Xây dựng Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam xứng đáng là lực lượng nòng cốt, chuyên trách trong thực thi pháp luật trên biển

17/05/2018 03:22:00 PM

(Canhsatbien.vn) - 

Bảo vệ chủ quyền an ninh biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc là nhiệm vụ và trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, trong đó Cảnh sát biển Việt Nam là lực lượng nòng cốt, chuyên trách của nhà nước trong thực thi pháp luật trên các vùng biển, đảo của Tổ quốc. Để thực hiện chức năng quản lý nhà nước về an ninh, an toàn, trật tự và bảo đảm việc chấp hành pháp luật của Việt Nam cùng các điều ước quốc tế có liên quan trên các vùng biển, thềm lục địa của Việt Nam, đòi hỏi Lực lượng Cảnh sát biển phải có đầy đủ phẩm chất và năng lực chuyên môn, nhất là năng lực thực thi pháp luật.

Tuần tra, thực thi pháp luật trên biển.

Cảnh sát biển Việt Nam đã tổ chức trên hàng nghìn lượt tàu, xuồng làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, đã tiến hành kiểm tra trên 10 nghìn lượt tàu thuyền các loại; xử phạt vi phạm hành chính trên 5.687 lượt tàu thuyền… Phối hợp các lực lượng điều tra, bắt giữ và xử lý 170 vụ có dấu hiệu vi phạm; khởi tố 40 vụ án hình sự; bàn giao cho cơ quan có thẩm quyền xử lý hành chính 200 vụ; tịch thu nhiều tang vật. Phối hợp và trực tiếp điều tra, khám phá 941 chuyên án, vụ án, bắt giữ 1.768 đối tượng. Tham gia tìm kiếm, cứu nạn, bảo vệ, giúp đỡ nhân dân làm ăn sinh sống trên biển được xác định là một nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình, là mệnh lệnh của trái tim, là phẩm chất cao đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ - Người chiến sĩ Cảnh sát biển”. Tổ chức tuyên truyền về biển, đảo, đường lối chính sách của Đảng, pháp luật nhà nước; tuyên truyền về chức năng, nhiệm vụ của Lực lượng Cảnh sát biển cho nhân dân và các lực lượng hoạt động làm ăn trên biển. Thông qua hoạt động trên đã tác động tích cực đến nhận thức, tâm tư, tình cảm của của mỗi cấp, ngành và nhân dân đối với Lực lượng Cảnh sát biển, làm cho các tổ chức, cá nhân, nhất là bà con ngư dân yên tâm bám biển làm ăn sinh sống, góp phần xây dựng thế trận lòng dân, chiến tranh nhân dân trên biển.
Do đó, việc xây dựng Cảnh sát biển Việt Nam trở thành lực lượng chuyên trách, có hiệu quả trong thực thi pháp luật trên biển là yêu cầu tất yếu khách quan, là một trong những nội dung, giải pháp quan trọng, cần đặt ra những phương hướng sau:
Một là, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng lực lượng thực thi pháp luật của Cảnh sát biển Việt Nam
Hiện nay, lực lượng thực thi pháp luật trên biển được đào tạo ở nhiều loại hình khác nhau. Những năm gần đây, công tác đào tạo cán bộ Cảnh sát biển đã có những bước phát triển mới. Thực tiễn đó đã làm tăng thêm sự liên kết, gắn bó giữa nhà trường với đơn vị vì nếu kết quả đào tạo ở nhà trường hạn chế thì sẽ khó khăn cho đơn vị trong sử dụng và bồi dưỡng cán bộ, nhưng nếu đơn vị không chủ động bồi dưỡng thì chất lượng đội ngũ cán bộ cũng không nâng lên được. Do đó, nâng cao chất lượng toàn diện, trong đó có năng lực thực thi pháp luật cần đồng thời nâng cao chất lượng đào tạo ở nhà trường và chất lượng bồi dưỡng ở đơn vị. Trước sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại, việc đổi mới nội dung, chương trình đào tạo phải luôn quan tâm đến các nội dung, thông tin mới, bổ sung những tri thức mới về pháp luật phù hợp với nhu cầu thực tiễn vào nội dung dạy học.
Tiếp tục hoàn thiện các văn bản pháp quy có liên quan để thực hiện Pháp lệnh Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam. Mọi hoạt động của Lực lượng Cảnh sát biển đều phải tuân thủ đúng pháp luật, thực hiện chính sách, luật pháp sẽ tác động không nhỏ tới việc nâng cao năng lực thực thi pháp luật của Cảnh sát biển Việt Nam. Vì vậy, giáo dục về pháp luật, pháp lệnh liên quan cần được đẩy mạnh. Mục tiêu đề ra là tất cả cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển phải hiểu và nắm chắc pháp luật của Việt Nam và luật pháp quốc tế có liên quan. Những kiến thức mà họ có được sẽ tạo thành nền tảng nhận thức đúng đắn trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm vụ.
