20/03/2018 04:10:00 PM
(Canhsatbien.vn) -
Ngày 19/3, tại Hà Nội, Quỹ Hỗ trợ Nghiên cứu Biển Đông (FESS) đã tổ chức Lễ trao giải thưởng Nghiên cứu Biển Đông năm 2017.
Hội đồng quản lý Quỹ chụp ảnh với các tập thể, cá nhân đạt giải.
Tham dự Lễ trao giải có Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ Hỗ trợ Nghiên cứu Biển Đông- PGS.TS. Đặng Đình Quý, các thành viên trong Ban Sáng lập Quỹ, Hội đồng Quản lý Quỹ, Hội đồng giám khảo, các tác giả có bài viết đạt giải thưởng cùng nhiều khách mời và phóng viên nhà báo thuộc nhiều cơ quan thông tấn trong nước.
Phát biểu tại buổi lễ, Giám đốc Quỹ, TS. Trần Trường Thuỷ cho biết đây là lần thứ 7 Quỹ FESS phát động phong trào nghiên cứu về Biển Đông. Trong đợt phát động năm 2017, các tác phẩm tham dự thể hiện nội dung và hình thức đa dạng, bao gồm: chính trị, kinh tế, lịch sử, giáo dục, quan hệ quốc tế, luật pháp quốc tế, thông tin truyền thông. Các tác giả tham gia phần lớn là các nhà nghiên cứu trẻ đang công tác, học tập tại nhiều tổ chức, viện nghiên cứu, trường đại học và các phóng viên trẻ của nhiều cơ quan báo chí từ mọi miền Tổ quốc và từ nước ngoài như Mỹ, Úc, Đức.
Nhận xét về các bài tham dự Giải thưởng, Thiếu tướng, PGS.TS. Lê Văn Cương, Chủ tịch Hội đồng Giám khảo cho biết trong năm 2017, cuộc thi nhận được 57 tác phẩm ở hai thể loại nghiên cứu và báo chí của 65 tác giả (trong đó có 29 tác phẩm nghiên cứu và 28 tác phẩm báo chí), nhiều tác phẩm được viết bằng ngôn ngữ tiếng Anh. So với các năm trước, nhiều tác phẩm nghiên cứu tham gia có chất lượng vượt trội, chứa đựng hàm lượng khoa học cao, phản ánh đa chiều, cập nhật tính thời sự như phán quyết của Toà Trọng tài và việc tôn tạo đảo của Trung Quốc tại Biển Đông. Các tác phẩm báo chí đa dạng thể loại, bao gồm báo hình, báo viết, báo nói, báo mạng, trong đó một số tác giả trẻ tham dự với chuỗi các phóng sự bình luận dài kỳ về Biển Đông. Thông qua các tác phẩm dự thi, Thiếu tướng Lê Văn Cương đánh giá các tác giả thể hiện lòng nhiệt huyết và đam mê trong nghiên cứu về Biển Đông và khẳng định Biển Đông vẫn là chủ đề lôi cuốn đối với tầng lớp nhân dân, trong đó có giới trẻ, một phần là nhờ vai trò quan trọng của Quỹ FESS trong công tác tuyên truyền về chủ quyền biển đảo.
Qua hai vòng chấm viết và chấm thuyết trình, Hội đồng Giám khảo Quỹ đã chọn ra 01 Công trình nghiên cứu, 11 Bài viết nghiên cứu (trong đó có 3 bài viết nghiên cứu đặc biệt xuất sắc và 8 bài nghiên cứu xuất sắc) và 05 tác phẩm báo chí về Biển Đông để trao giải. Giá trị giải thưởng Công trình nghiên cứu xuất sắc là 50 triệu đồng, Giải Bài nghiên cứu Đặc biệt xuất sắc là 20 triệu, Giải Bài nghiên cứu xuất sắc là 15 triệu, Giải Báo chí xuất sắc là 20 triệu. Giải Công trình nghiên cứu Biển Đông năm 2017 thuộc về công trình “Chính sách biển của Việt Nam trong tiến trình hội nhập quốc tế” của tác giả Nguyễn Thanh Minh (Hà Nội). Ba Giải Nghiên cứu đặc biệt xuất sắc về Biển Đông thuộc về các bài dự thi là: Tác phẩm tiếng Anh “Quyền lịch sử và danh nghĩa lịch sử: Tính tương thích của Phán quyết Toà Trọng tài Vụ kiện Philippines-Trung Quốc và luật biển quốc tế”, luận văn của thạc sỹ của tác giả Trần Thị Phương Thảo từ Đại học George Washington, Mỹ; “Ảnh hưởng của mạng xã hội và kênh thông tin chính thống đến nhận thức và hành động của sinh viên trên địa bàn Hà Nội về vấn đề chủ quyền biển đảo” của Nhóm tác giả Nông Thị Hồng, Nguyễn Thị Thuỳ Linh, Lê Thị Hương Quỳnh, Lê Kim Tiến, Đinh Thị Trang từ Học viện Ngoại giao; “Vấn đề đảo nhân tạo trong quan hệ quốc tế: Trường hợp Trung Quốc tại Biển Đông” của Nhóm tác giả Nguyễn Đức Hải, Lê Ngọc Khánh Ngân và Chu Minh Phương từ Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, TP. Hồ Chí Minh;
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ - PGS.TS Đặng Đình Quý đánh giá cao sự nhiệt tình, quan tâm, nỗ lực của các tác giả, đặc biệt là sự tham gia của các bạn trẻ thế hệ tuổi 9x trong cuộc thi lần này. Thứ trưởng hi vọng sau cuộc thi lần này, các tác giả tiếp tục theo đuổi nghiên cứu về Biển Đông và “tăng cường kết nối để nuôi dưỡng ngọn lửa nhiệt huyết đam mê” về nghiên cứu bảo vệ chủ quyền và quyền chủ quyền biển đảo. Trong tương lai, Quỹ FESS cần lan toả hơn nữa để có thêm nhiều nghiên cứu có chất lượng hơn, phục vụ tốt cho công tác giáo dục, tuyên truyền, xây dựng chính sách và xây dựng đồng thuận.
Thay mặt các tác giả đoạt giải, Thạc sỹ Trần Thị Phương Thảo (Trường Đại học George Washington, Mỹ) chia sẻ: Giải thưởng là động lực nghiên cứu khoa học để góp phần vào công cuộc bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương.
Cuối buổi lễ, TS.Trần Trường Thuỷ tuyên bố phát động Giải thưởng Nghiên cứu Biển Đông trong năm 2018 với cơ cấu giải thưởng như sau:
- 03 Giải “Công trình Nghiên cứu Biển Đông xuất sắc năm 2018” dành cho các học giả, nhà nghiên cứu về Biển Đông trong và ngoài nước, trị giá 50 triệu VNĐ/giải.
- 13 Giải “Bài nghiên cứu về Biển Đông năm 2018” dành cho nghiên cứu sinh, sinh viên, học viên đang học tập trong các trường đại học, cao đẳng, viện nghiên cứu trong và ngoài nước có bài nghiên cứu về Biển Đông, trong đó có 10 Giải xuất sắc có giá trị 15 triệu VNĐ/giải và 03 Giải đặc biệt xuất sắc có giá trị 20 triệu VNĐ/giải.
- 05 Giải “Báo chí xuất sắc về Biển Đông năm 2018” dành cho các phóng viên, nhà báo, nhà bình luận có bài báo về Biển Đông đăng trên các báo, tạp chí, có giá trị 20 triệu VNĐ/giải.
Mạnh Hùng