23/11/2017 08:34:00 AM
(Canhsatbien.vn) -
Hiện nay, suy thoái môi trường trở thành vấn đề toàn cầu, đe dọa an toàn, an ninh quốc gia và sự sống còn của nhân loại. Bảo đảm an ninh môi trường phục vụ mục tiêu phát triển bền vững trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.
Đoàn viên thanh niên Cảnh sát biển tham gia dọn rác bờ biển.
Vấn đề “An ninh” nhìn chung vẫn được hiểu là an ninh quốc gia, bao gồm an ninh đối với chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ và an ninh của nhà nước và nhân dân. Cùng với thời gian, một số khái niệm về an ninh đã được thảo luận và phổ biến như: An ninh tập thể, an ninh chung, an ninh toàn diện, an ninh hợp tác và đặc biệt trong những năm gần đây, người ta đã chú trọng nhiều hơn tới việc mở rộng khái niệm truyền thống về an ninh sang những lĩnh vực được gọi là các nguy cơ mới như cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên, hiện tượng biến đổi khí hậu, ô nhiễm nguồn nước, mất đa dạng sinh học và nguy cơ xuống cấp môi trường do nhiễm độc… Chính vì vậy, mối quan hệ giữa an ninh và môi trường là kết quả của các cách hiểu khác nhau về khái niệm môi trường và an ninh. Hiện nay đang tồn tại một số định nghĩa về an ninh môi trường .
An ninh môi trường có thể được hiểu là đảm bảo các dịch vụ bền vững của hệ sinh thái bao gồm việc quản lý và thi hành các thỏa ước môi trường quốc tế; việc thu thập thông tin, phân tích, xử lý về khủng hoảng môi trường và các thiên tai; thực hiện các chương trình phát triển môi trường bền vững; đảm bảo tiếp cận được các nguồn tài nguyên thiên nhiên; chuyển hướng theo công nghệ sạch; bảo vệ các nguồn tài nguyên thiên nhiên, cảnh quan thiên nhiên.
An ninh môi trường là vấn đề xuống cấp hay suy kiệt của môi trường do các hoạt động quân sự hoặc các xung đột vũ trang.
An ninh môi trường là vấn đề môi trường xuống cấp và tài nguyên cạn kiệt đe dọa phúc lợi quốc gia (cho cả an ninh quốc gia) và cần có sự can thiệp của các tổ chức có chủ quyền nhằm làm dịu bớt những tổn thất cho môi trường.
An ninh môi trường là khả năng môi trường đáp ứng các chức năng cơ bản của con người một cách bền vững: cung cấp nơi ở an toàn, cung cấp bền vững năng lượng và nguyên liệu, khả năng chấp nhận và làm sạch chất thải, cung cấp bền vững thông tin khoa học và cung cấp tiện nghi môi trường. Môi trường mất an ninh dẫn đến nghèo đói, mất ổn định xã hội, thậm chí dẫn đến xung đột.
Cho dù các định nghĩa trên còn có chỗ khác nhau nhưng nhìn chung các quan niệm về “an ninh môi trường” đều cho rằng môi trường xuống cấp cần phải được coi là cội nguồn của an ninh quốc gia và quốc tế, đúng như Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã nhận định (1992): “Sự khan hiếm các tài nguyên thiên nhiên, suy thoái và ô nhiễm môi trường và những hiểm họa môi trường có thể gây suy yếu nền kinh tế, gia tăng đói nghèo, gia tăng bất ổn chính trị, thậm chí trở thành ngòi nổ cho các cuộc xung đột và chiến tranh”. Liên Hợp Quốc đã định nghĩa chung về an ninh môi trường như sau: “An ninh môi trường là trạng thái mà một hệ thống môi trường có khả năng đảm bảo điều kiện sống an toàn cho con người trong hệ thống đó”. Có lẽ định nghĩa này là đầy đủ và ngắn gọn hơn cả về an ninh môi trường.
Đối với Việt Nam, tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI diễn ra vào tháng 01/2011, Bộ trưởng Bộ TN&MT đã đưa ra 6 giải pháp nhằm giải quyết nhiệm vụ bảo vệ môi trường thời gian tới. Trong đó giải pháp thứ 4 được nêu ra là giải pháp về an ninh môi trường: “Ở tầm chiến lược, chúng ta cần nhận thức rõ vấn đề an ninh môi trường của nước ta trước những đe dọa nghiêm trọng bởi các yếu tố như: biến đổi khí hậu, sự chênh lệch trong phát triển giữa các vùng, những mâu thuẫn phát sinh trong sử dụng tài nguyên thiên nhiên cũng như vấn đề ô nhiễm xuyên biên giới và sự xâm hại của sinh vật ngoại lai. Ngoài ra, nguồn nước của các dòng sông lớn bị khống chế từ nước ngoài, mức độ ô nhiễm các dòng sông tăng nhanh… đều tác động đến an ninh nguồn nước và hậu quả chưa thể lường hết được. Vì vậy, an ninh môi trường nếu không được xử lý thỏa đáng sẽ gây tác động xấu đến mọi mặt kinh tế - xã hội của đất nước”.
