hơn 57 tỷ đồng; Ngày 16/12/2018, tại vùng biển cách Đông Nam Đảo Trần khoảng 4 hải lý, phía Tây đường phân định vịnh Bắc bộ khoảng 11,4 hải lý, thuộc khu vực hòn Bồ Cát, Đảo Trần, Quảng Ninh, lực lượng chức năng Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 1 phát hiện 7 tàu vỏ sắt, kiểu dáng tàu cá Trung Quốc có dấu hiệu vi phạm pháp luật Việt Nam. Trên 7 tàu đang vận chuyển thịt trâu, thực phẩm đông lạnh, là hàng tạm nhập tái xuất từ cửa khẩu cảng Vạn Gia, Quảng Ninh sang cảng Bạch Long, Trung Quốc (theo lời khai của các thuyền viên và hồ sơ hàng hóa trên tàu). Thuyền trưởng các tàu xuất trình một số giấy tờ liên quan và trình bày hàng hóa được vận chuyển là của “ông chủ người Trung Quốc”. Thực hiện Bản ghi nhớ hợp tác giữa Cảnh sát biển Việt Nam và Cảnh sát biển Trung Quốc, sau khi trao đổi, thống nhất với Cảnh sát biển Trung Quốc qua đường dây nóng, ngày 21/12/2018, Cảnh sát biển Việt Nam đã bàn giao toàn bộ vụ việc cho Cảnh sát biển Trung Quốc. Theo đề nghị cung cấp thông tin kết quả xử lý vụ việc của Cảnh sát biển Việt Nam, ngày 01/4/2019, Cảnh sát biển Trung Quốc đã có thư trả lời xác định: “Toàn bộ đối tượng có liên quan trong vụ án đã vi phạm pháp luật Trung Quốc, tội danh buôn lậu. Cảnh sát biển Trung Quốc đã hoàn chỉnh xong hồ sơ vụ án và bàn giao cho Viện Kiểm sát tiến hành khởi tố”.

Cảnh sát biển Việt Nam cũng đã giải cứu thành công 3 vụ cướp biển: vụ 11 tên cướp biển quốc tịch Indonesia cướp tàu Zafirah quốc tịch Malaysia; vụ tàu Sunrise 689 quốc tịch Việt Nam bị cướp trên vùng biển giáp ranh giữa 3 nước Singapo - Malaysia - Thái Lan; vụ tàu Orkim Hamony quốc tịch Malaysia chở hơn 6.000 tấn xăng bị 8 đối tượng quốc tịch Indonesia cướp.

Trong thời gian tới, để tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nhất là Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng về công tác đối ngoại, đảm bảo an ninh quốc gia, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên biển; Nghị quyết số 36-NQ/TW của Đảng về “Chiến lược Phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” và nội dung hợp tác quốc tế của Cảnh sát biển Việt Nam được quy định tại Luật Cảnh sát biển Việt Nam năm 2018, thông qua các mối quan hệ hợp tác quốc tế, Cảnh sát biển Việt Nam tiếp thu được nhiều kinh nghiệm quý, vận dụng thiết thực vào việc xây dựng và thực hiện nhiệm vụ; đồng thời, góp phần tăng cường công tác đối ngoại quốc phòng, nâng cao uy tín, vị thế của Cảnh sát biển Việt Nam, Quân đội Việt Nam và đất nước ở khu vực cũng như trên trường quốc tế.

Như chúng ta đã biết, biển Việt Nam có vị trí chiến lược ngày càng quan trọng, nên tình trạng tranh chấp chủ quyền các vùng biển trong khu vực ngày càng gay gắt. Trên vùng biển nước ta, hoạt động thăm dò, khai thác tài nguyên, thủy sản trái pháp luật của tàu, thuyền nước ngoài diễn ra phức tạp. Mặt khác, lợi dụng vùng biển rộng, Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam mỏng, các loại tội phạm như: cướp biển, buôn bán, vận chuyển ma túy, buôn bán vũ khí, chất nổ,... hoạt động ngày một tinh vi, manh động. Trước tình hình đó, để duy trì nghiêm luật pháp, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh các vùng biển, thềm lục địa của Tổ quốc, cùng với các biện pháp nghiệp vụ, Cảnh sát biển Việt Nam cũng rất coi trọng tăng cường mở rộng hợp tác quốc tế, đưa các mối quan hệ phát triển cả bề rộng và chiều sâu, hiệu quả, thiết thực; tập trung vào một số vấn đề chủ yếu sau:

Một là, đẩy mạnh giáo dục nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ, chiến sĩ về quan điểm, đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước. 