Cùng với tăng cường giáo dục pháp luật, pháp lệnh cần coi trọng tính nghiêm túc trong chấp hành và tuân thủ chính sách, pháp luật, có hình thức biểu dương những việc làm tích cực, xử lý nghiêm những hành vi trái pháp luật. Tiếp tục nghiên cứu đề nghị Đảng, Nhà nước bổ sung, sửa đổi hoàn thiện hệ thống chính sách, luật pháp, pháp lệnh liên quan đến Cảnh sát biển
Hai là, tăng cường đầu tư, bảo đảm vũ khí, trang bị, phương tiện kỹ thuật hiện đại cho Cảnh sát biển Việt Nam
Để lực lượng thực thi pháp luật trên biển thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, có năng lực chỉ huy và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao trong bất cứ tình huống nào, cần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác huấn luyện sẵn sàng chiến đấu. Cán bộ, chiến sĩ phải được chuẩn bị sẵn sàng về mọi mặt: chính trị, tinh thần, tâm lý, thể chất, trình độ kỹ chiến thuật, kỷ luật, vũ khí trang bị,… để không ngừng nâng cao trình độ, kịp thời đập tan mọi âm mưu và hành động xâm phạm độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc và duy trì thực thi pháp luật trên biển. Tăng cường vũ khí trang bị kỹ thuật hiện đại cho Cảnh sát biển phải theo quy luật và sự phát triển của khoa học nghệ thuật quân sự, an ninh; dự đoán đúng đối tượng tác chiến, âm mưu thủ đoạn, phương thức phá hoại của đối phương. Cảnh sát biển phải được khẩn trương hiện đại hóa về cơ sở vật chất kỹ thuật, trước hết là các trang bị, vũ khí, phương tiện tàu thuyền của các BTL Vùng để có thể hoạt động dài ngày, trong mọi điều kiện khí hậu, thời tiết trên các vùng biển, đảo của Tổ quốc.
Trang bị vũ khí, phương tiện là yếu tố cơ bản thể hiện sức mạnh của Lực lượng đồng thời cũng là để bắt kịp xu thế phát triển, phù hợp, tương thích với trang bị của các lực lượng phối hợp trong nước và hợp tác quốc tế. Quan tâm, đầu tư xây dựng theo hướng tiến thẳng lên hiện đại, trang bị thêm nhiều tàu thuyền và máy bay, nhất là các gam tàu có độ giãn nước lớn, hiện đại, có thể hoạt động dài ngày trong điều kiện thời tiết phức tạp, có khả năng hiệp đồng tác chiến cao. Tăng cường hệ thống chỉ huy điều hành và giám sát hiện đại, trang bị vũ khí sát thương và phi sát thương đủ mạnh để thực thi pháp luật trên biển. Hệ thống các phương tiện quan sát, thông tin liên lạc cũng cần được nâng cấp để phục vụ kịp thời công tác lãnh đạo, chỉ huy và tuần tra, kiểm soát, xử lý các tình huống đột xuất. Những phương tiện trinh sát, kỹ thuật nghiệp vụ, công cụ hỗ trợ cho việc thực thi pháp luật trên biển; thiết bị bảo đảm an toàn, cứu hộ, cứu nạn, phòng ngừa và khắc phục ô nhiễm môi trường biển… cần tiếp tục được chuẩn hóa. Đồng thời, cần tiếp tục quản lý, khai thác, sử dụng các trang bị, phương tiện hiện có một cách hiệu quả.
Ba là, quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, tiếp tục sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chế độ chính sách đối với Lực lượng
Chăm lo đời sống vật chất tinh thần cho lực lượng thực thi pháp luật Cảnh sát biển vừa thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, vừa tạo ra môi trường lành mạnh góp phần xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy, từ tiểu đội trưởng trở lên, từ Tổng Tư lệnh trở xuống phải săn sóc đời sống vật chất, tinh thần của đội viên, phải xem đội viên ăn uống như thế nào, phải hiểu nguyện vọng và thắc mắc của đội viên. Bộ đội chưa ăn cơm, cán bộ không được kêu mình đói. Bộ đội chưa đủ áo mặc, cán bộ không được kêu mình rét. Bộ đội chưa đủ chỗ ở, cán bộ không được kêu mình mệt, thế mới là dân chủ, là đoàn kết, là tất thắng. Chính vì vậy, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần là trực tiếp tạo động lực thúc đẩy lực lượng thực thi pháp luật Cảnh sát biển ra sức học tập, rèn luyện nâng cao trình độ giác ngộ chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, ý chí quyết tâm cống hiến sức lực và trí tuệ để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Do tính chất đặc thù về công tác của lực lượng thực thi pháp luật trên biển, các đơn vị cần đảm bảo tốt các chế độ, tiêu chuẩn, tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc nhắc nhở các bộ phận, đặc biệt chú ý đến bộ phận chuyên môn nghiệp vụ để lực lượng này phát huy vai trò trách nhiệm, tích cực sáng tạo làm nòng cốt thực hiện nhiệm vụ chăm lo tổ chức đảm bảo đời sống vật chất tinh thần cho bộ đội. Duy trì nghiêm chế độ khám và điều trị, chăm sóc sức khỏe và đảm bảo vệ sinh môi trường; kiểm tra đôn đốc bộ phận nuôi quân thực hiện tốt chế độ vệ sinh, an toàn thực phẩm, thường xuyên cải tiến món ăn, đảm bảo cho cán bộ, chiến sĩ ăn hết tiêu chuẩn.