Về mặt pháp luật, Việt Nam đã có Luật An ninh quốc gia 2004 quy định tổng quát về chính sách an ninh quốc gia, các nguyên tắc, nhiệm vụ, biện pháp bảo vệ an ninh quốc gia, quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, công dân trong bảo vệ an ninh quốc gia; và không nêu cụ thể an ninh quốc gia bao gồm an ninh môi trường. Mặt khác, Luật An ninh quốc gia cũng quy định nguyên tắc quan trọng trong hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia là “Tuân thủ Hiến pháp, pháp luật, bảo đảm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức cá nhân”, trong đó có quyền hiến định về môi trường tại (Điều 43): “Mọi người đều có quyền sống trong môi trường trong lành và có nghĩa vụ bảo vệ môi trường”. “Quyền môi trường” có mối liên hệ mật thiết với các quyền con người cơ bản khác, nghĩa là không thể được thực hiện nếu tách rời khỏi các quyền con người cơ bản khác, bao gồm quyền sống (Điều 19), quyền tiếp cận thông tin (Điều 25), quyền về sức khỏe (Điều 20, 38), quyền an sinh xã hội (Điều 34). Luật Bảo vệ môi trường 2014 đã có quy định về an ninh môi trường; trong đó “An ninh môi trường là việc đảm bảo không có tác động lớn của môi trường đến sự ổn định chính trị xã hội và phát triển kinh tế quốc gia”. So với quy định chung của Liên Hợp Quốc thì quy định pháp luật về an ninh môi trường của Việt Nam tập trung hơn vào việc bảo vệ an ninh quốc gia. Ngoài ra, Việt Nam cũng đã có các thỏa thuận với cộng đồng quốc tế, đặc biệt là ASEAN và một số đối tác của ASEAN về các vấn đề an ninh phi truyền thống, trong đó có an ninh môi trường.
Mặc dù hệ thống các văn bản pháp luật về bảo vệ môi trường luôn được rà soát, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình mới. Hành lang pháp lý cho công tác bảo vệ môi trường trong quản lý vùng, lĩnh vực liên ngành và tại địa phương được chú trọng. Hệ thống các cơ quan quản lý nhà nước về môi trường được thành lập từ Trung ương đến địa phương. Nhưng trước sức ép của tốc độ gia tăng dân số ngày càng nhanh, nhu cầu phát triển kinh tế ngày càng cao trong bối cảnh các nguồn tài nguyên đất liền ngày càng cạn kiệt càng đẩy mạnh khuynh hướng tiến ra biển, khai thác biển, làm giàu từ biển. Vì vậy, sự suy thoái và ô nhiễm môi trường biển và hải đảo đã, đang và sẽ trở thành những vấn đề cấp bách, gây ảnh hưởng xấu đến cộng đồng, tác động nhiều mặt đến kinh tế-xã hội.
Hiện nay, vấn đề khai thác và bảo vệ môi trường biển và hải đảo lại chủ yếu đang được quản lý theo ngành, lĩnh vực nên việc khai thác, sử dụng chưa dựa trên việc phân tích các chức năng của mỗi vùng biển một cách tổng thể; còn thiếu sự gắn kết, hài hòa lợi ích giữa các bên liên quan trong khai thác, sử dụng tài nguyên trên cùng một vùng biển. Mặt khác, các hoạt động trên biển có mối liên hệ, tác động nhất định đến nhau, cùng với tính chất liên thông của biển thì trong một số trường hợp, quản lý theo ngành, lĩnh vực với đặc điểm luôn tối đa hóa lợi ích của ngành, lĩnh vực mình mà không xem xét vấn đề khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên, môi trường biển và hải đảo một cách tổng thể đã làm hạn chế sự phát triển chung, làm suy thoái nhiều loại tài nguyên, nhất là tài nguyên tái tạo; tình trạng ô nhiễm môi trường biển và hải đảo có chiều hướng gia tăng; nhiều hệ sinh thái biển và hải đảo quan trọng đã bị tổn thương nghiêm trọng, dẫn tới sự nghèo nàn của nguồn lợi thủy sản.