Nhiệm vụ hợp tác quốc tế của Cảnh sát biển Việt Nam chính là sự cụ thể hóa đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta; do đội ngũ cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam là những người trực tiếp thực hiện. Đây cũng là công việc hệ trọng có liên quan trực tiếp đến vấn đề chủ quyền, an ninh biển, đảo của đất nước. Nếu trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, đội ngũ cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển nắm không chắc quan điểm, đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước sẽ dễ bị chệch hướng, ảnh hưởng trực tiếp tới chủ quyền, an ninh biển, đảo của Tổ quốc; tới hình ảnh, vị thế của Việt Nam trong khu vực và thế giới. Chính vì thế, giáo dục nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển về quan điểm, đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước có ý nghĩa quyết định đến hiệu quả thực hiện nhiệm vụ hợp tác quốc tế. Trọng tâm của công tác giáo dục, bồi dưỡng cho cán bộ, chiến sĩ hiện nay là về đường lối, chính sách đối ngoại “độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế… Nhiệm vụ của công tác đối ngoại là giữ vững môi trường hòa bình, thuận lợi cho đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ…”. Đồng thời, tiếp tục bồi dưỡng cho bộ đội những kiến thức cơ bản về Luật Biên giới quốc gia, Công ước của Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982, Luật Biển Việt Nam, Luật Cảnh sát biển Việt Nam... cũng như các hiệp định, hiệp ước về vùng biển, đảo mà Việt Nam là thành viên; âm mưu, thủ đoạn hoạt động trên biển của các thế lực thù địch… Qua đó, tạo sự thống nhất cả trong nhận thức và tổ chức thực hiện nhiệm vụ hợp tác quốc tế của cán bộ, chiến sĩ.

Hai là, xây dựng chiến lược Hợp tác quốc tế trên cơ sở thực hiện có hiệu quả các thỏa thuận hợp tác đã ký kết và kết hợp chặt chẽ nhiệm vụ hợp tác quốc tế với thực hiện các nhiệm vụ khác. 

Những năm qua, theo thỏa thuận hợp tác đã được ký kết, hoạt động hợp tác của Cảnh sát biển Việt Nam được triển khai trên nhiều kênh (song phương, đa phương), với nhiều nội dung phong phú, đem lại hiệu quả tích cực: giải quyết được nhiều vấn đề phức tạp trên biển; tạo môi trường ổn định để phát triển kinh tế biển, giảm thiểu về tai nạn, tội phạm trên biển… Thực tế cho thấy, để thực hiện hiệu quả các thỏa thuận hợp tác, Cảnh sát biển Việt Nam phải chủ động xây dựng chiến lược, chương trình, kế hoạch hợp tác bảo đảm được mục tiêu, yêu cầu nhiệm vụ, phù hợp điều kiện thực tế, nhất là đối tác; xác định rõ lộ trình và bước đi thích hợp để triển khai thực hiện theo hướng toàn diện, vận dụng linh hoạt nhiều hình thức, cả hợp tác song phương và đa phương, trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982; tôn trọng độc lập, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau. Trong hợp tác, chú trọng giữ vững nguyên tắc, tăng cường xây dựng niềm tin, đưa các quan hệ đã có phát triển cả bề rộng, chiều sâu; đồng thời, tích cực mở rộng quan hệ hợp tác mới. Theo đó, Cảnh sát biển Việt Nam đẩy mạnh hợp tác với lực lượng Công an, Bộ đội Biên phòng của Trung Quốc, Campuchia và Cảnh sát biển Philippines để thiết lập và thực hiện có hiệu quả đường dây nóng về an ninh trên biển; chủ động hợp tác với lực lượng chức năng của các nước ASEAN và Trung Quốc triển khai thực hiện Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Cảnh sát biển Việt Nam sẽ tăng cường hợp tác với lực lượng chức năng bảo vệ an ninh biển của Hàn Quốc, Nhật Bản và các nước khác trong khu vực và quốc tế, nhằm xây dựng Biển Đông hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển.