Bốn là, phát huy cao nhất nỗ lực chủ quan của các chủ thể trong lực lượng thực thi pháp luật hiện nay
Để không ngừng nâng cao năng lực thực thi pháp luật, cùng với sự tác động của các lực lượng, các điều kiện bên ngoài, cần phải có sự nỗ lực cao trong việc tự rèn luyện, tự phấn đấu của chủ thể. Nâng cao năng lực nói chung, năng lực thực thi pháp luật nói riêng luôn gắn với chủ thể xác định, phụ thuộc trực tiếp vào trạng thái tâm sinh lý, động cơ, tình cảm, ý chí, kinh nghiệm, tri thức, trình độ và phương pháp nhận thức của chủ thể. Dù môi trường xã hội thuận lợi hay khó khăn thì vai trò của chủ thể vẫn đóng vai trò quyết định trực tiếp trong nâng cao năng lực thực thi pháp luật của Cảnh sát biển Việt Nam. Do vậy, nếu chủ thể không có động cơ đúng, ý chí lập trường vững vàng, không yêu ngành, mến nghề, thiếu tri thức thì không thể nâng cao năng lực thực thi pháp luật. Nhận thức đúng đắn vị trí, vai trò của cán bộ, chiến sĩ và sự cần thiết nâng cao năng lực thực thi pháp luật, sẽ tạo cho lực lượng thực thi pháp luật của Cảnh sát biển ý thức, trách nhiệm cao và khả năng huy động cao nhất những phẩm chất tâm lý, ý chí, quyết tâm vươn lên trong thực hiện nhiệm vụ. Vì vậy, cần sử dụng nhiều hình thức, biện pháp giáo dục giúp lực lượng thực thi pháp luật nhận thức đúng đắn đặc điểm, yêu cầu, làm cho họ thấy rõ tầm quan trọng của nhiệm vụ từ đó không ngừng phấn đấu vươn lên. Trên cơ sở đó, xây dựng cho họ có thái độ đúng đắn đối với việc nâng cao năng lực thực thi pháp luật, coi việc nâng cao năng lực thực thi pháp luật là trách nhiệm của mỗi người, khắc phục tư tưởng trông chờ, ỷ lại.
Kiến thức tiếp thu được trong quá trình đào tạo ở trường, lớp chỉ là những kiến thức rất cơ bản ban đầu, là nền tảng, cơ sở để nghiên cứu vận dụng giải quyết những nhiệm vụ thực tiễn. Song thực tiễn luôn luôn vận động phát triển, vì thế tự học, tự rèn là cách tốt nhất để chủ thể không ngừng bổ sung, củng cố và phát triển nâng cao trình độ tri thức, năng lực thực thi pháp luật của mình. Ngày nay, trước sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ hiện đại, nếu không tự học tập, tự rèn luyện, cán bộ, chiến sĩ sẽ tụt hậu so với sự phát triển, năng lực sẽ bị giảm sút theo thời gian. Tự học tập, tự rèn nâng cao trình độ đòi hỏi vừa phải củng cố kiến thức cơ bản, cập nhật kiến thức hiện đại, vừa mở rộng kiến thức đa ngành, vừa đi sâu kiến thức chuyên ngành. Do vậy, dù đã được đào tạo cơ bản nhưng lực lượng thực thi pháp luật cần tiếp tục nghiên cứu những nguyên lý, lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực nghiên cứu nắm vững chức trách, nhiệm vụ, điều lệnh, điều lệ, pháp lệnh hiện hành. Tự học tập, tự rèn của lực lượng thực thi pháp luật phải đặc biệt coi trọng tiếp thu những kinh nghiệm trong hoạt động lãnh đạo, chỉ huy, giải quyết các vấn đề mới nảy sinh.
Tóm lại: Các nội dung, biện pháp trên đây là một thể thống nhất, gắn bó chặt chẽ với nhau, đòi hỏi sự quan tâm của cả hệ thống chính trị, trực tiếp là của cấp ủy đảng, lãnh đạo, chỉ huy cơ quan, đơn vị quản lý lực lượng thực hiện nhiệm vụ chấp pháp trên biển. Có như vậy, mới đảm bảo phát huy được vai trò của lực lượng thực thi pháp luật với bề dày truyền thống 20 năm đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, xứng đáng với truyền thống “Kiên quyết, dũng cảm, khắc phục khó khăn, đoàn kết hiệp đồng, giữ nghiêm pháp luật” trong hoạt động chấp pháp bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc hiện nay./.

Thượng tá Nguyễn Đức Độ - Chính trị viên Trung tâm Huấn luyện Cảnh sát biển

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục gửi về banbientapcsb@gmail.com