Thực tế, trong thời gian gần đây đã xuất hiện các vấn đề an ninh môi trường lớn như: hạn hán nghiêm trọng ở vùng đồng bằng sông Cửu Long; dấu hiệu xâm nhập mặn đối với đồng bằng sông Cửu Long do thiếu nước và bị động trước sự xây dựng và vận hành của các nhà máy thủy điện khổng lồ ở thượng nguồn; vụ việc phát tán bụi gây ô nhiễm xung quanh khu vực cụm nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân; điển hình cho cấp độ này là hoạt động xả thải trái phép, trên quy mô lớn của công ty Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh, đã gây sự cố môi trường biển đặc biệt nghiêm trọng cho 4 tỉnh miền Trung vào tháng 4/2016. Do vậy, trong công tác phòng, chống, đấu tranh với các vi phạm, tội phạm còn một số khó khăn,vướng mắc, đó là:
Công tác trao đổi thông tin, phối hợp tuần tra kiểm soát phòng chống tội phạm, vi phạm trên biển nói chung và lĩnh vực bảo vệ tài nguyên và môi trường nói riêng giữa Lực lượng Cảnh sát biển và các lực lượng liên quan còn chưa thường xuyên. Công tác quản lý nhà nước liên quan đến bảo vệ tài nguyên, môi trường biển và hải đảo đã bộc lộ những bất cập, chồng chéo, thiếu cơ chế điều phối, phối hợp và quản lý liên ngành nên hiệu quả còn hạn chế, chưa phát huy được sức mạnh tổng hợp.
Mặt khác, công tác bảo vệ tài nguyên và môi trường biển có tính liên vùng, liên quốc gia, trong khi đó Việt Nam là thành viên của nhiều công ước quốc tế quan trọng liên quan đến vấn đề bảo vệ môi trường biển (Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982; MARPOL 73/78…), việc nội luật hóa các công ước quốc tế về bảo vệ môi trường biển mà Việt Nam là thành viên vẫn còn hạn chế nên rất khó khăn trong xử lý những vi phạm nhạy cảm, có yếu tố nước ngoài.
Mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực tài nguyên môi trường biển trong các văn bản chuyên ngành còn thấp, chưa đủ sức răn đe, ngăn chặn vi phạm.
Về trang bị, phương tiện: đến nay Lực lượng Cảnh sát biển đã được trang bị số lượng lớn các loại tàu thuyền để thực hiện nhiệm vụ. Ngoài các tàu cao tốc làm nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát còn được trang bị tàu tuần tra xa bờ, tàu cứu hộ, cứu nạn chuyên dụng, máy bay tuần thám…Tuy nhiên, diện tích các vùng biển gấp 3 lần diện tích đất liền, trang bị trên so với yêu cầu nhiệm vụ là chưa đáp ứng, đặc biệt trong việc ứng phó với sự cố môi trường biển cũng như phát hiện và xử lý kịp thời các vụ vi phạm về bảo vệ tài nguyên và môi trường trên biển.
Đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực môi trường biển như: nhận chìm chất thải; xả dầu cặn, rửa két, nước la canh có lẫn dầu; đổ rác, nước có chứa các chất độc hại trong khu vực cấm, thông thường đối tượng thường lợi dụng đêm tối, khi không có tàu thuyền qua lại, chạy ra ngoài biển xa để đổ thải. Vì vậy việc phát hiện dấu hiệu vi phạm, thu thập các chứng cứ để chứng minh đầy đủ, có cơ sở pháp lý để buộc tội đối tượng phải thừa nhận hành vi vi phạm của mình đang là vấn đề nan giải…
Đối với Lực lượng Cảnh sát biển là lực lượng chuyên trách của Nhà nước thực hiện chức năng quản lý về an ninh, trật tự an toàn và bảo đảm việc chấp hành pháp luật trên các vùng biển và thềm lục địa của Việt Nam, trong đó nhiệm vụ phòng, chống ô nhiễm môi trường biển, tổ chức ứng phó sự cố môi trường và khắc phục ô nhiễm môi trường là một trong các nhiệm vụ đặc thù quan trọng. Với mục đích bảo vệ môi trường là để phát triển bền vững, những năm qua, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên biển, Lực lượng Cảnh sát biển luôn chú trọng đến việc duy trì, thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường của các đối tượng hoạt động trên biển. Đặc biệt là các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước có hành vi vi phạm gây ô nhiễm môi trường biển như xả nước la canh, nước dằn tàu có lẫn dầu, rác thải xuống biển; vận chuyển trái phép các chất độc hại, nhập khẩu chất thải..., các đối tượng khai thác thủy, hải sản bằng chất nổ, xung điện và hóa chất. Tất cả các hành vi vi phạm trên khi bị phát hiện đều bị xử phạt nghiêm minh theo quy định của pháp luật. Trong những năm qua thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, Lực lượng Cảnh sát biển đã tiến hành xua đuổi hàng nghìn lượt chiếc tàu, thuyền nước ngoài có hành vi vi phạm; trực tiếp kiểm tra, bắt giữ, xử lý theo qui định của pháp luật những tàu, thuyền xâm phạm sâu vào vùng biển của ta và xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm của tổ chức, cá nhân có hành vi đánh bắt thủy hải sản trái phép, buôn bán vận chuyển bất hợp pháp tài nguyên hoặc các hành vi khác có tính chất xâm hại chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia, xâm hại trật tự pháp luật của Việt Nam.