Ba là, triển khai nhiệm vụ hợp tác quốc tế của Cảnh sát biển.

Ngày 19/11/2018, Luật Cảnh sát biển Việt Nam đã được Kỳ họp thứ 6, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV thông qua; có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2019. Theo đó, nguyên tắc hợp tác quốc tế; nội dung hợp tác quốc tế và hình thức hợp tác quốc tế đã được Luật Cảnh sát biển Việt Nam quy định chi tiết và cụ thể. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để Cảnh sát biển mở rộng hợp tác quốc tế với các lực lượng chức năng các nước trong khu vực và trên thế giới trên các mặt, lĩnh vực của Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam.

Bốn là, mở rộng thẩm quyền, cơ chế hợp tác quốc tế của Lực lượng Cảnh sát biển và tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa các lực lượng thực thi pháp luật trên biển trong công tác hợp tác quốc tế.

Trong thời gian qua, hoạt động hợp tác quốc tế của Cảnh sát biển Việt Nam nằm trong khuôn khổ hợp tác quốc phòng, nên nhiều cơ chế, thẩm quyền của Cảnh sát biển Việt Nam chưa được tương xứng, chưa phù hợp, dẫn đến các hoạt động hợp tác quốc tế của Cảnh sát biển Việt Nam có nội dung, có lúc đang còn bị động, bó hẹp, hiệu quả chưa cao. Do đó, cần đề nghị Bộ Quốc phòng cho Cảnh sát biển một cơ chế thông thoáng hơn, thẩm quyền rộng hơn trong hợp tác quốc tế để giải quyết các vấn đề hợp tác quốc tế nhanh hơn, hiệu quả hơn.

Nhìn chung, tại các nước phát triển trên thế giới, hoạt động thực thi pháp luật trên biển thường do một lực lượng chủ trì nên vấn đề hợp tác quốc tế trong thực thi pháp luật trên biển thường do lực lượng đó làm nòng cốt. Thực tế Việt Nam, hiện nay có nhiều lực lượng thực thi pháp luật trên biển, trong khi đó, hoạt động hợp tác quốc tế chưa rõ cơ quan, lực lượng nào chủ trì. Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và thực tế hoạt động trên biển, Nhà nước cần giao cho một lực lượng là cơ quan chủ trì trong hợp tác quốc tế trong phòng, chống tội phạm trên tuyến biển để thống nhất quản lý và sử dụng nguồn lực có hiệu quả, đảm bảo hoạt động hợp tác quốc tế hiệu quả hơn.

Năm là, tăng cường các hoạt động tương trợ tư pháp giữa Lực lượng Cảnh sát biển với lực lượng thực thi pháp luật trên biển của các nước trong khu vực.

Qua việc xử lý vụ Zafirah và vụ Orkim Harmony nêu trên cho thấy có nhiều vướng mắc, khó khăn, bất cập về pháp luật, cơ chế. Do đó, các cơ quan liên quan cần phải nghiên cứu kỹ và tìm giải pháp lâu dài về ngoại giao, tương trợ tư pháp, đặc biệt là các nội dung như: chuyển giao, dẫn độ, phối hợp điều tra, xác minh… tội phạm trên biển.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp trên, Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam nhất định hoàn thành tốt nhiệm vụ Hợp tác quốc tế, góp phần giữ vững chủ quyền, an ninh trên biển, thực hiện thắng lợi đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước./.

Trung tá, ThS. NGUYỄN GIANG ĐÔNG
Phó trưởng phòng Hướng dẫn điều tra xử lý/Cục Nghiệp vụ và Pháp luật Cảnh sát biển

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục gửi về banbientapcsb@gmail.com