Với chính sách mở cửa để hội nhập kinh tế quốc tế thì các hoạt động lưu thông hàng hóa, buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển hàng hóa trái phép và vận chuyển chất thải vào Việt Nam bằng đường biển sẽ diễn ra hết sức phức tạp. Các loại tội phạm trên biển có chiều hướng gia tăng, thủ đoạn hoạt động phạm tội cũng ngày càng tinh vi, xảo quyệt nhằm gây khó khăn cho các lực lượng chức năng làm nhiệm vụ thực thi pháp luật trên biển. Để nâng cao năng lực, hiệu quả công tác bảo vệ tài nguyên, môi trường biển đảo trong thời gian tới cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau:
Một là, cần sớm hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ tài nguyên môi trường biển theo hướng quản lý tổng hợp, khắc phục những bất cập như đã nêu, bổ sung các quy phạm mới để nâng cao hiệu lực quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, đảo, điều chỉnh các quan hệ xã hội trong lĩnh vực bảo vệ an ninh môi trường biển, đảo chưa được điều chỉnh hoặc mới phát sinh.
Hai là, đẩy mạnh công tác giáo dục, tuyên truyền, phổ biến sâu rộng về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp trong lĩnh vực bảo vệ tài nguyên, môi trường biển, đảo. Trong đó cần phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành, các cơ quan và chính quyền các địa phương có biển, phổ biến và tuyên truyền sâu rộng cho mọi đối tượng những qui định của pháp luật về bảo vệ môi trường để họ nhận thức đúng và chấp hành đúng cũng như kịp thời phát hiện các vụ việc liên quan để thông báo cho cơ quan chức năng khắc phục, giải quyết.
Ba là, xây dựng Lực lượng Cảnh sát biển thành một lực lượng chuyên trách đủ mạnh về số lượng và chất lượng đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước trên biển. Đầu tư về cơ sở vật chất kỹ thuật, phương tiện thiết bị nghiệp vụ hiện đại đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác bảo vệ môi trường biển. Trong đó, cần tập trung vào đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, nghiệp vụ điều tra, thu thập thông tin, kiến thức cơ bản về các vụ việc, hành vi vi phạm trong lĩnh vực môi trường, năng lực kiểm soát, phát hiện hành vi gây ô nhiễm môi trường biển.
Bốn là, tăng cường mật độ tuần tra, kiểm soát, giám sát của các lực lượng chức năng trên các vùng biển, khu vực cảng biển… tập trung vào những vùng biển có nhiều khả năng xảy ra các hoạt động vận chuyển, buôn bán trái phép khoáng sản, những vùng biển có mật độ lớn tàu thuyền vận chuyển hàng hóa; những luồng, tuyến hàng hải mà lượng tàu bè giao thương lớn giữa Việt Nam với các nước.
Năm là, tăng cường công tác trao đổi thông tin, phối hợp giữa các Bộ, ngành và chính quyền địa phương ven biển trong công tác ứng phó sự cố môi trường, công tác kiểm tra, kiểm soát các hoạt động kinh tế; xử lý kiên quyết, nghiêm minh các hành vi vi phạm trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường theo pháp luật của Việt Nam và các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên.
Sáu là, tăng cường quan hệ hợp tác quốc tế nhằm trao đổi, cung cấp thông tin liên quan đến quản lý lĩnh vực bảo vệ môi trường, vận chuyển chất thải xuyên biên giới, đặc biệt đối với những nước là thành viên của Công ước Basel, thiết lập các kênh thông tin với các nước để kịp thời giải quyết vụ việc trong khuôn khổ quan hệ hợp tác và học tập trao đổi kinh nghiệm, nâng cao trình độ năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý, thực thi pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường biển./.
Thiếu tá, ThS. Lê Anh Tuấn - Trợ lý BVMT- Phòng CHCN&BVMT biển/Bộ Tham mưu Cảnh sát biển